n TP.HCM: Xây dựng hệ thống thu phí khí thải
Chiều 13/9, Sở Khoa học-Công nghệ TP.HCM đã nghiệm thu công trình nghiên cứu trên. Nhóm tác giả thực hiện đã đề xuất năm ngành điển hình ô nhiễm không khí cần tiến hành thu phí trước hết là nhiệt điện, luyện kim, xi-măng, gạch ngói và giao thông.
Các chất phát thải gây ô nhiễm được đưa vào danh sách phải đóng phí gây ô nhiễm không khí là bụi, ô-xít lưu huỳnh (SO2) và tổng các chất hữu cơ bay hơi (VOC). Nếu tính thu phí theo nguyên/nhiên liệu đầu vào sản xuất, mức thu sẽ là: Dầu DO đóng 1.500đ/tấn; FO 500đ/tấn; thép 100đ/tấn; clinker 350đ/tấn, v.v... Đây là cơ sở khoa học để xây dựng, hoàn thiện phương án thu thực tiễn. (Theo Lao Động)
n Đà Nẵng triển khai hiệu quả dự án môi trường do WB tài trợ
Chính phủ và Ngân hàng Thế giới (WB) vừa tài trợ thêm cho thành phố Đà Nẵng hơn chín triệu USD để triển khai tiếp dự án thoát nước và vệ sinh môi trường.
Dù giai đoạn I của dự án đến tháng 3/2005 mới kết thúc, song nhờ nguồn vốn của Chính phủ và WB, hàng nghìn hộ nghèo đã xây dựng được nhà tắm, nhà vệ sinh hợp tiêu chuẩn. So với Hải Phòng và Quảng Ninh, Đà Nẵng là địa phương triển khai nhanh và hiệu quả nhất dự án này.
Nhiều công trình thuộc dự án sau khi đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả rõ rệt, góp phần hạn chế tình trạng ngập úng trong thành phố, đặc biệt vào mùa mưa, và cải thiện đáng kể môi trường sống cho người dân.
Nằm trong khuôn khổ dự án, chương trình thông hút bể phốt (hầm cầu) định kỳ 5 năm/lần cũng đang được tiến hành thí điểm ở một số phường trên địa bàn thành phố.
Ban quản lý dự án và các ban, ngành của thành phố đang khẩn trương xây dựng dự án cải tạo môi trường giai đoạn 2006-2010 với tổng vốn đầu tư khoảng 10 triệu USD do Chính phủ và WB tài trợ. (Theo TTXVN)
n Khánh Hoà: Cần có chế tài xử lý rác thải y tế
T
ừ đầu năm 2004, tỉnh Khánh Hòa đã đầu tư nhiều tỷ đồng mua máy xử lý rác thải y tế với công suất vận hành 400kg rác/ngày, giao cho Bệnh viện Da liễu quản lý, đồng thời quy định tất cả các cơ sở y tế tư nhân và nhà nước phải xử lý rác thải tại đây. Tuy nhiên, trong thực tế, các cơ sở y tế không mấy mặn mà với cách giải quyết này.Hiện mới có tám cơ sở y tế nhà nước, chiếm 50% số cơ sở y tế nhà nước đang hoạt động trên địa bàn thành phố Nha Trang, ký hợp đồng xử lý rác thải tại đây. Không có cơ sở y tế tư nhân nào ký hợp đồng với Bệnh viện Da liễu. Vì vậy, công suất của máy xử lý rác thải y tế chỉ đạt 50%, thời điểm cao nhất cũng chỉ đạt 300kg rác/ngày. Vẫn còn tới 200kg rác thải y tế trong tỉnh không được chuyển về Bệnh viện Da liễu xử lý.
Nguyên nhân: Tại các cơ sở y tế tư nhân, lượng rác thải ra chỉ khoảng 20-30kg/ngày, khoảng vài lạng rác y tế/cơ sở nên không muốn ký hợp đồng với Bệnh viện Da liễu. Nếu có, Bệnh viện Da liễu cũng rất khó khăn trong việc thu gom rác vì hầu hết các cơ sở y tế này nằm rải rác, không tập trung vì không có phương tiện thu gom rác chuyên dụng. Do đó, ngành y tế đã khuyến cáo các cơ sở này phải có biện pháp xử lý rác theo đúng quy định của Bộ Y tế bằng cách đốt và chôn để đảm bảo vệ sinh môi trường.
Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở y tế vi phạm, đổ rác thải y tế chung với rác thải sinh hoạt, trong đó có cả các cơ sở ký hợp đồng xử lý rác với Bệnh viện Da liễu. Vì vậy, tỉnh Khánh Hòa cần có biện pháp chế tài thích hợp để các cơ sở y tế nghiêm chỉnh chấp hành xử lý rác thải y tế theo đúng quy trình khoa học, tránh lây lan nguồn bệnh. (Theo TTXVN)
n Hải Phòng: Dân Tràng Cát làm việc với UBND thành phố về vấn đề môi trường
Sáng 13/9, hơn 100 người dân phường Tràng Cát, quận Hải An, Hải Phòng đã mang theo băng, cờ, khẩu hiệu "Bảo vệ môi trường" đi từ "bãi rác" Tràng Cát kéo về UBND TP Hải Phòng. Tại đây, họ đã có buổi làm việc ở Phòng Tiếp dân với đại diện của UBND thành phố, kéo dài trong 5 giờ liền. Nội dung vẫn là những kiến nghị xung quanh tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề ở bãi rác này, ước muốn thành phố chấm dứt đổ rác tại đây, đòi được bồi thường những thiệt hại do ô nhiễm và nỗi bức xúc trước việc thành phố chưa làm rõ "sự ô nhiễm" ở một số cán bộ lãnh đạo phường.
Phó thanh tra nhà nước TP Hải Phòng đã trình bày với người dân Tràng Cát những kết luận của thanh tra Thành phố làm việc từ ngày 18 đến 31/8/2004 xung quanh vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng ở đầm Quyết Thắng - nơi xây dựng các bãi rác theo quyết định thu hồi đất của Thủ tướng Chính phủ, và quyết định của Thành phố tiếp tục thành lập đoàn thanh tra liên ngành nữa để giải quyết triệt để hơn những khiếu nại của nhân dân phường Tràng Cát, tập trung vào các vấn đề: Giao đất, cho thuê đất, thu chi tài chính tại phường Tràng Cát từ năm 1999 tới nay. Đoàn thanh tra này sẽ bắt đầu hoạt động trong tuần tới.
Ngày 7/9, UBND TP Hải Phòng đã có ý kiến chỉ đạo giao Sở Tài nguyên-Môi trường chủ trì xây dựng đề án chiến lược tổng thể giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường đến năm 2010; giao Sở Xây dựng chủ trì đề xuất địa điểm để lập dự án đầu tư xây dựng một khu liên hợp xử lý chất thải mang tính chiến lược, không gây ô nhiễm môi trường; giao Sở Giao thông Công chánh xử lý giảm thiểu ô nhiễm bãi rác Tràng Cát để tiếp tục đổ rác tại đây (cho đến khi có bãi rác mới - NV), đồng thời làm con đường vào bãi rác từ Quốc lộ 5, không đi qua khu dân cư. (Theo Lao Động)
n UBND tỉnh Quảng Nam: Những "việc cần làm ngay" để chấm dứt khai thác khoáng sản bừa bãi
Nạn khai thác vàng trái phép diễn ra tràn lan ở huyện Phước Sơn - Quảng Nam. |
Xung quanh vấn đề khai thác titan ven biển Quảng Nam có nhiều vi phạm, gây ảnh hưởng đến dân sinh và môi trường, UBND tỉnh Quảng Nam đã họp khẩn và chỉ thị các cấp, ngành liên quan cùng kiên quyết lập lại trật tự trên lĩnh vực này.
Ông Nguyễn Xuân Phúc, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, chỉ thị các Sở, ngành liên quan và chính quyền, huyện, xã lập tức triển khai ngay các nhiệm vụ trọng tâm, chấn chỉnh triệt để tình trạng sai phạm tràn lan trên lĩnh vực quản lý và khai thác khoáng sản, đặc biệt là vàng, titan, đá xây dựng, cát...
Trước tiên là lập lại trật tự kỷ cương trong quản lý nhà nước và khai thác tài nguyên khoáng sản. Phải đặt nhiệm vụ bảo vệ môi trường, nguồn nước, rừng, an toàn lao động lên hàng đầu. Không cấp phép mới cho bất cứ đối tượng nào khai thác khoáng sản trên địa bàn Quảng Nam, trừ trường hợp tận thu khoáng sản để tránh lãng phí khi xây dựng cảng, khu du lịch, khu công nghiệp, thủy lợi...
Đối với trường hợp tận thu, cần thiết có thể lập phương án đấu giá để tăng nguồn thu ngân sách. Riêng với việc khai thác titan, ông Nguyễn Xuân Phúc lưu ý các cơ quan chức năng cần tiếp thu những ý kiến mà báo chí đã nêu. Cảnh cáo các đơn vị đã vi phạm. Tuyệt đối cấm tiếp tục việc đào bới cây xanh, hoàn thổ và trồng lại ngay diện tích đất đã bị trọc.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã chỉ thị một số "việc cần làm ngay":
- Thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, giao cho Sở Tài nguyên-Môi trường chủ trì, rà soát lại toàn bộ lĩnh vực khai thác khoáng sản và có biện pháp xử lý cụ thể, triệt để đối với các sai phạm. Kiên quyết thu hồi giấy phép, đình chỉ khai thác nếu phát hiện sai phạm.
- Giao giám đốc Sở Công an tỉnh lập phương án lập lại trật tự an ninh xã hội, tổ chức tổng truy quét các điểm có khai thác khoáng sản trái phép, đặc biệt trên địa bàn hai huyện Phước Sơn và Nam Giang.
- Tăng cường trách nhiệm cá nhân đối với công tác quản lý nhà nước. Nghiêm cấm hiện tượng lách luật, dung túng, cát cứ, bảo kê... như từng xảy ra. Chủ tịch UBND huyện, xã, nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mình sẽ bị xử lý nghiêm, kể cả hình thức kỷ luật cao nhất. (Theo Lao Động)
n Quản lý khai thác đá vôi: Bao giờ, những "công viên địa chất"?
Chiếm 20% diện tích lãnh thổ toàn quốc, các vùng núi đá vôi ở Việt Nam đang có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do việc khai thác bừa bãi. Đây cũng chính là nội dung cơ bản của Hội nghị quốc tế liên ngành đầu tiên về phát triển và bảo tồn các vùng đá vôi, khai mạc hôm qua (13/9) tại Hà Nội, do Viện Nghiên cứu Địa chất và Khoáng sản tổ chức.
Những vùng có núi đá vôi ở Việt Nam chủ yếu nằm ở Tây Bắc, Đông Bắc và Bắc Trung Bộ, là những vùng thuộc loại nghèo đói nhất ở nước ta, với tổng diện tích núi đá vôi lộ lên tới gần 60.000km2, chiếm gần 20% diện tích lãnh thổ toàn quốc. Các vùng núi đá vôi thường có đặc điểm là địa hình rất hiểm trở, đi lại khó khăn, thiếu trầm trọng cả đất để ở và sản xuất nông nghiệp, nước cho sinh hoạt và sản xuất.
TS Nguyễn Xuân Khiển, viện trưởng Viện Nghiên cứu Địa chất và Khoáng sản, cho biết: "Việc khai thác nguồn lợi từ núi đá vôi đang có những bất cập, không tuân theo bất cứ quy hoạch tổng thể nào. Vì vậy, môi trường núi đá vôi đang bị xâm hại một cách nghiêm trọng. Việc cấp phép khai thác tại các địa phương không có quy hoạch cụ thể, và cũng không có quản lý bền vững các nguồn tài nguyên địa chất quý giá này, đặc biệt là đối với công nghệ sản xuất xi-măng. Hiện nay, Luật Khoáng sản có giao cho các địa phương cấp một số giấy phép để khai thác tận thu tài nguyên càng khiến cho môi trường bị xâm hại nghiêm trọng"...
Ông Chu Shiu-Kee, trưởng đại diện UNESCO tại Hà Nội, nhận định: "Việt Nam có tiềm năng rất lớn tại các vùng có núi đá vôi, và Việt Nam cũng còn phải làm rất nhiều về các việc liên quan đến định canh định cư, phát triển kinh tế ở các vùng này. UNESCO sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc đảm bảo sự cân đối, hài hoà giữa phát triển kinh tế và bảo tồn thiên nhiên".
Ông Nguyễn Xuân Tuyến, giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Quảng Bình - địa phương cũng đang bị việc khai thác núi đá vôi làm ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan di tích - cho biết: "Để bảo vệ và phát triển danh lam thắng cảnh động Phong Nha-Kẻ Bàng, Sở TN-MT Quảng Bình hiện đang chú trọng nâng cao nhận thức của dân cư vùng đệm, cũng như tạo công ăn việc làm cho người dân và đầu tư nguồn vốn để bảo vệ môi trường"...
Ông Nguyễn Xuân Khiển cho biết thêm: Sau khi hội nghị kết thúc, Viện sẽ tập hợp các ý kiến để trình lên Bộ TN-MT, trong đó có cả việc đề xuất thành lập những "công viên địa chất" - bảo tàng địa chất ngoài trời nhằm phục vụ cho nghiên cứu khoa học - tại những địa phương có nhiều núi đá vôi, điều mà những nước phát triển đã làm từ nhiều năm nay. (Theo Lao Động)