2005: Lâm Viên Cần Giờ xuất khẩu khỉ đuôi dài?
18:25' 20/06/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Đó là dự báo từ luận án tiến sĩ của BS thú y Võ Đình Sơn - nghiên cứu khoa học đầu tiên ở Việt Nam về loài khỉ đuôi dài (Maccaca fascicularis) trong điều kiện bán tự nhiên ở rừng ngập mặn Lâm viên Cần Giờ. BS Võ Đình Sơn vừa bảo vệ thành công luận án này tại trường ĐH Nông Lâm TP.HCM hôm 17/6.

"Hối lộ"... khỉ!

Khoảng  50 năm về trước, theo nhiều nhà nghiên cứu, khỉ sống thành từng bầy đông đúc ở Cần Giờ với chủng loại phong phú. Có các loài khỉ lông xám, khỉ đột lông xám, khỉ lọ nồi. Chúng sống thành từng bầy, mỗi bầy 20-30 con. Thế nhưng sau chiến tranh chống Mỹ, rừng bị tàn phá, khỉ bị săn bắt nhiều. Do đó, người ta ước tính chỉ còn khoảng vài chục con khỉ sống rãi rác ở nhiều nơi thuộc Cần Giờ và tiếp tục bị đe doạ săn bắt...

Khỉ đuôi dài đã quen người, xáp lại xin ăn... (Ảnh: BS VĐS)

Mãi về sau này, đến đầu những năm 1990, khu vực Lâm Viên Cần Giờ được bảo vệ nghiêm ngặt nên khỉ mới lần về lại rải rác. Năm 1994, Ban giám đốc Lâm Viên Cần Giờ đã có chủ trương "dẫn dụ" các đàn khỉ trong rừng về Lâm Viên Cần Giờ để nuôi dưỡng, phục hồi. Thoạt  tiên, người ta phải để thức ăn, nước uống tại một địa điểm cố định trong Lâm Viên để dụ khỉ ra ăn. Lúc này, khỉ còn rất nhát. Thấy bóng người cách xa vài trăm mét, chúng đã bỏ chạy thục mạng. Mãi gần một năm kiên trì theo cách trên, khỉ mới dần quen bóng người và dám xáp lại để người cho ăn. Đến tháng 10/1995, số khỉ tụ tập về Lâm Viên Cần Giờ đã lên đến hàng trăm con. Lúc này, những con khỉ đực bắt đầu đánh nhau để... giành chức thủ lĩnh. Cho đến tháng 10/1998, tại Lâm Viên Cần Giờ đã hình thành bốn đàn khỉ đuôi dài với “tổng quân số” hơn 300 con.

Năm 1998, BS Võ Đình Sơn bắt đầu chú ý đến khỉ đuôi dài ở Lâm Viên Cần Giờ. Theo ông, khỉ đuôi dài có giá trị rất lớn và là một trong những loài khỉ được sử dụng nhiều nhất cho các nghiên cứu khoa học. Năm 1987, Indonesia đã chọn đảo Tinijil để nuôi thả hơn 500 con khỉ đuôi dài để phục vụ cho việc xuất khẩu phục vụ nghiên cứu khoa học. Năm 1997, đã có 680 con khỉ sinh ra và lớn lên ở đảo Tinijil được xuất sang Mỹ để sử dụng vào việc nghiên cứu  AIDS. Tuy nhiên, cho đến nay, ở nước ta, chưa có nghiên cứu nào về tập tính và sinh thái của khỉ đuôi dài sống trong rừng ngập mặn. Do đó, BS Võ Đình Sơn khẳng định: "Nghiên cứu khỉ đuôi dài ở rừng ngập mặn không chỉ có ý nghĩa khoa học mà còn có cả ý nghĩa thực tiễn rất lớn".

BS Võ Đình Sơn (1954), tốt nghiệp ĐH Nông Lâm TP.HCM năm 1978. Đỗ thạc sĩ năm 1996. Công tác tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn từ năm 1981 đến nay. Hiện ông là trưởng Phòng Giáo dục và Bảo tồn của Thảo Cầm Viên Sài Gòn.

Cũng vì vậy, khi bắt tay thực hiện đề tài nghiên cứu này, trong suốt ba năm trời, từ tháng 10/1998 đến tháng 10/2001, hầu như tuần nào, BS Võ Đình Sơn cũng phải tất bật cơm nắm, máy chụp ảnh, camera, sách vở...  để từ sáng sớm phóng về Cần Giờ, đi tuốt vào rừng để... quan sát khỉ (theo dõi một con, hoặc một bầy khỉ) suốt từ sáng đến chiều. Nhất cử, nhất động của khỉ đều phải ghi chép hoặc ghi hình lại để làm bằng chứng khoa học...

Thông thường, vào buổi sáng, khỉ tập trung ở đâu đó ngoài bìa rừng và bắt đầu đi sâu vào rừng để kiếm ăn cho đến chiều tối thì quay về chỗ cũ. Có khi chúng lặn lội, bơi qua cả bốn con sông trong rừng để mò đến chỗ có thức ăn khoái khẩu. Vậy là BS Sơn cũng phải bơi theo khỉ qua bốn con sông, cả bận đi, cả bận về! Thoạt đầu, để có thể... theo dõi khỉ, ông phải “thuê” vài nhân viên trong Lâm Viên Cần Giờ đi theo dẫn đường. Nhưng được vài ngày, dù tiền thù lao khá hậu, 100.000 đồng/chuyến đi, mấy nhân viên này đều từ chối thẳng:”Thà em đi cuốc đất, mỗi ngày 30.000 đồng còn được... Chớ đi với anh, toàn là chạy theo khỉ suốt mà... không biết để mần chi!”.

Muốn trích huyết khỉ để nghiên cứu, chuyện không đơn giản. (Ảnh: BS VĐS)

BS Võ Đình Sơn kể: Thoạt tiên, lúc ông mới lên theo dõi khỉ, nhác thấy bóng anh, lũ khỉ con đã ré lên. Thấy vậy, những con khỉ đực già trong bầy sấn sổ tới, vây quanh anh và nhe nanh đe doạ. Sợ quá, BS nhà ta phải bỏ chạy!  Sau, ông nghĩ ra được một cách để “dụ” khỉ. Đó là mỗi khi lên quan sát khỉ, ông đều thủ theo trong người một bọc kẹo. Hễ khi bọn khỉ già vây quanh lấy anh, anh thảy cho mỗi con một cục kẹo. Chúng chồm lấy, nhìn nhìn cục kẹo và... bỏ vào mồm. Tuy vậy, chúng vẫn bao quanh anh với vẻ cảnh giác. Phải mất vài lần như vậy, bọn khỉ già mới quen dần. Thậm chí, chúng lần hồi còn xáp lại gần anh để... xin kẹo. Điều độc đáo là sau khi đã “dụ” được khỉ già, moị việc có vẻ dễ dàng hơn đến... lạ lùng. Nếu như trước kia, hồi chưa quen, mỗi khi thấy bóng anh, bọn khỉ con ré lên và khỉ già vây lấy anh đe doạ thì nay, mỗi khi thấy khỉ con ré lên trước mặt anh, bọn khỉ già lấy tay... tát vào mặt bọn khỉ con! Nhờ vậy, trật tự được vãn hồi, mặc sức cho nhà khoa học theo dõi, quan sát và ghi chép. Kể lại chuyện này, BS Sơn bỗng bật cười:”Khỉ cũng biết...”ăn” hối lộ!”.

Thế nhưng gay nhất là  chuyện trích huyết khỉ để phân tích máu nhằm phục vụ cho đề tài nghiên cứu. Phải mất một thời gian dài, BS Võ Đình Sơn mới thuyết phục được Ban giám đốc Lâm Viên Cần Giờ cho trích huyết khỉ. Thoạt đầu, khi nghe đề nghị này, ông giám đốc ở đây sợ khỉ bị ảnh hưởng sẽ chạy trốn hết khỏi Lâm Viên nên đã lạnh lùng trả lời: ”Anh muốn làm gì thì làm, nhưng đụng đến mấy con khỉ là chúng tôi cho người... còng anh liền!”. Không lấy được máu khỉ để đưa đi phân tích thì làm sao hoàn thành luận văn khoa học, thuyết phục mãi, anh mới được chấp thuận cho lấy vài mẫu máu khỉ.

Nhưng cũng đâu có dễ: Ngay đợt đầu, BS Sơn bỏ tiền túi mua mười ống thuốc gây mê, hết hơn một triệu đồng. Do chưa có kinh nghiệm, BS Sơn cùng vài nhân viên ở Lâm Viên Cần Giờ dùng ống thổi bắn ngay thuốc gây mê vào một vài con trong bầy khỉ. Thấy đồng bọn gục xuống, những con khỉ trong đàn xông lại. Con thì ngăn chặn không cho ai xáp lại những con khỉ đã trúng thuốc mê. Con thì rượt đuổi những người đã bắn thuốc gây mê. Con khỉ nào đã trúng thuốc mê thì được đồng bọn khiêng đi chạy trốn. Rút kinh nghiệm, lần sau, BS Sơn cùng những nhân viên ở Lâm Viên Cần Giờ “thổi” thuốc mê vào khỉ con trước. Sau đó, bỏ chúng vào giỏ lát và đưa vào “phòng thí nghiệm” mái lá ở gần đó để trích huyết. Không vừa, bọn khỉ già bèn trèo lên mái lá, vạch trần ngó xuống! Đối phó lại, BS Sơn ra lệnh “thổi” thuốc mê lên mái nhà. Trúng thuốc, khỉ già rơi bộp bộp xuống nền nhà. Nhờ vậy, lần hồi mới thu được 89 mẫu máu khỉ để đem đi xét nghiệm. 

Song, cũng khá gian nan chuyện xét nghiệm. Mẫu máu vừa lấy xong phải ướp nước đá, đưa cho một người chờ sẵn để phóng xe máy đưa ngay lên Viện Pasteur TP.HCM để xét nghiệm. Phải làm nhanh vì nếu chậm trễ, quá 16 giờ, Viện Pasteur đóng cửa và mẫu máu thì không thể để quá 24 giờ...
 
Chân dung khỉ đuôi dài

Lâm Viên Cần Giờ có diện tích 2214ha.  Tính đến tháng 10/2001, tổng số khỉ ở đây là 482 con. Trọng lượng khỉ vào khoảng 7,4kg (con đực), 4,36kg (con cái), đuôi dài 47-54cm. Ước tính đến năm 2005, số khỉ tại đây có thể lên đến 728 con. Đây là năm có thể khai thác khỉ để phục vụ cho xuất khẩu để nghiên cứu khoa học, với mức 34-35 con mỗi năm. Từ 2005-2014, có thể khai thác từ 62-65 con/năm mà không hề suy giảm bầy đàn khỉ đuôi dài tại đây.

Thật ra, từ năm 1996 đến ngày 31/3/1998, Công ty Liên doanh Nuôi Khỉ Nafovanny tại Long Thành, Đồng Nai đã được phép xuất khẩu 2.589 khỉ các loài. Trong năm 2000, Công ty Nafovanny đã xuất khẩu sang Mỹ 3.000 khỉ đuôi dài, với giá 500 USD/con.

(Trích luận án tiến sĩ  “Nghiên cứu một số đặc điểm về tập tính và sinh thái của khỉ đuôi dài trong rừng ngập mặn Cần Giờ”)

Theo nghiên cứu của BS Võ Đình Sơn, nếu như khỉ đuôi dài nuôi ở rừng ngập mặn Maura Gembong (Indonesia) chỉ chuyên “ăn chay” (trái cây, lá cây, vỏ cây, rễ cây...) thì khỉ đuôi dài ở rừng ngập mặn Cần Giờ rất khoái “ăn mặn”. Chúng dành 35% tổng số thời gian ăn để bắt các loài côn trùng đục thân đước, hà bún, cua còng cho vào miệng để nhóp nhép. Đây được xem là một hành động “cân bằng sinh thái” vì nhờ đó, rừng ngập mặn bớt bị phá hoại bởi các loại côn trùng có hại.

Khỉ con đã có tập tính... xin ăn! (Ảnh: BS VĐS)
Trước năm 2000, do ít du khách đến Lâm Viên Cần Giờ nên khỉ đuôi dài ở đây chỉ biết nhặt thức ăn của du khách. Nhưng những năm gần đây, chúng đã phát triển được tập tính chụp một cách chính xác thức ăn của du khách ném cho. Không chỉ có vậy, chúng còn biết... xin ăn. Nếu xin ăn không được, chúng... giật thức ăn của du khách và kể cả nhe nanh, hù doạ du khách nếu không được cho ăn. BS Sơn lo ngại: Những thức ăn thừa của du khách để lại cho khỉ dễ bị ôi, thiu và trở thành nguồn gây bệnh cho khỉ. Qua xét nghiệm, đã có 5/89 mẫu máu khỉ có những rối loạn về hồng cầu, hemoglobin... Còn qua xét nghiệm 118 mẫu phân khỉ, có đến 65 mẫu bị nhiễm các loại ký sinh trùng, giun, sán. BS Sơn đề nghị: Cần tổ chức điều trị cho toàn bộ khỉ ở Cần Giờ để tránh lây nhiễm từ khỉ sang du khách và ngược lại.
Khỉ đuôi dài cũng bị "stress" vì cơ cấu trên - dưới trong bầy đàn. (Ảnh: BS VĐS)

Một số hiện tượng lạ ở khỉ đuôi dài ở Cần Giờ đã được BS Sơn quan sát và phát hiện: Một số khỉ có hiện tượng bị rụng lông, cả ở khỉ con và khỉ già, đực và cái. So sánh với khỉ nuôi tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn, cũng có hiện tượng rụng lông giống vậy. Hoá ra, khỉ bị rụng lông do bị... stress. Khỉ “cấp dưới” trong bầy luôn bị áp chế khi sống chung với khỉ khoẻ mạnh hơn, hoặc khi trong bầy có xung đột thường xuyên. Bên cạnh đó, có những trường hợp khỉ chết không rõ nguyên nhân. Vào các năm 1999-2000, người ta đã phát hiện mười bộ xương khỉ rải rác trong rừng ngập mặn ở Cần Giờ nhưng không rõ nguyên nhân. Vào tháng 11/1999, một khỉ con khoảng ba - bốn tháng tuổi bị liệt hai chân  và sau đó đã mất tích. Người ta nghi con khỉ này đã chết. Đến tháng 9/2000, một khỉ cái trưởng thành ngồi ủ rũ. Khi có người đến gần, nó bỗng đi loạng choạng và té. Khi được đưa vào điều trị, khỉ đã chết sau đó một ngày nhưng xét nghiệm vẫn không làm rõ được nguyên nhân chết. Tiếp đó, vào tháng 10/2000, một khỉ mẹ ôm khư khư một khỉ sơ sinh đã chết. Khỉ mẹ chỉ bỏ khi xác khỉ con sơ sinh đã khô. Những hiện tượng này đến nay, vẫn chưa có  giải thích thoả đáng...

BS Võ Đình Sơn (bên phải) sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại ĐH Nông Lâm TP.HCM.

Riêng tập tính sinh dục ở khỉ đuôi dài cũng có nhiều điều khá thú vị. Mùa giao phối và thụ thai của khỉ là vào các tháng 1, 4, 7, 11, 12. Khỉ thường giao phối vào buổi sáng. Sau 276 giờ quan sát và ghi nhận 216 lần giao phối của khỉ đuôi dài, BS Sơn  rút ra kết luận: Khỉ thường giao phối từ một - hai lần trong ngày. Một số khỉ cái có khả năng đẻ năm một (mỗi năm một lứa). Thời gian giao phối cực nhanh, từ 5-20 giây. Từ những ghi nhận này và sử dụng phần mềm Leslie Matrix, BS Võ Đình Sơn đã tính ra được kết quả: Với khoảng 500 khỉ đuôi dài hiện đang sống trong điều kiện bán tự nhiên ở Lâm Viên Cần Giờ, bắt đầu từ năm 2005 có thể bắt ra khỏi đàn để khai thác cho các mục đích xuất khẩu phục vụ nghiên cứu khoa học hơn 60 khỉ đực, cái mà vẫn không làm suy giảm bầy đàn của khỉ sống tại đây.

Theo đánh giá của GS Đặng Huy Huỳnh, một trong những chuyên gia đầu ngành về động vật ở Việt Nam và là một thành viên Hội đồng Phản biện luận án tiến sĩ của BS Võ Đình Sơn, thì đề tài nghiên cứu này "có giá trị góp phần làm phong phú kho tư liệu sinh học của động vật rừng nhiệt đới... Trước đây, chưa có tác giả nào ở Việt Nam nghiên cứu sâu về sinh sản, thành phần thức ăn... của khỉ đuôi dài, nhất là trong hệ sinh thái rừng ngập mặn”.

Đáng chú ý là một số nghiên cứu có liên quan trong đề tài nghiên cứu của BS Võ Đình Sơn đã được đăng trên các tạp chí khoa học có uy tín của Mỹ như Laboratory Primate Newsletter của ĐH Brown (Providence, Rhode Island) trong các năm 2002, 2003.

Nông Khắc Ý  

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
"Làn đường tình yêu" cho báo bờm (18/06/2004)
Dịch tả: Nỗi kinh hoàng của nước Anh thế kỷ XIX (16/06/2004)
Sứ mạng 11 năm của tàu thăm dò Cassini-Huygens (15/06/2004)
Mơ ước đã lâu: Biến nước biển thành nước ngọt (14/06/2004)
Cư dân ven biển: Khu bảo tồn biển là gì? (10/06/2004)
"Bà Cá ngựa" và quy định mới của CITES (10/06/2004)
Buôn bán... khí thải - ngành kinh doanh mới (07/06/2004)
Vì sao ông VXM đăng ký sáng chế ở Mỹ? (07/06/2004)
Môi trường biển: Thiếu một chiến lược tổng thể (06/06/2004)
Trung Quốc: Nâng nghiên cứu KH-CN lên tầm thế giới (06/06/2004)
Đánh cá không lành mạnh: San hô nước lạnh gặp nguy! (04/06/2004)
Trung Quốc và hậu quả của sinh vật xâm hại (04/06/2004)
Trăn Mianmar - phần nổi của tảng băng chìm (04/06/2004)
Đừng để cơ chế thị trường chi phối 100% KH-CN! (04/06/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang