Bảo hộ sở hữu trí tuệ: Cần tấm gương và cú hích!
19:47' 14/04/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Làm gì, khi xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) ở Việt Nam vẫn đang là một vấn nạn với diễn biến phức tạp, còn tòa án vẫn chưa là công cụ để xử lý? Cần tấm gương và cú hích!

Đó là khẳng định của TS Phạm Đình Chướng, cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ tại buổi làm việc với Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, tổ chức tại TP.HCM ngày 14/4.

Trong vài năm gần đây, việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ được đặc biệt quan tâm bởi pháp luật Việt Nam. Tuy vậy, cùng với việc mở rộng các hoạt động cạnh tranh thị trường, việc xâm phạm quyền SHTT diễn ra ngày càng nhiều và phức tạp; đồng thời số vụ xử lý xâm phạm quyền SHTT cũng tăng lên đáng kể, một số vụ đã được đưa ra xử ở toà án.

Đào tạo? Chưa có trường nào cả!

Phát triển bảo hộ SHTT ở Việt Nam? Chưa phải... Phù Đổng!

Trong những năm 80, số lượng sáng chế, nhãn hiệu hàng hoá và tác phẩm được đăng ký bảo hộ rất ít ỏi: Tổng số đơn đăng ký sáng chế giai đoạn 1981-1988 chỉ là 460, số nhãn hiệu hàng hoá là 12.345. Đặc biệt, dường như không có một vụ tranh chấp, kiện tụng nào về SHTT được thụ lý. Hệ thống bảo hộ sáng chế, nhãn hiệu hàng hoá và quyền tác giả chưa phát huy tác dụng và không đóng vai trò gì lớn trong hoạt động của xã hội.

Từ năm 1986: lần đầu tiên khái niệm sở hữu công nghiệp được sử dụng trong các văn bản pháp luật. giúp hoạt động SHTT bắt đầu khởi sắc. Số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tăng đều đặn hàng năm (từ 643 đơn vào năm 1980, tăng lên 7.511 đơn ở năm 1995). Các hoạt động triển khai, sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp và các vụ tranh chấp về sở hữu công nghiệp diễn ra thường xuyên, sôi động hơn.

Việc ban hành Bộ luật Dân sự vào năm 1995 với phần VI (quyền SHTT và chuyển giao cồng nghệ) đánh dấu bước đổi mới tiếp trong hoạt động này. Năm 1995 cũng là năm mà Hiệp định TRIPS-WTO bắt đầu có hiệu lực. Từ đó, vấn đề SHTT trở thành mối quan tâm ngày càng lớn của giới doanh nghiệp. Số lượng các đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tiếp tục tăng (tính hia năm gần nhất: 2002 - 10.990 đơn, 2003 - 14.190 đơn). Các đối tượng SHTT tham gia trực tiếp vào các hoạt động kinh tế, khoa học, công nghệ... ngày càng nhiều. Đã xảy ra hàng trăm vụ tranh chấp liên quan đến SHTT, trong đó có một số vụ việc đã được giải quyết khá thoả đáng.

Hiện nay, hiệu quả bảo hộ SHTT đang còn thấp, thể hiện ở tình trạng vi phạm SHTT vẫn còn phổ biến. Hầu hết các sáng chế công nghệ ở Việt Nam nằm trong nay nước ngoài. Theo kết quả đăng ký công nghệ tại Việt Nam giai đoạn 1995-2003, tỷ lệ đơn sáng chế của người Việt trung bình chỉ chiếm 3,4% tổng số đơn sáng chế nộp tại Việt Nam (còn lại là của nước ngoài - 96,6%). Số sáng chế của người Việt trong những năm ấy còn thấp hơn nữa, chỉ chiếm 1,3% tổng số sáng chế được cấp bằng. Hiện chưa có các số liệu chính liên quan đến sự phân bổ nguồn gốc, xuất xứ của các sản phẩm trí tuệ quan trọng khác, như các sản phẩm văn hoá (sách tham khảo, CD, VCD, DVD, phim ảnh, phần mềm máy tính...) song phần lớn các sản phẩm này cũng có nguồn gốc từ nước ngoài.

Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là Việt Nam chưa có trường ĐH chuyên đào tạo về SHTT mà chỉ được bố trí ở vài trường ĐH qua các chương, chuyên đề từ chọn (vỏn vẹn khoảng 30 tiết). Vì vây, theo ông Chướng, cần tăng cường tuyên truyền phổ biến và đưa vào đào tạo chương trình SHTT sâu hơn nữa ở các trường ĐH cho những người vừa mới tốt nghiệp ĐH hoặc đã đi làm, như thẩm phán, doanh nghiệp chuyên làm tài sản vô hình...

Dù sao, cho tới đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, nội dung bảo vệ quyền SHTT vẫn còn là điều xa lạ với hầu hết các giới ở Việt nam, kể cả công chức nhà nước. Trình độ hiểu biết thấp và việc chưa hình thành tập quán liên quan tới vấn đề SHTT là khó khăn và là rào cản cho các nỗ lực nhằm phát triển hệ thống này. Do đó, chương trình hành động về SHTT Việt Nam dành một phần quan trọng cho mục tiêu cải thiện môi trường nhận thức của mọi tầng lớp xã hội về SHTT. Nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức dành cho các đối tượng khác nhau đã được mở ra trên cả nước.

Theo ông Hồ Đức Việt, chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, mỗi năm đầu tư 100 tỷ đồng để cử người đã tốt nghiệp ĐH đi đào tạo SHTT ở nước ngoài. Vì vậy, việc xây dựng chương trình đào tạo cho các đối tượng liên quan: cảnh sát, hải quan, luật sự... ở Việt Nam là rất cần thiết.

Văn hóa SHTT, tấm gương và... cú hích

Trao đổi với TS Phạm Đình Chướng, cục trưởng Cục SHTT:

Trong khi các nước khu vực và trên thế giới sử dụng công cụ toà án làm biện pháp chính để bảo hộ quyền SHTT thì Việt Nam tiếp tục coi trọng công cụ hành chính. Phải chăng đó là nguyên nhân làm giảm hiệu lực SHTT, thưa ông?

TS Phạm Đình Chướng: Gặp tình huống xâm phạm SHTT, phải phân tích rõ xem đó là khía cạnh dân sự hay khía cạnh hành chính để xử lý.

- Hiện nay, tại Việt Nam sử dụng công cụ hành chính nhiều hơn. Không phải do coi trọng công cụ hành chính, mà thực tế là chúng ta chưa sử dụng công cụ toà án. Chúng tôi vẫn chưa đánh giá thật đầy đủ về nguyên nhân của việc đó, tuy nhiên có thể... ước đoán được hai nguyên nhân sau:

Thứ nhất: Tập quán của người Việt không muốn đưa vụ kiện ra toà án, mặc dù ra tòa là điều bình thường. Trong quan niệm của chúng ta, ra tòa là một điều gì đó làm cho người ta rất ngại ngùng.

Thứ hai: Từ trước đến giờ, các vụ kiện sở hữu trí tuệ ít được đưa ra, do vậy những người vấp phải những tình huống tương tự như thế ngờ vực đến khả năng giải quyết trước tòa án. Dù sao cũng phải thừa nhận rằng thủ tục tiến hành trước tòa mất rất nhiều thời gian và rắc rối hơn, trong khi giải quyết qua hệ thống hành chính vẫn "nhanh gọn", không tạo nên mặc cảm như khi đưa ra tòa.

Để bảo đảm thực thi quyền SHTT về căn bản, phải sử dụng hệ thống tòa án. Hay nói đúng hơn là sử dụng trình tự dân sự để xử lý tranh chấp về SHTT.

Lộ trình ấy sẽ kéo dài bao lâu?

- Không thể đặt ra một thời hạn được. Có lẽ phải cần một thời gian tương đối dài, do quá trình thi hành pháp luật đòi hỏi phải có sự đồng bộ...

Trong góc độ xử lý các vi phạm SHTT, ông nhận định như thế nào về năng lực của hệ thống tòa án hiện nay?

- Như các anh chị đã biết, hiện chúng ta thiếu trầm trọng cán bộ được đào tạo. Cần khẩn trương phải giải quyết khó khăn này. Thời gian tới đây, sẽ tập trung bồi dưỡng về SHTT cho các thẩm phán. Trong mấy năm vừa rồi, chúng ta đã làm được một bước nên cũng đã cải thiện nhiều so với cách đây năm năm. Thế nhưng so với đòi hỏi thực tiễn hiện nay, làm như thế vẫn chưa đáp ứng...

Theo ông, các văn bản hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay phát huy hiệu quả gì trong việc ngăn chặn xâm phạm quyền SHTT?

- Nói chung, vấn đề này cũng là một thách thức với nhiều quốc gia trên thế giới chứ đâu chỉ riêng ở Việt Nam. Để khắc phục tình trạng này, cần có giải pháp tổng hợp. Khi gặp tình huống xâm phạm SHTT, phải phân tích rõ xem đó là khía cạnh dân sự hay khía cạnh hành chính để xử lý. Dù cho áp dụng trình tự nào thì cũng phải bảo đảm ngăn chặn điều đó tái diễn. Người có quyền SHTT bị xâm phạm thì ít nhất phải được bồi thường cho thiệt hại. Ngoài ra, nếu người vi phạm còn gây thiệt hại cho lợi ích cộng đồng thì phải sử dụng thêm biện pháp hành chính.

Các cơ quan thực thi pháp luật phải có đủ năng lực để giải quyết và đưa ra những lý lẽ thỏa đáng. Ngoài ra, cần phải nâng cao nhận thức của công chúng. Ngày nay, người ta đã đề cập đến văn hóa SHTT, tức là tạo ra cách sống và quan niệm đúng, đủ về SHTT của toàn xã hội chứ không phải chỉ cần nỗ lực của riêng ai. Nếu như ngay cả những người trong giới, như các giới sáng tạo ra các các phẩm văn học nghệ thuật, mà cũng không ý thức được quyền của mình và cũng không có hiểu biết hay quan niệm có tính chất đạo đức, từ đó có thể đi sao chép tác phẩm của người khác một cách vô tư thì dù chúng ta có nỗ lực đến mấy cũng không đạt được hiệu quả!

Ngoài ra, cần phải có những bước đi phù hợp. Trước mắt, chúng ta phải bắt đầu từ một thành phần nào đó trong xã hội. Ví dụ cơ quan nhà nước, hay giới có hiểu biết trong xã hội để nâng cao, bồi dưỡng nhận thức về SHTT. Lúc đó, mới có thể tạo nên tấm gương và cú hích tiếp theo để cải thiện dần.

Bài, ảnh: Nam Anh - Cam Lu

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Càng toàn cầu hóa, càng tăng sức ép môi trường (14/04/2004)
Tế bào chết đi như thế nào? (13/04/2004)
Đình chỉ sản xuất, nếu không di dời! (06/04/2004)
Rác thải máy tính: Nhập khẩu và xử lý... cái độc hại (06/04/2004)
Ô nhiễm kênh Thầy Cai - An Hạ: Vẫn bó tay?! (04/04/2004)
Làm sao để nuôi tôm hiệu quả và bền vững? (03/04/2004)
Vén màn thế giới bí ẩn của khủng long vùng cực (01/04/2004)
Màn bạc nhoà khói thuốc! (29/03/2004)
Chạy thử máy bay nhỏ: Thiết kế VAM-1 đạt yêu cầu (28/03/2004)
Tiêm vắc-xin ngừa cúm gà, khéo..."gậy ông đập lưng ông"! (25/03/2004)
Tất cả nước của sông Mekong đã đi đâu? (24/03/2004)
Giở lại hồ sơ thảm họa tàu chở dầu nghiêm trọng nhất nước Mỹ (24/03/2004)
Virus corona mới - Nỗi lo mới? (24/03/2004)
147 triệu USD/năm để cung cấp nước sạch cho toàn dân vào năm 2020 (22/03/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang