Roundup Ready, giống lúa mì chuyển đổi gien (viết tắt GM) đầu tiên trên thế giới, sẽ bị xếp xó do vấp phải sự phản kháng quyết liệt của các nông dân và người tiêu dùng trên khắp thế giới.
Bước lùi của doanh nghiệp
|
Lúa mì chuyển đổi gien. |
Tập đoàn công nghệ sinh học Monsanto của Mỹ đã đầu tư hàng trăm triệu đô-la, bắt đầu phát triển Roundup Ready vào năm 1997 và đã nỗ lực thương mại hoá giống cây này tại Canada và Mỹ. Mặc dù có thể làm tăng sản lượng lúa mì từ 5-15% và kháng được thuốc diệt cỏ song nó vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nhà môi trường, nông dân và khách hàng nhập khẩu nước ngoài, đặc biệt là tại châu Âu.
Nhiều nhóm môi trường trong đó có nhóm Hoà Bình Xanh đã lên tiếng phản đối lúa mì GM và coi nó là mối đe doạ đối với môi trường và sức khoẻ con người. Trong mười năm qua, châu Âu và Nhật Bản nhập khẩu 45% tổng lượng lúa mì xuất khẩu của Mỹ. Sau sự tẩy chay đậu tương và ngô chuyển đổi gien tại châu Âu, nông dân trồng lúa mì lo sợ sẽ mất đi các thị trường xuất khẩu trị giá hàng tỷ đôla này nếu đưa vào trồng lúa mì Roundup Ready. Nhật Bản, nước nhập lúa mì lớn nhất của Mỹ, cũng đã tuyên bố không nhập Roundup Ready.
Các nông dân trồng lúa mì tại Mỹ và Canada phản đối việc đưa vào trồng lúa mì GM bởi họ lo sợ quá trình thụ phấn chéo hoặc lúa mì GM lẫn vào lúa mì thông thường sẽ làm cho họ không bán được hàng. Một bức thư do Julian Watson thuộc Công ty Xay Lúa mì Rank Hovis lớn nhất trong EU gửi tới các nhà xuất khẩu lúa mì Mỹ có đoạn: ''Các ngài hoàn toàn rõ về quan điểm của Rank Hovis đối với lúa mì GM: Chúng tôi không muốn bất kỳ một hạt lúa mì như vậy lẫn trong hàng xuất khẩu của các ngài''. Lo ngại người tiêu dùng tẩy chay bánh mì nếu Mỹ đưa vào trồng lúa mì GM, các công ty xay lúa EU đã bắt đầu hướng sang Australia và Đông Âu để tìm nguồn lúa mì thay thế.
Tất cả những áp lực trên đã buộc Monsanto tuyên bố từ bỏ nỗ lực tiếp thị giống lúa mì này. Carl Casale, phó chủ tịch điều hành của Monsanto, cho biết: ''Chúng tôi nhận thấy cơ hội kinh doanh với giống lúa mì mùa xuân Roundup Ready ít hấp dẫn hơn so với các giống cây trồng khác''. Thay vào đó, Monsanto sẽ tập trung vào các giống đậu tương, cải dầu và ngô chuyển đổi gien. Những giống cây này có thể được sử dụng làm thức ăn cho động vật hoặc sản xuất dầu - sản phẩm không thể đồng nhất ngay lập tức với một loại thực phẩm của con người.
Đây không phải là lần đầu tiên Monsanto từ bỏ kế hoạch bán một giống cây trồng chuyển đổi gien. Công ty này đã lập kế hoạch tạo các giống khoai tây kháng sâu bệnh, song vấp phải sự phản đổi từ các công ty kinh doanh thức ăn nhanh.
Tuy nhiên, Monsanto - nhà bán các loại hạt giống GM lớn nhất trên thế giới - đã nói rõ ràng công ty này không từ bỏ mơ ước thống trị thị trường bánh mì thế giới bằng lúa mì GM. Với vụ kiện của Mỹ chống lại EU còn đang tiếp diễn tại Tổ chức Thương mại Thế giới, Monsanto hy vọng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ tuyên bố việc EU tẩy chay cây trồng GM (từ năm 1998) là bất hợp pháp (là rào cản thương mại). Trong tương lai, Monsanto hy vọng có thể hợp tác với các nhà chức trách Mỹ để mở cửa thị trường đối với lúa mì GM. Carl Casale nói: ''Chúng tôi sẽ tiếp tục giám sát nhu cầu cải tiến giống của ngành lúa mì để xác định thời điểm phù hợp tung ra lúa mì công nghệ sinh học''. Ông nói thêm rằng Monsanto có thể phát triển hơn nữa lúa mỳ GM trong vòng bốn - tám năm tới.
Chiến thắng của nông dân
Các nhà hoạt động chống cây trồng GM rất vui mừng trước những tin tức này. Ronnie Cummins, chủ tịch Hiệp hội Người tiêu dùng hữu cơ của Mỹ, cho biết: ''Quyết định này là một thất bại cay đắng đối với Monsanto và là chiến thắng lớn đối với người tiêu dùng cũng như nông dân trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Bắc Mỹ. Tôi nghĩ nó đánh dấu sự sụp đổ của các cây trồng biến đổi gien trong nền nông nghiệp toàn cầu''.
Nhóm Hoà Bình Xanh cho biết: ''Sự phản đối mạnh mẽ lúa mì GM từ mọi nơi trên thế giới một lần nữa cho thấy sự phản kháng của loài người đối với thực phẩm chuyển đổi gien. Monsanto thậm chí không thuyết phục được những người ủng hộ cây trồng GM mạnh mẽ nhất rằng lúa mì chuyển đổi gien đáng để họ liều lĩnh. Họ nhận ra rằng không ai muốn loại lúa này''.
Uỷ ban Lúa mì Canada (CWB) cũng hoan nghênh tuyên bố của Monsanto. Chủ tịch CWB nói: ''Các nông dân ở miền Tây Canada và khách hàng của họ tại hơn 70 quốc gia trên thế giới sẽ được lợi từ tuyên bố này. Các nông dân phản đối kịch liệt việc trồng Roundup Ready bởi nó mang lại một số lợi ích nông nghiệp song lại đe doạ thu hẹp thị trường xuất khẩu trị giá hàng tỷ đôla của họ ở châu Âu và Nhật Bản''. Chính phủ Canada đã tranh luận liệu có nên cấp phép cho loại cây trồng này ở Canada hay không, mặc dù các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đa số người Canada phản đối ý tưởng này.
Cuộc chiến vẫn tiếp tục
Lo ngại lúa mì GM của Monsanto thụ phấn chéo và lẫn với lúa mì thông thường, các nông dân Canada đang đe doạ kiện Monsanto nhằm ngăn chặn giống lúa này được trồng thương mại. Các nông dân ở Saskatchewan cũng đang chuẩn bị kiện Monsanto về việc làm cho họ không thể trồng cải dầu trên đất đai của mình vì không thể đảm bảo rằng cải dầu của họ hoàn toàn không nhiễm gien cải dầu chuyển đổi gien. Theo nông dân, ô nhiễm từ cải dầu kháng thuốc diệt cỏ hiện đang lan rộng.
Ngay cả khi nông dân chấp nhận cây trồng GM, họ cũng không được phép giữ lại hạt từ năm này qua năm khác như họ đã làm với các giống cây không phải là GM. Họ buộc phải mua lô hạt giống mới mỗi năm. Nếu không làm như vậy, các công ty bán hạt giống có thể phạt họ một khoản tiền lớn. Gần đây, anh em nhà Paul và John Mayfield ở Bắc Dakota đã bị Monsanto phạt 75.000 USD do giữa lại các hạt giống đậu tương của vụ trước để gieo trồng cho vụ sau.
Monsanto đã đưa vào trồng thành công ngô, khoai tây, cải dầu, đậu tương và các giống cây trồng GM khác ở Mỹ, Canada cũng như nhiều nước khác. Công ty này bán hàng trăm giống đậu nành GM, chiếm ít nhất 60% thị phần tại Mỹ. Tuy nhiên, kế hoạch đưa vào trồng thương mại lúa mì GM đã không thành công mặc dù đã hứa hẹn phát triển công nghệ ngăn chặn ô nhiễm. Hiện Bộ Nông nghiệp Mỹ vẫn chưa tỏ rõ lập trường về cây trồng biến đổi gien và cho rằng nó tương đương với những cây trồng tiêu chuẩn khác nên không cần dán nhãn hoặc các quy định đặc biệt.
Tuy nhiên, các quy định của EU mới về dán nhãn và theo dõi nguồn gốc thực phẩm chuyển đổi gien đã có hiệu lực vào tháng 4/2004. Theo đó, thực phẩm và thức ăn động vật phải được dán nhãn nếu chứa ít nhất 0,9% thành phần biến đổi gien. Các nhà sản xuất và người mua cũng phải lưu trữ mọi dữ liệu về nguồn gốc, thành phần và hoạt động buôn bán các sản phẩm GM trong năm năm. Các quy định trên sẽ áp dụng cho 16 loại sản phẩm GM hiện được phép nhập vào EU và chín mặt hàng hiện đang chờ thông qua. Đã có hy vọng rằng các quy định dán nhãn của EU sẽ làm giảm nhẹ cuộc chiến xuyên Đại Tây dương về thực phẩm GM, song Washington đã coi những quy định trên là chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch nguỵ trang.
Các nhóm bảo vệ môi trường và quyền lợi người tiêu dùng đã hoan nghênh các quy định này. Tuy nhiên, nhóm Hoà Bình Xanh lại chỉ trích rằng các quy định trên không yêu cầu dán nhãn đối với thịt, sữa hoặc trứng động vật được nuôi bằng thức ăn GM.
Được biết EU áp đặt lệnh cấm nhập và trồng các sản phẩm GM vào năm 1998 theo sáng kiến của năm nước (Đan Mạch, Pháp, Hy Lạp, Italia và Luxemburg), cho tới khi có những quy định chặt chẽ hơn về kiểm tra và dán nhãn. Mỹ, nước có ngành công nghệ sinh học lớn nhất thế giới, đang dẫn đầu một nhóm gồm 12 quốc gia khác nhằm lật nhào lệnh cấm này thông qua Tổ chức Thương mại Thế giới. Hiện lệnh cấm này vẫn chưa được dỡ bỏ.
|