Vén màn thế giới bí ẩn của khủng long vùng cực
11:53' 01/04/2004 (GMT+7)

Nếu vài trăm triệu năm trước, nhà thám hiểm lừng danh người Na Uy Roald Amundsen có cơ hội đặt chân đến Nam cực, chắc hẳn ông đã không có cơ hội để trở về và kể lại câu chuyện thám hiểm của đời mình vì đã bị... khủng long xơi tái.

Từ Cryolophosaurus ellioti...

Tại miền băng giá, khủng long có thể phải sống hàng tháng trời trong bóng tối.

Cryolophosaurus ellioti là một loại khủng long ăn thịt, dài 7m tính từ đầu đến chóp đuôi, với chiếc mào dị thường trên chóp sọ. Đây là một trong vài thành viên của "gia đình" khủng long làm chủ các vùng cực của thế giới. Mặc dù khí hậu lúc đó ấm hơn ngày nay, lũ khủng long vẫn phải sống hàng tháng trời trong cảnh tối tăm với nhiệt độ dưới 0 độ C.

Trong hai thập kỷ qua, rất nhiều tay săn khủng long đã phát hiện hóa thạch từ trong băng tuyết Nam cực, kéo chúng ra từ những khu mỏ xương ở Australia, khai quật lòng suối ở New Zealand, đào xới bờ sông băng giá ở Alaska và những thảo nguyên lạnh lẽo của Patagonia. Các mẫu hoá thạch, những bộ xương dựng lại, mô hình và tranh vẽ về thế giới cổ đại của khủng long vùng cực lại tiếp tục được trưng bày hôm thứ năm tuần trước tại Seattle (Washington, Mỹ). Tại cuộc trưng bày, khủng long cryolophosaurus chào đón du khách với hàm răng trắng lóa.

Patricia Vickers-Rich, nhà cổ sinh học thuộc ĐH Monash (Australia), người chủ trì cuộc trưng bày mang tên "loài khủng long của bóng tối", là một trong số những nhà khoa học đi tiên phong trong việc nghiên cứu loài khủng long vùng cực. Bà đã cùng các cộng sự tìm ra những mẫu hóa thạch giúp hé mở nhiều bí mật về đời sống khủng long tại hai đỉnh của thế giới.

--- Đến khủng long vùng cực

Chúa tể một thời của Trái đất.

Vickers-Rich và chồng là Thomas Rich, nhà cổ sinh học tại Bảo tàng Victoria (Australia), đã tập trung nghiên cứu điền dã ở miền Nam Australia. Vào Kỷ Phấn trắng (140-65 triệu năm trước), Australia nằm sâu trong khu vực cực Nam Trái đất. Trong số các loài khủng long mà bà và cộng sự đã tìm thấy có hypsilophodontid, loại khủng long ăn cỏ chạy trên hai chân, vóc dáng nhỏ và tương đối nhanh nhẹn. Chúng có mắt to và thuỳ quang trong não cũng rất lớn. Điều này chứng tỏ rằng thị lực của chúng đã thích nghi với những tháng ngày sống trong bóng tối.

Kết quả phân tích hypsilophotontid cho thấy xương của chúng tăng trưởng theo vòng năm. Đây là bằng chứng cho thấy động vật ăn cỏ không ngủ đông trong những tháng lạnh nhất trong năm. Rất có thể chúng là động vật máu nóng và có khả năng điều khiển thân nhiệt. Qua kiểm tra trầm tích và hóa thạch thực vật có liên quan đến phát hiện về hypsilophotontid, các nhà nghiên cứu đã cùng nhau tổng hợp điều kiện môi trường và khí hậu miền nam Australia thời đại khủng long, cách đây 115-105 triệu năm về trước.

Vickers Rich nói: "Nhiều loại cây vẫn không giảm xuống mức rụng lá. Chúng không ngừng hoạt động, vì thế vẫn còn thức ăn cho động vật. Trên thực tế, khí hậu, chứ không phải ánh sáng, giống như điều kiện hiện nay ở Seattle." Nằm ở Tây Bắc Thái Bình Dương, Seattle nổi tiếng là vùng đất ẩm ướt và ôn hòa với rừng mưa ôn đới hình thành khắp nơi, tuyết phủ trên các đỉnh núi lân cận.

Các loài khủng long khác, chẳng hạn như Serendipaceratops arthurcclarkei có sừng, cũng có nguồn gốc từ Nam Australia, chứng tỏ khủng long có sừng cũng bắt nguồn từ vùng cực. Chúng phát triển nhiều ở Mông Cổ vào cuối Kỷ Đại trung Sinh hoặc cuối Kỷ Phấn trắng, còn ở Australia thì ở đầu Kỷ Phấn trắng. Cryolophosaurus ellioti, loài khủng long ăn thịt cách đây gần 200 triệu năm phát hiện được ở Nam Cực, lại có họ hàng với loài khủng long nổi tiếng Allosaurus ở Bắc Mỹ ở cuối Kỷ Jura, cách đây 150 triệu năm.

Gần đây nhất, vào tháng 12/2003, nhóm nghiên cứu do William Hammer phụ trách thuộc ĐH Augustana (bang Illinois, Mỹ) đã tiếp tục khai quật các tiêu bản Cryolophosaurus ellioti mà họ tìm thấy năm 1991, tình cờ phát hiện ra một con Sauropod. Đây là con khủng long lớn nhất từ trước đến nay phát hiện thấy ở Nam Cực. Cuối năm nay, nhóm của Hammer sẽ phân tích tiêu bản này khi nó được chuyển về Mỹ.

Từ giữa những năm 1980, Roland Gangloff, một nhà cổ sinh học thuộc ĐH Bảo tàng Alaska, đã tìm thấy một số dấu vết khủng long dọc sườn núi phía Bắc Alaska. Chúng gần giống như các loại khủng long tìm thấy ở một số địa điểm phía Nam như Alberta, Montana và Wyoming, chỉ có điều không có các loài bò sát máu lạnh thực thụ như thằn lằn và cá sấu. Việc thiếu vắng lũ bò sát máu lạnh khiến Gangloff và đồng nghiệp nghĩ rằng khủng long ở đây không phải là loài máu lạnh hoặc máu nóng thực thụ; chúng có một hệ trao đổi chất khác hẳn với động vật còn sống ngày nay.

Công việc nặng nhọc: săn dấu khủng long

Họ phải thường xuyên treo mình trên vách đá cheo leo.

Săn tìm dấu vết khủng long ở vùng cực là một công việc vừa nặng nhọc vừa tốn kém, đặc biệt là ở Nam Cực. Hammer và cộng sự đã phải sống trong nhiệt độ thường xuyên tụt xuống -32oC, ngủ trong lều bạt và đun băng làm nước uống. Hammer cho biết: "Nơi chúng tôi làm việc rất khó tiếp cận. Chúng tôi ở cách bờ biển 800km và cách điểm cực Nam 640km. Nếu xét về độ cao, khu vực khủng long nằm trên đỉnh Kirkpatrick, cách mặt nước biển 4.000m".

Ở Australia, công việc của Vickers Rich cũng chẳng lấy gì làm dễ chịu hơn, mặc dù khí hậu Australia rất ôn hòa và đường sá dễ đi lại hơn. Nhóm của bà phải treo mình ở độ cao 100m hoặc hơn trên vách đá, trước khi chui sâu vào lòng núi để tìm kiếm xương khủng long. Nhưng những vất vả mà họ phải trải qua cuối cùng cũng được đền đáp bằng kết quả tìm kiếm có giá trị cao về mặt khảo cổ. Tất cả các mẫu vật sẽ được trưng bày tại Viện Bảo tàng Burke (Seattle, Mỹ) cho tới ngày 10/10/2004 để mọi người đều có cơ hội chiêm ngưỡng về một thế giới đã mất.

Khánh Hà (Theo National Geographic)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Màn bạc nhoà khói thuốc! (29/03/2004)
Chạy thử máy bay nhỏ: Thiết kế VAM-1 đạt yêu cầu (28/03/2004)
Tiêm vắc-xin ngừa cúm gà, khéo..."gậy ông đập lưng ông"! (25/03/2004)
Tất cả nước của sông Mekong đã đi đâu? (24/03/2004)
Giở lại hồ sơ thảm họa tàu chở dầu nghiêm trọng nhất nước Mỹ (24/03/2004)
Virus corona mới - Nỗi lo mới? (24/03/2004)
147 triệu USD/năm để cung cấp nước sạch cho toàn dân vào năm 2020 (22/03/2004)
Làn mi cong sắp bị vặt trụi! (21/03/2004)
Mặt trời phun trào mạnh hơn chúng ta tưởng (18/03/2004)
Khai mạc giải Olympic đầu tiên cho robot (18/03/2004)
Trái đất vắng bóng hổ Sumatra? (17/03/2004)
Đồi mồi Việt Nam, Indonesia: Trước nguy cơ tuyệt chủng... (16/03/2004)
Hoãn chạy thử, nhưng huyện ngóng cổ... chờ máy bay đến! (15/03/2004)
Chó chết vì bệnh thận do ăn Pedigree? (13/03/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang