(VietNamNet)- Hơn 72% hộ gia đình có người mắc bệnh do ô nhiễm không khí. Càng sống lâu năm ở Hà Nội, tỷ lệ mắc bệnh càng cao... Kết quả điều tra mới nhất của Sở Y tế Hà Nội.
Người dân giảm 20% thu nhập và 20% sức khoẻ do ô nhiễm không khí
TS Phạm Lê Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội vừa cho biết về kết quả nghiên cứu thực trạng các bệnh tật của nhân dân nội thành Hà Nội liên quan đến ô nhiễm không khí (ÔNKK).
Cuộc điều tra được tiến hành tại 5 khu vực: Khu công nghiệp Thượng Đình (ô nhiễm công nghiệp); đường Pháp Vân (ô nhiễm do giao thông); chợ Đồng Xuân (ô nhiễm do dịch vụ thương mại); khu tập thể Kim Liên (ô nhiễm do sinh hoạt); khu Tây Hồ (được coi là ít ô nhiễm nhất).
Tại các khu vực trên, nhóm nghiên cứu đã điều tra ở 2.239 hộ gia đình gồm 10.111 thành viên gia đình; 6.021 học sinh, 1.368 cán bộ công nhân viên trên địa bàn Hà Nội.
Theo đó, tỷ lệ hộ mắc bệnh tại Hà Nội là 72,6%.
Trong số đó, hộ có người mắc bệnh mạn tính chiếm 43%, cao nhất là ở quận Hoàng Mai, thấp nhất là quận Tây Hồ.
Các bệnh có tỷ lệ mắc cao là bệnh tai mũi họng, viêm mũi dị ứng, hen phế quản, cảm cúm, viêm phổi, viêm phế quản, các bệnh ngoài da, bệnh về mắt.
TS Phạm Lê Tuấn cho biết, những người có thời gian sống trên 10 năm ở ngay tại Hà Nội có tỷ lệ mắc bệnh mạn tính về tai mũi họng cao gần gấp đôi so với những người sống ở đây dưới 3 năm.
Tỷ lệ bệnh tật đối chiếu giữa nhóm người sống lâu ở Hà nội và nhóm người mới sống ở Hà Nội là 24,5% và 12,5%.
Đối với các bệnh cấp tính như cảm cúm, người sống trên 10 năm mắc bệnh chiếm tới 11,5%, sống dưới 3 năm là 6,8%. Xu hướng tuổi càng cao thì tỷ lệ mắc càng cao.
Quận Hoàng Mai có tỷ lệ mắc triệu chứng tắc mũi, chảy nước mũi, viêm họng cao nhất, thấp nhất là quận Hoàn Kiếm. Các bệnh về da liễu và mắt, quận Đống Đa mắc tỷ lệ cao nhất, tiếp đến là quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Tây Hồ. Quận Hoàng Mai cũng đứng đầu bảng về tỷ lệ hộ gia đình cao nhất có người phải nằm viện hoặc nghỉ việc để điều trị bệnh do ô nhiễm không khí (ÔNKK).
Theo bác sỹ Bùi Công Đức, một trong các tác giả nghiên cứu đề tài trên, chi phí khám chữa bệnh bình quân theo hộ gia đình trong năm qua từ 1.200.000 - 2.200.000 đồng. Chi phí này ở các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Tây Hồ là tương đương, còn ở quận Hoàng Mai và quận Thanh Xuân thì cao hơn.
Theo ước tính, chỉ riêng bệnh hen, hàng năm, Việt Nam phải dành khoảng 301 USD/bệnh nhân.
Theo đó, số lần nghỉ ốm trung bình hàng năm do các bệnh liên quan đến ÔNKK từ 1,2 - 2,4 lần/người/năm. Các bệnh nhân hen phế quản có số lần nghỉ nhiều nhất. Số ngày nghỉ ốm đối với một người bệnh dao động từ 8-16 ngày, bệnh nhân mắt có số ngày nghỉ cao nhất (16 ngày), bệnh nhân hen phế quản, viêm phế quản là 14 ngày.
Bác sĩ Đức cũng nêu, bệnh liên quan đến ÔNKK còn ảnh hưởng đến người thân, tạo nên chi phí gián tiếp do nghỉ học nghỉ làm khi người thân bị ốm. Đa số người dân được hỏi sau khi nghỉ ốm để điều trị bệnh hoặc có người thân bị ốm thì bị giảm khoảng 20% thu nhập và suy giảm về sức khỏe khoảng 20% so với trước khi bị bệnh.
Thêm vào đó, những ảnh hưởng tâm lý bất ổn khiến người ta khó có thể tập trung cho công việc và học hành khiến hiệu quả năng suất không cao, thậm chí ở nhiều nghề nghiệp, sự mất tập trung sẽ gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, tính mạng.
Mỗi ngày, hơn 20m3 khí ô nhiễm vào phổi người dân!
GS Phạm Duy Hiển, cán bộ Chương trình Không khí sạch Việt Nam - Thụy Sỹ cho rằng, để biết không khí ở Hà Nội ô nhiễm đến mức nào cần xem xét 5 chỉ tiêu về chất lượng không khí gồm PM10 (bụi khí); SO2 (điôxit lưu huỳnh); NO2 (điôxit nitơ); O3 (ozôn); CO (ôxit cacbon).
Theo kết quả quan trắc đáng tin cậy nhất những năm gần đây tại Trạm khí tượng Láng (Trung tâm khí tượng thủy văn đồng bằng Bắc Bộ), hàm lượng bụi khí vượt tiêu chuẩn quy định ở mức 50 microgram/m3.
Đối với 4 chất khí còn lại chưa vượt tiêu chuẩn Việt Nam nhưng SO2 vượt tiêu chuẩn EU 20 microgram/m3.
Lượng bụi ở Hà Nội luôn vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,7-2,2 lần (tại 65 vị trí quan trắc trên các tuyến đường chủ yếu của 9 quận và 5 huyện TP), còn các khí gây ô nhiễm (CO, CO2, SOx, HC...) ở mức xấp xỉ tiêu chuẩn cho phép.
Sự ÔNKK trên của Hà Nội từ 3 nguồn chính: nguồn thải công nghiệp với 9 khu công nghiệp (KCN) cũ, 5 KCN mới và nhiều hộ sản xuất tư nhân nằm xen kẽ trong nội ngoại thành; nguồn thải giao thông với gần 200.000 ô tô và khoảng 1,9 triệu xe máy không đảm bảo các tiêu chuẩn xả khí thải, cùng với hiện trạng tắc nghẽn giao thông phổ biến gây ÔNKK cục bộ; và nguồn thải sinh hoạt với việc sử dụng bếp than, bếp dầu, tình trạng nhà ở mái thấp, chật chội dẫn đến ô nhiễm khí SO2, CO, NOx...
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết, 2 vạn lần hít thở mỗi ngày của mình đã đưa vào lá phổi 20m3 không khí từ các nguồn ô nhiễm đó!
Theo các nhà nghiên cứu về thực trạng các bệnh tật của nhân dân nội thành Hà Nội liên quan đến ÔNKK thì, những người dân (hoặc nhóm người dân) tỏ ra rất ít thông tin về những tác hại có thể có của biến đổi môi trường. Điều này có thể do việc giáo dục truyền thông tại nơi làm việc sinh sống diễn ra chưa thật có hiệu quả!
Ông Phạm Tùng Lâm, cán bộ Chương trình Không khí sạch Việt Nam - Thụy Sỹ nhận định, nhận thức của người dân Hà Nội và thậm chí của cả những nhà quản lý về ÔNKK còn... tương đối thấp. Nguyên nhân ÔNKK chủ yếu từ chính con người gây ra!
Cộng đồng vừa là nạn nhân, vừa là tác nhân
TS Phạm Lê Tuấn cùng các cộng sự đề xuất giải pháp, chính quyền và người dân cần có cam kết trong việc bảo vệ môi trường không khí, dự phòng ÔNKK, dự phòng lây nhiễm bệnh từ môi trường do ÔNKK.
Đồng thời, đưa tiêu chí bảo vệ môi trường (BVMT), trong đó có môi trường không khí thành điều kiện quan trọng để đánh giá ’’Làng văn hoá sức khỏe’’ hoặc ’’Khu phố văn hoá sức khỏe’’.
Nhiều giải pháp khác cũng được Sở Tài nguyên-Môi trường và Nhà đất (TNMT&NĐ) Hà Nội đưa ra trong thời gian tới như: không đầu tư và phát triển mở rộng diện tích các khu công nghiệp cũ mà khuyến khích đổi mới công nghệ sản xuất, di chuyển các cơ sở gây ô nhiễm trong nội thành ra các khu công nghiệp; đầu tư xây dựng các ngành sản xuất sạch, ít phát sinh chất thải, đánh giá tác động môi trường trước khi xây dựng và kiểm soát thực hiện các giải pháp BVMT; không cấp phép cho các cơ sở nhỏ gây ô nhiễm mà không có khả năng xử lý; khen thưởng đối với các doanh nghiệp có thành tích trong BVMT...
KS Đặng Dương Bình, Trưởng phòng Quản lý Môi trường, Khí tượng và Thủy văn Sở TNMT&NĐ nêu, đối với ÔNKK do các hoạt động giao thông vận tải, cần áp dụng một số chính sách cụ thể ưu tiên đầu tư hiện đại hoá các phương tiện giao thông công cộng, giảm thuế, bù lỗ để giảm giá vé xe công cộng, tăng thuế và lệ phí đối với xe cá nhân. Theo ông Bình, cần cải tiến kiểu dáng và hạ giá thành xe đạp, khuyến khích mọi người sử dụng xe đạp nhiều hơn, đồng thời xây dựng các tuyến đường dành riêng cho xe đạp...
Tuy nhiên, GS Phạm Duy Hiển cho rằng: ’’Ở Việt Nam mới chỉ có văn bản luật pháp về BVMT nhưng chế tài thực hành chưa có, mới đây thành lập cảnh sát môi trường nhưng không hiểu thế nào? Chính sách giảm phương tiện cá nhân sử dụng phương tiện công cộng cũng đâu có giảm được, mà ngay cả xe buýt cũng bị kêu là ’’chúa’’ gây ô nhiễm. Hiện nay, nhiều người vẫn ’’đổ tội’’ ÔNKK tại công nghiệp, tại phương tiện giao thông thì... hòa cả làng!’’
Theo ông Phạm Tùng Lâm: ’’Người dân vẫn còn ’’hồn nhiên’’ điều khiển xe cộ xì khói, đun nấu bếp than hàng ngày, đốt rác, đổ đất ra đường... thì còn ÔNKK. Nâng cao chất lượng không khí và bảo vệ sức khỏe cho mình, mỗi người dân hãy cứ bắt đầu bằng hạn chế những việc tưởng như vô thức đó’’!
-
Kiều Minh