Nạn săn bắn gia tăng tại Công viên quốc gia Garamba ở CHDC Congo đang đe doạ những con tê giác trắng miền Bắc cuối cùng của thế giới.
|
Sừng tê giác. |
Các nhóm phiến quân từ nước Sudan láng giềng đã xâm nhập sâu vào trung tâm của Công viên và đang sát hại tê giác, voi để lấy sừng, ngà có giá trị để mua vũ khí. Trong hai tháng qua, sáu xác tê giác đã được tìm thấy và nhiều cá thể hơn có lẽ đã bị sát hại. Trước các vụ giết hại này, số lượng tê giác trắng miền Bắc được ước tính chỉ còn 33 con. Nếu không có những biện pháp khẩn cấp, các nhà bảo tồn khuyến cáo phân loài này có thể tuyệt chủng trong vòng sáu tháng tới. Paulin Tshikaya, giám đốc Công viên cho biết: ''Nếu tình hình này tiếp tục, đây sẽ là một thảm hoạ cho công viên. Hiện chúng tôi không thể bảo vệ công viên khỏi nạn săn bắn trộm''.
Châu Phi có hai loài tê giác: tê giác trắng và tê giác đen. Tê giác đen sinh sống ở miền Nam của lục địa này, tại Kenya cũng như Cameroon với số lượng khoảng 3.100 con. Tê giác trắng có hai phân loài là tê giác trắng miền Bắc và tê giác trắng miền Nam. Số lượng ước tính của tê giác trắng miền Nam là 11.600 cá thể vào năm 2001, chủ yếu tập trung tại miền Nam châu Phi. Tê giác trắng miền Bắc đã từng sinh sống khắp Trung Phi.
Có ba loài tê giác châu Á: tê giác Ấn Độ, tê giác Java và tê giác Sumatra. Tất cả đều đối mặt với những mối đe doạ tương tự trong thiên nhiên, hiện chỉ còn chưa tới 3.000 con. |
Được thiết lập vào năm 1938. Garamba là một trong những Công viên quốc gia lâu đời nhất ở châu Phi. Nằm ở góc Đông Bắc của Congo, Garamba được UNESCO là di sản thiên nhiên thế giới. Công viên này chủ yếu là đồng cỏ. Nó là nơi cư ngụ của hơn 7.000 con voi, 3.000 con trâu và 150 hươu cao cổ. Tuy nhiên, danh thiếp của công viên này lại in biểu trưng loài tê giác trắng miền Bắc vốn đã bị tiêu diệt ở mọi môi trường sống trước kia của chúng tại Trung Phi. Richard Ruggiero, giám đốc Chương trình châu Phi của Cục Động vật hoang dã và Cá Hoa Kỳ, cho biết: ''Từ quan điểm bảo tồn, đây là một trong những nơi quan trọng nhất ở châu Phi. Tê giác trắng miền Bắc là một "món đồ trang sức" sắp bị nhổ khỏi "vương miện" (Garamba)''.
|
Tê giác đen châu Phi. |
Nạn săn bắn trộm diễn ra từ lâu tại Công viên quốc gia Garamba. Chỉ còn lại 15 con tê giác trắng miền Bắc vào năm 1984. Một chiến dịch chống săn bắn trộm cẩn mật đã làm tăng gấp đôi số lượng của chúng vào năm 1995. Tuy nhiên, gần đây hơn, chiến tranh tàn phá Sudan trong 40 năm qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới động, thực vật của Công viên này. Cách đây vài năm, phiến quân thuộc Quân Giải phóng nhân dân Sudan (SPLA) đã xâm nhập vào Công viên và bắt đầu săn bắn động vật để lấy thịt. Phần lớn các động vật lớn đã bị tiêu diệt ở 2/3 khu phía Bắc công viên này. Kể từ tháng 6/2003, hoạt động săn bắn trộm gia tăng mạnh ở khu phía Nam và chuyển từ săn trộm lấy thịt sang lấy ngà voi và sừng tê giác.
Trong những tháng gần đây, hàng trăm con voi đã bị giết. Kiểm lâm đã đụng độ với các phiến quân miền Bắc Sudan - những người có lẽ là đồng minh của chính quyền Sudan tại Khartoum, đang sử dụng tàu và ngựa để vận chuyển ngà và sừng tê giác vào Sudan. Các nhà bảo tồn cho biết: Tình trạng tiêu diệt các loài động vật hoang dã cũng diễn ra tương tự tại các nước khác trong khu vực, chẳng hạn như Cộng hoà Trung Phi và Chad. Ruggiero cho rằng có lẽ chỉ còn 12 con tê giác trắng miền Bắc ở Garamba. Hiện có 150 kiểm lâm tại Garamba do Viện Bảo vệ Thiên nhiên Congo quản lý. Kinh phí hoạt động do một nhóm các nhà tài trợ quốc tế cung cấp. Thiếu vắng quân đội Congo, các nhóm phiến quân Sudan cố thủ trong công viên này và các kiểm lâm không có đủ lực để chống lại.
|
Tê giác trắng. |
Tê giác trắng và tê giác đen của châu Phi, cũng như tê giác Sumatra, có hai sừng - sừng nọ ở sau sừng kia. Tê giác Java và tê giác Ấn Độ chỉ có một sừng. Tê giác trắng là lớn nhất trong năm loài tê giác, nặng 1.800-2.700kg và cao 1,5-1,8m. Trong số các động vật có vú trên cạn, chúng là loài duy nhất có kích cỡ đứng thứ hai sau voi châu Á và châu Phi.
Tê giác trắng không thực sự trắng mà có màu xám hơi nâu, giống tê giác đen. (Từ ''trắng'' là do dịch nhầm từ tiếng châu Phi chỉ miệng rộng.) Giống các loài tê giác khác, tê giác trắng có thị lực kém song thính giác và khứu giác rất tốt. Nếu bị tấn công, chúng thường dựa vào khứu giác nhiều hơn thị giác. Tê giác châu Phi tấn công bằng sừng, trong khi tê giác châu Á dùng miệng để cắn. Tê giác thường tránh người song khi bị khiêu khích, nó sẽ tấn công với tốc độ chạy có thể lên tới 45km/g.
Tê giác là động vật ăn cỏ và lá cây. Phần lớn chúng sống đơn độc, chỉ có tê giác trắng châu Phi thỉnh thoảng sống theo những bầy nhỏ. Lãnh thổ của chúng được đánh dấu bằng nước tiểu và các đống phân. Từ khoảng ba tuổi trở lên, tê giác cái có thể sinh con. Chúng thường sinh một con, hiếm lắm mới sinh hai con. Tê giác con có thể đứng vững một giờ sau khi chào đời, nặng 65kg. Nó được mẹ nuôi trong khoảng một năm. Con đực trưởng thành khi được khoảng bảy tuổi. Do kích cỡ khổng lồ, tê giác chỉ có kẻ thù duy nhất là con người.
|