Rác thải máy tính: Nhập khẩu và xử lý... cái độc hại
11:46' 06/04/2004 (GMT+7)

Sở hữu một chiếc máy tính, dù cũ, là niềm mơ ước của nhiều sinh viên nghèo. Tuy nhiên, nếu không được xử lý đúng cách, máy tính cũ có thể trở thành nguồn chất thải cực kỳ độc hại.

Một phòng máy như thế này là mơ ước của rất nhiều học sinh nghèo.

Ngày nay, PC - máy tính cá nhân (gọi tắt là máy tính) đóng một vai trò hết sức quan trọng trong hầu hết mọi hoạt động của cuộc sống hàng ngày. Mỗi năm, các nhà sản xuất trên thế giới tung ra thị trường khoảng 130 triệu máy tính mới, đồng thời cũng thải ra rất nhiều máy tính cũ. Tại các nước phát triển, xác máy tính được tập trung tại những bãi rác khổng lồ, trở thành một trong những nhân tố gây ô nhiễm môi trường cực kỳ nguy hiểm.

Nguồn chất thải độc hại

Theo Ted Smith, giám đốc điều hành Công ty Bảo vệ Môi trường ở Silicon Valley, California - một trong những cái nôi điện tử của Mỹ - mỗi máy tính có chứa 1.000-2.000 chất liệu khác nhau, trong đó có rất nhiều chất độc hại. Ông cho biết: "Một số chất chúng ta đã biết từ lâu, chẳng hạn như chì, thủy ngân và cadmium. Bên cạnh đó, còn có những kim loại rất độc như axonic. Nhiều người cho rằng máy tính là công nghệ sạch, nhưng họ không biết rằng bên trong máy tính tiềm ẩn những thứ có thể gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe và môi trường. Tuy nhiên, nếu những chất liệu này được xử lý đúng cách thì lại không có vấn đề gì."

Một số chất độc hại trong máy tính
Thủy ngân
Chì
Arsenic
Antimony trioxide
Polybrominate
Selenium
Cadmium
Chromium

Tại phương Tây, chi phí trung bình để xử lý một cái máy tính là 10 USD theo phương pháp công nghiệp hiện đại. Nhưng một số công ty lại chọn giải pháp rẻ hơn - xuất khẩu máy tính cũ sang các quốc gia nghèo, nơi luật lệ về an toàn rất lỏng lẻo, thậm chí không có. Ấn Độ là một trong những điểm đến như vậy. Phóng viên BBC đã đến Silampur, một khu phố sầm uất ở Dehli, để trực tiếp kiểm chứng thực tế nói trên. Nhìn từ bên ngoài, các hàng quán trông bình thường như bất cứ hàng quán nào trên khắp đất nước rộng lớn này. Nhưng đằng sau là những nơi xử lý đủ loại đồ điện tử cũ.

Theo Kishore Wankhade, thành viên của Toxics Link, tổ chức theo dõi hoạt động xử lý chất thải điện tử ở Ấn Độ, thực ra đây là một công việc nghiêm túc, chỉ có điều không được tổ chức đàng hoàng. Tất cả các máy tính cũ ở đây đều có nguồn gốc từ Bắc Mỹ. Có rất nhiều xưởng nhỏ, phân chia theo từng nhóm việc cụ thể. Có xưởng chuyên lấy đồng, có xưởng chuyên tháo rời máy tính, và có xưởng chuyên thu hồi kim loại.

Phần lớn mọi người sử dụng luôn một phòng trống trong nhà để làm việc. Nhóm phóng viên BBC đã vào nhà ông Mohammed Ayub, một người chuyên xử lý máy tính và ti-vi cũ. Quan sát mấy cái túi to trên sàn nhà, các phóng viên thấy toàn biến thế máy tính, bo mạch chủ, chip vi tính. Trả lời câu hỏi "Làm gì với những linh kiện cũ này?", người chủ cho biết ông sẽ cho thợ đun chảy lên để lấy đồng và vàng. Ông giải thích: “Chúng cho rất nhiều vàng.”

Những sản phẩm điện tử tinh vi của nhiều công ty nổi tiếng "sạch" trên thế giới đang được những bàn tay lam lũ ở Silampur tháo tung ra. Nhưng có lẽ lớp thợ ở đây cũng không biết mình đang ngày đêm tiếp xúc với chất độc. Theo ông Jeff Cooper thuộc Hiệp hội Chất thải Quốc tế, một chiếc màn hình máy tính đời cũ có chứa khoảng 2kg chì, rất có hại cho sức khỏe con người. Ông nói: "Theo thời gian, chì sẽ tích lũy trong cơ thể, đặc biệt là trong não, ảnh hưởng xấu đến hoạt động của não. Một chất độc khác trong máy tính là cadmium, có khả năng tích lũy lâu dài trong cơ thể, đặc biệt là trong xương. Về lâu dài, sức khoẻ của người thợ sẽ bị ảnh hưởng thế nào khi làm việc trong điều kiện như ở Silampur? Tác hại liên quan đến vấn đề xử lý đồ điện tử như máy tính trong các xưởng nhỏ hết sức nghiêm trọng, chủ yếu là do thợ không có đủ tiền để trang bị những phương tiện bảo hộ lao động cần thiết. Chất độc có thể bám vào quần áo, dính vào tay. Các xưởng nhỏ thường chỉ có lò nấu thủ công, không có hệ thống thoát khí đầy đủ nên chất độc không những dính vào tay mà còn có thể lọt qua đường hô hấp nữa".

Công ước Basel

Để kiếm sống, người dân nghèo phải chấp nhận độc hại.

Thông tin về nguồn chất độc từ máy tính không phải là một điều quá mới mẻ - bất cứ người nào trong ngành cũng đều có thể nắm được. Chính phủ các nước cũng được chuyên gia máy tính cố vấn đầy đủ về mức độ độc hại của rác thải công nghệ. Và cách đây 12 năm, một công ước quốc tế đã ra đời nhằm ngăn chặn việc phương Tây đưa chất thải sang các nước đang phát triển. Đó là Công ước Basel, với sự đồng thuận của hơn 150 quốc gia trên thế giới.

Theo Pierre Portas, thành viên Ban Thư ký Công ước Liên Hiệp Quốc, Công ước Basel có ba mục tiêu chính. Đó là: 1. Kiểm soát việc vận chuyển chất thải xuyên quốc gia, 2. Xử lý và giải phóng chất thải càng gần nơi chúng được sản xuất càng tốt, 3. Giới hạn được số lượng và mức độ độc hại của chất thải. Điều quan trọng là phải có biện pháp quản lý bền vững đối với công tác xử lý chất thải nhằm bảo vệ sức khỏe cho con người và gìn giữ môi trường.

Công ước Basel coi máy tính phế thải là một nguồn độc hại, do vậy tìm cách ngăn chặn không cho một nước đẩy nguồn sang một nước khác, trừ khi chúng được xử lý đúng cách. Tuy nhiên, để đưa được rác thải vi tính sang nước khác, "kẻ đổ rác" cũng phải vượt qua một mớ thủ tục dài dằng dặc. Portas giải thích: "Nếu như anh là nhà xuất khẩu, anh phải nói rõ xuất khẩu từ nước nào, xuất cái gì, và hàng sẽ đi qua những cửa khẩu nào? Đồng thời, anh phải thông báo các chi tiết như công ty nào sẽ vận chuyển chất thải, đi đâu, và phải trình hợp đồng với công ty nhập khẩu. Sau khi nhận được những giấy tờ này, nước xuất khẩu sẽ phải thông báo cho nước nhập khẩu và bất cứ nước nào mà chất thải sẽ đi qua. Nước nhập khẩu sẽ kiểm tra xem công ty nhập số chất thải đó có quyền và có khả năng xử lý hay không. Sau đó các bên - nước xuất khẩu, nước nhập khẩu, nước quá cảnh nếu có, và tất cả các công ty liên quan - sẽ thông báo cho nhau bằng văn bản. Cuối cùng, nước xuất khẩu mới cấp giấy phép vận chuyển cho công ty vận tải. Đây là những thủ tục mang tính nguyên tắc, nhưng trên thực tế, đôi khi có thể phức tạp hơn."

Vi phạm Công ước

Xử lý máy tính cũ, một công việc nguy hiểm.

Mặc dù vậy, máy tính cũ mang chất độc hại cho sức khỏe và môi trường vẫn được chở tới những nơi như Silampur của Ấn Độ và vẫn được tháo rời không đúng quy chuẩn. Theo ước tính, công việc tháo dỡ máy tính cũ thu hút hàng chục nghìn lao động tại các nước đang phát triển. Theo Sarah Westerveld, thành viên nhóm theo dõi việc thực thi Công ước Basel, mỗi tuần có hàng nghìn container được chuyển đi nhưng không có công ty nào ở Mỹ quan tâm đến chuyện này. Westerveld cho biết: "Mỹ chưa thông qua Công ước Basel, do vậy không ai biết những quy ước quốc tế về xử lý chất thải điện tử. Điểm đến chủ yếu của những container này là Trung Quốc, ngoài ra còn có cả Việt Nam, Ấn Độ, Pakistan và Phillipines."

Trung Quốc là một trong những nước đã thông qua Công ước Basel, nhưng hàng năm có vô số container chở đầy máy tính cũ đã đi qua cửa khẩu Hong Kong một cách dễ dàng nhờ... hối lộ hải quan. Sarah Westervel cho biết: Thậm chí có lái buôn còn nói với bà rằng họ đã cẩn thận dán mấy tờ 100 USD lên... cửa container để khi nhân viên hải quan kiểm tra, họ bỏ túi và cho qua cửa khẩu. Đôi khi, quà hối lộ còn là cả những chiếc xe Mercedes!

Cách đây hai năm, nhóm theo dõi việc thực thi Công ước Basel đã sang tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc để làm phim tài liệu. Họ không dám tin vào những gì nhìn thấy, về số lượng cũng như mức độ độc hại của hoạt động xử lý đồ điện tử. Nhiều nơi, ruộng nông nghiệp đã biến thành bãi rác điện tử. Nước uống có nồng độ chì cao hơn mức cho phép của Liên Hiệp Quốc đến 2.400 lần, còn không khí thì lúc nào cũng mang mùi hôi tỏa ra từ lò nấu kim loại. Tất cả những thứ này chỉ để đánh đổi lấy 1,5 USD một ngày, giúp mỗi người dân nghèo trang trải thêm cho cuộc sống.

Năm 2005, Liên minh châu Âu (EU) sẽ bắt đầu tung ra một sắc lệnh với hy vọng ngăn chặn được việc đưa chất thải điện tử từ Âu châu sang các nước đang phát triển. Tất cả mọi công ty sẽ phải thu hồi máy tính cũ và xử lý đúng cách theo luật định. Tuy nhiên, giới hoạt động bảo vệ môi trường nói rằng, chỉ khi nào tất cả các nước, đặc biệt là Mỹ, cũng làm theo châu Âu châu thì may ra thế giới thứ ba mới không trở thành điểm đến của rác điện tử. Và may ra, lúc đó người dân các nước này mới có thêm nhiều lựa chọn, chứ không phải chỉ có nghèo đói và bị đầu độc.

Cơ hội cho các nước đang phát triển

Tại các nước phát triển, việc tái chế máy tính được thực hiện chủ yếu bằng máy móc.

Trước tiến độ phát triển của công nghệ máy tính ở các nước phát triển, số máy cũ bỏ đi đang ngày một gia tăng. Chỉ riêng tại Anh, mỗi năm có khoảng 1,5 triệu máy tính được đưa ra các bãi thải trên toàn quốc, tương đương với khoảng 125.000 tấn thiết bị tin học. Trên thực tế, chúng vẫn có thể hoạt động tốt, dễ sử dụng và được bảo quản tốt. Trong khi đó, rất nhiều học sinh ở các nước nghèo lại chưa hề được chạm tới máy tính.

Việc đưa máy tính kết nối Internet vào lớp học tại những nơi mà sách giáo khoa, TV và báo chí còn hạn chế, được coi là một cuộc cách mạng thực sự. Hiện nay Digital Links, một tổ chức từ thiện của Mỹ, đang tận dụng những nguồn phế thải này để cung cấp máy tính cho các nước cần công nghệ cao nhưng không có tiền. Họ lấy máy tính cũ mà các công ty thải ra, sau đó dọn sạch ổ cứng theo quy định của Bộ Quốc phòng. Cuối cùng, họ xếp máy tính vào container đến bất cứ nước nào có nhu cầu. Công ty cho máy tính cũng không phải lo ngại về những dữ liệu hay phần mềm nhạy cảm bị rơi vào tay kẻ xấu, đồng thời bớt đi chi phí tái chế và lưu kho.

Digital Links International đã cung cấp hơn 3.000 máy tính chi phí thấp cho 12 nước trên thế giới, trong đó có Kenya, Uganda, Senegal, Gambia, Tanzania và Armenia. Tại các quốc gia đang phát triển, hơn 95% trẻ em chưa bao giờ có dịp sử dụng máy tính. Họ cho biết, sau khi được tân trang lại, máy tính cũ có thể cung cấp 90% chức năng của máy tính mới, trong khi giá chỉ bằng 10% mà thôi. Trong khi đó, việc mua hoặc xin máy tính cũ tương đối đơn giản, chỉ có điều chi phí lắp đặt, hòa mạng và duy trì cho máy tính luôn chạy tốt tương đối cao. Digital Links khắc phục vấn đề này bằng cách cử chuyên viên tình nguyện tới các trường học, bệnh viện để cài đặt mạng lưới máy tính cho họ.

Khánh Hà (Theo BBC)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Ô nhiễm kênh Thầy Cai - An Hạ: Vẫn bó tay?! (04/04/2004)
Làm sao để nuôi tôm hiệu quả và bền vững? (03/04/2004)
Vén màn thế giới bí ẩn của khủng long vùng cực (01/04/2004)
Màn bạc nhoà khói thuốc! (29/03/2004)
Chạy thử máy bay nhỏ: Thiết kế VAM-1 đạt yêu cầu (28/03/2004)
Tiêm vắc-xin ngừa cúm gà, khéo..."gậy ông đập lưng ông"! (25/03/2004)
Tất cả nước của sông Mekong đã đi đâu? (24/03/2004)
Giở lại hồ sơ thảm họa tàu chở dầu nghiêm trọng nhất nước Mỹ (24/03/2004)
Virus corona mới - Nỗi lo mới? (24/03/2004)
147 triệu USD/năm để cung cấp nước sạch cho toàn dân vào năm 2020 (22/03/2004)
Làn mi cong sắp bị vặt trụi! (21/03/2004)
Mặt trời phun trào mạnh hơn chúng ta tưởng (18/03/2004)
Khai mạc giải Olympic đầu tiên cho robot (18/03/2004)
Trái đất vắng bóng hổ Sumatra? (17/03/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang