Quản lý đào tạo nhân lực CNTT: Cái... chân bàn thứ tư!
22:02' 01/07/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Về mặt tổ chức, công nghệ thông tin (CNTT) - truyền thông như... một cái bàn có bốn chân: cơ sở hạ tầng, công nghiệp, ứng dụng và nguồn nhân lực. Trong khi thị trường CNTT Việt Nam năm qua đã phát triển rất tốt thì cái chân bàn thứ tư (về nhân lực CNTT) vẫn chưa rõ thuộc trách nhiệm của ai! 

Ngày 30/6/2004, Hội Tin học TP.HCM đã công bố Báo cáo Toàn cảnh CNTT Việt Nam 2004, đánh giá sự phát triển CNTT Việt Nam trong một năm với đầy đủ các số liệu chi tiết liên quan đến tình hình CNTT thế giới trong năm, vị thế Việt Nam trong bản đồ CNTT toàn cầu, thị trường CNTT, sự phát triển của ngành công nghiệp CNTT, Internet và viễn thông, cùng vấn đề đào tạo nguồn nhân lực CNTT của Việt Nam trong năm qua,...

Báo cáo này sẽ được TS Lê Trường Tùng, chủ tịch Hội Tin học TP.HCM trình bày tại Diễn đàn CNTT vào sáng  5/7/2004 tại Thành phố. VietNamNet trích giới thiệu một phần của báo cáo này (các tựa nhỏ do chúng tôi đặt):

Con số ấn tượng...
 
2003 có thể đánh giá là năm thành công của ngành công nghiệp CNTT Việt Nam với tỷ lệ tăng trưởng rất tốt: Giá trị công nghiệp phần mềm là 120 triệu USD, tăng 41% (38% cho thị trường nội địa và 50% cho thị trường nước ngoài), số nhân lực phần mềm tăng gấp rưỡi, năng suất phần mềm ở ngưỡng 10.000 USD/người/năm. Giá trị xuất khẩu phần cứng cũng tăng 27%, đạt con số 700 triệu USD. 

● Thị trường và công nghiệp phần mềm/dịch vụ: Thị trường phần mềm và dịch vụ năm 2003 là 105 triệu USD, chiếm 20,4% tổng giá trị thị trường, cao hơn con số 18,75% của năm 2002. Tỷ lệ này thấp so với thế giới và chứng tỏ vẫn mất cân đối giữa đầu tư cho phần cứng và phần mềm/dịch vụ; tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm vẫn cao.

Sau một năm, số nhân sự làm phần mềm của Việt Nam  tăng từ 8.000 lên 12.000 người, tạo ra giá trị sản phẩm/dịch vụ khoảng 120 triệu USD, trong đó gia công/xuất khẩu 30 triệu USD, còn lại là phục vụ thị trường trong nước. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, giá trị phần mềm nhập khẩu qua đường chính ngạch rất thấp, chỉ khoảng 7-10 triệu USD trong năm 2003. 

Năng suất lập trình viên Việt Nam năm 2003 ở ngưỡng 10.000 USD/người/năm - ở mức tương đương với năm trước.  

Hiện nay, trong số các đơn vị làm phần mềm/dịch vụ Việt Nam đã có ba đơn vị có chứng nhận CMM (mức 5 của FPT Software, mức 4 của PSV và mức 3 của SilkRoad). Số đơn vị phần mềm-dịch vụ có chứng nhận ISO 9001 năm 2002 là 12, sang năm 2003 tăng lên là 14 trên tổng số 32 công ty tin học Việt Nam có chứng nhận ISO 9001 hiện nay.  

● Thị trường và công nghiệp phần cứng: Cùng với giá trị hàng hoá nhập không chính ngạch và các khoản thuế, có thể ước tính thị trường phần cứng Việt Nam năm 2003 là 410 triệu USD. Số máy tính tiêu thụ tại thị trường Việt Nam tăng mạnh, thể hiện qua số màn hình nhập trong năm 2003 lên tới trên 800.000 chiếc – gấp hơn hai lần năm 2002. Số máy tính tiêu thụ trong năm tại Việt Nam đã vượt con số trên một triệu chiếc với tỷ lệ máy ráp tại Việt Nam 90% - tương đương với tỷ lệ năm 2002. 

Máy tính second-hand nhập từ Mỹ vẫn chiếm một thị phần khá lớn. Trong ảnh: Sửa chữa màn hình second-hand tại một "lò" chuyên nhập và kinh doanh hàng máy tính second-hand ở TP.HCM (Ảnh: N.H.T.)

Máy tính có thương hiệu Việt Nam vẫn chiếm phần khiêm tốn: chỉ khoảng 10% - tương đương với thị phần của máy tính nhập nguyên chiếc.

Một số nhà máy sản xuất phần cứng đã đi vào hoạt động, nổi lên là: Fujitsu (bo mạch ổ cứng), Canon Việt Nam (máy in). Fujitsu vẫn giữ mức doanh số xuất khẩu trên 400 triệu USD/năm (con số 2003 là 423.6 triệu USD). Bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 5/2002 tại Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội), sau một năm, Canon Việt Nam đã đạt doanh số 24,5 triệu USD, và năm 2003, doanh số xuất khẩu của Canon là 200 triệu USD. Dự kiến Canon sẽ đầu tư thêm 100 triệu USD trong năm 2004 để mở rộng sản xuầt tại Việt Nam.

Nhiều dây chuyền hiện đại lắp ráp máy tính đã được đầu tư và đưa vào hoạt động như VTB, CMS, FPT Elead. Hai nhà máy lắp ráp máy tính đã hiện diện trong các Khu công nghiệp: CMS ở Khu Công nghiệp Sài Đồng, FPT Elead ở Khu công nghiệp Tân Bình, đã phát huy tốt vai trò đầu tàu trong thương hiệu máy tính Việt Nam.

Hiện có khoảng 30 doanh nghiệp lắp ráp máy tính có thương hiệu. Trong năm 2003, các doanh nghiệp lắp ráp máy tính lớn có doanh số 5-7 triệu USD/năm. Số các doanh nghiệp lắp ráp máy tính có chứng nhận ISO:9001 hiện nay là mười: CMS, FPT Elead, Mekong Green, VTB, T&H, Khai Trí, SingPC, Thuận Quốc, ROBO, và SuperPower.

Vì sao tăng trưởng cao, giá trị vẫn rất... bé?

Nhìn chung, năm 2003 là năm phát triển rất tốt của thị trường CNTT Việt Nam. Không tính doanh số viễn thông, giá trị thị trường CNTT năm 2003 đạt con số 515 triệu USD - lần đầu tiên vượt ngưỡng 500 triệu USD và tăng gần hai lần so với năm 2000. Nếu cộng thêm doanh số bưu chính - viễn thông 2003 (1.450 triệu USD) thì doanh số thị trường CNTT - Viễn thông Việt Nam đã sát mức 2 tỷ USD/năm. 

Tốc độ tăng trưởng thị trường CNTT năm 2003 đạt con số rất ấn tượng: 28,8%, cao hơn nhiều so với con số 17,6% năm 2002 và 13% năm 2001.

Tuy vậy, dù tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp CNTT trong năm 2003 là cao song giá trị vẫn rất nhỏ bé. Có thể điểm qua một số con số năm 2003 của các nước khác để dễ hình dung:

Trung Quốc (2003): Xuất khẩu phần cứng sang Mỹ: 15,4 tỷ USD. Thị trường phần mềm Trung Quốc: 5,2 tỷ USD, tăng khoảng 23%/năm.  Để lọt vào danh sách Top 5, công ty phần mềm phải có doanh số 70 triệu USD.

Ấn Độ (2003): Doanh thu phần mềm dịch vụ: 12,7 tỷ USD (xuất khẩu 10 tỷ). Để lọt vào danh sách Top 5, công ty xuất khẩu phần mềm/dịch vụ phải có doanh số 300 triệu USD. Trong số 20 công ty xuất khẩu phần mềm hàng đầu ở Ấn Độ, có ba công ty nước ngoài lớn (HP, Oracle, IBM).

Trong công nghiệp phần cứng tại Việt Nam, chỉ riêng hai nhà máy của Canon và Fujitsu đã xuất khẩu được trên 600 triệu USD. Nếu tiếp tục thu hút được các công ty phần cứng nước ngoài vào thì doanh số vài tỷ USD/năm không phải là chuyện quá khó.

Đối với phần mềm/dịch vụ, các doanh nghiệp lớn nhất ở Việt Nam vẫn chỉ đang ở ngưỡng trên 5 triệu USD/năm. Nhận xét về điểm yếu của chúng ta trong việc “Chưa thu hút được đầu tư từ các công ty phần mềm quốc tế lớn” trong Báo cáo Toàn cảnh CNTT Việt Nam 2002 vẫn còn nguyên giá trị.

Trên thực tế, nhiều chính sách liên quan đến môi trường hoạt động, thị trường, tài chính, nhân lực, công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp phần mềm vẫn triển khai chậm, một số mang tính nửa vời.

Đào tạo nhân lực CNTT: Ai quản lý... "cái chân bàn thứ tư"?
 
Số đầu mối đào tạo nhân lực CNTT tiếp tục tăng lên. Tuy đã có một số chính sách được ban hành nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc để giải quyết triệt để bài toán nhân lực, tập trung vào
trách nhiệm quản lý nhà nước về đào tạo nguồn nhân lực CNTT, xã hội hoá việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao.
 
Các Trung tâm Đào tạo CNTT, các Khoa CNTT tiếp tục tăng số lượng: Trong 12 tháng qua, lại có thêm năm địa chỉ nữa được phép đào tạo cử nhân/kỹ sư liên quan đến CNTT-Truyền thông: ĐH Huế với chuyên ngành Điện tử - Viễn thông, ĐH Kinh tế Quốc dân với chuyên ngành Khoa học Máy tính, cùng ba đại học mới ra đời đào tạo chuyên ngành CNTT là ĐH Quốc tế TP.HCM, chi nhánh Đại học RMIT Hà Nội, và ĐH Lương Thế Vinh (Nam Định). Số cơ sở đào tạo CNTT trình độ đại học năm 2004 tăng từ 57 lên 62.

Học viên khoá Quản trị hệ thống ACNA tại Trung tâm Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Hanoi-Aptech II.

Số đầu mối đào tạo Cao đẳng CNTT tăng thêm hai (trường Cao đẳng Đông Du mới thành lập ở Đà Nẵng, và trường Cao đẳng Sư phạm Bình Dương được phép đào tạo cao đẳng tin học) - thành 74 đầu mối, và nếu tính cả các đầu mối dạy cao đẳng CNTT do các trường đại học tiến hành thì số đầu mối là 101.

Số trung tâm đào tạo phi chính quy cũng tăng thêm 13 (trong đó riêng Aptech tăng thêm năm đầu mối) – nâng số lượng trung tâm đào tạo phi chính quy từ 56 lên 69.

Giải quyết bài toán nhân lực CNTT vẫn còn nhiều vướng mắc: Một số biện pháp từ phía Nhà nước nhằm đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực CNTT đã được thực hiện, nổi bật hơn cả là: Việc thành lập Đại học Quốc tế TP.HCM với mong muốn tạo bước đột phá, theo chỉ tiêu 100 sinh viên CNTT năm 2004; tiếp theo là quyết tâm của Bộ Giáo dục - Đào tạo với yêu cầu dạy và học bằng tiếng Anh tại mười Khoa CNTT trọng điểm. Gần đây hơn, Quyết định số 331/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 6/4/2004 đã phê duyệt Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực về CNTT từ nay (2004) đến năm 2010. 

Tuy vậy, phải chờ bốn - năm năm nữa mới có thể hưởng được những kết quả mà các quyết định trên mang lại. Trong khi đó, hai bức xúc quan trọng vẫn tồn tại:  

Chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về đào tạo nhân lực CNTT là cơ quan nào? Câu trả lời hiện nay là... “liên ngành chung tay chung sức”: Ở cấp Bộ là các Bộ Bưu chính - Viễn thông, Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội; ở cấp địa phương là các Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Lao động, Thương binh & Xã hội, và Sở Khoa học - Công nghệ, sắp tới sẽ thêm... Sở Bưu chính - Viễn thông vào cuộc. Nhiều người chung lo, trong khi không phân trách nhiệm rõ ràng thì khó hy vọng công việc tiến triển tốt.

Về mặt tổ chức, CNTT - Truyền thông như... một cái bàn có bốn chân: cơ sở hạ tầng, công nghiệp, ứng dụng và nguồn nhân lực. Trong Bộ Bưu chính - Viễn thông đã có ba Vụ quản lý ba thành phần: Vụ Viễn thông quản lý cơ sở hạ tầng, Vụ Công nghiệp CNTT quản lý công nghiệp CNTT, Vụ Khoa học - Công nghệ quản lý ứng dụng. Nếu như chức năng quản lý công nghiệp CNTT đã được chuyển khỏi Bộ Công nghiệp, chức năng quản lý ứng dụng CNTT được chuyển khỏi Bộ Khoa học - Công nghệ để hình thành các cục tương ứng trong Bộ Bưu chính - Viễn thông nhằm tập trung quản lý về một đầu mối, thì không hiểu sao việc quản lý nhà nước về đào tạo nguồn nhân lực CNTT vẫn do ba Bộ cùng chịu trách nhiệm? Tại sao không thành lập Cục Phát triển Nguồn nhân lực CNTT để cái bàn có đủ bốn chân - khỏi phải đứng trên ba chân còn một chân thì dựa vào nơi khác như hiện nay?  

Thực hiện xã hội hoá rộng rãi việc đào tạo nguồn nhân lực CNTT như thế nào? Một trong các giải pháp nhằm giải quyết vấn đề nhân lực cho ngành CNTT đã từng được Bộ Chính trị nêu từ năm 2000 trong Chỉ thị 58 (“xã hội hoá mạnh mẽ việc đào tạo CNTT”), và được Chính phủ khẳng định lại nhiều lần trong các Quyết định 128, Quyết định 81, Quyết định 95, đồng thời giao cho Bộ Giáo dục - Đào tạo phải “Xây dựng các biện pháp cụ thể nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế, các chuyên gia về CNTT nước ngoài tham gia đào tạo nhân lực về CNTT” (QĐ 81/2001/TTg). Không những thế, tháng 9/2003, trong Hội thảo quốc gia về CNTT - viễn thông, Bộ Giáo dục - Đào tạo trình bày Định hướng phát triển nguồn nhân lực về CNTT đến năm 2010 và nêu ra sáu dự án trọng tâm, trong đó có dự án số 3 về “Đa dạng hoá, xã hội hoá đào tạo nguồn nhân lực CNTT”. Đáng tiếc là chủ trương đúng đắn này không được thực hiện một cách nghiêm túc! Bởi vì ngay trong Quyết định số 331/QĐ–TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ngày 6/4/2004 phê duyệt Chương trình phát triển nguồn nhân lực về CNTT từ nay đến năm 2010, dự án số 3 nêu trên đã bị bỏ đi và thay thế bằng dự án khác “nhẹ nhàng” hơn: “Nâng cao chất lượng đào tạo về CNTT ở bậc trung học và dạy nghề”.

(Theo HCA)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Ô nhiễm hoá chất, động vật lên tiếng phản đối (28/06/2004)
Đập nước đe dọa các hệ sinh thái nước ngọt (24/06/2004)
Chúng tôi, lính cứu hỏa tình nguyện! (22/06/2004)
Báo động Đỏ: Vi khuẩn kháng kháng sinh! (21/06/2004)
2005: Lâm Viên Cần Giờ xuất khẩu khỉ đuôi dài? (20/06/2004)
"Làn đường tình yêu" cho báo bờm (18/06/2004)
Dịch tả: Nỗi kinh hoàng của nước Anh thế kỷ XIX (16/06/2004)
Sứ mạng 11 năm của tàu thăm dò Cassini-Huygens (15/06/2004)
Mơ ước đã lâu: Biến nước biển thành nước ngọt (14/06/2004)
Cư dân ven biển: Khu bảo tồn biển là gì? (10/06/2004)
"Bà Cá ngựa" và quy định mới của CITES (10/06/2004)
Buôn bán... khí thải - ngành kinh doanh mới (07/06/2004)
Vì sao ông VXM đăng ký sáng chế ở Mỹ? (07/06/2004)
Môi trường biển: Thiếu một chiến lược tổng thể (06/06/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang