Anh: Thử nghiệm chứng minh thư sinh trắc học
20:55' 26/04/2004 (GMT+7)

Hôm nay 26/4, một cuộc thử nghiệm công nghệ chứng minh thư sinh trắc học liên quan tới 10.000 tình nguyện viên đã bắt đầu tại Anh. Chính phủ Anh dự định tới năm 2013 sẽ đưa vào sử dụng đại trà chứng minh thư sinh trắc học nhằm ngăn chặn khủng bố và tội phạm có tổ chức.

Sinh trắc học là thước đo các đặc điểm hành vi hoặc thuộc tính độc nhất vô nhị của con người, như vân tay, khuôn mặt, giọng nói, mống mắt, hình dạng bàn tay, v.v... Sử dụng vân tay là một ví dụ. Vân tay được đặt bên trên một máy cảm biến và sau đó được quét vào máy tính để nhận dạng qua so sánh với dữ liệu vân tay được lưu trong cơ sở dữ liệu máy tính.

Bộ trưởng Nội vụ Anh và chứng minh thư sinh trắc.

Phương pháp sinh trắc học có thể được chia làm hai loại: tiếp xúc và thụ động. Sinh trắc học tiếp xúc đòi hỏi một cá nhân phải tương tác hoặc chạm vào máy cảm biến qua bàn tay, khuôn mặt. Sinh trắc học thụ động thì ngược lại, như chứng minh hoặc hộ chiếu sinh trắc.

Bộ trưởng Nội vụ Anh David Blunket đã bảo vệ kế hoạch sử dụng chứng minh thư sinh trắc học như một công cụ hiệu quả để chống khủng bố, giả mạo giấy tờ, buôn người, nhập cư bất hợp pháp và tình trạng lợi dụng các dịch vụ y tế và trợ cấp xã hội.

Lợi và hại?

Ông Blunkett cho biết kế hoạch trên là cần thiết để ngăn không cho nước Anh trở thành mục tiêu của bọn khủng bố, mặc dù ông thừa nhận nó sẽ không giải quyết được triệt để vấn đề vì chỉ có 35% bọn khủng bố giả mạo nhân thân. Không giống chứng minh thư được sử dụng ở những nơi khác tại châu Âu, hệ thống sinh trắc học được dự định áp dụng tại Anh sẽ không thể làm giả. Ông nói: ''Những người không có nhận dạng sinh trắc học bảo đảm thông qua hộ chiếu và chứng minh thư sẽ là mục tiêu dễ dàng nhất của bọn khủng bố. Chính vì lý do này mà chúng ta cần phải đi trước trong "trò chơi" này. Chúng ta cần đi trước các nước phát triển còn lại vốn cũng đang xem xét việc sử dụng sinh trắc học để nhận diện các cá nhân''.

Cuộc thử nghiệm trên diễn ra ngay trước khi một dự luật mới, sẽ được công bố vào tối nay 26/4, phác thảo những đề xuất thành lập hệ thống chứng minh thư quốc gia để lưu giữ các chi tiết của 60 triệu người tại Anh. Dự luật cũng đặt ra những quy định ngăn chặn các quan chức chính phủ sử dụng dữ liệu cá nhân sai mục đích. Dự kiến việc kiểm tra sinh trắc học sẽ là bắt buộc đối với bất kỳ người nào xin hoặc gia hạn hộ chiếu từ năm 2007. Sau đó, sinh trắc học cũng sẽ được đưa vào bằng lái xe. Tới năm 2013, 80% dân số Anh sẽ có hộ chiếu hoặc bằng lái xe sinh trắc học.

Chứng minh thư sinh trắc học sẽ chứa các thông tin nhận diện cơ bản: một tấm ảnh cùng với tên, địa chỉ, giới tính và ngày sinh. Một con chip được gắn trên thẻ sẽ lưu giữ dấu vân tay, nét mặt, hình ảnh mống mắt vốn là đặc điểm độc nhất vô nhị đối với người mang thẻ. Kể từ năm 1952, hệ thống chứng minh thư không còn được sử dụng tại Anh do chính phủ của ông Churchill thấy rằng không cần nó vào thời bình. Nhiều người tức giận khi bị cảnh sát hỏi chứng minh thư để chứng minh nhân thân của họ.

Hộ chiếu sinh trắc của Italia

Các nhóm quyền công dân cũng như nhiều nhà phê bình khác không tin chứng minh thư sinh trắc học sẽ giúp các nhà chức trách phát hiện các cuộc tấn công khủng bố. Họ cho rằng chứng minh thư loại này sẽ vi phạm tính riêng tư của người dân, buộc người nhập cư bất hợp pháp trốn tránh cảnh sát cũng như bệnh viện. Hàng nghìn người bình thường sẽ bị tình nghi là tội phạm nếu họ từ chối sở hữu chứng minh thư.

11 trong số 15 quốc gia thuộc EU có một dạng chứng minh thư song không bắt buộc. Nhiều nước khác như Nhật, Australia và New Zealand chưa chấp nhận ý tưởng này. Ngay cả tại Mỹ, sau vụ tấn công khủng bố 11/9, các nhà chức trách cũng không thuyết phục được người dân rằng chứng minh thư sẽ là một công cụ trong cuộc chiến chống khủng bố.

Ứng dụng sinh trắc học

Sinh trắc học đã được sử dụng trong mười năm qua trên khắp thế giới. Chúng là công cụ rất hiệu quả nhằm làm giảm tình trạng gian lận, kể cả giúp giám sát hoạt động ra vào những khu vực nhạy cảm như nhà máy điện hạt nhân, các phòng thí nghiệm, cơ quan chính phủ. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều công ty, trường học, câu lạc bộ, bệnh viện cũng áp dụng biện pháp kiểm tra sinh trắc học do những lợi ích độc đáo của nó: giúp đảm bảo an ninh và rút ngắn thời gian kiểm tra tại cửa ra vào. (Nếu công nhân phải xuất trình thẻ để bấm lỗ hoặc đóng dấu, tiến trình phức tạp này phải mất tới 2 phút cho mỗi người.)

HandKey.

Sinh trắc hình học bàn tay có lẽ là công nghệ sinh trắc phổ biến nhất hiện nay. Nó không đọc vân tay hoặc các dấu vết trên bàn tay mà chỉ đọc chu vi, chiều dài, độ dày và diện tích bề mặt của bàn tay rồi so sánh với dữ liệu sẵn có trong máy, sau đó đưa ra câu trả lời "Có", hoặc "Không". Quá trình nhận dạng chỉ mất chưa tới 1 giây. Một ví dụ là Nhà máy điện hạt nhân Gentilly-2 của Canada. Để đảm bảo an ninh, trước khi vào, ra nhà máy, nhân viên phải đặt bàn tay của họ lên máy sinh trắc mang tên HandKey ở cửa. Sinh trắc hình học bàn tay là trụ cột an ninh của ngành điện hạt nhân tại Mỹ, nơi 97 trong tổng số 103 nhà máy loại này đều sử dụng HandKey. Sân bay quốc tế San Francisco, với hơn 30.000 nhân viên, cũng sử dụng hệ thống này.

Với 250.000 máy sinh trắc hình học bàn tay đang được sử dụng trên toàn thế giới, Công ty Recognition Systems của Mỹ, được thành lập vào năm 1986, là doanh nghiệp tiên phong trong công nghệ này. Công ty hiện có doanh số cao nhất trong lĩnh vực thiết bị nhận dạng sinh trắc. Có thể truy cập vào địa chỉ www.irco.com để biết thêm thông tin.

Sinh trắc học cũng sẽ phổ biến trong lĩnh vực hàng không khi Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã sẵn sàng đưa ra một tiêu chuẩn quốc tế về nhận dạng khuôn mặt trên mọi hộ chiếu mới. Kế hoạch này nhận được sự hậu thuẫn của Mỹ và EU, theo đó có thể tạo ra dữ liệu toàn cầu đối với trên một tỷ người vào năm 2015. Tiêu chuẩn của ICAO sẽ yêu cầu mọi hộ chiếu điện tử mới được cấp phải có chỗ cho sinh trắc học, như sinh trắc học vân tay và khuôn mặt.

  • Minh Sơn (Theo BBC) 
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Côn trùng và xác chết là tình yêu của tôi! (26/04/2004)
Thái Lan: Lắng nghe câu chuyện những dòng sông (20/04/2004)
Trung Quốc: Mười năm tới, hơn 10.000 máy bay siêu nhẹ! (19/04/2004)
Máy bay nhỏ Beaver ba chìm bảy nổi (18/04/2004)
VAM-1 và bài học... hàng không dân dụng (18/04/2004)
Người máy ASIMO gặp gỡ bạn bè Việt Nam (17/04/2004)
"Bàn tròn" cho phát triển bền vững, liệu đã đủ? (15/04/2004)
Bảo hộ sở hữu trí tuệ: Cần tấm gương và cú hích! (14/04/2004)
Càng toàn cầu hóa, càng tăng sức ép môi trường (14/04/2004)
Tế bào chết đi như thế nào? (13/04/2004)
Đình chỉ sản xuất, nếu không di dời! (06/04/2004)
Rác thải máy tính: Nhập khẩu và xử lý... cái độc hại (06/04/2004)
Ô nhiễm kênh Thầy Cai - An Hạ: Vẫn bó tay?! (04/04/2004)
Làm sao để nuôi tôm hiệu quả và bền vững? (03/04/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang