Biến đổi khí hậu toàn cầu là điều không thể tránh khỏi, dù chúng ta kiểm soát mức phát thải khí nhà kính tốt đến đâu. Nguyên nhân là mức khí thải hiện có trong khí quyển sẽ tiếp tục làm nhiệt độ và mực nước biển gia tăng trong thế kỷ tới.
Nước biển gia tăng ít cũng có thể gây lũ lụt nghiêm trọng. |
Chuyên gia khí hậu Gerald Meehl và đồng nghiệp thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển quốc gia Mỹ (NCAR) cùng cộng sự đã sử dụng mô hình khí hậu trên máy tính để dự đoán điều gì sẽ xảy ra nếu con người kiểm soát khí thải nhà kính ở các mức khác nhau. Nghiên cứu trên có tính tới phản ứng chậm chạp của đại dương đối với ấm hoá toàn cầu.
Kết quả cho thấy viễn cảnh lạc quan nhất - tức lượng khí thải nhà kính trong khí quyển được duy trì ở mức năm 2000 - đòi hỏi phải cắt giảm mạnh mẽ lượng khí CO2 nhiều hơn so với mức trong Nghị định thư Kyoto. Ngay cả trong trường hợp này, nhiệt độ toàn cầu vẫn sẽ tiếp tục tăng thêm 0,4–0,6oC trong thế kỷ tới, ngang bằng với nhiệt độ gia tăng trong suốt thế kỷ XX.
Nghiên cứu độc lập thứ hai, do chuyên gia khí tượng Tom Wigley tại NCAR tiến hành, cũng cho kết quả tương tự.
Ngoài ra, các đại dương ấm lên chậm hơn so với đất liền. Như vậy, hiện trái đất vẫn chưa cảm nhận được đầy đủ tác động do mức khí nhà kính hiện nay gây ra. Khi đại dương ấm dần, nước sẽ nở ra, đẩy mực nước biển tăng cao hơn nữa. Mô hình của Meehl dự đoán, chỉ riêng giãn nở do nhiệt độ của nước sẽ làm mực nước biển tăng thêm chừng 11 cm trong thế kỷ tới, ngay cả khi khí nhà kính được duy trì ở mức năm 2000. Có thể mực nước biển sẽ tăng nhiều hơn bởi mô hình trên không tính tới tác động tan chảy của sông băng và các mũ băng vùng cực.
-
Minh Sơn (Theo NewScientist, Nature)