(VietNamNet) - Đáng ngờ cả về tính pháp lý, về vấn đề quy hoạch, xây dựng và cả về các khía cạnh công nghệ, môi trường trong Dự án đầu tư KCN xử lý chất rắn Tân Thành của Công ty Đức Hạnh. Hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư cho những... cái đáng ngờ, chuyện lạ liên tỉnh TP.HCM - Long An?
Nếu kể những bất hợp lý về pháp lý? Dài không dưới... 100 trang!
Dự án xử lý chất thải rắn tại huyện Thủ Thừa (Long An) có quy mô lớn - với diện tích 1760ha - và thực hiện trong khoảng thời gian kéo dài đến 33 năm (dự kiến bắt đầu vào năm 2006, kéo dài đến năm 2040).
Trong giai đoạn I (2006-2009), dự kiến sẽ đầu tư xây dựng KCN xử lý chất thải rắn Tân Thành rộng 1.800 ha, gồm một khu cảng tiếp nhận với bến xà lan, mở tuyến sông dài 7,51km từ sông Vàm Cỏ Đông đến khu cảng tiếp nhận.
Khu xử lý rác sẽ gồm một hố chôn rác rộng 25ha, hệ thống thu gom nước thải 10ha và các công trình phụ.
Ngoài ra, sẽ có một tuyến đê bao chống lũ xung quanh KCN, dài hơn 16km. Quy mô xử lý rác thải rắn là 3000 tấn/ngày.
Tổng số chi phí đầu tư dự kiến sẽ lên đến trên 1.000 tỷ đồng. Trong đó, phía vốn góp của chủ dự án là Công ty Đức Hạnh là 465 tỷ đồng (khoảng 46,4%). |
Ngày 10/5, các nhà khoa học thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật (KHKT) TP.HCM đã họp phản biện về Dự án đầu tư Khu công nghiệp (KCN) Tân Thành tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Tham dự cuộc họp có đông đảo các nhà khoa học, chủ Dự án đầu tư, các giám đốc Sở thuộc tỉnh Long An, đại biểu HĐND tỉnh và phó chủ tịch UBND tỉnh Long An, cùng đại diện của các Sở, ban ngành của TP.HCM.
Mặc dù nhiều ý kiến thừa nhận tính cần thiết của Dự án trong việc giải quyết vệ sinh môi trường cho TP.HCM và Long An, song đã có rất nhiều ý kiến đáng chú ý về những cái... đáng ngờ trong Dự án này.
Kỹ sư Lương Viên, phó chủ tịch Hội KHKT Xây dựng, phát hiện: Chỉ có 800ha đất làm bãi chôn lấp rác là được chủ tịch UBND huyện Thủ Thừa phê duyệt, còn lại 900ha chưa hề thấy một quyết định nào. Kỹ sư Viên thắc mắc: Vậy thì "ai" sẽ duyệt khu đất 1.760ha để làm khu xử lý chất thải rắn?
Trong khi đó, luật sư Trương Thị Hòa đã chỉ ra những sơ sót “chết người” về mặt pháp lý của Dự án được báo là đầu tư đến hàng nghìn tỷ đồng này. Theo luật sư Trương Thị Hòa, công văn của chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị tỉnh Long An giao 1760ha đất để đầu tư xây dựng khu xử lý rác tập trung, và cả quyết định của chủ tịch UBND huyện Thủ Thừa về việc cấp 800ha đất làm bãi chôn lấp rác đều... không đủ cơ sở pháp lý về sử dụng đất! Bởi theo Luật Đất đai, UBND huyện không có quyền cấp 800ha đất cho chủ đầu tư là Công ty Đức Hạnh.
LS Hòa cũng nói thêm: Dự án xây dựng trên địa bàn rộng 1760ha là một dự án lớn với nhiều thành phần, liên tỉnh giữa TP.HCM và Long An. Vậy mà rất tiếc là cơ sở pháp lý của Dự án lại bị chủ đầu tư... bỏ quên! Mặc dù trong quá trình thẩm định Dự án, Hội đồng Phản biện đã mời nhóm tư vấn pháp lý nhưng chủ đầu tư đã không cung cấp được bất cứ tài liệu nào về mặt pháp lý, kể cả tư cách pháp lý của chủ đầu tư.
|
LS Trương Thị Hòa, thành viên Hội đồng Thẩm định về mặt pháp lý: Không nghiệm thu Dự án, do chưa đủ cơ sở pháp lý! |
LS Hòa thẳng thắn cho rằng chưa có cơ sở pháp lý để thẩm định về nguồn vốn đầu tư của Công ty Đức Hạnh. Nếu chỉ xét theo báo cáo của văn bản 28VT-2004 của chủ đầu tư về việc khẳng định chủ đầu tư đã thanh toán xong số nợ 40 tỷ đồng tại các ngân hàng trong nước thì không đủ cơ sở pháp lý. Vì nếu không nợ tại các ngân hàng trong nước, chủ đầu tư có thể nợ tư nhân, nợ các doanh nghiệp khác, thậm chí có thể nợ các ngân hàng ở nước ngoài.
Thêm vào đó, luật sư Trương Thị Hòa cũng tỏ ra lạ lùng vì toàn bộ bản vẽ mặt bằng tổng thể về xây dựng, sơ đồ công nghệ được đính kèm Dự án mà không hề có chữ ký và con dấu của bất kỳ cá nhân hoặc cơ quan chuyên môn nào có chức năng thiết kế hoặc kiểm định! Trong khi đó, hai đơn vị tư vấn cho Công ty Đức Hạnh lập Dự án là Công ty Tư vấn Công trình Hàng hải và Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ và Thiết bị Công nghiệp cũng không hề chứng minh tư cách pháp lý về năng lực tư vấn có liên quan đến Dự án! Thậm chí, ngay đến hợp đồng giữa chủ đầu tư và công ty tư vấn thẩm định pháp lý cũng không thấy!
"Ngoài ra, còn rất nhiều bất hợp lý về mặt pháp lý trong Dự án, mà nếu đi vào cụ thể chi tiết thì sẽ... dài không dưới 100 trang (!)" - luật sư Trương Thị Hòa nói.
Vì vậy, bà đề nghị: "Không nghiệm thu Dự án, do chưa đủ cơ sở pháp lý!".
Nhà nước thì chưa, nhưng Đức Hạnh đã... quy hoạch!
PGS TS Huỳnh Văn Hoàng, chủ tịch Hội KHKT Xây dựng TP.HCM cho biết: Mặc dù ủng hộ việc hợp tác xây dựng KCN xử lý chất thải rắn ở Long An và hoan nghênh việc góp sức của Công ty Đức Hạnh trong việc giải quyết rác của TP.HCM, thế nhưng căn cứ pháp lý để lập nghiên cứu khả thi Dự án này là chưa đủ.
PGS Hoàng chỉ rõ: Dù nghiên cứu khả thi có đề cập đến quy hoạch tổng thể do Công ty Đức Hạnh lập năm 2003 nhưng không nói rõ cấp nào duyệt, không có quyết định phê duyệt. "Thông thường, nghiên cứu khả thi được thiết lập trên cơ sở quy hoạch tổng thể (QHTT) được duyệt. Đối với dự án này, QHTT ngành (quản lý chất thải rắn ở TP.HCM đến năm 2020) chưa hoàn tất và chưa được phê duyệt. Vì vậy, việc lập KCN quản lý chất thải rắn đến năm 2040 là thiếu cơ sở pháp lý." - PGS Huỳnh Văn Hoàng phân tích - "Bên cạnh đó, quy mô sử dụng đất nêu trong Dự án là rất lớn, nên việc chấp thuận chủ trương đầu tư, nếu chưa có QHTT thì cấp có thẩm quyền chấp thuận đầu tư phải là... Thủ tướng Chính phủ. Nếu chỉ căn cứ vào văn bản 120/UB-ĐT ngày 11/01/2002 của UBND TP.HCM đề nghị giao 1760ha đất thì chưa thể khẳng định đã được Thủ tướng chấp thuận để đầu tư Dự án"!
“Công nghệ” mới: Phân loại rác... bằng tay!
Theo PGS TS Phùng Chí Sỹ, Viện Kỹ thuật Nhiệt đới và Môi trường, việc lựa chọn công nghệ là yếu tố quan trọng nhất quyết định mức độ tác động lên môi trường. Nguyên nhân của việc chưa có bãi rác nào đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường cũng là do thiếu công nghệ phù hợp, vận hành chôn lấp chưa đúng kỹ thuật.
Trong khi đó, theo PGS Sỹ, mặc dù báo cáo khả thi của Dự án trình bày rất nhiều công nghệ nhưng điều lạ lùng là không thấy đưa ra được sự lưa chọn nào về công nghệ xử lý!
Không những thế, nhiều báo cáo trình bày trong nghiên cứu khả thi của Dự án là không phù hợp với những công nghệ đã được biết. Ví dụ, Dự án đã đưa ra những “công nghệ” có một không hai như: phân loại rác bằng tay, che mái bãi chôn lấp vào mùa mưa, chôn rác nửa chìm nửa nổi, vận chuyển nước thải xi mạ, thuốc trừ sâu... về xử lý tại Tân Thành.
Trong khi đó, các phần đánh giá tác động môi trường và biện pháp giảm thiểu phát sinh từ quá trình chôn lấp của chất thải nguy hại thì lại nêu sơ sài theo kiểu... cho có!
Công nghệ xử lý? Đáng ngờ!
Còn TS Ngô Văn Lệ, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM lại tỏ ra nghi ngờ về một phần nội dung của Dự án - phần xây dựng một nhà máy sản xuất phân vi sinh từ rác, để giảm thiểu lượng rác thải cần chôn lấp. "Nguyên nhân là ở ta hiện nay chưa thực hiện triệt để việc phân loại rác tại nguồn, nên phân vi sinh sản xuất từ rác thường kém chất lượng. Trong thực tế, đã có nhiều bài học phải trả giá đắt cho việc thương mại hóa loại phân vi sinh này." - TS Lệ khẳng định.
Một phát hiện khác về tính vô lý của Dự án cũng được kỹ sư Lương Viên, thành viên Hội đồng Phản biện nêu lên. Đó là việc Dự án này toan tính chở xà bần về Long An để xử lý. Việc làm này, theo kỹ sư Lương Viên, sẽ dẫn đến hậu quả là ngân sách TP.HCM sẽ lãng phí đến hai lần: chi trả tiền vận chuyển từ TP.HCM về Thủ Thừa, rồi chi trả việc mua đất san nền vì xà bần rất cần cho công tác san nền ở TP.HCM.
Trong khi đó, cũng theo kỹ sư Viên, việc phân loại rác lại tiến hành theo cách thủ công, không phân loại rác đầu nguồn mà phân loại rác sau khi ép và vận chuyển (cuối nguồn) là không hợp lý. Sau khi xử lý rác, sẽ xuất hiện hai loại nước rác: nước từ các trạm ép trung chuyển và nước rác từ các bãi chôn lấp. Theo Dự án, nước từ trạm ép trung chuyển sẽ được bơm chuyển xuống xà lan và sẽ được xử lý riêng tại Trạm xử lý rác Tân Thành. "Nếu như vậy, chưa tính tiền xử lý, chỉ riêng công vận chuyển đến nơi xử lý đã đẩy chi phí lên 60.000-70.000đ/m3, gấp đôi chi phí xử lý tại chỗ chỉ tốn có 35.000đ/m3." - ông nói.
Vốn 1, đầu tư 4: Có phải là... liều?
Trong Báo cáo nghiên cứu khả thi của Công ty Đức Hạnh, nguồn vốn Công ty sẽ đầu tư vào Dự án là 30 triệu USD, tương đương 465 tỷ đồng. Thực tế qua kiểm toán vào ngày 12/12/2002 thì Công ty TNHH Xây dựng Giao thông Đức Hạnh có vốn 117,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó, vào tháng 11/2003, Công ty đã bán 30% trong số tài sản chỉ còn 98,4 tỷ đồng cho một công ty Hong Kong. Đến nay, thực tế vốn tài sản của Công ty là bao nhiêu thì không ai trong Hội đồng Thẩm định có thể biết.
TS Nguyễn Thị Kim Tuyển, tổng thư ký Hội Kế toán TP.HCM cho rằng hơn 70% vốn đầu tư của Dự án là sử dụng vốn vay, nhưng báo cáo khả thi của Dự án không có biểu tính về nguồn thu của Dự án cũng như lịch hoàn trả nợ vay là chưa hợp lý.
"Để đời"?
Phát biểu giải đáp ý kiến của Hội đồng Thẩm định, ông Đoàn Minh Đức - giám đốc Công ty Đức Hạnh nói rằng Công ty cũng như cá nhân ông rất tâm huyết với Dự án "để đời" này. Về mặt pháp lý, ông cho rằng được sự cho phép của UBND TP.HCM lập Dự án nghiên cứu khả thi là "có lẽ văn bản pháp lý cao nhất".
|
TS Hoàng Anh Tuấn (đứng): Đây là một đề tài có ý nghĩa để đời! |
Trong phần giải trình trước Hội đồng Phản biện về các vấn đề quy hoạch, xây dựng, công nghệ và môi trường, ông Đức đã né tránh bằng những câu trả lời chung chung mà không đi vào những vấn đề cụ thể. Phần trả lời về vấn đề tài chính của Dự án mà nhiều thành viên trong Hội đồng Phản biện đặt ra, ông Đức chỉ trả lời cụt lủn rằng "đã chỉnh sửa và tính toán theo các bảng biểu hướng dẫn của thẩm định" (?).
Sau bốn giờ làm việc căng thẳng và liên tục, mặc dù đã có nhiều ý kiến của các thành viên trong Hội đồng Phản biện chỉ ra những sơ suất khó có thể biện minh, nhất là đối với một Dự án đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng nhưng TS Hoàng Anh Tuấn, chủ tịch Hội đồng Thẩm định vẫn cho rằng đây là dự án rất có ý nghĩa về mặt môi trường cho cả hai địa phương TP.HCM và Long An. "Tuy còn nhiều thiếu sót, nhưng đây là một Dự án "để đời" và cần thiết!" - TS Hoàng Anh Tuấn nói - "Do đó, chủ đầu tư hoàn toàn có thể bổ sung và tiếp tục hoàn thiện Dự án vào thời gian tới để... nghiệm thu!".
Bên ngoài hành lang cuộc họp, một thành viện Hội đồng Phản biện tỏ ý thắc mắc: Vì sao một Dự án với số vốn đầu tư dự kiến lên đến hàng nghìn tỷ đồng lại mắc nhiều sơ sót khó có thể chấp nhận đến thế trong nội dung Dự án?
Một số câu hỏi khác: Khi chưa chuẩn bị kỹ nội dung Dự án mà đã vội đưa ra phản biện, liệu đây có phải là một sự vội vã không cần thiết hay là vì lý do gì khác? Quy hoạch tổng thể về quản lý chất thải rắn ở TP.HCM đến năm 2020 còn chưa xong, sao lại cho phép lập KCN xử lý chất thải rắn đến năm 2040? Liệu có phải UBND TP.HCM đã vượt quá thẩm quyền khi đề nghị cấp đất cho Dự án này, thay vì phải báo cáo để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt?,...
Tiếc thay, những câu hỏi này hiện chưa có lời giải đáp!
|