(VietNamNet) - 20 năm trước, GS Phạm Hoàng Hộ có mô tả một khu rừng ngập mặn rất phong phú ở cửa rạch Hàm Ninh. Nay, khu rừng ấy chỉ còn lại vài cây đước cây mắm trơ trọi, vết tích của một thời huy hoàng xưa. Tốc độ phát triển kinh tế quá nhanh đặt những hệ sinh thái nhạy cảm như rừng ngập mặn vào tình thế nguy hiểm đến sự tồn tại. Khi nào sẽ đến lượt rạch Tràm, rạch Đầm, rạch Cá, Cửa Cạn, Cửa Lấp? Ghi nhận và báo động từ TS Trần Triết, ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM.
|
Rạch Tràm Phú Quốc: Vẻ đẹp sinh thái của rừng ngập mặn này bao giờ bị xóa sổ? |
... Hơn 30km đường đồi dốc chông chênh xuyên rừng Bắc đảo. Nước ngập sâu, xe gắn máy không thể đi tiếp. Thêm 2km bì bỏm lội qua các trảng cỏ và đầm lầy rừng Tràm, bùn níu chặt lấy chân như không dứt ra được. Cuối cùng thì Tuấn cán bộ kiểm lâm của Vườn Quốc gia Phú Quốc cũng đưa được chúng tôi đến bờ rạch Tràm. Rừng hoang sơ, rạch nước thong dong. Bọn chúng tôi chia nhau tiến hành các khảo sát trong chương trình thực tập tìm hiểu các hệ sinh thái đất ngập nước ở đảo Phú Quốc. Một mẫu cây với lá thuôn nhỏ, cuống đỏ thẫm, thu hút sự chú ý. Tài liệu phân loại nhanh chóng được lật ra. Đúng rồi! Chính là cây Cóc đỏ (Lumnitzera littorea), một loài cây rừng ngập mặn có tên trong Sách Đỏ Việt Nam, hiếm đến độ số lượng cá thể của chúng trên toàn bộ hơn 40.000 hecta rừng Cần Giờ ở TP.HCM chỉ đếm được vài cây. Niềm vui đến thật bất ngờ, xua tan bao nỗi mệt nhọc.
Rạch Tràm là một sông nhỏ, đổ ra biển phía bờ Bắc của đảo. Đoạn gần cửa biển, rừng ngập mặn chiếm một rìa hẹp ven rạch, có khi chưa đến mươi mét. Sau rừng ngập mặn là rừng tràm, rồi đến ngay thềm cao với rừng thường xanh. Đứng trên mỏm đất gần cửa Rạch Tràm, ta có thể thấy cả ba giai đoạn diễn thế thảm thực vật cùng hiện diện chỉ trong một khoảng cách chưa tới trăm mét. Lý thuyết sinh thái hiển hiện ngay trước mắt, đẹp như trong sách!
|
Cây Cóc đỏ (Lumnitzera littorea) nay đã vào Sách Đỏ Việt Nam do đang ở sát mép bờ vực tuyệt chủng. |
Ngoại trừ rạch Dương Đông và rạch Hàm Ninh là tương đối lớn, các dòng chảy khác trên đảo Phú Quốc đều nhỏ. Trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia ở phía Bắc đảo có nhiều dòng nước nhỏ như vậy. Chúng được bảo vệ từ nguồn cho tới nơi chúng đổ ra biển, làm nên những phòng thí nghiệm thiên nhiên tuyệt vời cho nghiên cứu sinh học thực địa, đặc biệt là sinh thái học. Trên những dòng nước ấy, ở đoạn sông giao hòa với biển, mặn ngọt gặp nhau, chính là nơi rừng ngập mặn hiện diện. Điểm đặc biệt của rừng ngập mặn đảo Phú Quốc là phần lớn chỉ mọc trên nền cát và phân bố thành một dãy rất hẹp dọc hai bên sông. Các yếu tố nầy tạo nên tính đặc sắc nhưng đồng thời cũng làm cho sự tồn tại của rừng ngập mặn ở đảo Phú Quốc rất mong manh. Mong manh vì khi chúng mất đi thì khó mà có thể phục hồi được. Diện tích nhỏ hẹp làm cho việc mất trắng rừng ngập mặn trên một dòng rạch rất dễ xảy ra. Nền cát nghèo dinh dưỡng và sự thay đổi tính chất dòng chảy sau khi rừng mất đi có thể làm cho việc tái sinh cây rừng ngập mặn là một điều vô vọng.
Nếu ví đảo Phú Quốc như một nàng kiều nữ, thì rừng ngập mặn trên đảo chính là làn mi cong trên khuôn mặt đẹp. Làn mi duyên dáng ấy mà bị vặt trụi thì sắc đẹp sẽ giảm đi nhiều lắm. Tạo hóa có lẽ không tạo ra làn mi chỉ để trang điểm, chúng phải có vai trò trong việc bảo vệ đôi mắt. Rừng ngập mặn trên đảo Phú Quốc cũng vậy. Không chỉ điểm xuyến cho vẽ đẹp của cảnh quan, chúng còn đảm trách những vai trò sinh môi trọng yếu, một mắt xích quan trọng trong chuỗi sinh thái từ nước lên cạn.
Phát triển trái khoáy |
Thực tế phát triển đang ẩn hiện nhiều trò trái khoáy. Đồ thiệt không biết xài, lại ham xài đồ giả:
Hăm hở đốn hạ cây rừng rồi lại xum xoe chăm bón... cây cảnh!
Những hàng phi lao thay cho cây đước, cây mắm ở cửa rạch!
Đầm lầy bản địa lấp đi, thay bằng những bãi cỏ ngoại nhập!
Những khối bê tông thô kệch xé toạt cảnh quan tự nhiên!
Du lịch sinh thái được hiểu như là... nhậu thịt rừng, ăn hải sản tươi sống, tắm hồ bơi ở biển, cỡi ngựa cỡi voi cả ở những chỗ ngựa voi không hề sinh sống! |
Viếng thăm đảo Phú Quốc lúc nầy, ta có thể cảm nhận một cách rõ ràng áp lực phát triển kinh tế đang bắt đầu đè nặng lên thiên nhiên của đảo. Các khu nghỉ mát to lớn đang mọc lên, giá đất tăng từng ngày, đường sá thênh thang, sân bay mở rộng, máy bay tăng chuyến, tàu cao tốc vào ra nườm nượp. Nàng kiều nữ giật mình trở dậy, ngỡ ngàng trước bao sự chộn rộn.
Tốc độ phát triển quá nhanh đặt những hệ sinh thái nhạy cảm như rừng ngập mặn vào tình thế nguy hiểm đến sự tồn tại. Rạch Cửa Lấp hiện còn một đầm nước lợ (lagoon) với rừng ngập mặn rất đẹp mặc dù không nằm trong phạm vi của Vườn Quốc gia. Một công ty lớn ở TP.HCM đã giành được quyền khai thác du lịch trên vùng bãi biển ở hai bên cửa rạch. Một công viên nước sẽ được dựng lên và nghe nói có cả kế hoạch xây cầu cảng bằng bê tông ngay cửa rạch để tàu du lịch có thể cặp bến. Hình ảnh nàng kiều nữ với làn mi bị vặt trụi hiện rõ trong chúng tôi hơn bao giờ hết!
20 năm trước, GS Phạm Hoàng Hộ có mô tả một khu rừng ngập mặn rất phong phú ở cửa rạch Hàm Ninh. Nay, khu rừng ấy chỉ còn lại vài cây đước cây mắm trơ trọi, vết tích của một thời huy hoàng xưa. Khi nào sẽ đến lượt rạch Tràm, rạch Đầm, rạch Cá, Cửa Cạn, Cửa Lấp?
Tiềm năng phong phú của đảo Phú Quốc cần được huy động, vẻ đẹp của đảo cần được giới thiệu và chiêm ngưỡng. Thử thách lớn nhất đối với chính quyền địa phương chính là việc có được bản lĩnh và nghệ thuật quản lý sao cho sự phát triển được lèo lái theo cách không làm tổn hại đến thiên nhiên.
Thực tế phát triển đang ẩn hiện nhiều trò trái khoáy. Đồ thiệt không biết xài, lại ham xài đồ giả! Hăm hở đốn hạ cây rừng rồi lại xum xoe chăm bón... cây cảnh! Những hàng phi lao thay cho cây đước, cây mắm ở cửa rạch! Đầm lầy bản địa lấp đi, thay bằng những bãi cỏ ngoại nhập! Những khối bê tông thô kệch xé toạt cảnh quan tự nhiên! Du lịch sinh thái được hiểu như là... nhậu thịt rừng, ăn hải sản tươi sống, tắm hồ bơi ở biển, cỡi ngựa cỡi voi cả ở những chỗ ngựa voi không hề sinh sống!
Chính quyền cần có sự sáng suốt và dũng khí để uốn nắn những ấu trĩ đó!
Du khách cũng cần chăm chút cho thị hiếu thưởng ngoạn của mình.
Cầu mong cho thiên nhiên của đảo được bình yên!
TS Trần Triết (Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM) |