,
221
2141
Quốc tế
quocte
/khoahoc/quocte/
738826
NASA khởi động kế hoạch bảo vệ Trái Đất
1
Article
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
,

NASA khởi động kế hoạch bảo vệ Trái Đất

Cập nhật lúc 03:17, Thứ Năm, 01/12/2005 (GMT+7)
,

Để bảo vệ Trái đất, gần đây, NASA đã khởi động "Dự án phòng vệ không gian", đề phòng trường hợp tiểu hành tinh Aophis va vào Trái Đất vào năm 2036.

Theo tính toán của Cục Hàng không quốc gia Mỹ (NASA), vào năm 2029 tiểu hành tinh Apophis sẽ lướt qua Trái đất và năm 2036 sẽ va vào Trái đất. Sự va đập của tiểu hành tinh này sẽ có sức tàn phá mạnh hơn nhiều so với trận sóng thần Đông nam Á vào tháng 12/2004.

  • Vụ va chạm tương đương 11 vạn trái bom nguyên tử!
Hình ảnh một tiểu hành tinh (Ảnh từ trang web nước ngoài)

Để bảo vệ sự an toàn cho Trái đất, gần đây NASA đã khởi động bước một của "Dự án phòng vệ không gian", quyết định sắp đặt thiết bị theo dõi quỹ đạo chính xác của Apophis, bắt đầu "Cuộc chiến bảo vệ Trái đất".

Apophis là một trong 800 tiểu hành tinh có khả năng uy hiếp trái đất đã được các nhà khoa học biết tới từ lâu, nó cũng là một trong số ít những thiên thể mà các nhà thiên văn học hy vọng có thể nghiên cứu rõ hơn.

Tiểu hành tinh là một số thiên thể bay xung quanh mặt trời nhưng kích thước nhỏ không đủ đạt tới tiêu chuẩn của hành tinh. Tiểu hành tinh có thể có đường kính tới 1000km, nhưng cũng có thể chỉ nhỏ như hòn đá cuội. Hiện có tới 16 tiểu hành tinh có đường kính trên 240km, chúng bay trong không gian giữa quỹ đạo của Trái đất và sao Thổ. Nhưng phần lớn số lượng tiểu hành tinh tập trung ở khu vực giữa quỹ đạo của sao Hoả và sao Mộc, quỹ đạo của một số tiểu hành tinh có cắt với quỹ đạo của Trái đất và một số tiểu hành tinh cũng đã từng va chạm với Trái đất.

Tên gọi của các tiểu hành tinh được đặt theo tên của người phát hiện ra chúng. Trước đây, người ta thường lấy tên các Nữ Thần để đặt tên, sau này họ thường dùng tên người, tên địa danh, tên các loài hoa, thậm chí chữ cái đầu viết tắt của một tổ chức. 

Apophis là một hành tinh nhỏ gần Trái đất bay trong hệ mặt trời với hình dạng không cố định. Đường kính của hành tinh này chỉ khoảng 320m, trọng lượng khoảng 42 nghìn tấn. Hành tinh này được phát hiện vào tháng 6/2004, sau đó bị mất dấu vết cho đến tháng 6/2005 mới được phát hiện lại.

Theo tính toán và quan sát của các nhà khoa học NASA, vào năm 2029, khoảng cách giữa Apophis và Trái đất chỉ có 29996,78km. Khoảng cách này còn gần Trái đất hơn cả một số vệ tinh thông tin. Khi gần đến Trái đất, tốc độ của hành tinh này đạt tới 5,9km/giây.

Dự kiến, vào ngày 13/4/2029, tiểu hành tinh Apophis sẽ lướt qua Trái đất với một vệt sáng trên bầu trời, lúc này Apophis sẽ sáng lên như một hằng tinh cấp III, đây sẽ là hằng tinh phát sáng trong không gian đầu tiên con người có thể nhìn thấy bằng mắt thường từ Châu Phi, Châu Âu và Châu Á.

Tới thời điểm đó, sức hấp dẫn của Trái đất sẽ làm cho thiên thể này bị vặn theo dạng chuyển động lắc phức tạp, mô-men do lực hấp dẫn sinh ra còn có thể làm cho Apophis bị nứt vỡ.

Sau khi lướt qua Trái đất, lực hấp dẫn của Trái đất đã làm thay đổi trạng thái bản thân và quỹ đạo vận hành của hành tinh này, do đó 7 năm sau nó sẽ quay trở lại để va đập vào Trái đất.

Lực va đập của Apophis đủ để làm biến mất bang Texas của Mỹ hoặc hai quốc gia Châu Âu. Vụ va chạm mang tính huỷ diệt này sẽ sinh ra năng lượng tương đương với 11 vạn quả bom nguyên tử ở Hirosima.

Trong "Hội thảo vấn đề an toàn tiểu hành tinh và sao chổi" tổ chức tại Xanh Pê-téc-bua, nhà thiên văn học Schweickart người Nga đã đưa ra mô hình giả thiết: nếu Apophis va vào Trái đất ở Thái Bình Dương sẽ tạo ra những cơn sóng cao tới 200m, bụi từ tiểu hành tinh khi va đập sẽ che phủ 1/4 Trái đất, con người và các loài sinh vật sống trong khu vực này sẽ bị chết vì lạnh hoặc đói...

  • Bàn phương án phòng, cứu Trái Đất
Tiểu hành tinh sẽ va chạm vào Trái Đất như thế này...? (Ảnh minh hoạ từ trang web nước ngoài)

Để tránh nguy cơ Trái đất bị huỷ diệt vào năm 2036, NASA đã quyết định lắp đặt một thiết bị theo dõi vô tuyến để giám sát quỹ đạo của Apophis.

Các nhà khoa học trên thế giới đã hợp tác với nhau để tìm ra các phương pháp phòng vệ cho sự sinh tồn của Trái đất.

Thứ nhất, lắp đặt thiết bị theo dõi. Theo NASA, năm 2013 là thời gian thích hợp nhất để quan sát dấu vết quỹ đạo vận hành trong không gian của Apophis. Nếu kết quả quan sát chứng thực khối đá khổng lồ này có thể va vào Trái đất, phi thuyền không gian lắp thiết bị theo dõi vô tuyến sẽ theo dõi khối đá trong 10 năm, nếu có khả năng tiểu hành tinh va chạm với Trái đất, NASA sẽ tìm cách làm lệch quỹ đạo của khối đá để tránh vụ va chạm.

Thứ hai, sử dụng rơ-moóc hấp dẫn. NASA đang chuẩn bị dùng "rơ-moóc hấp dẫn" để kéo Apophis khi nó đến gần Trái đất vào năm 2029. Lúc đó, chỉ cần phóng một phi thuyền "rơ-moóc hấp dẫn" nặng khoảng 1 tấn là có thể thay đổi quỹ đạo của tiểu hành tinh này.

Để có thể thực hiện được phương án này, các nhà khoa học sẽ phải từng bước nghiên cứu tính khả thi, tập luyện, phóng phi thuyền theo hành tinh để thu thập số liệu trợ giúp cho nghiên cứu. Phương án này sẽ tránh được sự ô nhiễm hạt nhân so với phương án tạo vụ nổ để làm lệch quỹ đạo của Apophis.

Thứ ba, phóng tàu vũ trụ. Lợi dụng lực hấp dẫn sinh ra từ tàu và tiểu hành tinh làm cho hành tinh không va vào Trái đất. Tàu vũ trụ này sẽ bay cùng vận tốc và hướng bay với Apophis, khi tàu và tiểu hành tinh tương đối đồng bộ, sẽ có một "cánh tay máy " vươn ra đẩy hành tinh làm thay đổi quỹ đạo. Ngoài ra còn có một số ý tưởng khác như lắp tên lửa cơ lớn trên tiểu hành tinh để đổi hướng quỹ đạo bay hoặc lắp đặt gương phản chiếu cớ lớn trong vũ trụ, dùng phản chiếu ánh sáng mặt trời làm tiểu hành tinh bốc hơi.

Thứ tư, xây dựng mạng lưới bảo vệ không gian. "Dự án phòng vệ không gian" do một số cơ cấu và tổ chức có liên quan với nhau cùng gánh vác, trong đó có một số tổ chức nhận tài trợ của NASA đã hứa sẽ đo đạc, xác định được 90% các tiểu hành tinh có đường kính 1km trở lên ở gần Trái đất.

Năm 2003, NASA cũng đã đưa ra một phương án kiến nghị rằng, trước năm 2028 sẽ đầu tư từ 2,5 -4,5 tỷ USD để đo đạc và xác định 90% các tiểu hành tinh có đường kính 140m trở lên ở gần Trái Đất.   

  • Tuyết Nhung (Tổng hợp từ china.com.cn và một số tư liệu khác)
,
,