"Làng thận" và những đường dây buôn lậu nội tạng
05:36' 12/02/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Vào năm 2002, tại Mỹ đã có 24.9000 ca cấy ghép nội tạng. Tuy nhiên, cứ mỗi một người may mắn được nhận cơ quan nội tạng thì lại có 2 người khác được bổ sung vào danh sách chờ đợi dài dằng dặc mà hiện đã lên tới hơn 80.000 - chỉ tính riêng tại Mỹ. Khi sự tuyệt vọng tăng lên, hoạt động buôn bán bất hợp pháp cơ quan nội tạng người đã xuất hiện, với cả các mạng lưới buôn lậu xuyên quốc gia và châu lục.

Theo phát ngôn viên Anne Paschke thuộc Mạng lưới chia sẻ các cơ quan nội tạng (UNOS) của Mỹ, cứ mỗi 14 phút là danh sách người cần cấy ghép nội tạng lại tăng thêm 1. Chỉ tính trong năm 2002, trên 6.000 người Mỹ tử vọng trong khi chờ đợi.

Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có luật cấm buôn bán cơ quan nội tạng, chẳng hạn như luật pháp Mỹ cấm mọi ''sự đền đáp có giá trị lớn'' phát sinh từ hành động hiến nội tạng.

Tuy nhiên, với nhu cầu ngày càng tăng cao, nhiều người môi giới đã tìm cách kiếm lời bằng cách thuyết phục người còn sống, túng thiếu chịu bán các cơ quan ''còn dư'' của họ,  như thận chẳng hạn.

"Làng thận": 800 USD một quả thận "còn dư"

Vào tháng 12/2003, cảnh sát tại Nam Phi và Brazil đã phá một đường dây quốc tế buôn lậu thận người. Đường dây này cũng liên quan tới người ở Israel và có thể còn lớn hơn nữa. Theo cảnh sát Brazil, hàng chục người bán từ các vùng nghèo đói của nước này đã được đưa bằng máy bay tới Nam Phi - nơi các ca phẫu thuật cắt và ghép thận được tiến hành cho người mua, bao gồm cả một số người ở Israel. Người nhận thận có lẽ đã trả tới 100.000 USD trong khi người cho chỉ nhận được một phần rất nhỏ của số tiền đó (6.000-10.000USD). Đối với những người lâm vào cảnh khó khăn, đó lại là một số tiền lớn. Trong vụ này, Agania Robel, 42 tuổi người Israel, bị kết án tù treo 5 năm hoặc một khoản tiền phạt 5.000 rubi. Ông ta đã trả tiền phạt và rời Nam Phi.

Ghép gan.

Gần đây nhất, vào hôm mùng 6/2/2004, một bác sĩ 71 tuổi và một phụ nữ 29 tuổi ở Durban, Nam Phi, đã bị bắt giữ do tham gia vào hoạt động buôn bán quốc tế mô người. Người phụ nữ trên là người điều phối các ca cấy ghép cơ quan tại Bệnh viện St. Augustien của thành phố, còn vị bác sĩ làm việc bán thời gian cho bệnh viện trên. Hai người này sẽ được xét xử vào thứ sáu tới. Được biết Nam Phi là điểm đến cực lớn đối với các bộ phận của cơ thể người. Mặc dù đã có 2 băng nhóm như nêu trên bị triệt phá, song đó không phải là những đường dây duy nhất tồn tại.

Phóng viên Lisa Ling thuộc tạp chí National Geographic (Mỹ) gần đây đã tới Ấn Độ để điều tra hoạt động buôn bán tràn lan các cơ quan nội tạng. Lisa đã tới một vùng nghèo đói mà người dân địa phương thường gọi là ''làng thận'' bởi nhiều cư dân phải bán một quả thận của họ một cách bất hợp pháp. Hoạt động này diễn ra bí mật song trên quy mô lớn (!). Do vậy, tìm thấy nhiều người bán thận chẳng có gì là quá khó đối với nhóm điều tra. Ling cho biết: ''Họ được trả 800 USD cho một quả thận. Đối với họ, số tiền này bằng tiền lương cả năm. Đây là một số tiền lớn song khi tiêu hết, họ không thể bán thêm cơ quan nào''. Phần lớn số tiền rơi vào túi của những kẻ môi giới.

Từ tháng 6/2003 tới tháng 1/2004, khi triệt phá đường dây dụ dỗ người nghèo cho thận với giá 50.000-75.000 rupi, cảnh sát Ấn Độ đã bắt giữ 6 đối tượng ở Mumbai. Trong đó, có một bác sĩ. Bọn môi giới thu lợi 100.000-150.000 rupi mỗi ca và làm giả cả giấy tờ liên quan tới cấy ghép các cơ quan. Taipa, một đối tượng trong đường dây này, in các giấy khai sinh giả, bằng lái xe, thẻ bảo hiểm, thẻ khẩu phần và các chứng từ cần thiết khác. Sau khi in xong, hắn chuyển giấy tờ cho Ansari. Ansari đệ trình giấy tờ lên Uỷ ban Cấp phép Cấy ghép Thận tại Bệnh viện GT. Tapia đã làm công việc này trong 7-8 năm qua. Theo TS Anand, chủ tịch Uỷ ban Quyền con người quốc gia Ấn Độ, có nhiều bản báo cáo về tình trạng buôn bán cơ quan nội trong liên quan tới một số bác sĩ, giám đốc các trung tâm chữa bệnh, môi giới và những đối tượng khác. Hoạt động này phổ biến ở Tamil Nadu, Andhra Pradesh và một số bang khác.

Du-lịch-cấy-ghép

Do mất một quả thận, người bán có nguy cơ mắc một số vấn đề mà có thể ảnh hưởng tới quả thận còn lại của họ. Ngoài ra, hoạt động lấy thận cũng có thể gây nguy hiểm và thậm chí là chết người, đặc biệt là khi nó được thực thiện bí mật và trong các cơ sở bất hợp pháp. Lisa nói: ''Chúng tôi không gặp bất kỳ ai bị ốm do bán thận. Họ vẫn sống bình thường và không hối tiếc về hành động của mình''.

Những hoạt động như vậy tại các nước đang phát triển đã khai sinh ra kiểu ''du-lịch-cấy-ghép'': bệnh nhân từ các nước giàu hơn, nơi không có hoạt động buôn bán chợ đen các cơ quan nội tạng, tới các vùng khác trên thế giới để mua nội tạng từ người còn sống hoặc đã chết và cấy ghép ngay tại đó. Hoạt động này được tiến hành thông qua ''công ty lữ hành'' - người môi giới hoặc buôn bán.

Thanh Nguyên, một Việt kiều 46 tuổi tại Canada, thấy 3 bệnh nhân nằm trong danh sách cần ghép thận với bà tại Bệnh viện Thẩm tách ở Toronto đã tử vong trước khi tìm được người tình nguyện hiến thận. Vì vậy, bà lo sợ sẽ không thể sống sót khi phải chờ đợi 8 năm nên đã quyết định đáp máy bay vượt nửa vòng thế giới tới Bệnh viện số 2 tại Quảng Châu, miền Nam Trung Quốc. 11 ngày sau đó, bà đã có một quả thận mới từ một người cho vô danh tại đây. Người này bị chết do tai nạn lao động. Ít ra, đó là thông tin mà trưởng Khoa Cấy ghép của bệnh viện nói với Vincent Lam, một thương gia ở Vancouver - người đã sắp xếp chuyến du-lịch-cấy-ghép thành công cho Thanh Nguyên với chi phí trọn gói là 75.000 USD.

Các nhà chỉ trích cho biết doanh nghiệp của ông Lam làm dấy lên những nghi ngờ về vai trò của Canada trong hoạt động buôn bán quốc tế các bộ phận cơ thể người, cũng như tình trạng thiếu các quy định về việc chữa bệnh kiểu này bên ngoài lãnh thổ quốc gia. Ông Lam phản bác rằng việc kinh doanh của ông chẳng liên quan gì tới hoạt động buôn bán chợ đen ở Trung Quốc, rằng ông đảm bảo các cơ quan nộii tạng được lấy từ những người "tử vong do tai nạn''.

Lam biện bạch: ''Có nhiều người tử vong mỗi ngày ở Trung Quốc và gia đình không đòi xác của họ. Vì vậy, những tử thi này được giao cho các cơ quan nhà nước. Một số người Trung Quốc có thể cần phải ghép thận song chi phí phẫu thuật quá cao. Do vậy, chúng tôi có được các cơ quan nội tạng dành cho người ở ngoài Trung Quốc. Tôi đang cung cấp giải pháp y học thay thế cho những bệnh nhân hỏng thận không chỉ ở Canada mà còn ở Mỹ, Israel, Ả Rập Xê-ut và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất''. Lam rất cởi mở về hoạt động tài chính của Kidney Group - công ty mà ông mở vào năm 2003 sau khi đọc một bài báo về một người môi giới cơ quan người. Là con trai của một bác sĩ tại Hong Kong và hiện giờ là kế toán, Lam giành được sự tin tưởng của gia đình bà Nguyên bởi ông hứa với họ thận lấy từ người cho đã chết.

Tuy nhiên, các bác sĩ cấy ghép và chuyên gia thận vẫn nghi ngờ về nguồn gốc của những quả thận này. Theo họ, thật đáng ngờ khi thời gian chờ đợi để ghép thận ở Trung Quốc chỉ là vài tuần. Thời gian chờ ở Toronto và Vancouver là 8 năm. Tiến sĩ Jeffrey Zaltzman, giám đốc Chương trình cấy ghép tại Bệnh viện St.Michael ở Toronto, nhận xét: "Lấy cơ quan của người chết đúng lúc không phải là công việc dễ dàng. Có được một quả thận từ người chết trong vòng vài ngày hoặc vài tuần đồng nghĩa với việc tỷ lệ hiến tặng các bộ phận cơ thể ở Trung Quốc cao tới mức vượt xa các quốc gia khác trên thế giới".

Theo Lam, chính sách của Trung Quốc trao cho các bệnh viện cơ quan của người gặp tại nạn không rõ tung tích đã tạo ra một nguồn thận cho bệnh nhân nước ngoài. Ông đã đàm phán trực tiếp với các trưởng khoa cấy ghép tại 5 bệnh viện ở Thượng Hải, Quảng Châu, Chu Hải, Tứ Xuyên và Phúc Châu. Tất cả những bệnh viện này đều có phòng VIP dành cho người nước ngoài. Cho tới nay, Lam đã có 7 khách hàng, bao gồm người Israel, người Mỹ và người từ Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất. Ông được hưởng 15.000-20.000 USD từ người nhận thận.

Dã man nhất: bắt cóc trẻ em!

Quả thận được lấy ra...

Nhu cầu cấy ghép và lợi nhuận kếch xù mà nó mang lại đã dẫn tới sự xuất hiện của một dạng tội phạm mới: Một số băng nhóm còn bắt cóc người lớn và trẻ em, thủ tiêu họ để lấy cơ quan nội tạng. Hôm 3/2, hãng thông tấn Zenit thông báo 5 nữ tu sĩ (4 người từ Tây Ban Nha và 1 người từ Brazil) truyền giáo ở vùng Nampula, Mozambique đã tiết lộ một mạng lưới buôn bán cơ quan người. Mạng lưới này liên quan tới các hoạt động bắt cóc, thủ tiêu trẻ em và mua chuộc cảnh sát. Họ đã nhận được những lời đe doạ do tiết lộ thông tin và bản thân đã thoát được 4 vụ phục kích. 5 nữ tu sĩ có thể thu thập thông tin bởi hoạt động bắt cóc và giết người được thực hiện từ một khu nhà nằm ngay cạnh tu viện của họ. Một số trẻ em bị bắt cóc đã chạy tới tu viện. Theo họ, trẻ em bị giết và cơ quan nội tạng của các nạn nhân bé bỏng này được vận chuyển bằng máy bay ra khỏi Mozambique.

Thông tin của 5 nữ tu sĩ trùng hợp với sự biến mất của hàng chục trẻ em địa phương. Một bé gái trốn thoát đã kể lại rằng em được một người lái cho đi nhờ trong khi đang vẫy xe. Anh ta hỏi về tình trạng sức khoẻ của em và sau khi biết em khoẻ mạnh, hắn ta bắt đầu lái xe về khu nhà của ''một cặp vợ chồng da trắng''. Hai người này dường như chỉ huy đường dây trên. 5 nữ tu sĩ đã điều tra ở các vùng lân cận và tìm thấy một điểm trong thành phố nơi có một xác chết đã bị khoét mắt, cắt tim và thận.

Theo lời của các nữ tu sĩ, họ đã thông báo cho các nhà chức trách địa phương song những người này thờ ơ, do có lẽ đã nhận hối lộ. Tình trạng tham nhũng ở Mozambique diễn ra tràn lan sau nhiều năm chiến tranh. Cảnh sát, nhân viên hải quan sân bay... đều tham gia vào đường dây trên. Chính vì lý do này mà các nữ tu sĩ phải tới Maputo, cách đó 2.000 km để báo cho các nhà chức trách khác song cho tới nay chưa có ai bị bắt giữ.

Làm thế nào để người bán đỡ thiệt?

Trước thực trạng cầu không đủ đáp ứng cầu và hoạt động buôn bán bất hợp pháp đang diễn ra tại các nước đang phát triển, một số cá nhân cho rằng hình thức đền đáp công khai hơn sẽ có lợi cho cả người bán và hàng nghìn người có nhu cầu cấy ghép. Hoạt động buôn bán có kiểm soát sẽ phù hợp hơn so với các giao dịch chợ đen không an toàn và mang tính bóc lột, tàn bạo như hiện nay.

Tuy nhiên, những đề xuất như trên ít nhận được sự ủng hộ từ giới y học vì họ lo ngại tình trạng lợi dụng người nghèo và hoạt động buôn bán thân thể vô nhân đạo. Paschke cho biết: ''Tôi nghĩ chẳng có một tổ chức nào ủng hộ một hệ thống buôn bán như vậy''. Vậy làm cách nào để có nhiều cơ quan hơn cung cấp cho các bệnh nhân đang chờ đợi trên toàn thế giới? Biện pháp mà UNOS tiến hành hiện này là sử dụng hiệu quả các cơ quan nội tạng có được bằng cách hợp pháp hoá quá trình lấy chúng từ người cho đã chết để cấy cho người nhận phù hợp. Biện pháp thứ hai là tăng số người hiến tự nguyện.

Hiến tặng là một việc tốt nên làm. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là người hiến tặng tự ra quyết định hoặc bàn bạc với gia đình. Nghiên cứu mới nhất của UNOS cho thấy mọi người được thúc đẩy khi họ nhìn thấy một bệnh nhân thực, được nghe câu chuyện của một người đã nhận được sự giúp đỡ.

Minh Sơn  

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Cúm gà lây lan mạnh ở Lào và Mỹ (11/02/2004)
Chưa phát hiện virus cúm gia cầm ở lợn Việt Nam (07/02/2004)
Trung Quốc thừa nhận: hệ thống kiểm soát bệnh dịch yếu kém! (05/02/2004)
Khi thế giới quay lưng với... con gà Thái Lan (04/02/2004)
Gần 4.000 ca ghép gan từ người cho còn sống (31/01/2004)
Cúm gà bắt nguồn từ Trung Quốc? (29/01/2004)
Pakistan và Bangladesh: lảng vảng bóng cúm gà (28/01/2004)
Thám hiểm đáy đại dương - khát vọng và thử thách (22/01/2004)
Cúm gà châu Á cũng sắp... bước vào năm Khỉ! (21/01/2004)
Trung Quốc: Cảnh giác và sẵn sàng ứng phó với bệnh cúm gà (20/01/2004)
WHO: Cúm gà ở VN lây lan chủ yếu qua phân chim, gà và thịt không nấu chín (18/01/2004)
Thêm những địa chỉ mới về... cúm gà! (16/01/2004)
Bệnh dịch gà ở Thái Lan, đâu là sự thật? (16/01/2004)
H5N1 + H9N2 = H5N1 ở người (14/01/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang