"Xóa đói giảm nghèo" cho cán bộ nghiên cứu?
19:00' 05/03/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Một tọa đàm khoa học về chiến lược nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn, và hầu hết những người tham dự, từ những nhà quản lý đến đội ngũ nghiên cứu đều chung nhận định: Quá yếu về thành quả và lắm nhiêu khê trong cơ chế, cung cách. Vì sao vậy?

"Cố giãy giụa"? Tại sao?

GS Trần Văn Giàu: “TP.HCM là một trung tâm nghiên cứu khoa học lớn, nhưng lại đang thiếu tiếng nói của trí thức tầm cỡ quốc tế. Phải thực hiện được điều này thì rất có lợi cho xã hội!”

Tại buổi toạ đàm do Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP.HCM tổ chức ngày 2/3, PGS Ngô Văn Lệ, hiệu trưởng trường ĐHKHXH và Nhân văn TP.HCM, nhức nhối nói: “Phải thành thực mà nói với nhau rằng: Còn rất nhiều việc ta chưa làm được, hoặc làm chưa tới nơi tới chốn. Nhiều cán bộ, giảng viên chỉ chú ý đến giảng dạy mà lơi việc nghiên cứu khoa học vì… không kinh tế bằng đi dạy. Nhiều công trình nghiên cứu chưa đủ tầm vóc, chỉ mới miêu tả hiện tượng mà chưa đề ra được những biện pháp giải quyết…”.

Theo PGS Lệ, hiện môi trường sống đang suy thoái nghiêm trọng, những vấn nạn về xã hội, đạo đức, giáo dục… đang đặt ra hết sức gay gắt. Tuy nhiên, lực lượng NCKHXH vẫn có nhiều người chưa nâng mình lên ngang tầm nhiệm vụ, sức ì vẫn còn cao, đặc biệt là thói quen nghiên cứu theo kiểu... salon, không gắn nghiên cứu với việc giải quyết những vấn đề cấp thiết của thực tiễn”.

GS Tạ Quốc Thành, ĐH dân lập Hùng Vương, bức xúc khi cho rằng "chừng nào bức xúc lắm mới... quay sang nghiên cứu khoa học", bởi một "cua" dạy của ông được vài triệu, trong khi nghiên cứu thì quá nhiêu khê…

Và GS Thành phân tích: “Có người nói nghiên cứu khoa học là... "xoá đói giảm nghèo" cho cán bộ nghiên cứu. Cứ làm theo kiểu tập hợp mấy chục con người lại nhận đề tài nghiên cứu, rồi chia ra, rồi tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến. Người đến dự hội thảo nhận vài trăm nghìn. Sau đó, tập hợp ý kiến rồi báo cáo thành đề tài nghiên cứu (!?). Làm sao mà trong một đề tài nghiên cứu khoa học, chi phí lặt vặt hành chính cho hội thảo lại cao hơn cả chi phí công sức nghiên cứu? Vì mở hội nghị, hội thảo ở khắp nơi. Nghiên cứu ở TP.HCM nhưng mở hội thảo tại Nha Trang… Nghiên cứu khoa học chứ đâu phải là... đi chơi!?”.

"Hình như xưa nay, cơ chế nghiên cứu khoa học của ta chỉ là việc của tập thể, chứ không có cá nhân nghiên cứu “lọt” vào được hay sao? Theo tôi, nên gom lại giao cho vài người giỏi nghiên cứu một đề tài!" - GS Thành đề nghị.

Trong khi đó, GS Nguyễn Quang Bình, hiệu trưởng trường ĐH dân lập Cửu Long, nhận xét: “Kính phí nghiên cứu KHXH còn quá ít ỏi. Tôi thấy trong giai đoạn 2003-2005, kinh phí của ĐHQG TP.HCM dự trù cho nghiên cứu khoa học chỉ vài trăm triệu đồng thì không khả thi, làm sao thực hiện được với kinh phí ấy? Kinh phí như vậy, chỉ biết dạy người ta... nói dối!”.

Theo GS Nguyễn Quang Bình, kinh phí ít khiến nhà nghiên cứu sợ không dám nhận đề tài nghiên cứu. Vì muốn có tài liệu thì cần nhiều tiền đi sưu tầm tư liệu. Hơn nữa, kinh phí ít cũng không đủ cho sự tìm tòi, sáng tạo, độc lập nghiên cứu. Không chỉ có chuyện các giáo viên bỏ mặc chuyện nghiên cứu để đi dạy kiếm tiền, mà ở các viện nghiên cứu khoa học cũng có tình trạng tương tự.

"Rất lãng phí chất xám!" - GS Bình nói.

Theo nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh, nghiên cứu KHXH của ta theo cơ chế cũ mà cung cách cũng cũ, không phù hợp. "Vì vậy, nghiiên cứu KHXH vẫn theo mãi một lối mòn và cố giãy giụa!" - ông Thanh nói - "Khắc phục “sự cố” này không chỉ riêng ĐHQG TP.HCM mà còn phải ở cả hệ thống những đơn vị nghiên cứu khác mới mong tìm ra lối thoát".

... Trong khi yêu cầu xã hội là cấp bách

9 đề tài về Nam bộ

Theo Đề án "Chiến lược phát triển khoa học công nghệ: những vấn đề xã hội - nhân văn khu vực Nam bộ" của ĐHQG TP.HCM, có 9 đề tài nghiên cứu cần thực hiện:

- Những vấn đề xung quanh nền văn hoá Óc Eo, nhà nước Phù Nam. Mối quan hệ giữa nền văn hoá này với Lục Chân Lạp - Thủy Chân Lạp và Việt Nam.

- Phát triển kinh tế hàng hoá ở Nam bộ.

- Nâng cao trình độ giáo dục và dân trí cư dân ĐBSCL.

- Hội nhập quốc tế của khu vực Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm của khu vực phía Nam những thập niên đầu thế kỷ XXI.

- Chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tập quán sản xuất kinh tế ở ĐBSCL theo định hướng kinh tế thị trường.

- Phân tầng xã hội đối với các nhóm xã hội khác nhau ở nông thôn và đô thị Nam bộ.

- Vấn đề xuyên văn hoá, liên văn hoá trong quá trình mở cửa, hội nhập quốc tế trên địa bàn Nam bộ.

- Di dân và đô thị hoá ở Nam bộ.

- Phát triển sinh thái khu vực Nam bộ.

Khu vực Nam bộ gồm 21 tỉnh, thành ở hai vùng Đông và Tây Nam bộ; chiếm 22,61% diện tích tự nhiên của cả nước (khoảng 7.444.530 ha) và 36,4% dân số (gần 40 triệu người). Đây là vùng kinh tế mạnh, giàu tiềm năng của cả nước, là khu vực có tầm chiến lược, với những ưu đãi về tự nhiên, khí hậu, khoáng sản… Nhịp độ phát triển kinh tế - xã hội ở Nam bộ rất nhanh, đa dạng… Chính vì vậy, Nam bộ cần được nghiên cứu thấu đáo, nhất là trên bình diện xã hội - nhân văn.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Viện KHXH TP.HCM, đã đánh giá cao một số định hướng NCKH của ĐHQG và cho là "khá thích đáng để phát triển được". Tuy vậy, ông Vinh đặt vấn đề: "Nghiên cứu Nam bộ nhưng làm thế nào phải bật lên được đặc thù Nam bộ, đó là cái mới trong nghiên cứu. Nếu không thì chỉ... na ná công trình NCKH của các cụ ngày xưa, chép từ cụ này qua cụ kia. Cái hay của đặc thù Nam bộ giúp ta nghiên cứu một cách sống động, còn nghiên cứu theo đuôi người khác thì không có gì hay cả!".

Vì vậy, ông Nguyễn Quang Vinh cho rằng phải có những chứng cứ, dữ liệu kinh tế, xã hội, văn hoá gì mới, nếu không thì hai thế hệ nữa cũng chỉ dừng lại ở đó: “NCKH về Nam bộ thì phải quý từng chi tiết về Nam bộ. Thời gian đã phủ bụi hết rồi. Thế hệ sau này rất tài giỏi, họ sẽ thấy hết những gì hôm nay chúng ta đang làm...”.

Đề cập đến yêu cầu bức bách của công tác nghiên cứu khoa học, nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh cho rằng lâu nay mình tâm huyết, và “nếu tôn trọng, thực hiện được mấy mảng đề tài này thì khi tôi còn sống, tôi sẽ…mừng nhất”: Thứ nhất, về truyền thống văn hoá lịch sử Nam bộ, vì muốn nghiên cứu chiến lược phải hiểu rõ vấn đế này. Thứ hai, đô thị và đô thị hoá ở Nam bộ. Thứ ba, cơ cấu xã hội - chuyển đổi cơ cấu xã hội. Ngoài ra, còn nhiều mảng đề tài khác nữa, như tôn giáo, dân tộc thiểu số, hội nhập,...

GS Nguyễn Quang Bình góp thêm ý: “Tôi thấy đề án xác định vùng nghiên cứu Nam bộ là xác đáng. Tuy nhiên, chưa thấy đề án nêu các đề tài dân tộc và tôn giáo, văn hoá, xã hội… vốn là những vấn đề cấp bách đang cần nghiên cứu. Mặt khác, cũng chưa thấy nêu việc gắn chặt nghiên cứu kHXH với việc đào tạo trình độ cao...".

Nguyên bộ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Hồng Quân đề nghị: "ĐHQG TP.HCM có thể mở rộng phạm vi nghiên cứu ra cả nước. Chúng ta đặt ra việc nghiên cứu chiến lược là rất quan trọng. Chưa bao giờ mà các lĩnh vực như chính trị, kinh tế, xã hội, khoa học… lại phát triển mạnh như lúc này. Những biến đổi của khu vực Nam bộ rất lớn, từ nông nghiệp sang công nghiệp - dịch vụ, từ nông thôn sang thành thị, ngay cả tôn giáo cũng phát triển… Tại sao vậy? Đó cũng là những vấn đề diễn biến chiều sâu cần được nghiên cứu. Và còn nhiều vấn đề cũng cần mạnh dạn nghiên cứu. Có thể nên thành lập cả Viện Nghiên cứu Chiến lược…".

GS Nguyễn Quang Bình, hiệu trưởng trường ĐH dân lập Cửu Long: Kính phí nghiên cứu KHXH còn quá ít ỏi, dạy người ta... nói dối!.

Một đề nghị khác: Mục tiêu nghiên cứu KHXH là để phục vụ xã hội, vì vậy nên có hình thức đối thoại giữa nhóm nghiên cứu với cơ quan tiếp thu, sử dụng đề tài đó. Phải đối thoại để đề tài "không còn chung chung", đồng thời kích thích sự nghiên cứu tốt hơn…

“Muốn tránh khỏi tình trạng thầy bói mù xem voi, manh mún, trùng lặp trong nghiên cứu, nhất thiết phải có sự liên kết hợp tác giữa các nhà nghiên cứu, các trường đại học, viện nghiên cứu. Ngoài những nghiên cứu có tính cơ bản, các đề tài nên gắn với việc giải quyết do thực tiễn đặt ra. Nói cách khác, các nhà nghiên cứu khoa học cần làm theo đơn đặt hàng của xã hội." - PGS Ngô Văn Lệ đề nghị như vậy.

Bài, ảnh: Trương Hiệu

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Robot ASIMO tới Hà Nội vào trung tuần tháng 4 (05/03/2004)
WHO: Không khả thi tại châu Á! (05/03/2004)
Các trò chơi video dễ làm trẻ béo phì, quen với bạo lực! (03/03/2004)
Rosetta bắt đầu cuộc rượt đuổi Sao chổi (02/03/2004)
Chín hành động ưu tiên để bảo vệ sao la (01/03/2004)
Trung Quốc: Mười biện pháp phòng chống đại dịch cúm gia cầm (27/02/2004)
Robot thế hệ tiếp theo sẽ cùng chung sống và trợ giúp con người (26/02/2004)
Bỏng ngô: Bí quyết và những câu chuyện lý thú (25/02/2004)
Thử nghiệm tiềm năng nguy hiểm của H5N1 đối với người (25/02/2004)
Sao la vẫn bí hiểm! (25/02/2004)
Nguy cơ nghiêm trọng của cây GM đối với sức khoẻ con người (24/02/2004)
Đôi điều về rùa tai đỏ - động vật xâm hại (24/02/2004)
Cúm gà lây lan cao xuất hiện ở Mỹ (24/02/2004)
Khám phá bí ẩn của nọc rắn (23/02/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang