Dịch tả: Nỗi kinh hoàng của nước Anh thế kỷ XIX
08:49' 16/06/2004 (GMT+7)

Tháng 10 năm 1831, một căn bệnh khủng khiếp lần đầu tiên xuất hiện tại nước Anh và nhanh chóng lan rộng ra khắp vương quốc này. Hơn hai năm sau, hàng nghìn người đã bị căn bệnh bí hiểm và ác nghiệt quật ngã - có người buổi sáng còn rất mạnh khỏe, buổi tối đã phải lìa bỏ cõi đời. Mọi người sống trong nỗi kinh hoàng, ban đêm nhà nhà đóng kín cửa và cửa sổ để tránh "khí đêm". Không ai có thể trị được căn bệnh...

Sát thủ bí hiểm

Trực khuẩn Koch, "sát thủ" giấu mặt đứng sau những đợt dịch tả ở nước Anh thế kỷ XIX.

Triệu chứng ban đầu là nôn mửa, xuất huyết, sốt cao khiến cơ thể mất nước nhanh chóng: da bệnh nhân chuyển sang màu xám xanh, quằn quại vì chứng co cơ, mắt trũng sâu, luôn có cảm giác lạnh vì mạch đập rất yếu, và... chết. Căn bệnh có tên là dịch tả châu Á, hay còn gọi là dịch tả co thắt Ấn Độ, vì đất nước này chính là nguồn bệnh.

Năm 1917, các bác sĩ châu Âu bắt đầu chú ý tới căn bệnh này khi một trận đại dịch nổ ra ở Bengal (Ấn Độ). Trong suốt nhiều thập niên sau, dịch tả lan rộng ra theo các tuyến giao thương và trở thành căn bệnh mang tính toàn cầu đầu tiên của nhân loại, tác động đến cả mọi người từ Trung Quốc cho tới Trung Đông, từ châu Âu cho tới nước Mỹ. Trận đại dịch thứ hai tấn công nước Anh vào năm 1848-1849, giết chết 50.000-70.000 người dân nước Anh và xứ Wales. Trận dịch thứ ba nổ ra vào năm 1854 còn khủng khiếp hơn: chỉ riêng ở London đã có tới 30.000 người phải bỏ mạng.

Bác sĩ không biết gì nhiều về căn bệnh khủng khiếp này song họ vẫn cố gắng (thường là thất bại) cứu bệnh nhân bằng mọi cách, từ cồn thuốc phiện, rượu mạnh, cho tới trích máu. Bản Ghi chép Thường niên Anh quốc năm 1932 ghi lại: "Bệnh dịch tả khiến cho ngành y tế hoặc là phải tranh cãi kịch liệt và đưa ra những ý kiến hoàn toàn trái ngược nhau, hoặc là bó tay về bản chất, cách chữa trị và nguyên nhân gây bệnh (nếu là bệnh địa phương) hoặc phương thức lây truyền (nếu là bệnh truyền nhiễm)."

Điều kiện sống đáng sợ

Người dân London ngày nay không thể hình dung nổi hệ thống cống ngầm ngày xưa của thành phố.

Đây thực sự là một căn bệnh truyền nhiễm, và điều kiện sống ở thành phố là môi trường lây nhiễm cực kỳ lý tưởng. Cùng với thời đại công nghiệp phát triển, cuộc sống thiếu việc làm ở các làng quê nước Anh đã dẫn đến những cuộc di cư lớn ra thành phố. Trong nửa đầu thế kỷ XIX, dân số London lên tới 2,5 triệu người. Thành phố này trở thành một trong những trung tâm sản xuất và thương mại lớn nhất châu Âu, sản xuất đủ mọi thứ, từ quần áo len cho tới vũ khí. Các gia đình mang theo cả gia súc gia cầm đổ xô về trung tâm thành phố, thường là tám-chín người chen chúc nhau với vật nuôi trong cùng một căn phòng tại những khu nhà chung cư.

Các thành phố không có đủ cơ sở hạ tầng cần thiết để đối phó với dân số không ngừng tăng lên. Dân số phình ra, kéo theo đủ thứ mùi độc hại bay lên từ hơn 200.000 cầu tiêu trên khắp thành phố và từ đám rác thải chất đống dưới những con hào và trong ngõ hẻm. Theo Jon Schladweiler, nhà sử học thuộc Hiệp hội Kiểm soát Ô nhiễm và Nước ở Arizona (Mỹ), sau những cơn giông và cùng với nước triều sông Thames, rác rưởi theo cống rãnh tràn ngập vào nhà, vào chợ. Phần lớn chỗ rác thải này cuối cùng lại trôi theo dòng suối hoặc trực tiếp đổ vào sông Thames. Tại nước Anh thời đấy, sông ngòi được coi là hệ thống chứa rác thải, vì thế sông Thames trở thành một cái cống màu nâu hôi thối nồng nặc. Và nước Anh không phải là trường hợp cá biệt - khắp châu Âu đều thế. Schladweiler cho biết: "Vào thời điểm đấy, bệnh tật, mùi hôi thối và rác rưởi xuất hiện khắp nơi trên toàn châu Âu."

Theo Ralph Frerichs, giáo sư dịch tễ học thuộc ĐH California (Los Angeles, Mỹ), không ai biết gì về bệnh dịch tả, giống như thời gian đầu chúng ta mới biết đến HIV. Hầu hết các bác sĩ đều tin rằng bệnh nhân đã hít phải khí độc, hay còn gọi là chướng khí. Frerichs nói: "Mọi người vô cùng sợ hãi, vì ai mà không phải hít thở?"

Chân dung sát thủ bí ẩn

Nhưng đến năm 1849, một bác sĩ tên John Snow đã đưa ra giả thuyết khác: Dịch tả lây truyền qua đường thức ăn và nước uống bị nhiễm bẩn. Ông cho rằng bệnh không thể lây lan qua đường không khí bởi vì phổi không hề bị tổn thương. Nhưng không ai để ý đến giả thuyết của ông, và giới y học thậm chí còn công kích giả thuyết này dữ dội bởi vì ông không thể xác định được "chất độc" trong nước là gì. Mãi cho đến trận dịch năm 1854, Snow mới bảo vệ được quan điểm của mình: Ông xác định vị trí các trường hợp tử vong vì dịch tả và nhận thấy tại một số vùng nhất định, tỷ lệ tử vong rất cao. Chẳng hạn, khoảng 500 người đã chết trong vòng mười ngày gần giao lộ Cambridge và Broad, nơi sử dụng chung một nguồn nước duy nhất.

Ông mang trình các dữ liệu này lên cho quan chức thành phố. Frerichs cho biết: Snow rất lo lắng phổ biến thông tin này cho công chúng và Ban Bảo vệ, một cơ quan tương tự như Hội đồng Thành phố chịu trách nhiệm về sức khỏe cộng đồng, phúc lợi và vệ sinh. Tay bơm tại nguồn nước được dỡ đi, và số ca tử vong tại khu vực này giảm xuống gần bằng không. Tại thời điểm đấy, có hai công ty đang lấy nước sông Thames cung cấp cho thành phố, một ở thượng nguồn, một ở hạ nguồn. Snow phát hiện rằng dịch tả hoành hành mạnh ở những khách hàng uống nước lấy từ hạ nguồn - rõ ràng nước đã bị nhiễm bẩn từ rác thải thành phố.

Năm 1852, Đạo luật Nước ra đời, yêu cầu tất cả các công ty cấp nước phải lọc nước trước khi bán cho khách hàng. Năm 1866, Charles Greaves, kỹ sư của Công ty Đông London, thừa nhận rằng nước từ các nguồn mở và sông đã được bơm trực tiếp vào thành phố mà không hề qua khâu lọc (các công ty cấp nước sau này ra sức phủ nhận). Năm đấy, trận dịch thứ tư ở nước Anh đã cướp đi sinh mạng của hơn 4.500 người khác.

Mùi thối khủng khiếp

Điều kiện vệ sinh đảm bảo là một trong những yếu tố giúp đẩy lùi dịch tả.

Vào mùa hè năm 1858, thành phố London chìm ngập trong cái gọi là "Mùi thối khủng khiếp". Mùi hôi thối bốc lên từ sông Thames khủng khiếp đến nỗi hàng ngàn người dân phải tháo chạy ra khỏi thành phố. Cửa sổ toà nhà Quốc hội luôn phải phủ rèm thấm đẫm vôi clorua để còn hoạt động, nhưng cuối cùng Quốc hội cũng phải đóng cửa vì không ai chịu nổi mùi thối. Schladweiler nói: "Đây là một trong số rất ít những lần Quốc hội phải đóng cửa."

Các đợt dịch liên tục bùng nổ và mùi hôi thối nồng nặc đã khiến cho quan chức thành phố phải xây dựng thêm hệ thống thoát nước mới, bảo vệ nguồn nước, xây nhà tắm công cộng và xây cống thải thích hợp. Dự án xây dựng cống thải do kỹ sư Joseph Bazalgette thiết kế, nối liền 1.600km cống trong thành phố với 132km cống lớn hình quả trứng, dẫn thẳng ra biển. Nhờ vậy, rác thải mới có thể chảy được, ngay cả trong những vùng phẳng như thung lũng sông Thames.

Với môi trường vệ sinh hơn, các đợt dịch tả đã bị đẩy lùi. Năm 1876, loài vi khuẩn hình dấu phẩy này đã bị lôi ra ánh sáng nhờ cái kính hiển vi của bác sĩ người Đức Robert Koch. Dịch tả được mọi người biết tới như một loại bệnh nhiễm khuẩn đường ruột cấp tính do vi khuẩn gây ra, và nguyên nhân trực tiếp là sử dụng thức ăn và nước uống nhiễm khuẩn Vibrio cholerae, thường có nguồn gốc từ phân người. Thiết kế của Bazalgette đã được các nhà hoạch định thành phố trên khắp châu Âu và nước Mỹ áp dụng. Mặc dù ra đời để đối phó với bệnh dịch và những khu nhà ổ chuột đông đúc, bẩn thỉu, công trình này đã biến nước Anh thành quốc gia đi đầu trong khoa học kiến trúc đô thị và sức khỏe cộng đồng.

Khánh Hà (Theo National Geographic)

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Sứ mạng 11 năm của tàu thăm dò Cassini-Huygens (15/06/2004)
Mơ ước đã lâu: Biến nước biển thành nước ngọt (14/06/2004)
Cư dân ven biển: Khu bảo tồn biển là gì? (10/06/2004)
"Bà Cá ngựa" và quy định mới của CITES (10/06/2004)
Buôn bán... khí thải - ngành kinh doanh mới (07/06/2004)
Vì sao ông VXM đăng ký sáng chế ở Mỹ? (07/06/2004)
Môi trường biển: Thiếu một chiến lược tổng thể (06/06/2004)
Trung Quốc: Nâng nghiên cứu KH-CN lên tầm thế giới (06/06/2004)
Đánh cá không lành mạnh: San hô nước lạnh gặp nguy! (04/06/2004)
Trung Quốc và hậu quả của sinh vật xâm hại (04/06/2004)
Trăn Mianmar - phần nổi của tảng băng chìm (04/06/2004)
Đừng để cơ chế thị trường chi phối 100% KH-CN! (04/06/2004)
Bao nhiêu người lên Mặt trăng rồi trở về Trái đất? (04/06/2004)
"Bệnh" kéo dài, đã thành mạn tính... (02/06/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang