Tất cả nước của sông Mekong đã đi đâu?
23:00' 24/03/2004 (GMT+7)

Hôm nay 24/3, Mạng lưới sông Đông Nam Á - một nhóm môi trường - cho biết các con đập do Trung Quốc xây dựng và một đợt hạn hán đã đẩy nước ở sông Mekong xuống mức thấp kỷ lục, đe doạ đời sống của hàng triệu cư dân ở Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan.

Các thuyền đánh cá của Campuchia trên sông Mekong.

Chainarong Setthachua, giám đốc Mạng lưới sông Đông Nam Á, cho biết: ''Mức nước sông Mekong không chỉ ở mức thấp nhất trong lịch sử mà còn đang dao động, lúc lên, lúc xuống. Sự lên xuống của các dòng nước hiện xảy ra trong vòng một ngày trong khi trước kia, chu kỳ này phải mất ba - bốn ngày. Nguyên nhân này bắt nguồn từ các đập nước ở Trung Quốc''.

Số liệu của Uỷ ban Sông Mekong (MRC) - cơ quan liên quốc gia của Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam được thành lập để giám sát tình trạng của 4.800km đường sông - khẳng định ở một số đoạn, mực nước gần sát đáy sông. Các điều kiện hạn hán thường xuất hiện vào tháng 3, tháng 4 song năm nay lại bắt đầu từ tháng 1.

Đa số các trạm quan trắc của MRC trên sông Mekong cho thấy mực nước hiện ở dưới mức kỷ lục năm 1993. Pech Sokhem, giám đốc của MRRC tại Phnom Penh, Campuchia, cho biết: ''Chúng tôi rất lo ngại. Mực nước này rất có hại đối với nông nghiệp và nghề cá. Nếu nước không chảy đúng, cá sẽ không sinh sản hoặc không di cư''. Ông cho rằng lượng mưa ít trong năm 2003 phần nào gây ra hiện tượng này song trách nhiệm cũng thuộc về Trung Quốc, nước đang xây dựng các đập thuỷ điện ở thượng nguồn. Mực nước cạn năm 1993 trùng hợp với việc Trung Quốc hoàn tất và tích đầy nước cho đập thuỷ điện lớn đầu tiên tại Manwan ở tỉnh Vân Nam.

Kể từ đó tới nay, Trung Quốc đã hoàn tất một đập thủy điện khác. Theo báo cáo 2003 của MRC, nước này dự định xây dựng thêm sáu đập thuỷ điện nữa và hai đập khác đang được thi công. Tất cả những công trình này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới 60 triệu người đang sống ở lưu vực sông Mekong - khu vực có diện tích bằng Pháp và Đức cộng lại. Tác động chắc chắn sẽ là nặng nề nhất tới Campuchia nơi các đợt lũ hàng năm của con sông này tạo ra sản lượng cá nước ngọt lớn thứ tư trên thế giới và nơi có gần 1,5 triệu người liên quan tới nghề cá.

Yang Yara, một người lái thuyền 44 tuổi gần Phnom Penh, cho biết con sông này ngày càng nông hơn. Ông nói: ''Nó làm cuộc sống của tôi khó khăn hơn bởi thuyền của tôi luôn bị vướng vào các bãi cát nổi và bờ sông đầy bùn''. Đập thuỷ điện cũng dóng lên hồi chuông báo tử đối với nhiều loài động vật, chẳng hạn loài cá trê lớn có nguy cơ tuyệt chủng cao ở sông Mekong - loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới và là một trong gần 1.500 loài độc nhất trong hệ thống sông Đông Nam Á này. Ngoài ra, các bãi cát lớn, trước đây không tồn tại, đang xuất hiện dọc các triền sông, gây nguy hiểm cho tàu bè đi lại.

Trước tình hình này, MRC đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp vào hôm nay tại Việt Nam nhằm tìm ra nguyên nhân và giải pháp. Câu hỏi đặt ra là: Tất cả nước của sông Mekong đã đi đâu?

Ông Surachai Sasisuwan, tổng giám đốc Cục Tài nguyên Nước Thái Lan cho biết: ''Chúng tôi muốn Trung Quốc thẳng thắn nói với chúng tôi về các dự án đập nước và cho chúng tôi biết các đập nước đó có phải là nguyên nhân làm nước biến mất hay không''. Sau cuộc họp, ông nói rằng MRC sẽ gửi một lá thư chính thức yêu cầu chính phủ Trung Quốc cung cấp thông tin về các đập nước.

Theo ông Surachai, thông tin từ phía Trung Quốc sẽ giúp các quốc gia ở hạ lưu sông Mekong đối phó với tình trạng hạn hán. Mặc dù ông không tin MRC có khả năng gây sức ép với chính phủ Trung Quốc song ông nói: ''Ít ra thì lá thư đó cho thấy tinh thần hợp tác giữa các quốc gia ở vùng hạ lưu sông Mekong''.

  • Minh Sơn (tổng hợp)
     
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Giở lại hồ sơ thảm họa tàu chở dầu nghiêm trọng nhất nước Mỹ (24/03/2004)
Virus corona mới - Nỗi lo mới? (24/03/2004)
147 triệu USD/năm để cung cấp nước sạch cho toàn dân vào năm 2020 (22/03/2004)
Làn mi cong sắp bị vặt trụi! (21/03/2004)
Mặt trời phun trào mạnh hơn chúng ta tưởng (18/03/2004)
Khai mạc giải Olympic đầu tiên cho robot (18/03/2004)
Trái đất vắng bóng hổ Sumatra? (17/03/2004)
Đồi mồi Việt Nam, Indonesia: Trước nguy cơ tuyệt chủng... (16/03/2004)
Hoãn chạy thử, nhưng huyện ngóng cổ... chờ máy bay đến! (15/03/2004)
Chó chết vì bệnh thận do ăn Pedigree? (13/03/2004)
Ngưng cho chó, mèo xơi Pedigree và Whiskas! (13/03/2004)
Suy thoái môi trường và thiếu lương thực ở sông Mekong (10/03/2004)
Chủ tịch công ty gia cầm tự tử sau khi bán sản phẩm nhiễm virus! (08/03/2004)
"Xóa đói giảm nghèo" cho cán bộ nghiên cứu? (05/03/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang