Sẽ có chiến tranh về... nước ở châu Phi?
02:58' 31/05/2004 (GMT+7)

Khan hiếm nước đang ngày càng tăng. Ô nhiễm nguồn nước cũng tăng. Các tranh chấp gay gắt về quyền sử dụng nguồn nước vẫn tiếp diễn, với gánh nặng vẫn chưa biến mất của những hiệp định thời thuộc đia... Bởi vậy, những cuộc chiến về nước tại châu Phi vẫn là lời tiên tri đáng sợ về một tương lai không đảm bảo của an ninh về tài nguyên nước tại châu lục này. 

Bản đồ lưu vực sông Nile.

Ngày 18/5, báo Pretoria News (Nam Phi) mở đầu bài viết với đoạn: "Khi các bộ trưởng các vấn đề nước của những quốc gia thuộc lưu vực sông Nile họp để thảo luận về số phận của dòng sông này, cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Boutros Boutros Ghali không có mặt trong phòng họp với họ. Thế nhưng ký ức về nhận định của ông, rằng những cuộc chiến trong tương lai sẽ là chiến tranh về nước, vẫn hiện diện trong cuộc họp...".

Lần đầu tiên, cựu tổng thư ký LHP đã nêu lên nhận định này là vào thập kỷ 1980. Khái niệm "các cuộc chiến về nước" cũng được nêu trong một cuốn sách cùng tên và trong nhiều báo cáo. Thêm nữa, cụm từ này cũng được nhiều lần nhắc tới trong các bài báo viết về tình trạng khan hiếm nước ở châu Phi, về khả năng xung đột giữa các cộng đồng vốn không còn hy vọng có được nguồn nước đảm bảo.

Khoảng bốn triệu người châu Phi không được cung cấp đủ nước sạch và các dịch vụ vệ sinh. Khoảng 50% người châu Phi bị mắc một trong sáu thứ bệnh liên quan đến nguồn nước bẩn. Phụ nữ và trẻ em châu Phi phải dành nhiều thời gian quá mức để tìm nước, thay vì dùng thời gian này vào các hoạt động sinh lợi để tăng thu nhập hay để đến trường.

Hơn 1/3 dân số thế giới hiện phải sống trong tình cảnh khó khăn vì thiếu nước sạch.

Trong 50 năm nữa, hơn một nửa nhân loại sẽ rơi vào cảnh thiếu nước.

Các hệ thống sông xuyên biên giới khác ở châu Phi cũng đứng trước nhu cầu về nước ngày càng tăng do sự phát triển dân số, nông nghiệp và công nghiệp. Các hệ thống này bao gồm lưu vực sông Niger ở Tây Phi và hệ thống sông Okavango chảy qua Botswana và Namibia.

Theo Dự án Chính sách về nước toàn cầu, đặt trụ sở ở Amherst (Mỹ), khoảng 36% dân số châu Phi hiện đang thiếu nước sạch. Chương trình Phát triển của LHQ (UNDP) dự báo: Tới năm 2025, cứ một trong hai người châu Phi sẽ sống ở những nước đối mặt với sự căng thẳng về nước, hoặc nạn khan hiếm nước. Sự căng thẳng về nước được định nghĩa là tình trạng trong đó mỗi người ở một nước chỉ có chưa đến 1.500m3 nước sử dụng hàng năm. Trong trường hợp khan hiếm nước, con số này giảm xuống còn 1.000m3/năm.

Liệu châu lục này đã thức tỉnh rằng sự khan hiếm nước chính là thể hiện một thách thức cần được giải quyết mạnh hơn so với trước đây?

Nkomati/Maputo, bài học cho lưu vực sông Nile?

Tập trung vào vấn đề chia sẻ công bằng hơn nguồn nước sông Nile, các cuộc thảo luận hiện mang lại vài hy vọng, ngay cả khi chúng bao gồm cả những đòi hỏi gay gắt, cùng những đe dọa trả đũa.

Phụ nữ Ethiopia vẫn phải dành nhiều thời gian quá mức để tìm nước.

Theo Vụ Thông tin của LHQ, có 160 triệu người sống ở lưu vực sông Nile. Hiện nay, việc sử dụng nước vẫn được tiến hành theo Hiệp định năm... 1929 (được duyệt lại sau 30 năm), theo đó Ai Cập và Sudan có quyền quyết định các nước khác thuộc lưu vực sông Nile và các sông nhánh có được sử dụng nguồn tài nguyên nước này hay không, và sử dụng như thế nào. Mặc dù Hiệp định ấy đã lỗi thời do chỉ phản ánh tình hình thực tế ở các... thuộc địa thuở xưa, song những cố gắng nhằm sửa đổi nó đã bị Ai Cập - nước hoàn toàn phụ thuộc vào dòng sông này - phản đối.

Làm sao có thể sử dụng bền vững nguồn nước tại châu Phi: Bài toán quá khó!

Mặc dù vậy, tại một cuộc họp diễn ra ở Kenya từ ngày 15 đến 19/3/2004 của tổ chức "Sáng kiến Lưu vực Sông Nile" (ra đời năm 1999, tập hợp mười nước trong lưu vực), ông Mahmoud Abu-Zeid, bộ trưởng Bộ Tài nguyên Nước và Thủy lợi của Ai Cập, đã bày tỏ một lập trường mềm mỏng hơn. "Ai Cập sẽ chấp nhận bất cứ quyết định nào được nêu trong hiệp định khung." - ông Abu-Zeid trả lời phỏng vấn của hãng tin Sapa-IPS. Hiệp định khung này là đề cương của một hiệp định mới về chia sẻ nguồn nước, do "Sáng kiến Lưu vực Sông Nile" đưa ra nhằm sử dụng lâu dài nguồn nước của sông này.

Hình thành tổ chức liên chính phủ về quản lý nguồn nước

Trong tuyên bố chung về môi trường, an ninh lương thực, y tế công cộng và dân số đưa ra vào giữa tháng 12/2003, hội nghị các nghị sĩ châu Á về dân số và phát triển (APDA) lần 19 đã kêu gọi hình thành tổ chức liên chính phủ về quản lý nguồn nước quốc tế và các dòng sông cùng sử dụng.

Các dòng sông sử dụng chung cần có sự điều phối của các nước liên quan để sử dụng có hiệu quả, công bằng.

Bên cạnh đó, Quốc hội, Chính phủ mỗi nước cần có chiến lược phát triển lồng ghép và kế hoạch hành động để giải quyết các vấn đề dân số và nguồn nước; tuyên truyền rộng rãi với dư luận xã hội về sự khan hiếm của nước sạch; đưa nội dung về sử dụng nước sạch và mối liên quan giữa nước sạch với sức khỏe... vào chương trình giáo dục từ cấp tiểu học trở lên.

Tuyên bố của APDA cũng nêu rõ các hoạt động của đại biểu Quốc hội: Khuyến khích việc cung cấp nước sạch cho toàn dân; khuyến khích nghiên cứu về sử dụng nước có hiệu quả trong nông nghiệp, phát triển nông thôn. Mỗi nước cần xây dựng chính sách quốc gia về dân số gắn kết với vấn đề sử dụng nước,...

Chuyên gia về nước Anthony Turton, công tác tại Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp ở Pretoria (Nam Phi), một sáng lập viên của "Đối tác về các nguồn nước xuyên biên giới của các trường đại học", cho rằng các cơ chế liên chính phủ nhằm giải quyết các tranh chấp trong việc sử dụng các dòng sông xuyên biên giới có thể mang lại những điều tốt lành, ngay cả khi có những mâu thuẫn lớn.

Turton nêu thí dụ: Uỷ ban Kỹ thuật Thường trực Ba Bên, do Nam Phi, Mozambique và Swaziland thành lập năm 1983, đã thảo luận việc sử dụng sông Nkomati/Maputo ngay cả khi sự căng thẳng giữa ba nước tăng lên vì Nam Phi tham gia cuộc nội chiến ở Mozambique, và cũng do chính sách phân biệt chủng tộc lúc đó của Pretoria. Các cuộc thảo luận về hệ thống sông này đã tập trung vào các kế hoạch xây dựng một đường ống dẫn nước từ sông Okavango tới thủ đô Windhoek của Namibia, nhằm thúc đẩy sự phát triển và mang lại an ninh lớn hơn về nước cho quốc gia này.

Bao giờ vứt bỏ... hành trang chính trị?

Về chủ đề của "Sáng kiến Lưu vực Sông Nile", Turton tin rằng việc chuyển trọng tâm từ vấn đề chia sẻ nguồn nước sang chia sẻ quyền lợi có thể là điều có lợi. Đó chính là sự tháo bỏ "hành trang chính trị" của lưu vực, để đơn giản cân nhắc đến việc sử dụng sông Nile một cách tối ưu nhất. Trong thực tế, các chính phủ có thể cho phép các nước láng giềng sử dụng phần chia (tài nguyên nước) của họ vì lợi ích lớn hơn của lưu vực.

Với địa hình đồi núi, Ethiopia sẽ cung cấp một vị trí lý tưởng cho việc xây dựng một loạt đập nước nhỏ để sản xuất điện và các dự án thủy lợi vừa phải. Nguồn điện này có thể được dùng để xây dựng một cơ sở công nghiệp ở quốc gia đang là một trong những nước nghèo nhất thế giới, với khoảng 80% dân số sống dưới mức nghèo khổ (1 USD/ ngày).

Tuy nhiên, dự án sẽ liên quan đến việc Ethiopia giữ lại nguồn nước trong khi các quan chức Ai Cập có thể phản đối rằng đó là "của họ", mặc dù các cửa đập có thể mở để cung cấp nước cho Ai Cập khi cần.

Vấn đề là liệu Ai Cập, với lịch sử lâu dài về những mối quan hệ gay gắt với Ethiopia, có suy tính về một biện pháp có thể làm gia tăng tính chất dễ bị tổn thương của dự án này hay không, cho dù dự án có thể làm gia tăng sự thịnh vượng của Ethiopia và có thể của cả khu vực nhờ thu hút các nhà đầu tư!

Sử dụng bền vững tài nguyên nước: Không dễ!

Vào tháng trước, các nước thành lập "Sáng kiến Lưu vực Sông Niger" đã mở hội nghị thượng đỉnh tại Pháp để thảo luận về tương lai của hệ thống nước riêng của họ. Lưu vực sông Niger hiện cung cấp nước cho mười triệu người. Ông Mamadou Tandja, chủ tọa hội nghị, thông báo rằng đến năm 2020, con số này sẽ tăng đến 200 triệu người trong khi hệ thống sông trong lưu vực có thể bị ảnh hưởng do lượng mưa giảm sút.

Thay vì đến trường, trẻ em Ethiopia cũng phải dành quá nhiều thời gian để tìm nước!

Sau hai ngày họp, các nguyên thủ quốc gia dự hội nghị đã ra "Tuyên bố Paris", cam kết chín nước thành viên lưu vực sông Niger sẽ tham khảo ý kiến của nhau về bất kỳ một "công trình cơ sở hạ tầng" nào được xây dựng dọc theo sông có thể làm biến đổi dòng chảy. Bên trên và vượt ra cả việc phân chia công bằng các nguồn nước, nhiều quốc gia vẫn phải có những chiến lược nhằm bảo đảm việc sử dụng rộng rãi nguồn nước được chia của họ.

Rốt cuộc, nhiều nước có thể coi việc nhập khẩu lương thực là có "hiệu quả nước" hơn, nhằm sử dụng nguồn nước của họ cho mục tiêu phát triển nền tảng công nghiệp. Từ đó, lại xuất hiện vấn đề ô nhiễm.

"Hãy xem Hồ Victoria như một thí dụ. Nó đã trở thành... nhà vệ sinh của Đông Phi. Người ta đang làm tất cả mọi điều ở hồ này, kể cả tiểu tiện và đại tiện. Vậy mà hồ này sẽ được sử dụng cho các dự án dùng nước vào mục đích sản xuất nông nghiệp. Chúng tôi không có khả năng xử lý nước. Những dự án này sẽ kéo dài được bao lâu, nếu những người sống quanh hồ tiếp tục chết vì dịch tả do thiếu vệ sinh?" - bà Rosemary Rop, thuộc "Maji na Ufanisi" (Nước và Phát triển) - một tổ chức phi chính phủ ở Kenya, nêu vấn đề như vậy khi trả lời phỏng vấn của hãng tin Sapa-IPS.

Vâng, sử dụng tài nguyên nước một cách bền vững vẫn là bài toán khó, đòi hỏi cả chính sách quốc gia và sự phối hợp liên chính phủ. Nếu không, bên cạnh những bóng ma về dịch bệnh sẽ có cả bóng ma chiến tranh về nước vẫn ám ảnh châu Phi, và đâu chỉ châu Phi, trong tương lai.

Linh Chi (Tổng hợp)   

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Đừng xem khoa học - công nghệ như một thứ trang sức (31/05/2004)
Chuyện "ông già Lương" và... bầu sữa bao cấp (29/05/2004)
Rà soát lại đội ngũ và định hướng nghiên cứu khoa học (28/05/2004)
Sử dụng đội ngũ KH-CN: Cơ chế bất cập! (27/05/2004)
Cái chết bí ẩn của "gã khổng lồ" baobab Nam Phi (26/05/2004)
Xu thế điện hạt nhân: Thế giới vẫn phân cực! (26/05/2004)
Yangqiao - ngôi làng của thần chết ở Trung Quốc (25/05/2004)
Bao giờ thế giới sẽ có điện nhiệt hạch? (24/05/2004)
Bán dầu nhiên liệu từ phụ phẩm gà tây (23/05/2004)
Hàng nghìn người Anh có thể mang mầm bệnh bò điên (22/05/2004)
Khai trương ngân hàng tế bào gốc đầu tiên của thế giới (19/05/2004)
Lò đốt rác của "ông Hội đồng": Thật không? (13/05/2004)
Không nên phớt lờ năng lượng biomass (13/05/2004)
Cần xem xét lại chiến lược trồng ngô GM (12/05/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang