Trái đất vắng bóng hổ Sumatra?
14:17' 17/03/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Theo báo cáo của WWF và Tổ chức giám sát buôn bán động thực vật hoang dã (TRAFFIC), loài hổ cuối cùng ở Indonesia - hổ Sumatra - đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng. Từ 1998-2000, mỗi năm có ít nhất 50 con hổ bị săn trộm và hiện chỉ còn 400-500 con trên đảo Sumatra.

Điều tra

Hai bộ da hổ được bày bán công khai ở khu vực chợ Bến Thành (TP.HCM), năm 2002.

Các cuộc điều tra ngầm của TRAFFIC từ tháng 8 tới tháng 11/2002 cho thấy hoạt động buôn bán các bộ phận hổ diễn ra với quy mô lớn ở Indonesia. 25% trong số 484 cửa hàng và người buôn bán mà TRAFFIC điều tra, khảo sát, phỏng vấn tại 24 thành phố khắp Sumatra bán các bộ phận của hổ, đặc biệt là răng nanh và móng vuốt. Thị trường lớn này tồn tại mặc dù loài hổ hiếm Sumatra được luật bảo vệ toàn diện. Người vi phạm sẽ phải chịu hình phạt tù nghiêm khắc với những khoản tiền phạt lớn.

Ngoài hoạt động săn trộm, diện tích rừng bị thu hẹp do hoạt động đốn gỗ thương mại và trái phép cũng là mối đe doạ cho loài mèo lớn này. Môi trường sống của chúng hiện bị giới hạn ở 1/4 diện tích đảo và trong số này chỉ có 8% được bảo vệ. Môi trường sống bị thu hẹp dẫn tới xung đột giữa dân làng và hổ. Hổ lọt vào các ngôi làng, nơi chúng dễ bị bắt và giết. Kể từ tháng 8/2002, đã có tám người bị hổ Sumatra vồ chết. TRAFFIC và Quỹ quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) muốn các công ty giấy tạm ngừng  khai thác gỗ ở những khu rừng tự nhiên, nơi ở chính của hổ, cho tới khi giá trị bảo tồn của các khu rừng đó được đánh giá.

Hành động

Đặt bẫy hổ.

Susan Lieberman, giám đốc Chương trình các loài quốc tế của WWF, cho biết: ''Hổ trên khắp thế giới đang bị đe doạ. Tuy nhiên, hiện hổ Sumatra đang trên bờ tuyệt chủng. Với số hổ ít ỏi còn lại, chúng tôi nghi ngờ liệu loài này có thể tồn tại và phát triển hay không''. Các nhà nghiên cứu lo ngại hổ Sumatra sẽ phải chịu chung số phận như hai phân loài hổ ở Indonesia - hổ Bali và Java. Hai tiểu loài trên đã bị tuyệt chủng vào những năm 1930 và 1980. Chris Shepherd thuộc TRAFFIC, đồng tác giả của báo cáo, cho rằng tăng cường và cải tiến công tác thực thi pháp luật là biện pháp duy nhất có thể cứu hổ Sumatra. Hành động đầu tiên là xoá các khu chợ, trung tâm buôn bán và các cửa hàng bán lẻ được nêu bật trong báo cáo.

Các bộ phận của hổ có giá trị cao trong khu vực. Người ta tin rằng bộ da của hổ Sumatra có phép thần thông, bảo vệ ngươì sở hữu khỏi ma thuật đen tối. Các bộ phận khác được sử dụng trong y học cổ truyền. Xương hổ được sử dụng để điều trị thấp khớp trong khi dương vật của hổ được coi là chất kích thích tình dục khi được ngâm trong rượu. Liên minh Bảo tồn Thế giới (IUCN) đã xếp hổ Sumatra là loài bị đe doạ nghiêm trọng trong sách đỏ các loài động vật bị đe doạ năm 2003.

Số phận loài hổ trên Trái đất?

Phân loài Số lượng (con) Phân bố

Bengal

3.176 - 4.556
Bangladesh, Bhutan, Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmar, Nepal.
 
 
Amur

 

366-406

Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên, Nga.

Nam Trung Quốc

20-30

Nam Trung Quốc.

 
 
Sumatra

 

400-500

Indonesia.

Hổ Đông dương

1,220- 1,785

Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Malaysia.

Hổ (tên khoa học Panthera) là động vật lớn nhất trong tất cả các loài họ mèo trên Trái đất. Hổ có tám phân loài: hổ Java, hổ Bali, hổ Sumatra, hổ Caspian, hổ Bengal, hổ Đông dương, hổ Siberia (Amur) và hổ Nam Trung Quốc. Trong thế kỷ vừa qua, thế giới đã mất đi ba phân loài hổ: Java, Bali và Caspian. Hiện chỉ còn 6.000 con hổ trong hoang dã, phần lớn tập trung tại các vùng rừng phân tán trải dài từ Ấn Độ tới Đông Nam Trung Quốc, từ Siberia cho tới Indonesia.

Hổ trưởng thành khi được ba - bốn tuổi. Thời kỳ mang thai kéo dài 93-111 ngày. Mỗi lứa hổ cái sinh hai - ba hổ con và mỗi lứa cách nhau hai - ba năm. Hổ là kẻ săn mồi đơn độc. Con mồi của chúng chủ yếu là hươu nai và lợn rừng. Trong môi trường sống của mình, hổ cũng dễ bị ngộ độc, bị bẫy, bị bắn, bị bắt, thậm chí bị... điện giật hay bị nổ tung do mìn.

Thợ săn, thương gia và những người phải phụ thuộc vào rừng để kiếm kế sinh nhai đang tiêu diệt hổ và con mồi tự nhiên của chúng. Mặc dù săn trộm tiếp tục đe doạ tới tương lai của hổ song mối đe doạ lớn nhất và lâu dài là môi trường sống bị thu hẹp và nguồn thức ăn tự nhiên cạn kiệt.

Trước tình hình nghiêm trọng này, WWF đã đưa ra kế hoạch Bảo tồn hổ trong thiên nhiên: Chiến lược khung hành động của WWF 2002-2010. Kế hoạch hành động này xác định bảy vùng trọng tâm nơi cơ hội bảo tồn hổ lâu dài là tốt nhất và có giá trị nhất. Trong mỗi vùng, WWF sẽ thiết lập và quản lý hiệu quả các khu vực bảo tồn hổ, giảm hoạt động săn trộm hổ và con mồi của chúng, xoá bỏ việc buôn bán các bộ phận của hổ, tạo động lực để khuyến khích cộng đồng dân cư địa phương và các cá nhân khác ủng hộ hoạt động bảo tồn hổ, xây dựng năng lực bảo tồn hổ.

Các phân loài hổ trên thế giới:

Hổ Bali
Hổ Java.
Hổ Caspian.
Hổ Nam Trung Quốc.
Hổ Đông dương.
Hổ Sumatra.
Hổ Bengal.
Hổ Amur.

  • Minh Sơn  
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Đồi mồi Việt Nam, Indonesia: Trước nguy cơ tuyệt chủng... (16/03/2004)
Hoãn chạy thử, nhưng huyện ngóng cổ... chờ máy bay đến! (15/03/2004)
Chó chết vì bệnh thận do ăn Pedigree? (13/03/2004)
Ngưng cho chó, mèo xơi Pedigree và Whiskas! (13/03/2004)
Suy thoái môi trường và thiếu lương thực ở sông Mekong (10/03/2004)
Chủ tịch công ty gia cầm tự tử sau khi bán sản phẩm nhiễm virus! (08/03/2004)
"Xóa đói giảm nghèo" cho cán bộ nghiên cứu? (05/03/2004)
Robot ASIMO tới Hà Nội vào trung tuần tháng 4 (05/03/2004)
WHO: Không khả thi tại châu Á! (05/03/2004)
Các trò chơi video dễ làm trẻ béo phì, quen với bạo lực! (03/03/2004)
Rosetta bắt đầu cuộc rượt đuổi Sao chổi (02/03/2004)
Chín hành động ưu tiên để bảo vệ sao la (01/03/2004)
Trung Quốc: Mười biện pháp phòng chống đại dịch cúm gia cầm (27/02/2004)
Robot thế hệ tiếp theo sẽ cùng chung sống và trợ giúp con người (26/02/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang