Yangqiao - ngôi làng của thần chết ở Trung Quốc
07:03' 25/05/2004 (GMT+7)

Làng Yangqiao, tỉnh Giang Tô, còn được báo giới Trung Quốc gọi là làng... ung thư. Các cư dân của Yangqiao tin rằng chính sự ô nhiễm hóa chất đã làm gia tăng các ca ung thư trong làng.

Giám sát dân, thay vì kiểm tra môi trường!

“Bất kể là ngày hay đêm, chúng tôi đều có thể ngửi thấy hơi độc… Thậm chí chúng tôi không dám ăn rau quả trồng ra từ nông trại của mình vì chúng được tưới từ nước con sông đã bị ô nhiễm.” - ông Zhou Yi nói.

Ông Zhou - một người đã về hưu, hiện đang sống tại làng Yangqiao, yêu cầu đừng đưa tên thật của ông vì sợ sự trả thù từ các viên chức và cán bộ địa phương - cho biết: Ngôi làng nằm im lìm ở phía Đông của Trung Quốc này giờ đây chẳng còn gì ngoài việc trở thành tử địa cho nhiều người trong số hơn 3.000 cư dân của làng.

Giống những kẻ giết người thầm lặng, hơi độc phát ra từ một nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu và hai nhà máy hóa chất gần đó đã làm cho số trường hợp mắc bệnh ung thư tại làng tăng cao một cách khác thường. Trong ba năm qua, có ít nhất 21 dân làng đã chết bởi nhiều dạng ung thư khác nhau, nhiều người trong số đó chỉ mới 30 tuổi. Mười bệnh nhân mắc bệnh ung thư khác đang trải qua việc điều trị tại Thượng Hải, Nam Kinh (thủ phủ của tỉnh Giang Tô) cũng như tại bệnh viện của các thành phố lân cận.

Làng Yangqiao trên bản đố Trung Quốc.

Phóng viên của tờ The Straits Times đã phỏng vấn nhiều dân làng Yangqiao, xem xét bản khai của các nhân chứng cư ngụ tại thành phố Yangcheng và các đơn thư kiến nghị và nhận thấy: Các quan chức địa phương đang cố gắng che giấu sự thật, trong khi sự bất đồng quan điểm đang ngày càng tăng trong dân làng. Để chứng minh quan điểm của họ, một số dân làng đã liệt kê được bốn danh sách của những người đã chết vì hoặc đang phải chạy chữa ung thư trong ba năm qua. Các danh sách này, được báo The Straits Times tổng hợp lại, cho thấy chi tiết về độ tuổi của nạn nhân, ngày mất, bệnh viện nơi họ chữa trị cũng như loại ung thư mà họ mắc phải. Phần lớn các nạn nhân đều mắc các bệnh ung thư về đường hô hấp và tiêu hóa, trong khi một số khác lại bị ung thư cổ tử cung và ung thư vú. Hầu hết các nạn nhân đều chết ở độ tuổi trên 50 nhưng dân làng nói rằng họ rất lo lắng vì có một số nạn nhân còn rất trẻ như cô Guo Hongmei chỉ mới 30 tuổi đã chết vì ung thư cổ tử cung vào tháng 10/2002.

Thân nhân của các nạn nhân đã ký hoặc đóng ấn gia huy của họ vào những danh sách của tử thần này nhằm xác thực cho nó. "Khoảng 20 gia đình sống gần ba nhà máy hóa chất nhất đã di chuyển đi nơi khác. Thế nhưng phần lớn dân làng Yangqiao đều quá nghèo để có thể đi nơi khác," - ông Zhou than thở.

Dân làng Yangqiao cũng than phiền rằng sự ô nhiễm đã làm đất đai của họ và dòng sông gần đó bị nhiễm độc, làm hủy hoại mùa màng và giết chết rất nhiều vật nuôi.

Từ khi câu chuyện của làng Yangqiao được mọi người biết đến vào cuối tháng 4 vừa qua, các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã gán cho làng này một cái tên: “Làng ung thư”. Dĩ nhiên, cái tên này đã làm cho các quan chức địa phương tức giận, trong khi họ lo lắng dư luận bất lợi này sẽ gây thiệt hại đến kinh tế và thanh danh của làng, cũng như đến các thị trấn và vùng lân cận. Họ tìm cách... ngăn chặn các nhà báo địa phương và nước ngoài thâm nhập vào làng; đồng thời cảnh báo dân làng Yangqiao không được tiếp xúc với giới truyền thông!

Một dân làng, tiếp xúc với phóng viên The Straits Times phía ngoài ngôi làng, kể: “Các viên chức đến từng nhà và nói với mọi người rằng sau này nếu bất kỳ ai hỏi thì phải nói rằng "Tôi không mắc bệnh ung thư và các nhà máy không gây ảnh hưởng gì đến chúng tôi cả". Họ cũng đe dọa rằng nếu chúng tôi cứ nói đúng sự thật thì sẽ không có ai dám mua các sản phẩm nông nghiệp của vùng này và cũng chẳng ai muốn kết hôn với bất kỳ người nào ở đây”.

Khi tiếp xúc với hai trong ba nhà máy hóa chất nằm cạnh nhau chỉ cách làng khoảng 700m, các lãnh đạo đều phủ nhận mọi mối liên hệ giữa các hoạt động của nhà máy với số ca bệnh ung thư tăng cao tại làng Yangqiao.

Ông Ma Da, giám đốc thâm niên của nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu nông nghiệp Shuangning trả lời phỏng vấn qua điện thoại: “Chúng tôi hoạt động hoàn toàn đúng theo luật và luôn tuân thủ mọi tiêu chuẩn và các quy định về môi trường. Tôi cho rằng có rất nhiều nguyên nhân đằng sau các trường hợp ung thư tại làng Yangqiao do đó thật không công bằng khi cứ chĩa mũi dùi vào chúng tôi”.

Một công nhân của nhà máy tinh chế hoá chất công nghiệp Qingtai tọa lạc sát bên thì lại nói: “Chúng tôi không hề gây ra vấn đề nào hết, chính... hai nhà máy hoá chất kia mới phải chịu trách nhiệm cho sự ô nhiễm”.

Thẩm tra độc lập của báo chí với các quan chức môi trường về các khiếu kiện qua lại xung quanh vấn đề ô nhiễm cho thấy tất cả các vụ việc đã được giải quyết bằng cách cho... sa hết vào vũng lầy quan liêu.

Ngày 10/5, cơ quan thông tấn Tân Hoa xã của Trung Quốc đưa tin về “một cuộc điều tra quy mô” đang được tiến hành, thế nhưng người phát ngôn của Cơ quan Bảo vệ và Quản lý Môi trường Quốc gia (SEPA) lại nói rằng cô ta không hề nghe nói gì về trường hợp của làng Yangqiao. Quan chức của văn phòng SEPA tại tỉnh Giang Tô xác nhận ông đã chính thức nhận được hồ sơ về vụ việc của làng Yangqiao từ tổng hành dinh của SEPA Bắc Kinh, song cũng không thể biết chính xác khi nào thì các nhân viên điều tra sẽ được phái đến, trong khi cơ quan bảo vệ và quản lý môi trường của thành phố Yancheng chỉ cách làng Yangqiao 90 phút lái xe.

Những người nói thẳng nói thật của làng - những người đã tiếp xúc với các nhà báo - hiện đang bị... giám sát chặt chẽ, thậm chí có một ông cụ và gia đình của ông đã bị đuổi ra khỏi làng. Ông Zhou nói thêm: “Chúng tôi không hề tung tin hay nói dối, chúng tôi chỉ phản ảnh đúng sự thật. Các phương tiện thông tin đại chúng phải giúp chúng tôi kêu nài để chính phủ tiến hành các cuộc điều tra ngay. Nếu không, các thế hệ sau sẽ phải gánh chịu những hậu quả khôn lường”.

Mặt trái của đồng tiền: công việc

Tuy vậy, làng Yangqiao (nằm trong các khu vực nghèo khó ở phía Đông của tỉnh Giang Tô) lại không phải là làng đầu tiên ở Trung Quốc bị mang tiếng là “làng ung thư”, Bởi, theo các thông tin cung cấp cho giới truyền thông từ chính quyền, sự ô nhiễm công nghiệp tại làng này xuất hiện giống như tại các làng khác ở đô thị Wuxi của tỉnh Giang Tô, cũng như tại các vùng Tây Nam của Tứ Xuyên, Tây Bắc của Thiểm Tây.

Mặc dù các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhiều lần nhắc nhở việc phát triển bền vững và một “tổng sản phẩm nội địa (GDP) xanh” có tính đến các nhân tố môi trường, song tình cảnh khó khăn mà làng Yangqiao đang phải trải qua làm cho mọi người thấy rõ sự xung đột của các lợi ích ở cấp cơ sở là phức tạp và gây ảnh hưởng như thế nào đến kết quả chung.

Ba nhà máy hóa chất ở Yangqiao.

Các dân làng bất bình nói: Đơn giản là các quan chức địa phương hoàn toàn chưa sẵn sàng để đối phó với các vấn đề kinh tế phát sinh khi đóng cửa ba nhà máy hóa chất mà ai cũng cho rằng đã gây ô nhiễm cho làng Yangqiao. Hai trong ba nhà máy hóa chất này đã tạm thời ngừng sản xuất. Trong khi đó, Nhà máy Hóa chất Nông nghiệp Shuangning chuyên sản xuất thuốc trừ sâu vẫn hoạt động. Ông Ma Da, giám đốc nhà máy cho biết: có khoảng 200 công nhân đang làm việc tại nhà máy, một nữa trong số họ đến từ khu Gu He lân cận. Tuy vậy, dân làng tin rằng khi luồng dư luận qua đi thì cả hai nhà máy jia sẽ được tiếp tục hoạt động trở lại. 

Một dân làng, yêu cầu dấu tên, phát biểu: “Hàng trăm người sẽ thất nghiệp nếu họ đóng cửa các nhà máy. Nhưng còn sức khỏe của dân làng chúng tôi sẽ ra sao nếu không đóng cửa các nhà máy này? Tạm ngừng hoạt động có nghĩa là trong tương lai các nhà máy sẽ hoạt động lại và có thể làm ô nhiễm làng chúng tôi lần nữa”.

Những nhà máy hóa chất này đều phủ nhận các nguồn dư luận và cho đến lúc này vẫn không thấy xuất hiện điều tra độc lập nào của các quan chức môi trường. Tuy nhiên, hãng truyền thông "Trung Hoa Đại Lục" thỉnh thoảng vẫn công bố các báo cáo chi tiết về sự ô nhiễm gia tăng tại làng Yangqiao.

Tuần rồi, Bộ trưởng Môi trường Trung Quốc Xie Zhenhua nói rằng chỉ mới có 1/3 trong số 2.418 dự án về kiểm soát ô nhiễm nguồn nước được hoàn thành, khoảng 28% vẫn đang trong quá trình thi công, trong khi 40% các dự án còn lại vẫn chưa được khởi công. Trong những tháng gần đây, trong khi các vi phạm về môi trường đang có chiều hướng ngày một xấu, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng thừa nhận đất nước đang đấu tranh để đạt các mục tiêu về môi trường vào năm 2005.

Vào tháng 3 vừa qua, Phó Thủ tướng Trung Quốc Zeng Peiyan đã kêu gọi một sự “trừng trị thẳng tay những kẻ vi phạm luật môi trường”. Dĩ nhiên, đó chỉ mới là lời kêu gọi, trong khi ai cũng biết có khoảng cách giữa lời kêu gọi với chủ trương, giữa chủ trương với các biện pháp vĩ mô, với việc triển khai ở cấp cơ sở trong những vụ việc cụ thể.

Cho tới hôm nay, Yangqiao vẫn cứ là một trong những "làng ung thư" tại Trung Quốc!

Trần Anh (theo The Straits Times)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Bao giờ thế giới sẽ có điện nhiệt hạch? (24/05/2004)
Bán dầu nhiên liệu từ phụ phẩm gà tây (23/05/2004)
Hàng nghìn người Anh có thể mang mầm bệnh bò điên (22/05/2004)
Khai trương ngân hàng tế bào gốc đầu tiên của thế giới (19/05/2004)
Lò đốt rác của "ông Hội đồng": Thật không? (13/05/2004)
Không nên phớt lờ năng lượng biomass (13/05/2004)
Cần xem xét lại chiến lược trồng ngô GM (12/05/2004)
Bước lùi của lúa mì chuyển đổi gien (12/05/2004)
Các loài tre kêu cứu (11/05/2004)
Đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho những... cái đáng ngờ (11/05/2004)
Lời kêu gọi Paris: Loài người bị đe doạ nghiêm trọng! (09/05/2004)
Báo động: Thế giới chỉ còn 12 con tê giác trắng! (08/05/2004)
Tại sao nhiều người Anh phản đối... lò đốt rác? (07/05/2004)
Đại dương = "thùng rác lớn"! (07/05/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang