Từ mục tiêu trở thành "cường quốc nhân tài", Trung Quốc đang tập trung nâng các nghiên cứu khoa học - công nghệ của mình lên tầm thế giới. Bài học nào có thể rút ra cho Việt Nam?
|
TQ sẽ có những "Thần Châu V" khác trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu KH-CN? |
Hồi tháng 10 năm ngoái, việc Trung Quốc phóng thành công Thần Châu V - tàu không gian có người lái đầu tiên vào vũ trụ đã gây sửng sốt cho cả Mỹ, Nga và Liên minh châu Âu, Nhật Bản,... về năng lực và thành tựu đáng kinh ngạc trong lĩnh vực hàng không vũ trụ. Dù Trung Quốc đưa người lên vũ trụ có chậm hơn Liên Xô (cũ) và Mỹ, nhưng họ đã làm được điều này với chi phí rẻ hơn song lại đạt trình độ khoa học ở bước khởi đầu cao hơn Mỹ và Liên Xô (cũ).
Không chỉ có "cú sốc" Thần Châu V, vì Trung Quốc vẫn đang có nhiều cải cách, chuyển biến quan trọng trong việc đầu tư và quản lý khoa học - công nghệ (KH-CN), với mục tiêu trở thành cường quốc nhân tài và đạt trình độ nghiên cứu KH-CN ở tầm thế giới.
Một chiến lược: Cường quốc nhân tài
|
Nghiên cứu sinh Liu Lei (bên phải) nhận bằng tiến sĩ tại ĐH Fordham (New York), theo một chương trình hợp tác giữa ĐH Bắc Kinh với ĐH Fordham. |
"Trung Quốc cần thực thi chiến lược cường quốc nhân tài." - Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã nhấn mạnh như vậy tại hội nghị Phát triển nhân tài Trung Quốc (TQ), diễn ra ở Bắc Kinh vào các ngày 19 và 20/12/2003.
Tiếp theo hội nghị này, Uỷ ban Trung ương Đảng và Hội đồng Nhà nước TQ đã ra quyết định về việc cải cách công tác quản lý nhân tài và chuyên gia. Để thực hiện một trong những nhiệm vụ cấp bách này, TQ sẽ hình thành một hệ thống đánh giá mới và một cơ chế tuyển dụng mang định hướng thị trường - như Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã đề nghị phải "kiên trì cải cách theo hướng thị trường điều phối nguồn nhân tài".
Kể từ năm 1978, khi TQ chủ trương đường lối cải cách và mở cửa, đến nay đã có trên 700.000 sinh viên TQ du học nước ngoài tại 100 nước khác nhau. Vụ trưởng Vụ Quốc tế (Bộ Giáo dục TQ), ông Cao Guoxing cho biết con số này sẽ còn tăng lên cao hơn nữa. Cũng theo ông Cao, đã có 170.000 sinh viên tìm được việc làm ở TQ sau khi hoàn tất chương trình du học và trở về nước. Phần lớn trong số này đã là tiến sĩ, thạc sĩ, đóng vai trò tích cực trong các cơ sở sản xuất và kinh doanh. Trong khi đó, 350.000 sinh viên khác đang tiếp tục việc học lên cao, hay đang nghiên cứu ở nước ngoài.
Số sinh viên còn lại (khoảng 180.000 người) đã chọn con đường ở lại nước ngoài để làm việc sau khi tốt nghiệp. Bộ Giáo dục TQ cho biết đã nỗ lực vận động để thuyết phục những người này trở về nước làm việc. Một số người dù cư trú ở nước ngoài song vẫn thường xuyên về nước để tham gia hợp tác nghiên cứu khoa học, giảng dạy và xây dựng cơ sở trong các Công viên lập nghiệp. Trong khi đó, vào cuối năm 2003, đã có 77% các vị lãnh đạo và 80% các nhà hàn lâm tại Viện Hàn lâm Khoa học TQ (viết tắt là CAS - Chinese Academy of Sciences) và Viện Hàn lâm Kỹ thuật (CAE) đi tu nghiệp ở nước ngoài.
"Tốc độ phát triển kinh tế của TQ, cùng với tỷ lệ thất nghiệp cao ở nhiều nước phát triển đã tạo nên hiện tượng "chảy máu chất xám ngược" về TQ." - ông Xu Xiaoping, một nhà tư vấn về nhập cư nói. Chẳng han, ông Chen Jingyuan đã từng lên tàu sang Nhật du học tự túc về ngành kiến trúc vào năm 1989 và đã từng được ca ngợi ở Nhật Bản với công trình thiết kế một khách sạn ở thành phố cảng Yokohama, nay đã về làm quản lý dự án tại Uỷ ban Olympic 2008 của Bắc Kinh. Sau khi trở về Bắc Kinh vào năm 2002 cùng vợ và con gái, Chen cho biết thị trường kiến trúc ở Nhật đã bão hoà, trong khi ở TQ thì đang "bùng nổ".
Khu Công viên Khoa học Zhongguancun bao gồm năm quận trong thủ đô Bắc Kinh, do thị trưởng Bắc Kinh làm trưởng Ban chỉ đạo, bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ, thứ trưởng Bộ Giáo dục và phó chủ tịch CAS là phó Ban chỉ đạo. Thành viên Ban chỉ đạo còn có ba phó thị trưởng Bắc Kinh, hiệu trưởng trường ĐH Bắc Kinh, hiệu trưởng trường ĐH Thanh Hoa,...
Nhà nước phát triển hạ tầng kỹ thuật cho toàn khu (đường sá, viễn thông, giao thông); quy hoạch và phát triển các hạ tầng xã hội (nhà ở, nhà trẻ, trường học, vườn hoa, nơi giải trí, thương mại); tạo vốn vay ưu đãi cho nghiên cứu khoa học, có chính sách khuyến khích các nhà khoa học và sinh viên nghiên cứu và ứng dụng, thương mại hoá kết quả nghiên cứu; khuyến khích Hoa kiều (ở Bắc Kinh) về đầu tư; khuyến khích người tài ở nơi khác vào làm việc trong Công viên Khoa học.
(Theo PGS TSKH Nguyễn Thiện Nhân, chủ tịch hội đồng KH-CN TP.HCM, phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM) |
"Từ việc TQ gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho tới việc Bắc Kinh giành được quyền đăng cai tổ chức Olympic vào năm 2008, có thể nói TQ ngày nay đã trở thành "nam châm" đối với các sinh viên ở hải ngoại." - Liu Xiaozheng, một sinh viên đang học về khoa học máy tính tại Canada nói.
Ông Cao Guoxing cho biết thêm: Bộ Giáo dục TQ đã hình thành một số dự án tài trợ cho sinh viên du học nước ngoài, và đã kiến nghị một số chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi cho sinh viên từ nước ngoài có thể tạo dựng các doanh nghiệp khởi nghiệp ở TQ. Trong đó, thành phố Bắc Kinh đang đi đầu trong việc này. Thống kê cho biết có khoảng 50.000 sinh viên chọn làm việc tại Bắc Kinh sau khi đi du học về, và ít ra cũng đã có trên 3.800 doanh nghiệp về công nghệ mới, công nghệ cao đã hình thành từ đội ngũ này.
Yu Kongjian, tổng giám đốc một công ty thiết kế ranh giới đô thị ở Khu Công viên Khoa học Zhongguancun tại Bắc Kinh nhận xét: Các chính sách thu hút sinh viên du học hải ngoại trở về nước là rất hấp dẫn. Tới nay, chính phủ TQ đã hình thành trên 70 Công viên (Khoa học - Kỹ nghệ) lập nghiệp để dành cho các sinh viên hải ngoại trở về và khởi nghiệp trong ấy, với những hỗ trợ về vốn vay để lập nghiệp, kể cả hỗ trợ cho họ và người thân trong chế độ thường trú ở TQ.
Nghiên cứu KH-CN: Nâng lên tầm thế giới
Trong 15 năm qua, khá nhiều tổ chức KH-CN ở nước ngoài đã tham gia tư vấn cho chiến lược phát triển KH-CN của TQ. Trong đó, có Quỹ Khoa học Quốc gia (NSF) của Mỹ. Lãnh đạo một nhóm sáu nhà khoa học nổi tiếng của Mỹ vừa đến làm việc với TQ về vấn đề nghiên cứu khoa học cơ bản hồi tháng 2/2004, phó chủ tịch NSF Joseph Bordogna nói: "Trong thời đại của công nghệ cao, sự tăng trưởng nhanh chóng về kinh tế sẽ không thể bền vững nếu thiếu các đột phá về công nghệ". Theo ông Bordogna, tình hình mới đòi hỏi phải cập nhật hơn nữa chiến lược quốc gia về KH-CN, với tầm nhìn xa hơn để nâng cao tính cạnh tranh giữa TQ với Mỹ trong các thập niên sắp tới.
|
Một góc của Khu Công viên Khoa học Zhongguancun (Bắc Kinh). |
Mới đây, tại hội nghị của CAS và CAE khai mạc ngày 2/6/2004 ở Bắc Kinh, Chủ tịch TQ Hồ Cẩm Đào đã kêu gọi giới khoa học TQ cải cách phương pháp nghiên cứu khoa học và tập trung vào một số lĩnh vực then chốt, nhằm nâng khả năng nghiên cứu khoa học của TQ lên tầm thế giới.
Trước đó, hồi tháng 2/2004, chính phủ TQ đã quyết định cấp đặc biệt 100 triệu nhân dân tệ (NDT), tương đương 12 triệu USD, cho Quỹ Khoa học Tự nhiên Quốc gia triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học cơ bản, nâng mức kinh phí đầu tư cho hoạt động nghiên cứu KH-CN trên cả nước lên 2,2 tỷ NDT (265 triệu USD) trong năm 2004. "Tuy vậy, trong cuộc chạy đua đường dài, mức đầu tư này vẫn chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng của TQ." - lãnh đạo Quỹ này nói.
Nhận xét ấy là có cơ sở, bởi đầu tư của TQ vào hoạt động nghiên cứu cơ bản vẫn chưa cụ thể trong những năm gần đây, trong khi mức đầu tư cho nghiên cứu triển khai (viết tắt là R&D - Research & Development, theo tiếng Anh) lại gia tăng nhanh chóng. Các số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu cơ bản so với tổng đầu tư cho R&D ở TQ đã giảm từ 7,5% ở những năm 1990 xuống còn 5,3% ở giai đoạn hiện nay. Trong khi đó, tỷ lệ này là trên 20% ở Nhật Bản và Hàn Quốc khi hai nước này thực hiện sự cất cánh kinh tế ngoạn mục vào những năm 1960-1970.
Chương trình KH&CN của TQ bao gồm nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu triển khai (R&D) về công nghệ cao và các công nghệ chung liên quan đến các ngành khác. Đề tài nghiên cứu do các tổ chức nghiên cứu của Chính phủ và các trường ĐH thực hiện. Với những dự án được Quỹ Khoa học Tự nhiên tài trợ, các nhà khoa học được đăng ký tự do, chủ yếu là nghiên cứu cơ bản và bổ sung nghiên cứu ứng dụng. Theo bản tin thống kê do Cục Thống kê cùng Bộ KH-CN TQ công bố, tổng chi phí cho KH&CN năm 2001 nói chung đạt 231,52 tỷ NDT, tăng 12,8% so với năm 2000. Riêng chi phí R&D đạt mức kỷ lục: 104,25 tỷ NDT, chiếm 1,1% GDP!
Từ năm 1999, nhằm xây dựng hệ thống đổi mới quốc gia và phân bổ tối ưu nguồn lực KH&CN, TQ đã cải tổ 380 viện nghiên cứu theo hướng được phép chuyển các tổ chức dịch vụ công nghệ, nhập vào các doanh nghiệp hoặc chuyển hẳn thành các doanh nghiệp. Ngoài ra, các tổ chức nghiên cứu thuộc chính quyền địa phương cũng phải cải cách tương tự. Bên cạnh đó, TQ đã thực hiện chính sách cắt giảm số viện nghiên cứu để giảm bớt bộ máy cồng kềnh trong nghiên cứu, qua đó tăng tính cạnh tranh của các doanh nghiệp về mặt công nghệ.
Cũng trong năm 1999, TQ lập Quỹ Đổi mới Doanh nghiệp KH&CN vừa và nhỏ. Năm 2000, nhiều doanh nghiệp được hỗ trợ 660 triệu NDT để hỗ trợ nghiên cứu phát triển về công nghệ thông tin, sinh học, y học và quang điện. Bên cạnh đó, nghiên cứu khoa học trong các trường ĐH cũng bắt đầu được đẩy mạnh. Tổng chi phí cho hoạt động R&D được đầu tư vào khu vực ĐH là 7,66 tỷ NDT. Trong đó, 58,6% kinh phí là do Chính phủ cấp, 32,4% các doanh nghiệp tài trợ.
|
Một trung tâm khoa học đa năng vừa được triển khai xây dựng tại ĐH Quảng Châu, với mức đầu tư khoảng 1,9 tỷ NDT (230 triệu USD). |
Về nhân lực KH&CN, năm 2000, toàn Trung Quốc có 3,2 triệu người tham gia nghiên cứu khoa học và các hoạt động có liên quan. Số cán bộ này được phân bố như sau: Viện Nghiên cứu của Chính phủ - 491.300 người (15,28%); trường ĐH - 352.000 người (10,9%) và doanh nghiệp - 2,1 triệu người (66,4%); số còn lại thuộc các tổ chức khác.
Được biết từ đầu năm 2004, TQ vừa khởi động kế hoạch phát triển dài hạn KH-CN lần thứ 7. Trong Ban soan thảo kế hoạch này, Thủ tướng TQ Ôn Gia Bảo là đồng trưởng ban. Du Zhanyuan, vụ trưởng Vụ Kế hoạch thuộc Bộ KH-CN TQ cho biết trong kế hoạch năm năm tới, mức đầu tư của Nhà nước cho các chương trình KH-CN sẽ vào khoảng 60 tỷ NDT, qua đó sẽ thu hút tối thiểu gấp hai - ba lần mức đầu tư này từ nguồn đóng góp của xã hội cho KH-CN.
● Linh Chi (tổng hợp)
Tin, bài liên quan:
Sử dụng đội ngũ KH-CN: Cơ chế bất cập!
Rà soát lại đội ngũ và định hướng nghiên cứu khoa học
Chuyện "ông già Lương" và... bầu sữa bao cấp
Đừng xem khoa học - công nghệ như một thứ trang sức
"Xóa đói giảm nghèo" cho cán bộ nghiên cứu?
"Gạch Chăm ông Chỉnh" và bức xúc của nhà sáng chế
"Bệnh" kéo dài, đã thành mạn tính...
Đừng để cơ chế thị trường chi phối 100% KH-CN! |