"Bệnh" kéo dài, đã thành mạn tính...
05:45' 02/06/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - GS Hoàng Anh Tuấn, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu "Thực trạng sử dụng đội ngũ KH-CN trên địa bàn TP.HCM" nhận xét như vậy trong một cuộc trao đổi thẳng thắn, dành riêng cho VietNamNet, về giải pháp khắc phục sự mất lòng tin giữa Nhà nước với các nhà khoa học.

Không nên "nói một phát cho gọn"!

Câu hỏi đầu tiên: Giáo sư có nhận xét gì về loạt bài (đã đăng năm bài đầu tiên - xem phần tin, bài liên quan) của VietNamNet, bắt nguồn từ Báo cáo nghiệm thu đề tài nghiên cứu cùa giáo sư? 

- GS Hoàng Anh Tuấn: VietNamNet đã có bài phỏng vấn hai TS Kiều Minh Lực và Đặng Thị Hạnh, qua đó có sự phản ánh rất quý, cần thiết để các nhà lãnh đạo cùng thấy: Hai nhà khoa học này phải rời khỏi cơ quan nhà nước để đi làm ở đơn vị nước ngoài vì ai cũng muốn làm việc, muốn đóng góp nhưng mong muốn này đòi hỏi phải có điều kiện làm việc, và cả điều kiện để sống mà làm việc. Tấm lòng nhà khoa học là vậy, và không có ai làm điều gì sai trái ở đây cả. Bởi những ý tưởng khoa học hay, tính mới của công nghệ chỉ có được ở trạng thái đỉnh cao của lòng say mê. Nhưng cơ chế, chính sách, thủ tục hiện hành chưa tạo ra và nhân lên (bằng cách tạo điều kiện tốt hơn, thuận lợi hơn) mà nhiều khi làm cho nó thui chột ngay từ đầu. Vì vậy, tôi rất muốn cả Thủ tướng Chính phủ cũng đọc những bài ấy!

Rõ ràng giáo sư vẫn có nhiều trăn trở?

TS Trần Du Lịch, viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM:

- Đội ngũ khoa học tuy đông nhưng thiếu chuyên môn sâu hoặc liên kết đa ngành để có thể giải quyết một vấn đề thực tiễn đặt ra. Mặt khác, thực tế hiện nay cho thấy số nhà khoa học có khả năng nghiên cứu thì hầu như "quá tải" ở những công việc khác nhau. Ngược lại, có một số nhà khoa học có thời gian nhưng khả năng nghiên cứu giải quyết vấn đề thực tế lại rất hạn chế (nhiều khi trong một năm đăng ký ba - bốn đề tài, nhưng khi xét thì không đề tài nào được chấp nhận cho nghiên cứu vì thiếu cơ sở thực tiễn). Đội ngũ khoa học - kỹ thuật ở Thành phố "vừa thừa, vừa thiếu" đang là thực trạng cần được nhìn nhận để có chiến lược đào tạo lâu dài.

- Các chương trình nghiên cứu khoa học của TP.HCM chưa làm rõ được quan điểm: xác định tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu cơ bản (để phát triển bản thân khoa học đó) và nghiên cứu ứng dụng, nên tình trạng kết quả nghiên cứu thường "không đụng trời, cũng không đụng đất"; không đóng góp được bao nhiêu cho lý luận, mà cũng không trực tiếp giải quyết được một vấn đề thực tiễn nào.

- Việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học ở TP.HCM cần làm rõ hai mục tiêu: (1) Giải quyết các vấn đề mà cuộc sống đặt ra. (2) Phát triển khoa học (bao gồm sự phát triển đội ngũ nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, công nghệ). Trên thực tế, hai mục tiêu trên có quan hệ với nhau, có tiêu chí đánh giá chung, nhưng cũng có tiêu chí riêng cần được đánh giá cho đúng. Đề nghị Hội đồng KHCN TP.HCM có nghiên cứu và mở hội nghị chuyên đề về vấn đề này.

- Khi bảo vệ đề tài của mình trước Hội đồng nghiệm thu, tôi đã nói rằng chúng tôi rất lấy làm lạ tại sao các Nghị quyết của Đảng về khoa học là tuyệt vời (dù đặt ra mục tiêu phấn đấu đạt mức KHCN trung bình tiên tiến trong khu vực vẫn còn là thấp), vậy mà tới khi Chính phủ ra Nghị định thì lại có... cự ly với Nghị quyết. Đọc Nghị định, đã thấy buồn rồi vì không thấy ngang tầm với các Nghị quyết của Đảng. Tuy vậy, tới lúc có các Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định thì lại... tuột thêm một mức nữa, thật đáng tiếc!

Ý kiến của giáo sư về sự chỉ đạo của Bộ KHCN?

- Một thí dụ, về sự chỉ đạo của Bộ KHCN: Không biết Bộ suy nghĩ gì mà hướng dẫn chiến lược phát triển KHCN Việt Nam đến năm 2010 (chiến lược gì mà có mấy năm thì làm sao thực hiện, lẽ ra phải ít nhất là hướng tới năm 2020), trong đó nêu rõ nhiệm vụ của các địa phương là chỉ có nghiên cứu ứng dụng thì lạ thật! Cái gì Trung ương cũng ôm thì làm sao làm xiết, nhất là với TP.HCM đã được Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị giao nhiệm vụ phải đi đầu mà cũng không được tiến hành nghiên cứu cơ bản thì làm sao, vì nghiên cứu cơ bản tạo ra dự trữ khoa học. Muốn làm ăn tốt, có hiệu quả thì không thể không nghiên cứu cơ bản.

Rõ ràng chỉ đạo này thực tế đã không cần phân biệt địa phương là địa phương nào, có những điều kiện nghiên cứu, có những nội dung nghiên cứu quan trọng hay không. Hồi xưa, trước khi đánh võ, người ta phải nói thiệu trước. Nay, làm công tác lãnh chỉ đạo phát triển KHCN thì cũng phải nói được phần lý thuyết thế nào là nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu triển khai. Anh lãnh đạo mà chỉ "nói một phát cho gọn" thì làm sao được. Nói thật, với kiểu chỉ đạo như vậy, tôi trăn trở lắm!

Giáo sư có đề nghị gì về việc xét lại Thông tư 45, một thông tư mà hầu như 100 nhà khoa học được hỏi ý kiến đều "kêu" rất nhiều về nó?

- Từ trên xuống dưới, không ai không biết Thông tư 45 Liên Bộ về kinh phí cho khoa học có nhiều điểm bất hợp lý. Thậm chí, Vụ Chiến lược của Bộ KHCN cũng nói: "Thông tư này tập cho các nhà khoa học nói dối"!

Vậy mà Chính phủ cứ để nguyên như vậy, không đếm xỉa gì tới trong khi đáng phải điều chỉnh. Rõ ràng những chuyện như vậy đòi hỏi phải có sự chủ trì của Thủ tướng, Thủ tướng có quyết thì các Bộ mới nghe; Thủ tướng phải chỉ thị sửa cái này, thay cái kia giống như điều hành lĩnh vực kinh tế. Làm được như vậy, tiến bộ sẽ nhìn thấy rõ kết quả các hoạt động nghiên cứu khoa học, nhờ đã tháo gỡ và tạo điều kiện cho KHCN phát triển.

Nếu Thủ tướng thật sự coi trọng khoa học thì cũng phải điều hành theo kiểu như điều hành kinh tế. Tất nhiên, các nhà khoa học không đòi hỏi một năm phải ba - bốn lần Thủ tướng gặp gỡ như với các nhà doanh nghiệp, nhưng một năm ít ra cũng cần dành một lần để nghe các nhà khoa học, các tổ chức khoa học nói tại sao hiện nay chúng tôi chưa làm tốt, bị vướng cái này, kẹt cái kia nên đề nghị Chính phủ tháo gỡ...

Nói gì với Thủ tướng Chính phủ?

Nếu muốn nói thẳng với Thủ tướng Chính phủ thông qua buổi phỏng vấn này, giáo sư sẽ đề nghị những gì?

- Bản thân tôi muốn nói như sau:

"Đồng chí Phan Văn Khải kính mến!

"Trong đời tôi, hình ảnh của đồng chí khi còn làm chủ tịch UBND TP.HCM là rất đáng quý. Tôi vẫn nhớ kỷ niệm hồi tổng kết mười năm công tác khoa học - kỹ thuật của TP.HCM, khi tôi muốn gặp chủ tịch để đề xuất việc khen thưởng thì đã chuẩn bị sẵn... lời nói thêm để thuyết minh, phòng khi chủ tịch dặn phải... tiết kiệm. Không ngờ khi gặp tôi, chủ tịch Phan Văn Khải đã rất thân mật mà nói ngay: "Ông nhớ thưởng cho anh em kha khá nha!". Lời nói đó, tôi nhớ như in vì người điều hành cao nhất của bộ máy chính quyền Thành phố đã có suy nghĩ rất đúng, nhằm kích thích đội ngũ khoa học - kỹ thuật sáng tạo hơn nữa vì các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ người dân. Câu nói đó, tôi xếp vào những câu nói không thể nào quên, như câu mà (cố) giáo sư Tạ Quang Bửu từng lưu ý: "Muốn có gà chọi, phải nuôi gà giò!".

"Vậy mà bây giờ, đồng chí Phan Văn Khải khi làm Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa có cuộc gặp gỡ nào với giới KHCN. Tất nhiên, tôi hiểu vấn đề kinh tế là nước sôi lửa bỏng ghê gớm, là vấn đề đại sự. Nhưng chỉ có điều là lãnh đạo kinh tế mà không nghĩ đến KHCN thật sự là động lực phát triển kinh tế, như Đảng đã nói, thì làm sao giúp KHCN đóng góp tốt cho phát triển kinh tế ngày càng bền vững được. Phải nói là sự lãnh đạo tách rời giữa kinh tế với KHCN, tôi không ưng chút nào hết!

GS Hoàng Anh Tuấn: Chúng tôi vẫn mong chờ được lên tiếng với Thủ tướng! (Ảnh: Hữu Thiện)

"Thử nhìn vào cách điều hành kinh tế: Thủ tướng Chính phủ phải đi họp ở Hà Nội hay TP.HCM để lắng nghe các nhà doanh nghiệp nói về những trở ngại họ gặp phải, và họ cũng không ngại nói. Đích thân người điều hành cao nhất của Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân về phát triển kinh tế phải đứng ra lắng nghe và tiếp thu, giải quyết là đúng, mặc dù cũng đã có các Phó Thủ tướng giúp việc về kinh tế. Tôi ước gì vẫn phong cách làm việc ấy được Thủ tướng thực hiện cả với lĩnh vực phát triển KHCN!

"Đó thật sự là một sự thèm thuồng, một sự chờ đợi mòn mỏi của tôi. Dùng từ mòn mỏi, vì tôi nghĩ các nhà khoa học, các tổ chức khoa học đều vẫn mong chờ được lên tiếng với Thủ tướng. Nói 100 ý kiến, ít nhất cũng có vài ba ý kiến đúng, để Thủ tướng lắng nghe và tháo gỡ chứ!"

Nhưng thưa giáo sư, thời ông còn làm giám đốc Sở KH-CN&MT TP.HCM, cũng đã từng có một số cuộc gặp gỡ khá là... hình thức giữa lãnh đạo Đảng, lãnh đạo Nhà nước với giới KHCN Thành phố nói chung. Nói hình thức, vì nặng về hiếu hỉ, hứa hẹn mà rất ít hiệu quả tháo gỡ sau khi một số nhà khoa học đề xuất, góp ý. Vậy ông bình luận thế nào về việc này?

Thêm nữa, cũng có thể thử nêu... giả thuyết: Chính phủ chưa xem KHCN là động lực phát triển kinh tế là vì Bộ KHCN chưa tham mưu, cũng chưa chứng minh được ta có nội lực, có những thứ KHCN thật sự mạnh và cần thiết ấy. Ông bình luận gì về giả thuyết này?

- Tôi muốn nêu một cách đặt vấn đề hơi khác một chút. Thứ nhất, việc quan tâm lãnh đạo của Đảng đối với phát triển KHCN là điều kiện cần phải có. Thứ hai, điều kiện đủ để phát huy lại thuộc về phía các nhà khoa học, các nhà quản lý khoa học. Bởi nói thật lòng là khó có thể đòi hỏi nhà lãnh đạo phải có kiến thức chuyên sâu về KHCN, song nếu lãnh đạo quan tâm thì các nhà khoa học sẽ vắt óc ra để cống hiến hết mình cho sự phát triển của đất nước.

Tôi vẫn nhớ hồi nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn làm bí thư Thành Uỷ TP.HCM, lúc bấy giờ ta còn nghèo hơn bây giờ nhiều nhưng mỗi khi lãnh đạo bức xúc điều gì đó mà nhiệt tình động viên thì các nhà khoa học luôn đem hết trí tuệ ra để cố giải thật tốt bài toán được ông nêu ra. Vì vậy, không thể chỉ nêu ra một phía Đảng và Nhà nước quan tâm, mà phải tính tới cả phía các nhà khoa học. Lúc đó, các nhà quản lý khoa học sẽ đóng vai "chỉ điểm" cho lãnh đạo để nắm những nội dung và những địa chỉ, những đội ngũ nào có thể giải quyết bài toán được đặt ra. Phải nói thêm là hồi đó, bao giờ đồng chí Võ Văn Kiệt cũng phát huy được các nhà khoa học theo cách "tóm đâu, trúng đó"...

Nhất thể hoá sự đầu tư KHCN trên địa bàn

Với tư cách cá nhân, sau khi đã đúc kết các ý kiến của 100 nhà khoa học và nhà quản lý khoa học tại TP.HCM, giáo sư có thể nêu ưu tiên ba cơ chế nào cần được nhanh chóng tháo gỡ?

- Tất nhiên là tôi không thể nói ở phạm vi cả nước, chỉ xin nói cái mình đã nghiên cứu tại TP.HCM. Theo tôi, cơ chế thứ nhất cần tháo gỡ là cơ chế quản lý, điều hành, đầu tư vẫn tách biệt giữa các đơn vị KHCN Trung ương với địa bàn trú đóng. Cần phải thấy là trong 130 đơn vị hoạt động KHCN ở TP.HCM, có tới 87,6% số đơn vị này và 90% số lao động đang công tác ở các đơn vị hoạt động KHCN đều thuộc Trung ương quản lý. Do đó, nếu vẫn duy trì cơ chế như trước nay thì hiệu quả huy động tiềm lực KHCN trên địa bàn này vẫn chưa ăn thua. Cơ chế này không cho phép TP.HCM đầu tư vào các đơn vị Trung ương trên địa bàn, mà chỉ có thể đầu tư vào các đơn vị của Thành phố vốn... "nhỏ xíu".

Báo cáo của UBND TP.HCM, kiểm điểm năm năm thực hiện Nghị quyết TW 2, Khoá VIII về phát triển KHCN tại Thành phố (1997-2002) nêu: Chưa thực sự quản lý và sử dụng hết nguồn lực KHCN như một nguồn lực quan trọng. Chưa tìm ra cơ chế khai thác, phối hợp với lực lượng nghiên cứu khoa học của Trung ương trên địa bàn.

Trong khi đó, công tác quản lý đảng viên lâu nay vẫn làm rất tốt trên địa bàn. Đã là đảng viên tại TP.HCM, không phân biệt đang công tác ở đơn vị Trung ương hay địa phương, anh vẫn phải chịu sự quản lý thống nhất của Đảng bộ Thành phố này. Chuyện quản lý này, chính ta vạch ra chứ còn ai vạch nữa, vậy mà vẫn có sự không xuyên suốt nhất quán ở cả cách quản lý KHCN, trong khi đã sắp tròn 30 năm rồi kể từ Ngày Giải phóng.

Hiện nay, "đụng" đến khâu đầu tư cho đơn vị Trung ương là tài chính không cho phép. Có nghĩa là, nhìn sâu xa, TP.HCM không được dùng trí tuệ to lớn của lực lượng KHCN chiếm 90% trên địa bàn của mình. Theo tôi, cần có cơ chế cho phép nhất thể hóa sự đầu tư KHCN trên địa bàn TP.HCM. Bởi Thành phố hoàn toàn có thể góp phần đầu tư thỏa đáng cho một đơn vị mạnh (thí dụ về công nghệ nano, về công nghệ sinh học,...) trong các đơn vị Trung ương trên địa bàn, thay vì chỉ được phép đầu tư cho đơn vị của TP.HCM vốn còn yếu, hoặc chưa có mà phải dựng lên từ đầu, rồi đi kiếm người về làm... thì có mà mất cả chục năm mới phát huy được...

Thành... "bệnh" mạn tính rồi!

Và tiếp theo, ưu tiên thứ hai cần giải quyết, thưa giáo sư?

- Một điều khác cũng rất bức xúc là, theo tôi, cần mạnh dạn đầu tư cho KHCN ngang bằng với khu vực, ít nhất là trong các lĩnh vực trọng điểm, để có thể đạt được những thành quả lớn. Nói thật, tôi rất mê bài học kinh nghiệm của Hàn Quốc khi tiến hành "Chương trình G7": Để quyết tâm trong mười năm có thể đuổi kịp các nước trong G7 về KHCN, Hàn Quốc đã lập Hội đồng KHCN liên ngành để chọn chỉ 11 trong 300 dự án được nêu ra. Tất cả các dự án nào không đáp ứng hai mục tiêu cạnh tranh được trên thị trường thế giớinâng cao mức sống người dân (họ không nói dài dòng như ta) đều bị loại. Kết quả, như vừa nêu trên, chỉ có 11 dự án được triển khai, với mức đầu tư 3,2 tỷ USD. Đó là cách làm tập trung và quyết tâm, kể cả trong việc tuyển chọn người có năng lực, kéo kiều bào ở nước ngoài về để làm cho ra làm...

GS Hoàng Anh Tuấn: Tình hình kéo dài, đã thành bệnh mạn tính! (Ảnh: Hữu Thiện)

Cách làm như vậy, Việt Nam chưa từng làm được. Theo tôi, nếu được đầu tư tới nơi tới chốn, chúng ta sẽ tạo được sự đột phá ngay trong KHCN. Còn nếu không, chúng ta có thể thấy có sự... thả nổi như thế nào, kể cả nếu càng duy trì tình trạng này thì càng có hiện tượng "banh ra", càng phân tán ra thì càng mất lòng tin lẫn nhau: lãnh đạo thấy KHCN không làm được gì, còn nhà khoa học thấy Nhà nước chẳng quan tâm gì hết! Đó là tình hình kéo dài hiện nay, thành "bệnh" mạn tính rồi!

Từng làm chủ nhiệm Uỷ ban KHKT, rồi giám đốc Sở KHCN&MT TP.HCM trong 13 năm (1983-1997), giáo sư có cảm thấy mình cũng có trách nhiệm trong sự tồn tại của căn bệnh mạn tính ấy?

- Công trình nghiên cứu này của tôi là đơn đặt hàng của anh Đào Văn Lượng, giám đốc Sở KHCN hiện nay của TP.HCM. Giữa chúng tôi, giám đốc mới - giám đốc cũ, đều cùng đồng tình với mục tiêu và nội dung của đề tài này. Sở dĩ tôi được chọn làm chủ nhiệm đề tài vì là một người còn thọ lâu, thành ra chuyện đời biết nhiều, cả khúc trước, khúc sau. Như vậy, đề tài này là sự thống nhất trước, sau và không ai có ý tách ra. Trong chuyện này, tôi cũng có nói: Tôi có phần nào chia sẻ với hiện tại trong suy nghĩ, cách làm. Tôi không nói "căn bệnh" chỉ là "bệnh" của lúc này, mà có từ "xưa" rồi...

Vậy ở thời còn làm giám đốc Sở KH,CN&MT, giáo sư đã từng đấu tranh như thế nào để chống lại căn bệnh này?

GS Hoàng Anh Tuấn: Cần đánh giá cán bộ KHCN (nghiên cứu và phát triển - R&D) thông qua việc đánh giá các kết quả nghiên cứu của họ, đặc biệt là kết quả trong thương mại hoá sản phẩm nghiên cứu đó.

Cần rà soát lại tất cả các quy định đã có về vấn đề này, xây dựng các quy định mới được cộng đồng nghiên cứu đánh giá là thích hợp và thực hiện các quy định đó một cách nghiêm túc.

Các quy định cần bao gồm các khâu từ lựa chọn chủ đề nghiên cứu, chọn chủ nhiệm đề tài, hợp đồng nghiên cứu, thành lập hội đồng giám định - nghiệm thu cho đến việc công bố các kết quả thực hiện đề tài, kiểm tra việc thực hiện.

- Làm quản lý KHCN khó, không dễ chút nào! Phải biết nguyện vọng của đông đảo các nhà khoa học, nhưng cũng phải nắm nhiệm vụ quản lý KHCN là gì. Tôi rất thuộc lòng về nhiệm vụ quản lý ấy, thí dụ phải tác động sao cho đối tượng anh quản lý chuyển động, hướng đến mục tiêu do anh định đoạt, và tạo điều kiện tối ưu để thu được nhiều hiệu quả tốt nhất,...

Thuộc bài như vậy rồi nhưng mà làm đâu có dễ, thật tình như vậy! Chuyện phải đầu tư dàn trải, không tập trung vào được cái lớn đúng là thật... bất đắc dĩ. Bởi cũng có không ít anh em làm khoa học cứ cho là trong ngân sách Thành phố đầu tư cho KHCN, họ cũng có "phần". Nếu không được giao đề tài nghiên cứu, họ dễ cho là... có tiêu cực, rồi phản ánh với lãnh đạo về chuyện nghi ngờ có "chung chi", v.v... Lãnh đạo nghe một người nói thì chưa sao, nhưng  nghe nhiều người nói thì bắt đầu để ý: "Sao cấp bạc tỷ cho nghiên cứu khoa học mà các nhà khoa học không có đề tài?".

Ở đây, cái khó cho nhà quản lý khoa học là: Kinh phí nghiên cứu khoa học không phải để chia đều cho mỗi người có "miếng bánh", mà phải tạo nên vài công trình lớn, có kết quả, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội. Sự mong muốn đó đơn giản lắm, nhưng lại không dễ dàng thực hiện được. Trong báo cáo khoa học, tôi có nói rõ: Hồi đó, tôi cũng chỉ cố làm được một vài công trình tập trung, còn kinh phí còn lại cũng phải... rải mành mành. Bởi mình tập trung, không đầu tư phân tán thì một số nhà khoa học lại thắc mắc: "Ông giám đốc này có... tiêu cực gì không?". Biết đầu tư rải mành mành là không hay, song nếu tôi tập trung hết vào chỗ cần tập trung thì chắc chỉ làm được... một năm là bị cho thôi quá!

"Đối thoại" với bộ trưởng?

Xin lỗi, nhưng nếu bộ trưởng Bộ KHCN hiện nay cũng lập luận y hệt những điều giáo sư vừa nêu, nhằm biện bạch cho những tồn tại của thực trạng sử dụng đội ngũ KHCN trong cả nước, liệu giáo sư có thể chỉ ra đâu là những phần có tính chất... nguỵ biện trong lập luận này?

- Mong muốn thứ ba của tôi là phải đa dạng hoá các hoạt động KHCN thì mới giải quyết được bài toán đó. Bởi không thể chỉ đi con đường độc đạo là các nhà khoa học làm đề tài nghiên cứu bằng cách chỉ trông vào ngân sách nhà nước.

Lúc tôi còn làm, và bây giờ vẫn làm, tôi rất mê phong trào sáng tạo KHKT. Các nhà khoa học có thể tự bỏ tiền ra để nghiên cứu, và hồi đó tôi đã làm một việc mà bây giờ chắc không thể làm được: Nếu anh tự móc tiền túi ra để làm đề tài nghiên cứu mà trúng giải thì sẽ được thưởng gấp đôi so với người cũng đoạt giải nhưng giải pháp nghiên cứu được hình thành từ tiền của Nhà nước đầu tư. Cách làm như vậy đòi hỏi phải có một cơ chế nhằm khuyến khích người ta tự đầu tư để nghiên cứu và làm ra sản phẩm. Nếu không, người ta dại gì làm vì nếu rủi không đạt thì mất sạch tiền túi, còn nếu trúng thì cũng chỉ bằng anh làm ra nhờ tiền Nhà nước. Không có cơ chế thích hợp, sẽ chỉ mãi mãi buộc người ta cứ bám víu vào chuyện xin tiền Nhà nước.

Ở các nước, đâu phải công trình nào cũng đều do Nhà nước đầu tư. Vì vậy, cần có cơ chế khuyến khích và hỗ trợ người ta dám có ý tưởng sáng tạo và dám làm. Chẳng hạn, nếu khi đăng ký đề tài nghiên cứu và được xét duyệt công nhận là đúng về mặt khoa học, người ta có thể dựa vào đó mà vay tiền ngân hàng (không có lãi suất) để đầu tư nghiên cứu, triển khai.

GS Hoàng Anh Tuấn: Cần thay đổi cơ chế quản lý KHCN sao cho: Người đặt hàng nghiên cứu và người ứng dụng đề tài nghiên cứu phải là một. Người đặt hàng ký hợp đồng nghiên cứu với nhà khoa học. Cơ quan quản lý khoa học chỉ thực thi nghiệp vụ quản lý, chỉ đạo chuyên môn, giám sát kiểm tra hai bên thực thi hợp đồng nghiên cứu theo đúng pháp luật quy định và đảm bảo chất lượng khoa học cao.

Tóm lại, đừng để các nhà khoa học đi con đường độc đạo mà phải đa dạng hoá, phải mở ra cho các nhà doanh nghiệp vào cuộc, kéo các nhà khoa học và các nhà doanh nghiệp bắt tay nhau để đầu tư nghiên cứu làm ra sản phẩm tốt cho xã hội, có tính cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Ở đây, không chỉ cần cơ chế mà cần cả luật pháp, thí dụ để công nhận tỷ lệ phần trăm nhà khoa học được hưởng trên sản phẩm làm ra từ công trình nghiên cứu của mình, v.v...

Như vậy, bài toán đa dạng hoá tổ chức và hoạt động KHCN cần giải ở tầm vĩ mô, chứ ngay lãnh đạo cao nhất ở Thành phố là bí thư Thành Uỷ TP.HCM cũng... thua! Ngay cả khi có Nghị định 93/CP phân cấp rộng rãi hơn cho TP.HCM thì cũng không thể có được quyền thay đổi cơ bản những điều bất hợp lý làm nản lòng các nhà khoa học.

Và nếu là... "bộ trưởng"?

Năm nay đã 71 tuổi, công tác của giáo sư hiện là những gì? Xin mời giáo sư thử... chơi trò "đóng vai": Nếu là bộ trưởng Bộ KHCN, giáo sư sẽ làm gì trước hết để giải quyết những tồn tại vừa nêu của cơ chế quản lý KHCN trong cả nước?

- Hiện nay, tôi quay trở lại với chuyên môn yêu thích của mình: làm cố vấn cho chương trình nghiên cứu và triển khai năng lượng mặt trời của Phân viện Vật lý tại TP.HCM. Vì vậy, tôi vẫn thường xuyên đi xa cho công tác này, thí dụ đi sóc Bom Bo... Bên cạnh đó, tôi còn làm phó bí thư Đảng đoàn của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM,...

GS Hoàng Anh Tuấn: Giá như có thể được quyền chọn những công việc tập trung để thực hiện cho bằng được... (Ảnh: Hữu Thiện)

Nếu làm "bộ trưởng", thì quá trình lúc nãy tôi đã có nói: Điều thứ nhất, điều mong muốn nhất cho hoạt động KHCN là được quyền chọn những công việc tập trung để thực hiện cho bằng được, như "Chương trình G7" của Hàn Quốc đã tiến hành thành công...

Vậy giáo sư sẽ chọn mũi đột phá là công nghệ nano chăng, hay đột phá ở... cơ chế?

- Như vậy, thật là quá cụ thể! Tôi chỉ muốn nói đến những công trình mà nếu làm thành công thì sẽ có tác động lớn. Muốn vậy, phải chọn công nghệ mang tính mới, không chạy theo đuôi.

Nếu nói cụ thể, thi đúng là nên chọn công nghệ nano để cố gắng chạy theo kịp chuyển động rất dữ dội của thế giới hiện nay. Và cả công nghệ sinh học nữa, vì điều kiện sinh thái nhiệt đới của ta là hết sức lý tưởng cho công nghệ này, trong đó có việc bảo vệ các nguồn gien đặc hữu của động, thực vật Việt Nam...

Nhưng thưa giáo sư, kết quả nghiên cứu về công nghệ sinh học vẫn rất ì ạch và quá kém, đến nỗi Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã phải "ba lần nhận khuyết điểm về việc chỉ đạo chưa đúng tầm, chưa tập trung nguồn lực, thời gian tương xứng với các mục tiêu đề ra"?

- Không hẳn là nhà khoa học của ta kém, như các bạn đã phỏng vấn hai TS về di truyền là Kiều Minh Lực và Đặng Thị Hạnh mới đây thì đã rõ: Họ có năng lực, nếu không thì các công ty nước ngoài đâu có chiêu mộ họ...

Công nghệ sinh học của ta yếu như vậy mà không phải vì các nhà khoa học kém, thì chỉ có do... cơ chế chăng?

- Chứ sao, vì đâu phải chúng ta không có người giỏi!    

Xin nói thêm: Điều mong muốn thứ ba của tôi là, xét về mặt khoa học xã hội và nhân văn, cần nâng trình độ dân trí lên càng nhanh càng tốt. Chúng ta đã làm hết sức để nâng trình độ học vấn của toàn dân, nhưng không phải lúc nào học vấn cũng đi đôi với dân trí. Chính vì dân trí thấp mà nhiều mặt của xã hội, như tình trạng giao thông và môi trường sinh thái, vẫn chưa hề tốt lên được, nếu không muốn nói thẳng là càng xấu hơn. Dân trí là vấn đề rất quyết định...

Xin cám ơn giáo sư!

Hữu Thiện (thực hiện)

Tin, bài liên quan:

Sử dụng đội ngũ KH-CN: Cơ chế bất cập!

Rà soát lại đội ngũ và định hướng nghiên cứu khoa học

Chuyện "ông già Lương" và... bầu sữa bao cấp

Đừng xem khoa học - công nghệ như một thứ trang sức

"Gạch Chăm ông Chỉnh" và bức xúc của nhà sáng chế

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Đánh cá bất hợp pháp - một loại cướp biển (01/06/2004)
"Gạch Chăm ông Chỉnh" và bức xúc của nhà sáng chế (31/05/2004)
Sẽ có chiến tranh về... nước ở châu Phi? (31/05/2004)
Đừng xem khoa học - công nghệ như một thứ trang sức (31/05/2004)
Chuyện "ông già Lương" và... bầu sữa bao cấp (29/05/2004)
Rà soát lại đội ngũ và định hướng nghiên cứu khoa học (28/05/2004)
Sử dụng đội ngũ KH-CN: Cơ chế bất cập! (27/05/2004)
Cái chết bí ẩn của "gã khổng lồ" baobab Nam Phi (26/05/2004)
Xu thế điện hạt nhân: Thế giới vẫn phân cực! (26/05/2004)
Yangqiao - ngôi làng của thần chết ở Trung Quốc (25/05/2004)
Bao giờ thế giới sẽ có điện nhiệt hạch? (24/05/2004)
Bán dầu nhiên liệu từ phụ phẩm gà tây (23/05/2004)
Hàng nghìn người Anh có thể mang mầm bệnh bò điên (22/05/2004)
Khai trương ngân hàng tế bào gốc đầu tiên của thế giới (19/05/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang