Giống hệt như bất kỳ đợt thi đấu Olympic nào: có chiến thắng, thất bại, có giây phút nghẹt thở, có cả chấn thương, và chỉ có đấu thủ giỏi nhất mới được nhận huy chương vàng. Tuy vậy, đây lại là Robolympics - Olympic đầu tiên giành cho robot sẽ được tổ chức tại San Fransisco (Mỹ) vào cuối tuần này.
|
Để dành huy chương bạc cho cậu đấy! |
Giống như đại hội thể thao Olympic dành cho con người, Robolympics cũng buộc các đấu thủ (tất nhiên là bằng kim loại và silicon) phải vượt qua các môn thi đấu khốc liệt, từ vật sumo cho tới bóng đá. Thậm chí còn có cả ba môn thi đấu phối hợp, trong đó robot sẽ phải cạnh tranh với nhau bằng chân, bằng bánh xe và khả năng lội nước để trở thành nhà vô địch. Lễ khai mạc sẽ diễn ra vào lúc 8 giờ sáng ngày 20/3, tại Thính phòng Masonic California, San Francisco (Mỹ). Vé được bán với giá khoảng 25-60 USD.
Hiện nay, giới nghiên cứu trí thông minh nhân tạo và các nhà sản xuất robot vẫn thường xuyên tổ chức cho robot thi đấu, nhưng chỉ trong một môn nhất định nào đấy. Theo David Calkins, người sáng lập và cũng là chủ tịch Hội Robot Mỹ, Robolympics là đợt thi đấu đầu tiên có nhiều môn thi dành cho robot. Được tổ chức công phu và quy định chặt chẽ, các cuộc thi đấu sẽ diễn ra một cách nghiêm túc. Tuy nhiên, các chuyên gia robot thuộc mọi lĩnh vực sẽ có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện và chia sẻ ý tưởng. Đây cũng chính là một trong những mục tiêu của Calkins khi tổ chức đại hội thể thao này.
Cho đến nay, Robolympics đã thu hút được 414 robot và gần 600 người giám sát thuộc 11 quốc gia châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ đăng ký tham gia. Một số môn thi đấu phổ biến nhất sẽ có giải thưởng rất lớn: Nếu loại được đấu thủ và trở thành vô địch trong mỗi nội dung, sẽ được thưởng 3.400 USD. Trong môn HuroSot (giải bóng đá thế giới cho robot, tương tự như World Cup của người), robot không chỉ có nhiệm vụ đá bóng và ghi bàn. Các "cầu thủ" robot cao 35cm phải gánh trên mình một trọng lượng khá lớn, đá phạt, vượt chướng ngại vật và chạy nước rút quãng đường dài 1,2m.
HuroSot là một trong những môn thi đòi hỏi "vận động viên" phải có kỹ thuật cao, bởi vì robot phải hoàn toàn "độc lập tác chiến" chứ không nhận được bất cứ chỉ dẫn nào từ phía "huấn luyện viên", cho lời chỉ dẫn đấy phải được truyền qua bộ điều khiển từ xa. Bên cạnh đấy, robot hai chân khó kiểm soát và giữ thăng bằng hơn nhiều so với robot có bánh xe. Để làm tốt nhiệm vụ giữ thăng bằng, một chú robot tên là Tao-Pie-Pie đã được lắp con quay hồi chuyển lấy từ máy bay trực thăng điều khiển từ xa.
Theo nhận định của các chuyên gia robot, giải thi đấu như thế sẽ kích thích sự phát triển của nhiều loại robot khác, chẳng hạn như robot tìm kiếm và cứu hộ nạn nhân động đất. Môn thi đấu Leo dây là một ví dụ - nó buộc robot phải trèo lên cao bằng một dải sợi carbon, nguyên liệu sẽ được sử dụng làm thang máy không gian trong tương lai. Có vẻ như phần thắng đã nằm chắc trong tay nhà sản xuất robot chuyên nghiệp Jack Buffington đến từ San Francisco. Robot của anh dùng các con lăn kẹp dải dây và chạy thẳng lên, giống như cấu tạo của máy nghe băng cassette. Khi leo lên đến đỉnh, nó sẽ mở các tấm pin mặt trời và chiếu ánh sáng xuống dưới qua các bóng đèn pha lấy từ ô tô. Buffington phấn khởi nói: "Tôi nghĩ rằng tôi sẽ giành chiến thắng, vì robot của tôi rất nhanh."
|
Thật khó để giữ thăng bằng cho robot trên hai chân. |
Robot giành chiến thắng sẽ được thưởng tiền và cả huy chương Robolympics nữa. Tất nhiên là huy chương cũng phải đậm... "màu robot": những vòng thép hình răng cưa sẽ được lắp bảng mạch giúp phát ra ánh sáng màu vàng, trắng và da cam, tượng trưng cho vàng, bạc và đồng.
Bên cạnh mục đích thi tài, Calkins hy vọng rằng Robolympics sẽ giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về robot. Nếu tình hình thuận lợi, Robolympics sẽ được tổ chức hàng năm, vì thế robot nào thua cuộc ở San Francisco cũng không phải chờ đến tận năm 2008 mới được tiếp tục tham dự. Calkins cho biết: "Bốn năm là thời gian quá dài so với tốc độ phát triển của công nghệ."
Khánh Hà (Theo Nature) |