Giải đáp thắc mắc về bệnh béo phì
10:30' 04/10/2003 (GMT+7)

Khi béo phì trở thành căn bệnh ngày càng phổ biến, vấn đề giảm cân không còn là chuyện của một người. Tại sao lại bị béo phì? Người ta mắc những bệnh gì chỉ vì béo? Có phương cách nào giúp giảm cân nhanh chóng nhưng hợp lý? Dưới đây là giải đáp thắc mắc của các nhà chuyên môn.

Để đánh giá một người có bị béo phì hay không, người ta căn cứ vào Chỉ số khối cơ thể (gọi tắt là BMI). BMI = Trọng lượng cơ thể (kg)/Bình phươngchiều cao cơ thể (m). Trên cơ sở BMI của từng người, có thể biết thể trạng người đó như sau:
- Thiếu cân: BMI < 18,5
- Bình thường: BMI từ 18,5 đến 24,9
- Thừa cân: BMI từ 25 đến 29,9.
- Béo phì: BMI > 30
- Cực béo hoặc béo bệnh: BMI > 40.

Ngoài BMI, còn có thể biết một người có bị béo phì hay không nhờ một số thông số khác là vòng eo và tỷ lệ eo/hông. Khi nam giới có vòng eo trên 40 inches hoặc nữ trên 35 inches là có nguy cơ cao. nam giới thường béo bụng nhiều hơn (còn gọi là béo hình quả táo) và nguy cơ lớn hơn nữ giới thường béo hông (béo hình quả lê).

Nguyên nhân thừa cân và béo phì

Thông thường béo phì và thừa cân là do lượng calo ăn vào vượt quá lượng calo tiêu thụ. Một số thuốc có thể gây béo phì. Một nguyên nhân quan trọng của béo phì là do yếu tố di truyền (gen). Các gen này có dịp phát huy mạnh khi con người ở môi trường sẵn có các thức ăn giàu năng lượng.

Yếu tố về tâm sinh lý cũng là một trong những nguyên nhân có thể gây béo phì.

Có phải một số bệnh có thể gây béo phì?

Đúng. Tuy nhiên chỉ rất ít. Béo phì có thể là hậu quả của cường các tuyến nội tiết như buồng trứng, tuyến thượng thận hoặc do suy giáp. Đôi khi một số khối u có thể gây béo phì.

Béo phì ảnh hưởng gì đến sức khoẻ?

Một loạt các bệnh lý sau được biết rõ là có liên quan đến béo phì:

- Bệnh động mạch vành (đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim).
- Suy tim ứ huyết (do nhu cầu ôxy và các chất dinh dưỡng của cơ thể béo phì là quá cao).
- Tai biến mạch não (đột quỵ).
- Viêm khớp, đặc biệt là khớp háng và gối- những nơi bị tác động nhiều của trọng lượng cơ thể.
- Đái tháo đường (type 2).
- Tăng huyết áp.
- Rối loạn mỡ (lipit) máu.
- Cơn ngừng thở khi ngủ.
- Tăng tỷ lệ ung thư vú, buồng trứng, tuyến tiền liệt, đại tràng.

Các nguy cơ này tăng nhiều hay ít với các trường hợp béo phì?


Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy nguy cơ các bệnh do béo phì gây ra là:

- Tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch vành lên 4 lần so với bình thường.
- Tăng nguy cơ đột quỵ lên 6 lần.
- Tăng tỷ lệ bị đái tháo đường lên 6 lần.

Đó là chưa kể đến khía cạnh xã hội và tâm lý của người bệnh béo phì, vì không ai có thể coi béo phì là đẹp.

Làm gì để giảm béo?

Trước hết, hãy đặt cho mình những mục tiêu thực tế. Nếu bạn đang tăng cân thì hãy tìm cách dừng ngay. Thậm chí khi chỉ tăng 1-2kg, bạn cũng cần hết sức cảnh giác. Nếu bạn thực sự đã thừa cân thì nên đặt kế hoạch giảm khoảng 10-15% và giữ như vậy. Tốt nhất là nên giảm cân khoảng 400-600gr trong một tuần là hợp lý để duy trì mức dinh dưỡng cho cơ thể.

Nếu giảm cân quá nhanh cũng có thể gây ra vấn đề cho cơ thể của bạn. Hãy bắt đầu bằng cách tập thể dục đều đặn, khoảng 30-45 phút mỗi ngày, tất cả các ngày trong tuần. Không nên bắt đầu tập quá nặng và nên bắt đầu bằng đi bộ hoặc hình thức thể dục vừa phải, thích hợp mà bạn thấy chịu đựng tốt.

Hãy học cách ăn uống hợp lý, kiên trì, đừng chán nản, vì kết quả và lợi ích của việc giảm cân không phải nhìn thấy ngay trước mắt. Nên nhớ, không có một chế độ nào hoặc thuốc gì là kỳ diệu để có thể làm giảm cân như ý muốn mà chỉ có sự kiên trì và nghị lực mới có thể giảm được cân.

Chế độ ăn ít chất béo có ý nghĩa gì?

Những nghiên cứu lớn và theo dõi lâu dài đã chứng minh, chế độ ăn ít chất béo có tác dụng rõ ràng trong việc làm giảm tỷ lệ bệnh lý tim mạch (bệnh động mạch vành và tăng huyết áp).

Tuy nhiên, một vấn đề còn bàn cãi là chế độ ăn với tỷ lệ chất béo thế nào thì thích hợp? Nếu chúng ta ăn quá ít chất béo thì cơ cấu bữa ăn sẽ trở nên không cân đối và cơ thể phải điều chỉnh bằng chuyển hoá các chất khác sang chất béo, gây ra những rối loạn chuyển hoá. Một số nghiên cứu cho rằng nên có chế độ ăn khoảng 10% chất béo.

Giảm béo bằng ăn chay?

Đây là chế độ ăn bao gồm các thức ăn nguồn gốc từ thực vật với rất ít chất béo, nhiều tinh bột và nhiều chất xơ. Chế độ ăn này có lợi cho tim mạch nhưng có thể gây thiếu năng lượng, protein và tương đối khó thực hiện cũng như không nên phổ biến để có thể theo đuổi lâu dài.

Người béo có được ăn nhiều hơn khi đã tập thể dục đều?


Không. Thể dục là công việc bắt buộc trong lộ trình giảm cân, nhưng nếu chỉ thể dục mà không có chế độ ăn kiêng thì cũng sẽ không có ích gì, thậm chí còn có thể làm tăng cân nhanh hơn (thể dục giúp người tập chuyển hoá thức ăn dễ hơn, ăn ngon miệng hơn).

Lưu ý gì khi tập thể dục để giảm cân?

- Tuổi thọ của bạn sẽ được cải thiện đáng kể nhờ tập thể dục đều đặn và đó là một khâu quan trọng để giảm cân.
- Bạn cần được bác sĩ thăm khám và tư vấn trước khi tiến hành tập thể dục. Nam giới trên 40 và nữ giới trên 50 tuổi cần được làm nghiệm pháp gắng sức trước khi có chế độ tập thể dục hợp lý.
- Khi tập thể dục, bạn có thể bị căng thẳng, mệt mỏi hoặc chấn thương khớp. Hãy bắt đầu hết sức từ tốn và nghe ngóng tình trạng sức khoẻ của mình rồi sau đó mới tăng dần cường độ tập.

Các thuốc giảm cân, vitamin có tác dụng gì?

Tăng cân rất dễ trở lại sau giảm cân. Hiện nay, có 2 nhóm thuốc giảm cân được sử dụng nhiều là Redux và Fenphen. Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy dùng các thuốc này gây giảm cân nhanh nhưng khi ngừng thường tăng cân nhanh.

Đấy là chưa kể các tác dụng phụ của thuốc giảm cân, ví dụ, Redux và Fenfluramine (Fenfluramine là chữ đầu của trong Fenphen) đã bị rút khỏi thị trường do có thể gây ra tăng áp động mạch phổi, một biến chứng cực kỳ nguy hiểm và có thể làm tổn thương van tim.

Phentermine và các thuốc tương tự (phentermine là chữ phen trong Fenphen) có tác dụng tăng cường một chất dẫn truyền thần kinh trong não gọi là norepinephrine.

Meridia (sibutramine) là một loại thuốc hiện được dùng thêm vào trong chế độ giảm cân. Thuốc này có thể gây hại cho hệ tim mạch, gây bệnh động mạch vành, khi dùng phải có ý kiến của bác sĩ.

Một số thuốc dược thảo cũng được quảng cáo là có tác dụng giảm cân, nhưng các thành phần của chúng chưa được biết rõ hết và có thể gây ảnh hưởng đến hệ tim mạch; cần hết sức thận trọng khi dùng.

(Theo Bác sĩ Gia đình)

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Tự theo dõi và bảo vệ mình khi có thai (04/10/2003)
Chữa bệnh 'máu trắng' trẻ em (04/10/2003)
Hạn chế triệu chứng của bệnh suy tĩnh mạch (03/10/2003)
Trị lang ben (02/10/2003)
Nguời bệnh nhồi máu cơ tim nên ăn uống gì? (02/10/2003)
Để cá làm lợi cho sức khoẻ (02/10/2003)
Nuôi dưỡng người bệnh ung thư (01/10/2003)
Xử trí khi thân nhiệt trẻ sơ sinh thay đổi (01/10/2003)
Phát hiện sớm ung thư tuyến tiền liệt (01/10/2003)
Bệnh hen có nguy hiểm cho thai nghén? (30/09/2003)
9 dấu hiệu báo động bệnh ung thư (30/09/2003)
9 dấu hiệu báo động bệnh ung thư (29/09/2003)
Sốt xuất huyết và biến chứng chảy máu trong nhãn cầu (29/09/2003)
Đau mỏm cụt sau cắt bỏ chi (29/09/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang