Đổi mới chính sách cán bộ khoa học - công nghệ (KH-CN):
Đừng để cơ chế thị trường chi phối 100% KH-CN!
07:48' 04/06/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Tiếp tục trao đổi với VietNamNet về giải pháp sử dụng đội ngũ KH-CN trên địa bàn TP.HCM, GS Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh: "Cần đổi mới chính sách cán bộ KH-CN, đừng để mặc cho cơ chế thị trường!". GS Hoàng Anh Tuấn phân tích:

"Túc tắc" trong... khuôn mẫu quá chật hẹp?

GS Hoàng Anh Tuấn: "Túc Tắc" tức làm được gì thì làm, chờ đúng tuổi làm sổ... nghỉ hưu! (Ảnh: Hữu Thiện)

Trước sự phát triển ngày càng nhanh của KH&CN trên toàn thế giới, đội ngũ KH-CN ở TP.HCM ngày càng biểu lộ rõ những hạn chế cơ bản như: Chưa cập nhật được với trình độ phát triển của KH&CN thế giới. Có quá nhiều lỗ trống" của đội ngũ ở các lĩnh vực công nghệ cao. Thiếu rất nhiều cán bộ KH-CN đầu đàn giỏi, có đủ năng lực chủ trì các chương trình - dự án trọng điểm mang tính đột phá cho sự phát triển.

GS TSKH Nguyễn Văn Trọng, Viện KH-CN (cơ sở TP.HCM)

Ngày nay ở ta, vẫn còn nhiều người hiểu khoa học như một tri thức cần học và người nào vượt qua kỳ thi trở thành tiến sĩ là mong được "làm quan". Các vị có bằng cấp cao được coi là người "tiên tri, tiên giác" có sẵn lời giải đáp cho mọi vấn đề chuyên môn. Hoá ra cái khuôn mẫu trật tự Nho giáo được phủ lên bởi những ngôn từ mới mẻ, nhưng tinh thần đẳng cấp địa vị, chiếu trên, chiếu dưới chẳng khác xưa bao nhiêu.

Chính vì cách nhìn nhận như vậy mà nhiều người chẳng có chút ham muốn tìm tòi nào cũng xông vào các ngành khoa học để tìm kiếm "hòn gạch gõ cửa", cửa mở rồi thì vứt "gạch" đi, cửa chưa mở thì loay hoay tìm kiếm - tức là "nghiên cứu khoa học".

Một tập thể khoa học mà có nhiều người lo "tìm gạch gõ cửa" thì khó mà có được đạo đức nghề nghiệp và sản phẩm làm ra không thể có chất lượng. Nếu những người thẩm định lại cũng là những người "vứt gạch đi rồi" thì nền khoa học tù mù là một kết quả tuy đáng buồn nhưng không có gì đáng ngạc nhiên!

Mặt khác, đội ngũ KH-CN cũng có nhiều biểu hiện "phân tâm" do điều kiện làm việc còn nhiều khó khăn, đặc biệt là do các chính sách KH-CN chưa tương ứng với quan điểm quốc sách hàng đầu của Đảng. Xuất hiện ngày càng nhiều những hiện tượng phi trí thức - phi đạo đức (bằng giả, học giả,...) mà suy cho cùng là do chính sách sử dụng người chưa đúng chuẩn mực. Vì vậy cũng không có gì lạ khi, nhận xét trên phạm vi cả nước, GS Hoàng Tuỵ nói: "Trong gần 5.000 tiến sĩ của ta, có lẽ chỉ trên vài nghìn là đúng chuẩn mực, còn lại chỉ ở trình độ thạc sĩ, có khi còn thấp hơn"!

Điều dễ nhận biết khi đến làm việc với một số đơn vị KH-CN ở TP.HCM là sự thiếu vắng những gương mặt "gạo cội" ngày nào trong giới KH-CN. Tốc độ lão hoá của đội ngũ nhanh quá! Điều tiếc nuối là vì trong số đó có nhiều người có trình độ khoa học cơ bản cao, hiểu biết sâu và có hệ thống về thực tiễn, có bản lĩnh và kinh nghiệm, có khả năng chủ trì các công trình, dự án lớn.

Dù sao, cũng thấy xuất hiện nhiều gương mặt trẻ. Họ là những thạc sĩ, tiến sĩ có tuổi đời 30-40, vừa tốt nghiệp không lâu ở các bậc học cao cấp này, giỏi ngoại ngữ và tin học, tiếp thu được nhiều kiến thức mới - hiện đại, năng động và có nhiều hoài bão. Vấn đề đặt ra là làm sao thực hiện cho được câu châm ngôn "Con hơn cha, nhà có phúc".

Trong điều kiện KH&CN phát triển nhanh như hiện nay và ngày càng nhanh hơn thì dù nhà khoa học có bằng cấp cao đền đâu, chỉ cần không cập nhật được thông tin chuyên ngành sâu của mình trong một năm thôi thì đủ trở thành lạc hậu. Vậy mà tình trạng này đang là phổ biến, do đó làm sao sáng tạo ra được cái mới - có khi tưởng là mới nhưng thực ra đã cũ rích rồi so với thế giới. TS Phạm Duy Hiển, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt và chuyên gia Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Quốc tế - IAEA thuộc Liên Hiệp Quốc nhận xét: "Tình trạng của chúng ta hiện nay phần lớn là tìm cách du nhập, bắt chước và bản địa hoá các công nghệ đã có ở các nước tiên tiến chứ chưa đạt đến trình độ sáng tạo ra công nghệ mới".

Một trong những hạn chế mà cán bộ nghiên cứu khoa học đều rất bức xúc băn khoăn chính là cơ chế, chính sách hiện hành ép họ vào một khuôn mẫu quá chật hẹp. Thí dụ: Thời gian nghiên cứu quá ngắn. Thời gian ứng dụng quá mau. Đánh giá công trình theo... số lượng trang viết. Việc làm ngoài dự toán bị xuất toán. Phải theo các định mức rất chi li và rất thấp, v.v...

Xét về toàn cục, chúng ta vẫn chưa tạo đựoc các yếu tố động lực, hay các yếu tố động lực chưa đủ "dose" để phát huy đội ngũ và tạo được bước phát triển đột phá có ý nghĩa khoa học và kinh tế.

GS TS Nguyễn Lương Dũng, ĐH Bách khoa TP HCM

 
 

Trong vấn đề tài trợ cho nghiên cứu khoa học, không chỉ riêng ở ta mới khó khăn, vì ở đâu cũng vấp phải vấn đề này. Tuy nhiên, cách làm ở những nơi khác hiệu quả hơn ta là do họ có cơ quan điều tiết kinh phí hợp lý. Ở Đức, có một ngân quỹ chung để điều phối kinh phí nghiên cứu, nên đề tài được xét duyệt trên cơ sở Hội đồng Khoa học không thuộc về bất kỳ một trung tâm nghiên cứu nào. Hay ở Mỹ, Quỹ  NSF (National Science Foundation) đóng vai trò điều phối về kinh phí hỗ trợ nghiên cứu khoa học. Quỹ này không thuộc một cơ quan nhà nước nào. Ở nước ta, việc cấp kinh phí nghiên cứu phân bổ theo các cơ quan nghiên cứu, tổ chức công nghệ như nay hiện là không khách quan, không đúng luật!

Tôi kiến nghị: Bộ Khoa học - Công nghệ nên có một quỹ điều phối về ngân sách nghiên cứu khoa học, đứng độc lập với nhà nước, việc xét duyệt và cấp kinh phí nghiên cứu sẽ dựa trên đề xuất của một Hội đồng Khoa học có uy tín và độc lập.

Thu Thảo (ghi)

Theo đánh giá về tài chính KH-CN ở Việt Nam của đoàn chuyên gia IDRC (Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế) và CIDA (Cơ quan Phát triển Quốc tế Canada), thì: "... các nhà nghiên cứu nhận ra rằng không có các tiêu chuẩn hợp lý và rõ ràng trong việc quyết định mức độ của các nguồn lực ấn định cho các tổ chức ở các cấp khác nhau (quốc gia - tỉnh, thành - doanh nghiệp) và cho các công trình, dự án trong từng đơn vị. Các quyết định được thực hiện ở cấp chính phủ trung ương và phân bổ các quỹ được coi là mang tính tuỳ tiện, không rõ ràng, phức tạp, cứng nhắc và quan liêu. Quá trình cấp phát ngân sách được xem như việc gây trở ngại đối với việc tiến hành các hoạt động nghiên cứu, không đảm bảo mức nguồn lực tối thiểu cần phải có và những ưu tiên do các viện nghiên cứu đặt ra. Một vài tổ chức báo cáo rằng  thực tế họ không được tự do để quyết định việc quản lý các dự án và chương trình, không được phép tái phân bổ ngân sách phù hợp với những tình huống không được dự kiến trước"!

Kinh phí nghiên cứu ít, dẫn đến chất lượng nghiên cứu sút kém, thường không đáp ứng yêu cầu thị trường, không được ứng dụng vào sản xuất. Vì thu nhập không đủ sống, cán bộ nghiên cứu phải chạy "kiếm sống", tất yếu dẫn đến "chảy máu chất xám" hoặc "teo não" là hiện tượng đã và đang diễn ra. Tình hình "tự phát" mạnh ai nấy chạy, người giỏi tìm đất dụng võ và giàu lên, người có năng lực yếu cảm thấy mình bị bỏ rơi, thắc mắc "tùm lum"... khiến cho không ít đơn vị nghiên cứu chỉ là... nơi ghi danh, trú chân lúc "giao mùa - gối vụ"!

GS TSKH Hồ  Sỹ Thoảng nhận xét: "Không ít nhà khoa học sa đà với nghề tay trái nhưng kiếm được nhiều tiền. Vì vậy, có người dù có bằng cấp cao nhưng không sao quay trở lại nghề chính của mình (!). Một sự thật không mấy ngọt ngào: Nhiều nhà khoa học/nhà giáo không còn tiếp cận với thông tin mới mà vẫn liên tục giảng dạy hoặc tham gia hết hội đồng này đến hội đồng khác (!)".

Có thể nói: Cán bộ KH-CN đang theo... chuyển động Brown - theo quy luật "nước chảy về chỗ trũng" - nơi có thu nhập cao và có điều kiện tiến thân. Bên cạnh đó, nếu thử đi sâu một chút vào "lực lượng bám trụ", có thể thấy dường như có các... "trường phái" sau:

- "Trường phái" Tự Tin: Thường còn quỹ thời gian nên việc chọn lựa chủ đề nghiên cứu hãy còn chút ít mạo hiểm, sử dụng kinh phí nghiên cứu "bao cấp", cộng với sự xoay sở thêm (khá vất vả) để phấn đấu tạo ra "sản phẩm hữu dụng" như: thiết bị đo, thiết bị lọc nước siêu sạch, thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời, pheromon dẫn dụ đuông dừa, phần mềm khai thác dầu,... Sản phẩm của họ bán được ra thị trường, lôi kéo được dự án nước ngoài, trao đổi chuyên gia, hoặc táo bạo hơn là "mang chuông đến đánh xứ người" (tất nhiên là chưa nhiều).

- "Trường phái" Đèn Vàng: Dường như nghề dạy học đang được ưa chuộng với những cán bộ KH-CN này. Các trường đại học bán công, dân lập ở TP.HCM và các địa phương khác là đích ngắm dụng võ cho... "đoạn đường khoa học" còn lại của họ. (Trong khi đó, đội ngũ cán bộ vừa giảng dạy vừa nghiên cứu ở TP.HCM là 8.482 người lại cũng lấy dạy học là chính, tham gia nghiên cứu chưa được bao nhiêu!)

- Còn lại là "trường phái" Túc Tắc, tức làm được gì thì làm, chờ đúng tuổi làm sổ... nghỉ hưu!

Như vậy, thật là muôn hình muôn vẻ! Có lẽ chưa nên bình luận gì sâu, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng hơn nhưng có thể nói ngay một điều: Tuy sự chuyển động có lẩn quẩn, lòng vòng nhưng nhằm đến sự tiếp cận với "Quỹ đạo hiệu quả - được xã hội thừa nhận". Điều đáng lưu ý là trong các cuộc hội thảo, toạ đàm, các nhà khoa học gần như thống nhất: Thu nhập, và tiến bộ là động lực phát triển của đội ngũ KH-CN.

Làm sao để tăng cường "quân chủ lực" - cán bộ R&D?

GS Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng trường ĐH An Giang

Cám ơn VietNamNet đã gởi cho tôi bài phỏng vấn GS Hoàng Anh Tuấn!

Ý kiến của GS Hoàng Anh Tuấn rất đúng. Nhưng tôi e rằng rồi sẽ lại... đâu vào đấy, cũng như các ý kiến về giáo dục. Thời buổi này, chúng ta không thể chỉ đơn thuần thay một ông Bộ trưởng mà có thể đổi mới toàn cục. Vì mọi quyết định đều bị ràng buộc chằng chịt nhau bởi nhiều Bộ liên quan và bởi Vụ tương ứng tại Văn phòng Chính phủ.

Trong đó, mấu chốt vẫn là các chuyên viên của cấp Vụ của các Bộ và của Văn phòng Chính phủ: Họ là tầng lớp trung gian quan trọng nhất. Thủ trưởng có ký đồng ý vấn đề nào hay không là tuỳ thuộc vào... chuyên viên.

Tốt nhất là chúng ta làm được gì trong tầm tay mình mà không "phiền" đến cấp trên thì ráng làm cho tốt.

"Phiền" đến trên là đụng phải cả một hệ thống "thành trì" được bảo vệ quá chắc chắn, khó có thể cải tiến gì được!

Cũng theo đánh giá của chuyên gia IDRC và CIDA, Nhà nước Việt Nam "có vẻ đang ngồi trên ghế lái xe nhưng cùng lúc vừa nhấn tay ga (các chính sách cải cách thị trường), lại vừa nhấn tay phanh (sự tồn tại day dẳng các lề thói và thể chế kế hoạch hoá tập trung)".

Về chính sách KH-CN của Việt Nam, họ nhận xét: "Hiện có quá nhiều chính sách trực tiếp và xu hướng chung là... còn muốn lập ra thêm!". Theo tôi biết, có khoảng... 4.500 quy định riêng biệt có liên quan đến việc đầu tư, tiếp cận, chuyển giao và áp dụng công nghệ. Thế nhưng nhiều quy định của chính sách và cơ chế quản lý hiện hành vẫn không tạo ra được bầu không khí sáng tạo thuận lợi!

Trong đó, đáng chú ý là hạn chế từ các cơ chế, chính sách đã khiến cho việc giải quyết mối tương quan giữa đầu tư cho nghiên cứu triển khai (gọi tắt là R&D - Research & Development, theo tiếng Anh) với năng lực công nghệ còn chưa tương thích, khiến cho quy mô thương mai hoá công nghệ còn bé nhỏcác công nghệ được thương mại hoá còn giới hạn ở những loại đơn giản!

Tại TP.HCM, đội ngũ cán bộ chuyên trách R&D vừa ít về số lượng (1.796 người trên tổng số 228.789 cán bộ KH-CN có trình độ từ cao đẳng trở lên), vừa non yếu về trình độ (256 tiến sĩ và 103 thạc sĩ, chiếm khoảng 20% tổng số cán bộ chuyên trách R&D). Ở các nước phát triển, số lượng người có học vị tiến sĩ trong lực lượng R&D thường vào khoảng 70%.

Đội ngũ R&D là "quân chủ lực" của lực lượng KH-CN. Họ được tuyển chọn theo tiêu chuẩn chuyên nghiệp, được hưởng các quyền lợi và có nghĩa vụ tương ứng. Đặc điểm chính là tính chọn lọc cao và đào thải cũng cao. Tiêu chuẩn chung của người làm R&D là tài năng (không lệ thuộc vào tuổi tác).

Theo Nghị quyết 6 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Khoá IX, phần KH-CN có nêu chỉ tiêu đối với đội ngũ này là 6 người/vạn dân. Theo đó, TP.HCM cần có 6.000 người làm R&D chuyên nghiệp tính đến năm 2010, với ước tính dân số có thể lên tới mười triệu dân. Trong khi đó, theo báo cáo ngày 25/2/2001 của Cục Thống kê TP.HCM thì Thành phố ở thời điểm này chỉ có 1.796 cán bộ R&D chuyên trách. Như vậy, về mặt số lượng, ướcphải tăng thêm trên 4.000 cán bộ R&D. Trong khi đó, về mặt chất lượng thì rõ ràng có quá nhiều việc phải làm!

Cũng theo Nghị quyết 6, đến năm 2010 cả nước phải có thêm 5.000 chuyên gia giỏi, có khả năng chủ trì các hướng R&D lớn. Nếu tính theo phần trăm dân số thì TP.HCM phải bổ sung 500 chuyên gia đầu đàn; còn nếu tính theo nhiệm vụ "Đi trước, về đích trước" mà Bộ Chính trị giao cho TP.HCM thì có khi phải... nhân gấp đôi con số trên.

Rất mừng là hiện nay, chương trình đào tạo nguồn nhân lực KH-CN đang được lãnh đạo TP.HCM quan tâm. Tuy vậy, cần làm sao khắc phục được sự bất hợp lý về cơ cấu ngành cần thiết cho sự phát triển Thành phố.

Cần nghiên cứu phân chia đa dạng hoá các loại hình R&D:

- Theo đơn đặt hàng, từ lãnh đạo Thành phố, Sở KH-CN, Bộ KH-CN, các địa phương bạn,...

- Theo đăng ký cá nhân của nhà khoa học: Cần mở ra kênh đăng ký đề tài KH-CN theo nguyện vọng, sở trường cá nhân nhằm phát huy tài năng và phát triển toàn diện hoạt động KH-CN ở TP.HCM. Loại hình này không có đơn đặt hàng, không phân biệt địa phương. Kết quả nghiên cứu phải được đăng ở tạp chí chuyên ngành có uy tín KH-CN ở cấp quốc gia và quốc tế (nếu là nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng). Kết quả nghiên cứu được cấp bằng sáng chế, hoặc giải pháp hữu ích (nếu là nghiên cứu công nghệ). Nguồn kinh phí cấp cho loại đăng ký nghiên cứu R&D này trích từ Quỹ Phát triển KH-CN TP.HCM, kèm theo chính sách khuyến khích: Được miễn, giảm thu hồi theo kết quả đạt được.

- R&D do cá nhân, tổ chức (đơn vị) tự đầu tư, gồm hai loại: Cá nhân, đơn vị muốn giữ "độc quyền" sử dụng; hoặc cá nhân, đơn vị muốn chuyển giao cho cơ quan quản lý KH-CN sử dụng chung. Chính sách khuyến khích cần có: Hội đồng KH-CN Thành phố hỗ trợ tư vấn, đăng ký sở hữu trí tuệ. Cơ quan quản lý mua để phổ biến sử dụng chung (giá cả thoả thuận, miễn các loại phí và thuế, tác giả được quyền hưởng tỷ lệ % khi kết quả nghiên cứu được ứng dụng),... 

Một trong các "việc cần làm ngay" là lập các bộ phận R&D của tổng công ty, doanh nghiệp, xí nghiệp. Cần có chính sách khuyến khích ưu đãi cho các đơn vị sản xuất và kinh doanh có tỷ lệ trích đầu tư cao cho R&D (từ 5% trở lên), do hiện nay mức đầu tư này ở các doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng... 0,5% doanh số, gây cản ngại lớn cho việc gắn KH-CN với sản xuất. Ở nước ngoài, các hãng lớn thường dành khoảng 10% cho R&D nên tạo được sức cạnh tranh lớn. Từ kinh nghiệm này, có thể coi đây là giải pháp chính để ứng dụng KH-CN vào sản xuất.

"Cơ chế thị trường" đã có tác dụng hút các nguồn lực kH-CN vào lĩnh vực lợi ích cao. Tuy vậy, đồng thời nó cũng làm cho sự nghiệp phát triển KH-CN trở nên "khập khiễng", thiếu vững chắc vì những môn cơ bản còn rất ít người quan tâm; mặt khác còn làm giảm cái "tâm" của không ít người làm khoa học.

Vì vậy, cần đổi mới chính sách cán bộ KH-CN theo mục tiêu nuôi dưỡng và phát triển lòng say mê KH-CN, đừng để mặc cho cơ chế thị trường chi phối 100% KH-CN!

● Hữu Thiện (ghi)

Tin, bài liên quan:

Sử dụng đội ngũ KH-CN: Cơ chế bất cập!

Rà soát lại đội ngũ và định hướng nghiên cứu khoa học

Chuyện "ông già Lương" và... bầu sữa bao cấp

Đừng xem khoa học - công nghệ như một thứ trang sức

"Gạch Chăm ông Chỉnh" và bức xúc của nhà sáng chế

"Bệnh" kéo dài, đã thành mạn tính...

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Bao nhiêu người lên Mặt trăng rồi trở về Trái đất? (04/06/2004)
"Bệnh" kéo dài, đã thành mạn tính... (02/06/2004)
Đánh cá bất hợp pháp - một loại cướp biển (01/06/2004)
"Gạch Chăm ông Chỉnh" và bức xúc của nhà sáng chế (31/05/2004)
Sẽ có chiến tranh về... nước ở châu Phi? (31/05/2004)
Đừng xem khoa học - công nghệ như một thứ trang sức (31/05/2004)
Chuyện "ông già Lương" và... bầu sữa bao cấp (29/05/2004)
Rà soát lại đội ngũ và định hướng nghiên cứu khoa học (28/05/2004)
Sử dụng đội ngũ KH-CN: Cơ chế bất cập! (27/05/2004)
Cái chết bí ẩn của "gã khổng lồ" baobab Nam Phi (26/05/2004)
Xu thế điện hạt nhân: Thế giới vẫn phân cực! (26/05/2004)
Yangqiao - ngôi làng của thần chết ở Trung Quốc (25/05/2004)
Bao giờ thế giới sẽ có điện nhiệt hạch? (24/05/2004)
Bán dầu nhiên liệu từ phụ phẩm gà tây (23/05/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang