Một giáo sư Hàn Quốc tuyên bố vừa nghiên cứu thành công loại vắc-xin phòng bệnh cúm gia cầm, song phải đến cuối tháng 6/2004 mới có thể sản xuất. Bất kể những cố gắng của nhiều nước và nhiều tổ chức thế giới, Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực LHQ (FAO) nhận xét sự lây lan của dịch cúm gia cầm là một ''thảm hoạ'' đối với ngành chăn nuôi và đe doạ tới nỗ lực xoá đói nghèo ở châu Á.
Cúm gia cầm đe dọa nỗ lực xóa đói nghèo ở châu Á
Hôm nay 23/2, ông Jacques Diouf, tổng giám đốc FAO nhận xét: ''Mặc dù chưa xảy ra song virus cúm gia cầm có nguy cơ đột biến thành một dạng virus nguy hiểm hơn đối với con người và tác động nghiêm trọng tới an ninh lương thực, cũng như an toàn thực phẩm''.
Cho tới nay, đã có hơn 80 triệu con gà bị giết nhằm kiểm soát virus H5N1 ở Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Lào, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam.
Đài Loan, Pakistan cùng 4 bang tại Mỹ và bang Bristish Columbia ở Canada cũng bị ảnh hưởng từ dịch cúm gia cầm bởi các dạng virus yếu hơn: H5N2, H7N7, H2N2, H9N7.
Hàn Quốc: Tìm ra vắc-xin ngừa bệnh cúm gia cầm
Ngày hôm qua 22/2, GS Suh Sang Hee thuộc trường ĐH tổng hợp quốc gia Chungnam (Hàn Quốc) cho biết đã nghiên cứu thành công loại vắc-xin phòng bệnh cúm gia cầm và sẽ thử nghiệm trên khỉ vào tháng 3 tới.
Theo GS Suh Sang Hee, loại vắc-xin này giúp phòng bệnh cúm gia cầm cả cho người và gia cầm. "Hy vọng vắc-xin cúm gia cầm của chúng tôi sẽ được sản xuất vào cuối tháng 6." - GS Suh nói. |
Mặc dù vào đầu tháng này FAO đã khuyến cáo các quốc gia và lãnh thổ châu Á phản ứng chậm trễ với dịch cúm gia cầm song ông Diouf hy vọng dịch bệnh này có thể được khống chế: ''Chẳng có gì là không kiểm soát được. Chúng tôi tin rằng với sự hợp tác cần thiết, sự huy động các nguồn lực cộng với hiểu biết khoa học, chúng ta có thể kiểm soát được dịch bệnh''.
Nhấn mạnh mối lo ngại của FAO về tác động kinh tế của dịch bệnh, đặc biệt là đối với người nghèo ở vùng nông thôn của châu Á, ông Diouf nói: ''Chúng tôi nhận thấy do động vật bị giết, gia cầm xuất khẩu bị ách tắc và người nghèo không thể dựa vào gia cầm để cải thiện đời sống, dịch cúm đúng là một nhân tố tiêu cực''. Diouf không dự đoán chi phí để kiểm soát sự lây lan của cúm gia cầm song cho biết FAO đã dành 5,5 triệu USD để chống dịch bệnh.
FAO cũng đang yêu cầu các quốc gia châu Á hợp tác và thông tin tốt hơn để ngăn chặn và chống dịch cúm. Cơ chế giám sát hiệu quả và phản ứng nhanh có ý nghĩa tối quan trọng. Ngoài ra, các nước có thể biến cuộc khủng hoảng hiện nay thành cơ hội để giải quyết những vấn đề chẳng hạn như áp dụng và xây dựng hệ thống chăn nuôi bền vững. Điều đó sẽ giúp cải thiện an ninh và an toàn thực phẩm.
Vào thứ năm tới 26/2, các chuyên gia thú y từ 20 nước sẽ tham dự hội nghị do FAO tài trợ tại Bangkok để thảo luận về tác động kinh tế của dịch cúm, chiến lược kiểm soát dịch bệnh và cách phục hồi ngành gia cầm.
|
Trại gà ở tỉnh Kanchana Buri (Thái Lan). |
Thái Lan: Bao nhiêu bệnh nhân mắc cúm gia cầm?
Trở lại tình hình hiện tại ở một số nước châu Á có dịch, hôm nay 23/2, Thái Lan thông báo thêm 1 người bị nghi nhiễm cúm gia cầm đã tử vong. Bệnh nhân tuổi trung niên này là người bán thịt và là một trong những người đầu tiên được nhập viện. Các bác sĩ vẫn chưa khẳng định liệu ông ta có bị nhiễm H5N1 hay không. Ca tử vong mới nhất này làm nhiều người dân Thái Lan nghi ngờ số bệnh nhân nhiễm cúm gia cầm thực sự tại nước mình.
Cho tới nay, Thái Lan đã khẳng định 9 người nhiễm cúm gia cầm. 2 bệnh nhân đã hồi phục và 7 người còn lại đã tử vong. Có 21 người bị nghi nhiễm H5N1. 8 trong số đó đã tử vong. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng số ca thực sự có thể còn cao hơn nhiều. Họ càng nghi ngờ hơn khi gần 130 bệnh nhân hiện đang được điều trị do bị viêm phổi lại chủ yếu từng sống ở những khu vực có dịch cúm. Thông báo của các phương tiện thông tin đại chúng địa phương cho thấy số ca tử vong do các vấn đề hô hấp đã gia tăng. Nhiều gia đình nghi ngờ người thân bị chết của họ tử vong do cúm gia cầm. Tuy nhiên, giấy chứng tử ghi rõ "viêm phổi", hay "nhiễm trùng phổi" là nguyên nhân tử vong.
Một số nhà phê bình chẳng ngần ngại khi nói rằng Chính phủ Thái Lan miễn cưỡng trong việc khẳng định những ca như vậy do lo sợ số người nhiễm cúm gia cầm có thể tăng vọt.
Nhiều gia đình đang đệ đơn lên toà án. Trong trường hợp của cậu bé 6 tuổi - nạn nhân cúm gia cầm đầu tiên ở Thái Lan, các bác sĩ phải mất 14 ngày mới khẳng định được em bị nhiễm H5N1 trước khi chết. Cha mẹ em khăng khăng nếu bác sĩ được chuẩn bị đầy đủ hơn trong việc đối phó với dịch bệnh, con trai họ có lẽ đã được cứu sống. Cậu bé trước đó vẫn chơi với gà hàng ngày. Mặc dù nghe tin về cúm gà ở những nước láng giềng song cha mẹ em vẫn không ngăn con tránh xa gà bởi Chính phủ Thái Lan nói "gà an toàn".
Trung Quốc: Nước hàng đầu về nghiên cứu virus cúm?
|
Một nhà hàng ở Trung Quốc trưng bảng không phục vụ thịt gà. |
Tiếp theo việc tuyên bố dỡ bỏ các biện pháp hạn chế sự di chuyển của người và gia cầm tại thành phố Ding Dang, tỉnh Quảng Tây, một trong những khu vực đầu tiên có dịch cúm gia cầm tại Trung Quốc, hôm nay, Bộ Nông nghiệp thông báo dịch cúm ở quận Nanhui của Thượng Hải và thành phố Yongkang, tỉnh Chiết Giang, đã chấm dứt. Hai khu vực ở miền Đông này không còn bị cách ly. Người phát ngôn về kiểm soát cúm gia cầm của Bộ Nông nghiệp cho biết không một trường hợp cúm nào được phát hiện trong 21 ngày liên tiếp. Trước đó, dịch cúm gia cầm được thông báo vào ngày 29/1 tại Thượng Hải và 31/1 ở Chiết Giang.
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã kêu gọi các tổ chức y tế địa phương tiếp tục giám sát và kiểm dịch động vật để ngăn chặn dịch bệnh tái phát. Hiện 16 trong số 31 tỉnh và thành phố lớn của Trung Quốc đã khẳng định có dịch cúm gia cầm song chưa có ca tử vong nào ở người. Các tỉnh, thành phố này là: Hồ Bắc, Hồ Nam, Hà Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, Giang Tây, Cát Lâm, Chiết Giang, Giang Tây, Sơn Tây, Vân Nam, Cam Túc, An Huy, Thượng Hải, Thiên Tân, Tây Tạng, Tân Cương.
Trong khi đó, các chuyên gia thuộc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc vừa khẳng định khả năng sẽ phát hiện được virus cúm gia cầm trên người. Theo họ, trong việc nghiên cứu các loại virus cúm và cô lập được nhiều loại virus cúm đặc biệt, Trung Quốc là "nước hàng đầu trên thế giới".
Minh Sơn (Tổng hợp) |