,
221
2141
Quốc tế
quocte
/khoahoc/quocte/
494490
Đông Nam Á lập mạng lưới chống cúm gia cầm
1
Article
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
,

Đông Nam Á lập mạng lưới chống cúm gia cầm

Cập nhật lúc 18:20, Thứ Bảy, 31/07/2004 (GMT+7)
,

Giám sát chặt chẽ lợn, thành lập mạng lưới chống cúm gia cầm xuyên quốc gia và sử dụng vắc-xin là những việc đang được tiến hành nhằm ngăn ngừa, tiến tới xoá sổ virus cúm.

Giám sát lợn

Gà chết do virus cúm.

Trước tình hình các đợt dịch mới xuất hiện tại Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam, các nhà khoa học đang điều tra liệu lợn có thể là ''vật pha trộn'' các dạng cúm gia cầm và cúm người, tạo ra một loại virus dễ lây từ người sang người, hay không.

GS Malik Peiris, nhà vi sinh vật thuộc ĐH Hong Kong, cho biết đại dịch cúm ở người chưa xảy ra bởi cho tới nay virus chưa thể lây nhiễm từ người sang người. Ông nói: ''Điều quan trọng hiện nay là không để cho virus có cơ hội thử khả năng này trên người. Còn đối với ngành gia cầm, vấn đề sống còn là kiểm soát được dịch cúm ở vật nuôi''.

Các nhà khoa học đang giám sát chặt chẽ vai trò của lợn trong việc lây nhiễm virus từ người sang người. Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng virus cúm người H3N2 thường được tìm thấy trong lợn tại Trung Quốc từ năm 1998. Tại Mỹ, virus này cũng đã lây sang lợn. Nếu lấy virus ở người và cấy chúng vào cơ thể gà, nó sẽ không sinh sôi. Nếu bạn lấy virus cúm gà và đưa nó vào người, nó cũng sẽ không tái tạo. Như vậy là có một rào cản. Tuy nhiên, cả virus cúm gà và cúm người sẽ sinh sôi trong cơ thể lợn. Đó chính là lý do các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết lợn có thể là vật trộn lẫn virus cúm gia cầm và cúm người.

Theo GS Peiris, virus cúm gia cầm có lẽ bắt nguồn ở vịt rồi thích ứng với gà. Tuy nhiên, nó chưa thích ứng với bất kỳ một loài động vật có vú nào. Lợn là một dấu hỏi quan trọng, đặc biệt là khi chúng thường được nuôi bên cạnh gia cầm tại phần lớn các nước châu Á. Tại vùng này, virus cúm người (tồn tại ở lợn) vẫn hoàn toàn là virus cúm người. Đây là điều đáng ngại bởi nó tạo cơ hội để virus cúm gia cầm trộn gien với virus cúm người. Đó chính là một trong những cách thức phát sinh các đại dịch cúm ở người trước kia. Peiris nói: ''Mặc dù chưa có bằng chứng về sự trộn lẫn song vẫn có nghi ngờ rằng nó có lẽ đã xảy ra ở con lợn''.

Mạng lưới thú y liên quốc gia

Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO) đã tuyên bố thành lập một loạt mạng lưới thú y tại khu vực châu Á để chống cúm gia cầm tốt hơn. Phát biểu tối hôm qua (30/7) tại một cuộc hội thảo kéo dài ba ngày ở Bangkok, ông Joseph Domenech, giám đốc Cục Sức khoẻ Động vật của FAO khuyến cáo các đường biên giới quốc gia không thể ngăn bệnh dịch lây lan. Do vậy, chỉ có hợp tác trong khu vực mới mang lại thành công.

Việc thành lập mạng lưới ở Đông Nam Á, bao gồm Campuchia, Lào, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Papua New Guinea, Philippines, Thái Lan, Đông Timor và Việt Nam đã được tuyên bố tại phiên bế mạc hội thảo quốc tế về cúm gia cầm. Hai mạng lưới tương tự ở Nam Á và Đông Á cũng sẽ sớm được thành lập. FAO sẽ cung cấp 1,2 triệu USD để thành lập ba mạng lưới tiểu vùng này.

Các mạng lưới sẽ đào tạo quan chức thú y tại nước nghèo để phát hiện bệnh dịch nhanh hơn, trao đổi thông tin với các phòng thí nghiệm quốc gia và nhóm giám sát tại 23 nước, giúp quốc gia bị ảnh hưởng cũng như chưa có dịch phối hợp tốt hơn trong việc phòng ngừa, kiểm soát cúm gia cầm.

Tiêm vắc-xin cúm cho gia cầm?

Cũng tại cuộc hội thảo kéo dài ba ngày này, các chuyên gia thú y và nhà khoa học từ mười nước châu Á đã chấp nhận (về mặt nguyên tắc) hướng dẫn ngăn chặn dịch cúm do FAO đề xuất. Hướng dẫn mới này để cho các quốc gia có dịch tự do hơn trong việc tiêm vắc-xin cho gia cầm.

Trước đây, khi dịch bệnh lan tràn nhanh và xảy ra trên diện rộng, các cơ quan nông nghiệp và y tế thế giới thúc đẩy tiêu huỷ gia cầm. Nguyên nhân là biện pháp này nhanh hơn tiêm vắc-xin. Các chuyên gia cũng lo ngại về một số khó khăn gặp phải khi tiêm vắc-xin cho gia cầm, chẳng hạn như việc kiểm soát chất lượng và nguồn cung cấp. Chi phí sử dụng vắc-xin cũng lớn hơn bởi mỗi gia cầm phải được tiêm chủng hai lần. Ngoài ra, một số nước lo ngại tiêm vắc-xin có thể cho phép gà khoẻ mạnh lan truyền virus. Nhiều nước châu Á, bao gồm Thái Lan, đã cấm sử dụng vắc-xin gia cầm. Tuy nhiên, Indonesia đã tiêm chủng cho 21 triệu con.

FAO đã thay đổi lập trường bởi hiện có bằng chứng rõ ràng hơn rằng vịt và chim hoang dã lây lan virus cúm, đe doạ sức khoẻ động vật cũng như con người. Do vậy, mọi biện pháp khả thi nên được sử dụng.

Ông Domenech nói: ''Chúng tôi nhận ra rằng virus sẽ lưu hành trong nhiều năm. FAO sẽ không thúc đẩy việc tiêm chủng cho gia cầm song thừa nhận nó là một sự lựa chọn. Hướng dẫn mới vẫn kêu gọi các nước tiêu huỷ gia cầm cũng như tiến hành các biện pháp đảm bảo vệ sinh, coi đó là phương pháp ngăn chặn đầu tiên''. Cũng theo ông Domenech, kiểm soát chất lượng và giá thành của vắc-xin vẫn là những vẫn đề quan trọng khi tính đến biện pháp tiêm chủng. Tiêm chủng vẫn được coi là một biện pháp không dễ dàng.

  • Minh Sơn (Tổng hợp) 
,
,