Ô nhiễm sinh vật xâm hại tại Mỹ:
Trăn Mianmar - phần nổi của tảng băng chìm
14:14' 04/06/2004 (GMT+7)

Có loài động vật nào mạnh hơn cá sấu và dám giao chiến giành giật lãnh thổ với chúng? Có chứ... đó là loài trăn Mianmar - kẻ xâm hại tại Vườn Quốc gia Everglades của Florida.

Nguyên nhân vì đâu?

Skip Snow đang đo một con trăn dài 3m bị bắt tại đường vào Vườn Quốc gia Everglades.

Trăn Mianmar - một trong những loài rắn lớn nhất thế giới, có thể dài tới 6m trong môi trường tự nhiên của chúng ở Đông Nam Á -  hiện đang tàn phá Everglades. Chúng chỉ là một trong hàng nghìn động thực vật phi bản địa đã xâm lược nước Mỹ trong những thập kỷ qua. Trong khi Florida tràn ngập những sinh vật lạ thì các vùng khác cũng gặp phải vấn đề của riêng họ, chẳng hạn cá chuối đang phá hoại sông Potomac gần Washington D.C.

Theo nghiên cứu của ĐH Cornell, thiệt hại kinh tế do sinh vật xâm hại gây ra và chi phí kiểm soát chúng lên tới 137 tỷ USD mỗi năm. Ngoài ra, chúng còn là nguyên nhân hàng đầu gây nguy hiểm và tuyệt chủng cho nhiều loài ở Mỹ cũng như trên toàn thế giới, ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hệ sinh thái. Gần 50% các loài trong danh sách có nguy cơ tuyệt chủng tại Mỹ bị các loài động thực vật du nhập đe doạ một phần hoặc toàn bộ. Steven A.Williams, giám đốc Cục Động vật Hoang dã và Cá của Mỹ, gọi các loài xâm hại là "mối đe doạ môi trường số một" đối với nước Mỹ.

Một số loài xâm hại có thể là sinh vật ''lậu vé'', tới Mỹ bên trong các vật liệu bao gói hoặc nước dằn của các con tàu. Tuy nhiên, nhiều động thực vật xâm nhập vào nước này thông qua ngành buôn bán sinh vật cảnh hoặc thực phẩm đang phát triển mạnh. Trăn Mianmar là rắn cảnh phổ biến và hợp pháp. Trong năm năm qua, Mỹ đã nhập khẩu hơn 144.000 con trăn loại này. Giá một con trăn mới nở là 20 USD. Tuy nhiên, ngay khi những con trăn nhỏ, đáng yêu đó sinh trưởng tới độ dài 5m, một số người sở hữu quyết định loại bỏ bằng cách đem thả chúng vào rừng.

Cỏ cheatgrass.
Nhà sinh vật Skip Snow tại Vườn Quốc gia Everglades cho biết: ''Tất cả trăn Mianmar mà chúng tôi nhìn thấy tại Vườn này là sản phẩm của hoạt động buôn bán sinh vật cảnh quốc tế''. Số người gọi điện thoại qua đường dây nóng tới văn phòng của Snow để thông báo nhìn thấy trăn tăng gấp đôi. Kể từ giữa những năm 1990, kiểm lâm của Vườn Quốc gia đã bắt hoặc giết 68 con trăn Mianmar. Trăn hiện sinh sản nhiều nhất tại Everglades. Chúng ăn thịt sóc xám, thú có túi ô-pốt, chuột đen và chim hồng tước. Đáng lo ngại hơn là trăn còn xơi cả sóc cáo và cò rừng bản địa. Chúng có thể cạnh tranh con mồi và không gian với rắn Indigo miền Đông - loài động vật được Cục Động vật Hoang dã và Cá liệt vào danh sách bị đe doạ.

Hành động chậm trễ

Florida tràn ngập các loài sinh vật phi bản địa khác, từ thằn lằn châu Phi cho tới khỉ vervet. Nhà nghiên cứu bò sát Kenneth Krysko thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Florida cho biết: ''Môi trường đa dạng và khí hậu thích hợp của Florida đã tạo điều kiện cho các loài ngoại lai thiết lập chỗ đứng và mở rộng lãnh thổ của chúng''. Các chuyên gia cho rằng thuỷ sinh cảnh có lẽ gây thiệt hại lớn nhất trong số các loài động thực vật xâm hại. Kết quả khảo sát được tiến hành vào đầu năm nay phát hiện 16 loài cá nhiệt đới phi bản địa ở 32 điểm dọc bờ biển Đông Nam Florida. Chũng xuất hiện khi được người chơi cá cảnh thả xuống biển.

Ếch có vuốt châu Phi.

Tuy nhiên, cho tới nay, Florida hầu như không đơn độc trong cuộc chiến chống các loài xâm hại. Sâu bore màu lục lần đầu tiên tới một cảng của vùng Hồ Lớn trong vật liệu bao gói bằng gỗ trên tàu chở hàng của Hàn Quốc hoặc Trung Quốc cách đây vài năm. Kể từ đó, loài bọ cánh cứng châu Á này đã phá huỷ sáu triệu cây tại Michigan. Vịnh San Francisco hiện là nơi cư ngụ của chừng 260 loài phi bản địa. Trong khi đó, ếch có vuốt châu Phi kiểm soát Vườn Quốc gia Cổng Vàng. Là loài bản địa ở Kenya, loài ếch trên ăn hầu hết mọi thứ và sinh sản cực nhanh. Chúng biến đổi các hệ sinh thái bằng cách ăn côn trùng, cá và thậm chí là chim. Cách duy nhất ngăn chúng lây lan là tiêu diệt song biện pháp đó sẽ làm California tiêu tốn hàng triệu USD.

Nhiều chuyên gia cho rằng Mỹ hành động quá chậm chạp và hiện đang phải trả giá. Ken Burton, người phát ngôn của Cục Động vật Hoang dã và Cá, cho biết: ''Ngay khi các loài xâm hại này có được chỗ đứng, con người hầu như không thể diệt trừ chúng. Trong hầu hết mọi trường hợp, chúng ta chỉ có thể hy vọng kiểm soát được chúng''. Dean Wilkinson, điều phối viên kiểm soát các loài xâm hại tại Cục Khí quyển và Đại dương quốc gia, nói: ''Trong quá khứ, chúng ta đã coi đây là những vấn đề riêng lẻ. Chỉ gần đây, chúng ta mới nhận ra rằng sinh vật xâm hại là vấn đề lớn về kinh tế và môi trường. Nếu chúng ta nhìn xa trông rộng, kịp thời chi tiền để tiêu diệt chúng, có lẽ chúng ta không phải tốn nhiều triệu đô-la để giải quyết vấn đề quá muộn này''.

Ô nhiễm sinh học

Không chỉ có động vật xâm hại, vì thực vật ngoại lai cũng xâm hại. Theo Bộ Nội vụ Mỹ, có tới 40 triệu ha đất tại nước này bị thực vật xâm hại tàn phá. GS sinh học Daniel Simberloff thuộc ĐH Tennessee cho biết: ''Các loài xâm hại gây tác động lớn nhất về sinh thái và kinh tế là những loài biến đổi môi trường sống. Phần lớn những loài đó là thực vật, như melaleuca và ớt Brazil tại Nam Florida hoặc cỏ cheatgrass ở miền Tây''.

Trăn Mianmar.

Sự gia tăng du lịch và thương mại toàn cầu đã làm cho vấn đề ô nhiễm sinh học trở nên tồi tệ hơn. Buôn bán động vật lạ làm cảnh là con đường giúp các loài xâm hại nhập cư vào Mỹ. Sân bay quốc tế Miami của Mỹ nhận 70 chuyến hàng nước ngoài mỗi ngày, một số lô hàng này chứa hàng nghìn động vật như nhện đen Nam Âu tarantula, thằn lằn và rắn. Nhiều loài trong số này được nhập khẩu bất hợp pháp. Chỉ 1-2% container hàng được mở và kiểm tra. Tuy nhiên, nhiều động vật ngoại lai đó lại được phép nhập khẩu hợp pháp vào Mỹ. Chẳng hạn công dân Mỹ có thể sở hữu hợp pháp tới 22 trong số 24 loài trăn trên thế giới.

Burton nói: ''Khi thương mại mở rộng, vấn đề sinh vật xâm hại sẽ trở nên tồi tệ hơn. Nhà sinh học Snow thuộc Vườn Quốc gia Everglades kêu gọi người sở hữu vật cảnh khi đã... chán ngán những động vật ngoại lại của họ thì... ''Xin đừng thả chúng vào thiên nhiên''!

  • Minh Sơn (Theo National Geographic)
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Đừng để cơ chế thị trường chi phối 100% KH-CN! (04/06/2004)
Bao nhiêu người lên Mặt trăng rồi trở về Trái đất? (04/06/2004)
"Bệnh" kéo dài, đã thành mạn tính... (02/06/2004)
Đánh cá bất hợp pháp - một loại cướp biển (01/06/2004)
"Gạch Chăm ông Chỉnh" và bức xúc của nhà sáng chế (31/05/2004)
Sẽ có chiến tranh về... nước ở châu Phi? (31/05/2004)
Đừng xem khoa học - công nghệ như một thứ trang sức (31/05/2004)
Chuyện "ông già Lương" và... bầu sữa bao cấp (29/05/2004)
Rà soát lại đội ngũ và định hướng nghiên cứu khoa học (28/05/2004)
Sử dụng đội ngũ KH-CN: Cơ chế bất cập! (27/05/2004)
Cái chết bí ẩn của "gã khổng lồ" baobab Nam Phi (26/05/2004)
Xu thế điện hạt nhân: Thế giới vẫn phân cực! (26/05/2004)
Yangqiao - ngôi làng của thần chết ở Trung Quốc (25/05/2004)
Bao giờ thế giới sẽ có điện nhiệt hạch? (24/05/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang