Hơn 80 nhà khoa học, bác sĩ, luật sư nổi tiếng đã ký vào bản ''Lời kêu gọi Paris'', hướng tới các quốc gia, các tổ chức quốc tế và đặc biệt là LHQ, để thực hiện bảy biện pháp chống ô nhiễm hoá chất nhằm bảo vệ sức khoẻ của con người.
|
TS Jean Dausset, người Pháp, giải Nobel Y học 1980: Con người đang phải chịu ô nhiễm hoá chất trên quy mô lớn.
|
Theo "Lời kêu gọi Paris", tình hình vệ sinh đang xấu đi trên toàn thế giới, gây ảnh hưởng tới cả các nước đang phát triển lẫn các nước phát triển. Các căn bệnh mạn tính mà WHO đã liệt kê, đặc biệt là ung thư, đang gia tăng với mức báo động. Tỷ lệ ung thư toàn cầu ở mọi lứa tuổi tiếp tục tăng. Kể từ năm 1950, tỷ lệ ung thư, đặc biệt là ung thư không phải do hút thuốc lá, nơi người dân tại các nước công nghiệp hoá cao dần. Ô nhiễm môi trường do các hoá chất công nghiệp, hoá chất độc hại và hoá chất sinh ung thư đã được coi là nguyên nhân chính dẫn tới tình hình trên.
Con người hiện phải chịu ô nhiễm hoá chất trên quy mô lớn. Sự ô nhiễm đó gây ra những ảnh hưởng có hại tới sức khoẻ con người. Các ảnh hưởng này thường là do quản lý lỏng lẻo việc sản xuất, bán, sử dụng và vứt bỏ hoá chất. Sự phơi nhiễm của con người đối với một số hoá chất đang làm gia tăng tỷ lệ dị tật bẩm sinh. Tỷ lệ vô sinh, đặc biệt là ở nam giới, tiếp tục tăng, nhất là ở những khu vực công nghiệp hoá cao. Tại châu Âu, 15% các cặp vợ chồng được liệt vào danh sách vô sinh. Ô nhiễm hoá chất là một trong những lý do dẫn tới tình trạng này.
|
Bà Corinne Lepage: Cần áp dụng khái niệm "tội ác chống nhân loại" đối với các vụ gây ô nhiễm hóa học có dụng ý. |
Các hoá chất đó ngày càng nhiều: Các loại polyaromatic hydrocarbon (PAHs); chất dẫn xuất hữu cơ halogen hoá - như dioxin và các polychlorinated biphenyl (PCBs); amiăng; kim loại nặng, độc hại như chì, thuỷ ngân và cadmium; thuốc trừ sâu, phụ gia thực phẩm. Nhiều chất trên không thể thoái biến và tồn tại lâu dài trong môi trường. Vô số sản phẩm bị ô nhiễm nước, không khí, đất và chuỗi thức ăn. Con người liên tục phơi nhiễm với các chất hoặc sản phẩm độc hại, gồm cả các chất ô nhiễm hữu cơ bền (POPs). Một số trong nhóm này tích tụ dần dần trong cơ thể sinh vật sống.
Phần lớn các chất hoặc sản phẩm độc hại trên hiện được bán trong thị trường mà không qua thử nghiệm trước, hoặc thử nghiệm đầy đủ về độc tính cũng như nguy cơ đối với sức khoẻ con người. Chúng làm xáo trộn các hormone trong cơ thể con người, gây ung thư, đột biến gien, vô sinh, bệnh hô hấp như hen (1/7 trẻ em châu Âu bị hen do ô nhiễm), bệnh suy thoái hệ thần kinh trung ương, suy giảm miễn dịch... Ô nhiễm do các loại khí nhà kính gây ra dẫn tới hiện tượng ấm hoá toàn cầu, làm xáo trộn thời tiết. Theo các dự báo khoa học bi quan nhất, vào năm 2100, nhiệt độ trung bình có thể tăng thêm 3 độ C, làm cho virus, vi khuẩn, ký sinh trùng và mầm bệnh truyền nhiễm gia tăng nhanh.
"Lời kêu gọi Paris" tuyên bố: Loài người đang bị đe doạ nghiêm trọng! Để ngăn chặn tình trạng trên, các nước và tổ chức quốc tế cần thực hiện bảy biện pháp, bao gồm cấm mọi sản phẩm có thể hoặc chắc chắn gây ung thư, đột biến gien hoặc gây vô sinh; áp dụng nguyên tắc phòng ngừa đối với tất cả các hóa chất có nguy cơ gây độc hại, đồng thời nghiêm chỉnh thực hiện những tiêu chuẩn quy định về mức độ độc hại của các chế phẩm hóa học; cắt giảm khí nhà kính mà không cần đợi cho tới khi Nghị định thư Kyoto có hiệu lực.
Biện pháp cuối cùng là tăng cường sáng kiến REACH 2001 của EU chứ không phải nới lỏng nó do sự phản đối mạnh mẽ của các ngành hoá chất ở EU và Mỹ. REACH (Đăng ký, quản lý và cấp phép hoá chất) được đưa ra vào tháng 2/2001 nhằm giúp dân chúng chống lại các chế phẩm gây ô nhiễm một cách hữu hiệu hơn. Cựu Bộ trưởng Môi trường Pháp Corinne Lepage đưa ra đề nghị: Nếu các nhà sản xuất tiếp tục tung ra thị trường khối lượng lớn các chế phẩm được coi là nguy hiểm, thì giới chức có thẩm quyền của các nước nên đưa ra áp dụng khái niệm "tội ác chống nhân loại" liên quan đến gây ô nhiễm hóa học có dụng ý.
Những người ký "Lời kêu gọi Paris" hy vọng sẽ thu thập được khoảng một triệu chữ ký vận động chấm dứt việc sử dụng các chế phẩm độc hại trên. Mọi người có thể ký vào ''Lời kêu gọi Paris'' thông qua thư điện tử theo địa chỉ sau: appel2paris@wanadoo.fr, đồng thời ghi rõ họ tên, nghề nghiệp và nơi cư trú của mình.
|