Mặt trời phun trào mạnh hơn chúng ta tưởng
20:31' 18/03/2004 (GMT+7)

Vụ phun trào trên bề mặt Mặt trời vào tháng 11 năm ngoái, sinh ra bão địa từ tấn công Trái đất, thực sự lớn hơn nhiều so với ước tính của các nhà khoa học. Nguyên nhân là vào thời điểm đó, các máy cảm biến vệ tinh không thể hoạt động chính xác do chúng bị bức xạ của vụ phun trào ''che mắt''.

Vụ nổ vào ngày 5/11/2003.

Các nhà vật lý thuộc ĐH Otago (New Zealand) cho biết họ đã ước tính được quy mô của vụ phun trào lớn này bằng cách nghiên cứu cách các tia X tấn công khí quyển Trái đất. Vụ phun trào mạnh gấp hai lần so với vụ phun trào kỷ lục trước đó. Điều may mắn là Trái đất chỉ bị ảnh hưởng gián tiếp. Nếu bị ảnh hưởng trực tiếp, nhiều vệ tinh sẽ bị hỏng, thông tin radio gián đoạn và mất điện trên hành tinh.

Kỷ lục

Vào tháng 10 và 11/2003, Mặt trời trải qua thời kỳ hoạt động cực mạnh, tạo ra một loạt đợt phun trào lớn (còn gọi là lửa Mặt trời) từ một số vùng vệt đen hoạt động tích cực nhất. Trong nhiều ngày, hàng tỷ tấn khí siêu nóng (hàng triệu độ) chứa các hạt nhiễm điệm (electron và proton) được giải phóng vào không gian, kèm theo bức xạ. Các vụ phun trào được xếp loại theo độ sáng ở bước sóng tia X: C (cấp nhỏ nhất và có ít tác động dễ thấy đối với Trái đất), M (cấp trung bình, gây nhiễu radio ở vùng cực) và X (cấp mạnh nhất có thể gián đoạn radio và hỏng lưới điện trên Trái đất).

Vào ngày 5/11, đợt phun trào khác thường nhất xuất hiện ở vùng vệt đen 486. Từ lúc 2g29 tới 2g50 (giờ Hà Nội), vụ nổ này đã giải phóng lượng bức xạ khổng lồ tới Trái đất. Thậm chí trước khi vụ nổ đạt đỉnh, tia X đã làm quá tải các máy dò trên những vệ tinh giám sát Mặt trời, đặc biệt là các vệ tinh môi trường hoạt động ở quỹ đạo địa tĩnh GOES. GOES thường cung cấp dữ liệu, cho phép các nhà khoa học ước tính quy mô của những sự kiện như vậy. Tia X chỉ mất vài phút để tới Trái đất, trong khi electron và proton mất tới hai - ba ngày.

Hoạt động của Mặt trời và tác động của nó tới Trái đất.

Nghiên cứu sau đó cho thấy vụ phun trào từ vùng 486 có độ mạnh X28. Các vụ phun trào lớn nhất trước đó vào ngày 2/4/2001 và 16/8/1989 được xếp ở cấp X20. Do vậy, vụ nổ ngày 5/11 đã đặt ra một mốc mới. Tuy nhiên, mãi tới giờ các nhà khoa học mới hiểu được sức mạnh thực sự của vụ nổ. Các nhà nghiên cứu ở Otago đã nâng cấp độ mạnh từ X28 lên X45 sau khi xem xét tác động của bức xạ vụ nổ tới tầng điện ly của Trái đất.

Bão địa từ

Bão địa từ xuất hiện khi đám mây khí và hạt nhiễm điện phun trào từ bề mặt Mặt trời, di chuyển với tốc độ cực nhanh, tương tác với quyển từ Trái đất. Ngoài ra, bão từ tạo ra cực quang mạnh ở Bắc Cực, Mỹ và châu Âu. Những cực quang này được tạo ra khi các hạt nhiễm điện bị hút về hai cực Trái đất và va chạm với nhiều loại khí ở tầng trên của khí quyển. Vệt đen ở Mặt trời là những vùng tối, tương đối mát ở bề mặt của Mặt trời. Các vụ phun trào xảy ra khi từ trường mạnh, bị bóp méo, bẫy nhiệt bên dưới bề mặt Mặt trời, làm cho những điểm này mát hơn một chút so với vùng xung quanh. Sự không ổn định của các vệt đen đó có thể dẫn tới những vụ phun trào khí và hạt nhiễm điện quy mô lớn.

Cực quang.

Nếu hướng của từ trường trong đám mây khí và hạt nhiễm điện hướng về phía Bắc, giống như hướng của từ trường Trái đất, bão địa từ sẽ ''lướt qua'' hành tinh của chúng ta. Ngược lại, nếu từ trường hướng về phía nam, ngược với hướng từ trường bảo vệ của Trái đất, các cơn bão địa từ mạnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới Trái đất. Mặc dù khí quyển Trái đất chặn được loại vật chất mạnh này (các dòng hạt năng lượng cao - electron và proton) song nó làm xáo trộn từ trường của hành tinh, cụ thể là quyển từ. Hậu quả là điện thế trong các hệ thống dây điện trên mặt đất tăng vọt, gây hỏng máy biến thế, ảnh hưởng tới các vệ tinh và làm gián đoạn thông tin radio cũng như hệ thống định vị. Ngoài ra, nó còn thay đổi dòng trong các ống dẫn.

  • Minh Sơn (tổng hợp)


     
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Khai mạc giải Olympic đầu tiên cho robot (18/03/2004)
Trái đất vắng bóng hổ Sumatra? (17/03/2004)
Đồi mồi Việt Nam, Indonesia: Trước nguy cơ tuyệt chủng... (16/03/2004)
Hoãn chạy thử, nhưng huyện ngóng cổ... chờ máy bay đến! (15/03/2004)
Chó chết vì bệnh thận do ăn Pedigree? (13/03/2004)
Ngưng cho chó, mèo xơi Pedigree và Whiskas! (13/03/2004)
Suy thoái môi trường và thiếu lương thực ở sông Mekong (10/03/2004)
Chủ tịch công ty gia cầm tự tử sau khi bán sản phẩm nhiễm virus! (08/03/2004)
"Xóa đói giảm nghèo" cho cán bộ nghiên cứu? (05/03/2004)
Robot ASIMO tới Hà Nội vào trung tuần tháng 4 (05/03/2004)
WHO: Không khả thi tại châu Á! (05/03/2004)
Các trò chơi video dễ làm trẻ béo phì, quen với bạo lực! (03/03/2004)
Rosetta bắt đầu cuộc rượt đuổi Sao chổi (02/03/2004)
Chín hành động ưu tiên để bảo vệ sao la (01/03/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang