TP.HCM:
Ô nhiễm kênh Thầy Cai - An Hạ: Vẫn bó tay?!
19:56' 04/04/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Sở Tài nguyên – Môi trường TP.HCM vừa đề nghị xử phạt 34 đơn vị xả nước thải vào hệ thống kênh Thầy Cai - An Hạ. Trong đó, 21 đơn vị bị buộc phải xây dựng hoàn thành hệ thống xử lý nước thải trong thời hạn 60 ngày. Xử phạt như vậy liệu có đủ để cứu hệ kênh ngày càng đen, thối này?

Dân kêu: Nước!

Nhiều người dân thuộc các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi ở TP.HCM phàn nàn rằng đã nhiều tháng nay, họ không có nước để dùng, phải mua nước hàng ngày để sử dụng cho tắm rửa, nấu nướng, sinh hoạt. Bà Hương, nhà ở 32/4, ấp 4, xã Phạm Văn Hai, Bình Chánh cho hay: Nước thải của các nhà máy đã nhuộm dòng kênh đen kịt, chưa kể mùi hôi thối bốc lên. Do đó, nước kênh không thể dùng làm nước sinh hoạt được (dù chỉ để tắm giặt)!

Cống xả Vạn Thành (nằm bên phải) của nhà máy sản xuất nệm mút Vạn Thành, xả trực tiếp nước thải vào kênh An Hạ.

Đa phần người dân ven kênh có đời sống khó khăn, nhưng cũng đành phải "đổi" (mua) nước từ nơi khác chở đến "hét" với giá khá đắt. Vậy mà nếu hôm nào không kịp "đổi" nước sớm, coi như ngày đó không có nước để dùng. Hầu hết dân ở các nơi này đều mong mùa mưa đến để có thể hứng nước mưa mà dùng, đỡ tốn tiền "đổi" nước mỗi ngày. Ông Nguyễn Văn Chữ, nhà ở là một túp lều tranh sát ngay dòng kênh An Hạ, cho biết: Mỗi ngày, hai vợ chồng ông chỉ đủ tiền "đổi" 30 lít nước để dùng. Do đó, việc tắm rửa ông đành nhường cho vợ. Còn mình thì chạy đến nhà người thân quen để “tắm đỡ”...

Các hộ dân ở các khu vực này phản ánh: Vào mỗi buổi chiều, khi nước thải nhà máy nhuộm thải ra thì con kênh chuyển màu từ đen qua... đỏ thẫm. Mùi của nước thải của nhà máy thuộc da lại gây hôi thối và làm nhức đầu. Mùi nước thải của xí nghiệp chế biến sản xuất cồn thì nồng nặc, hăng hắc... ”Ở riết, hửi riết thành ra phân biệt được cả mùi hôi!" - anh Thành, một người lái xe ôm cười, nói.

Nhà nước cũng kêu… ô nhiễm!

Cống nước thải, nằm phía bên trái của nhà máy sản xuất nệm mút Vạn Thành, cũng xả trực tiếp nước thải vào kênh An Hạ,

Không chỉ có người dân sống ở các địa phương kêu, mà ngay một số công ty thuộc các khu vực dọc kênh Thầy Cai - An Hạ cũng "rên rỉ". Công ty Quản lý Khai thác Dịch vụ Thuỷ lợi đã lên tiếng cảnh báo tình trạng ô nhiễm nước kênh Thầy Cai - An Hạ ngay từ tháng 1/2002. Đến tháng 8/2002, Công ty lại tiếp tục lên tiếng báo động về tình hình ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước đầu nguồn sông Sài Gòn.

Ông Trần Thanh Tùng, phó giám đốc quản lý khai thác công trình thuỷ lợi Hóc Môn - Bình Chánh cho biết: Xí nghiệp quản lý mười trục kênh chính và hệ thống kênh phụ như An Hạ, kênh Xáng, kênh Liên vùng... với chiều dài trên 1.000km. Hệ thống thuỷ lợi này dùng để giải quyết nước cho sản xuất nông nghiệp và cung cấp nước sinh hoạt cho người dân thuộc các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh. Tuy nhiên, do nước kênh bị ô nhiễm nên Công ty đã không thể cung cấp nước thường xuyên cho người dân. Một số cống thuỷ lợi cung cấp nước cho ruộng cũng phải đóng cửa từ hai năm nay vì sợ nước đen chảy ra ruộng.

Ô nhiễm nguồn nước kênh Thầy Cai - An Hạ đã lan rộng trên nhiều địa bàn, mà nghiêm trọng nhất là ở các khu vực kênh thuộc Khu Công nghiệp Tân Phú Trung (huyện Củ Chi), Khu Công nghiệp Lê Minh Xuân, các xã Tân Hoà Hiệp, xã Xuân Thới Sơn,...

Được coi là ô nhiễm nghiêm trọng nhất là dòng kênh ngay tại Khu Công nghiệp Tân Phú Trung - nơi có khoảng 45 cơ sở sản xuất công nghiệp. Hầu hết các cơ sở này đều sản xuất những ngành nghề gây ô nghiễm mà UBND TP.HCM hạn chế cấp giấy phép. Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở này lại "quên" xây dựng hệ thống xử lý nước thải (XLNT), xả thẳng nước chưa qua xử lý vào các tuyến kênh Thầy Cai, TC18A, TC18, TC17,...

Năm nào cũng kêu, rồi… cũng vậy!

Một đoạn kênh ô nhiễm tại khu vực cầu Bông, quốc lộ 22, ấp Trảng Bom, huyện Củ Chi.

Vào ngày 16/1/2004, tức một tuần trước Tết Giáp Thân, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) TP.HCM đã có công văn số 43/SNN-QLN gởi Sở TN-MT Thành phố với nội dung báo động nguồn nước trên các tuyến kênh thuộc hệ thống thuỷ lợi Hóc Môn - Bắc Bình Chánh (thường gọi là hệ thống kênh Thầy Cai - An Hạ) bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đặc biệt là đoạn từ cầu Tân Tạo (Tỉnh lộ 10) đến tuyến kênh C, nước có màu đen và hôi thối.

Không chỉ phản ánh tình trạng nói trên, trong công văn đã nêu, Sở NN&PTNT TP.HCM còn... phàn nàn: Lần lượt ở hai năm trước đây, vào tháng 3/2002 và tháng 3/2003, Sở NN&PTNT đều đã có văn bản gởi Sở Khoa học – Công nghệ và Môi trường TP.HCM (nay đã tách thành Sở Khoa học – Công nghệ và Sở TN-MT TP.HCM) phản ánh về việc các doanh nghiệp xả nước thải gây ô nhiễm nguồn nước. Thậm chí, từ ngày 13/5 đến 3/6/2003, Sở NN&PTNT TP.HCM cũng đã tham gia cùng đoàn kiểm tra ô nhiễm nguồn nước do Sở Khoa học – Công nghệ và Môi trường TPHCM thành lập, vậy mà đến nay tình trạng này vẫn cứ tiếp diển. Thậm chí, mức độ ô nhiễm còn gia tăng hơn trước cả về lượng và chất!

Trên đây là ý kiến của Sở NN&PTNT TP.HCM. Còn về phía Sở TN-MT TP.HCM, gần một tháng sau, ngày 11/2, Sở này mới gởi công văn số 730/TNMT-QLMT trả lời về tình trạng ô nhiễm nước kênh Thầy Cai - An Hạ (thuộc địa bàn các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh): Ở Củ Chi chỉ có 9/46 đơn vị sản xuất công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải. Tương tự, Hóc Môn cũng chỉ có 11/46 đơn vị chưa có hệ thống XLNT. Còn ở Bình Chánh, 28 cơ sở sản xuất đều đã có hệ thống XLNT!

Sở TN-MT TP.HCM cũng nhắc lại: Trong đợt kiểm tra ô nhiễm vào tháng 6/2003, qua kiểm tra 31 đơn vị sản xuất, Sở này đã xử phạt hành chính 11 đơn vị ở huyện Củ Chi, năm đơn vị ở huyện Hóc Môn và hai đơn vị ở huyện Bình Chánh. Còn nguyên nhân tại sao ô nhiễm vẫn cứ tiếp tục gia tăng, Sở TN-MT TP.HCM cho rằng ở Củ Chi và Hóc Môn đã có 13 đơn vị sản xuất xếp vào loại “gây ô nhiễm nặng” và đang vay vốn từ Quỹ Giảm thiểu Ô nhiễm Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp để xây dựng hệ thống XLNT. Thế nhưng, do “việc giải ngân chưa được tiến hành nên các đơn vị trên vẫn tiếp tục hoạt động mà không có hệ thống XLNT” - Sở này giải thích vậy!

Đã vậy, một số đơn vị khác tuy có hệ thống XLNT nhưng lại chỉ hoạt động mang tính… “đối phó”! Trước tình hình này, trong công văn của mình, Sở TN-MT TP.HCM đề nghị phải xử lý nghiêm khắc, “không loại trừ việc đề nghị đình chỉ sản xuất” các đơn vị đã có hệ thống XLNT nhưng lại cố tình gây ô nhiễm.

Lạ chưa: Giơ cao, đánh khẽ?!

Sau đó, theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, từ ngày 19/2 đến 23/3, một đoàn kiểm tra gồm đại diện các Sở TN-MT, Sở NN&PTNT, Công ty Quản lý Khai thác Dịch vụ Thuỷ lợi, UBND các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh đã tiến hành kiểm tra 57 đơn vị sản xuất trên địa bàn. Kết quả cho thấy: Có đến hơn một nửa số đơn vị nói trên (34/57) đã tống thẳng nước thải chưa qua xử lý vào kênh Thầy Cai - An Hạ!

Theo tiết lộ của một cán bộ Phòng Quản lý Môi trường (Sở TN-MT TP.HCM), tại cuộc họp vào chiều 26/3/2004 tại UBND TP.HCM, Sở TN-MT đã có kiến nghị đình chỉ hoạt động sản xuất của 17 đơn vị gây ô nhiễm nghiêm trọng nhất trong tổng số 34 đơn vị vi phạm. Tuy nhiên, phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Đua không đồng tình với kiến nghị nói trên. Theo ông Đua, chỉ xử phạt vi phạm hành chính các đơn vị vi phạm và buộc các doanh nghiệp phải cam kết lập phương án xử lý ô nhiễm trong thời hạn nhất định. Chỉ sau khi hết thời hạn mà doanh nghiệp vẫn chưa khắc phục ô nhiễm thì mới tạm đình chỉ.

Trên cơ sở đó, ngày 30/3 mới đây, Sở TN-MT đã có công văn số 1811/TNMT-QLMT về “Báo cáo kết quả kiểm tra các cơ sở sản xuất xả nước thải ra kênh Thầy Cai - An Hạ” gởi Thường trực HĐND TP.HCM. Báo cáo cho biết: Sở đã đề xuất xử lý 34 đơn vị vi phạm gây ô nhiễm môi trường. Trong đó, phạt tiền đối với chín đơn vị, phạt cảnh cáo và yêu cầu XLNT đối với ba đơn vị, phạt tiền và yêu cầu xây dựng hệ thống thống XLNT trong thời hạn 60 ngày đối với 21 đơn vị.

Phạt cứ phạt, làm… cứ làm!

Chiều 3/4, chúng tôi đã liên hệ với một số công ty bị đề nghị xử phạt và buộc phải xây dựng hệ thống XLNT. Ông Hồ Minh, trợ lý giám đốc Công ty Sản xuất Nệm cao su Nghĩa Thành đóng tại Khu Công nghiệp Tân Phú, cho biết do Công ty mới chuyển từ Khu Công nghiệp Tân Bình đến nên chưa kịp xây dựng hệ thống XLNT. Mặc dù ban giám đốc cũng đã có dự án xây dựng hệ thống XLNT, tuy nhiên theo ông Minh, thời hạn 60 ngày là quá gấp. Ông e rằng, với thời hạn nói trên, cho dù có hoàn thành việc xây dựng hệ thống XLNT thì chưa chắc hệ thống đã vận hành đạt yêu cầu.

Còn Công ty Nghĩa Thành (sản xuất nệm cao su ở Củ Chi), một trong số những đơn vị bị Sở TN-MT TP.HCM đề nghị phạt tiền và buộc phải xây dựng hệ thống XLNT, lại cho rằng giá thành một hệ thống XLNT đến 600 triệu đồng. Công ty Nghĩa Thành lại vừa mới di dời nhà xưởng và tốn kém khá nhiều chi phí. Do đó, theo ông Hồ Minh, công ty chưa biết phải xử lý thế nào vì không thể có đủ chi phí cho việc xây dựng hệ thống XLNT.

Trong khi đó, ông Lê Thanh Hải, quản đốc ở Công ty Tân Hoà Hiệp - sản xuất giấy tái sinh thì khăng khăng: Đơn vị của ông đã hoàn thành hệ thống XLNT nhưng không hiểu sao lại bị Sở TN-MT TP.HCM phạt do hệ thống XLNT không đạt yêu cầu (?!). Ông cho biết đang liên hệ với Sở để xem lại việc này.

Riêng đối với Công ty King-Max, chuyên sản xuất găng tay về y tế, khi phóng viên điện thoại đến xin gặp Ban giám đốc để hỏi ý kiến về việc gây ô nhiễm môi trường thì được trả lời “Chúng tôi đã quá mệt mỏi. Các anh chị muốn viết gì cũng được. Chúng tôi không có thời gian rảnh, và cũng không quan tâm đến câu hỏi mà các anh chị nêu!”.

Sự bó tay của nhà báo phải chăng cũng nằm trong hệ thống... những sự bó tay của chính quyền TP.HCM trước những đơn vị gây ô nhiểm kênh Thấy Cai - An Hạ?

Xin lưu ý: Không chỉ những lời kêu của người dân, mà chính quyền còn sẽ đối mặt với chi phí rất lớn phải bỏ ra để khắc phục ô nhiễm môi trường - ở đây nói riêng là kênh Thầy Cai - An Hạ. Chi phí ấy ai sẽ gánh vác, bởi những đơn vị gây ô nhiễm chỉ được yêu cầu cần có hệ thống XLNT, còn "di sản" ô nhiễm trước nay vẫn được... "xuê-xoa-xí-xóa"? Yêu cầu là có giới hạn, vậy mà vẫn "giơ cao đánh khẽ"?

Nông Khắc Ý - Thu Thảo  

Các đơn vị xả nước thải vào kênh Thầy Cai - An Hạ vừa bị Sở TN-MT TP.HCM đề nghị xử phạt

STT  Tên cơ sở Ngành sản xuất Đề xuất xử lý của Đoàn kiểm tra

Huyện Củ Chi

01  DNTN Thăng Long Nhuộm Phạt tiền và xây dựng hoàn thành hệ thống xử lý nước thải (XLNT), thời hạn hai tháng
02 Cty TNHH Nghiệp Hưng S/x cồn và CO2

nt

03 Cty TNHH Đoàn Hưng Thịnh S/x cồn

nt

04 Cty TNHH Tường Trung S/x cồn

nt

05 DNTN Huy Thịnh Cán rửa cao su

nt

06 Cty TNHH Nghĩa Thành S/x nệm cao su

nt

07 Cty TNHH Thành Long Cán rửa cao su

nt

08 Cơ sở Vạn Phát Cán rửa cao su

nt

09 Cty TNHH Phú Sĩ Dệt nhuộm

nt

10 Cty cổ phần Vĩnh Phát Xeo giấy

nt

11 Cơ sở Hưng Phát Cán rửa cao su

nt

12 Cty quốc tế Minh Việt Giấy ảnh màu, mỹ phẩm

nt

13 HTX Tấn Thành Cán rửa cao su

Phạt tiền

14 Cty TNHH Tiến Phát Xeo giấy

nt

15 Trạm cân heo Tân Phú Trung Trạm cân

nt

16 DNTN Thành Đạt Hóa chất

nt

Huyện Hóc Môn

01 Cty King-Max Găng tay y tế Phạt tiền và xây dựng hoàn thành hệ thống XLNT, thời hạn hai tháng
02 Cơ sở Phú Bình S/x cồn

nt

03 Cty TNHH Hải Duy S/x cồn và CO2

nt

04 Cty Than 10 S/x cồn và CO2

nt

05 Cty TNHH Á Châu Giấy

nt

06 Cty TNHH Trung Nam S/x giấy tái sinh

Phạt tiền

07 Cty TNHH Song Nam S/x giấy tái sinh

nt

08 Cty TNHH Đại Thành Phát Sơ chế vỏ tôm

nt

09 Cty TNHH Tân Hòa Hiệp S/x giấy tái sinh Phạt tiền và yêu cầu khắc phục hệ thống XLNT
10 Cơ sở Thành Phát Nhuộm

nt

Huyện Bình Chánh

01 DNTN Tân Kiên S/x giấy tái sinh Phạt tiền và y/c khắc phục hệ thống XLNT
02 Cty TNHH Han Son S/x bút bi

nt

03 DNTN Thành Phát Nhuộm vải

nt

04 Cty TNHH Tân Kim Sơn S/x giấy

nt

05 Cty TNHH Mỹ Thành Chế biến thực phẩm Phạt cảnh cáo và y/c XLNT
06 Cty TNHH Thiên Phúc Chế biến thực phẩm

nt

07 Cty TNHH Hưng Thịnh Vô chai đóng gói nước mắm

nt

08 KCN Lê Minh Xuân   Phạt cảnh cáo và y/c kiểm tra việc thoát nước, XLNT cục bộ của các cơ sở

  

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Làm sao để nuôi tôm hiệu quả và bền vững? (03/04/2004)
Vén màn thế giới bí ẩn của khủng long vùng cực (01/04/2004)
Màn bạc nhoà khói thuốc! (29/03/2004)
Chạy thử máy bay nhỏ: Thiết kế VAM-1 đạt yêu cầu (28/03/2004)
Tiêm vắc-xin ngừa cúm gà, khéo..."gậy ông đập lưng ông"! (25/03/2004)
Tất cả nước của sông Mekong đã đi đâu? (24/03/2004)
Giở lại hồ sơ thảm họa tàu chở dầu nghiêm trọng nhất nước Mỹ (24/03/2004)
Virus corona mới - Nỗi lo mới? (24/03/2004)
147 triệu USD/năm để cung cấp nước sạch cho toàn dân vào năm 2020 (22/03/2004)
Làn mi cong sắp bị vặt trụi! (21/03/2004)
Mặt trời phun trào mạnh hơn chúng ta tưởng (18/03/2004)
Khai mạc giải Olympic đầu tiên cho robot (18/03/2004)
Trái đất vắng bóng hổ Sumatra? (17/03/2004)
Đồi mồi Việt Nam, Indonesia: Trước nguy cơ tuyệt chủng... (16/03/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang