Một số thói quen làm tăng ung thư thực quản và dạ dày
14:31' 08/10/2003 (GMT+7)

Nhiều người bị ung thư không chỉ bởi môi trường sống, thực phẩm độc hại. Những nghiên cứu gần đây cho thấy phần lớn số trường hợp ung thư thực quản và dạ dày là do thói quen sống có hại, bao gồm hút thuốc, uống rượu nhiều và thích ăn chất béo.

Thuốc lá - một trong những thủ phạm chính gây nên bệnh ung thư thực quản, dạ dày.

Ung thư dạ dày là ung thư thường gặp ở Việt Nam, khoảng 7.000 ca mới phát hiện mỗi năm. Riêng tại TP.HCM, ung thư dạ dày đứng thứ 3 ở nam giới và thứ 4 ở phụ nữ. Tỷ lệ người bệnh sống thêm sau 5 năm điều trị cắt dạ dày, nội soi dạ dày do ung thư còn thấp, chỉ khoảng 15%, so với Âu Mỹ là 20-40% và Nhật là 50-60%. Nhờ chương trình tầm soát ung thư dạ dày, nội soi dạ dày, tỷ lệ sống thêm 5 năm đã đạt 90-95% tại Nhật trong khoảng thời gian gần đây.

Thực quản là một ống nối họng miệng và dạ dày (còn gọi là bao tử) có nhiệm vụ đưa thức ăn đã được nhai nhỏ ở miệng vào dạ dày. Ung thư thực quản chiếm tỷ lệ nhỏ (1-2%), gặp ở người già trên 60 tuổi, nhất là phái nam có thói quen uống rượu, hút thuốc lá.

Ung thư thực quản là loại ung thư ống tiêu hóa ''xấu'' vì bệnh có diễn tiến âm thầm, khó chữa trị. Thông thường người bệnh được chẩn đoán trễ, phẫu thuật cắt bỏ khối u và tái tạo rất phức tạp. Tỷ lệ sống thêm 3 năm là dưới 5%.

Rượu, thuốc lá, chất béo... là nguy cơ hàng đầu

Rượu, thuốc lá đã được biết từ lâu có mối liên hệ với người bệnh ung thư thực quản, ung thư dạ dày. Tuy nhiên chưa có báo cáo nào đủ sức thuyết phục.

Nghiên cứu gần đây của Viện Ung thư Sloan - Kettering (New York, Mỹ) trên 1.143 người bệnh ung thư thực quản, ung thư dạ dày và 695 người bình thường khỏe mạnh trong khoảng năm 1993-1995 ở Mỹ cho thấy, có mối liên hệ chặt chẽ giữa thói quen sống và nguy cơ ung thư thực quản, dạ dày.

Nhóm người bệnh ung thư thực quản đoạn 2/3 trên, mô bệnh học là carcinom tế bào gai thường có thói quen uống rượu nhiều (nguy cơ ung thư 72%); uống nhiều rượu kèm thêm hút thuốc lá và ít ăn rau xanh, trái cây (90%).

Nhóm người bệnh ung thư thực quản đoạn 1/3 dưới, mô bệnh học là carcinom tuyến là các đối tượng thừa cân, mập phì (nguy cơ 41%); người hút thuốc lá có thêm thói quen ít ăn rau xanh, trái cây và có hội chứng trào ngược dạ dày (40%).

Ở nhóm người bệnh ung thư dạ dày vùng tâm vị, những người hút thuốc lá chiếm 45%, hút thuốc và dư thừa cân chiếm 55%.

Nhóm người bệnh ung thư dạ dày ở các vị trí khác có yếu tố nguy cơ do ăn thức ăn hong khói, chứa nhiều nitrite là 41%.

Sự gia tăng số người mắc bệnh ung thư thực quản, dạ dày ở các nước phương Tây trong thời gian qua có mối liên hệ chặt chẽ với thói quen ăn uống như: hút thuốc, uống rượu nhiều, ăn nhiều thịt mỡ, ít rau xanh, trái cây và cả những người béo phì. Để phòng và giảm nguy cơ ung thư thực quản, dạ dày, cần vận động và phổ biến giáo dục mọi người chú ý khắc phục các thói quen sống có hại kể trên.
 

BS.Trần Chánh Khương, NLĐ

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Thuốc nguy hại cho trẻ nhỏ (08/10/2003)
Điều trị bệnh gút (07/10/2003)
Một số bệnh lây truyền từ mẹ sang con (07/10/2003)
Suy thận mạn và thời điểm cần lọc máu (07/10/2003)
Có nên sinh mổ? (06/10/2003)
Các loại rối loạn giấc ngủ (06/10/2003)
Giải đáp thắc mắc về bệnh béo phì (04/10/2003)
Tự theo dõi và bảo vệ mình khi có thai (04/10/2003)
Chữa bệnh 'máu trắng' trẻ em (04/10/2003)
Hạn chế triệu chứng của bệnh suy tĩnh mạch (03/10/2003)
Trị lang ben (02/10/2003)
Nguời bệnh nhồi máu cơ tim nên ăn uống gì? (02/10/2003)
Để cá làm lợi cho sức khoẻ (02/10/2003)
Nuôi dưỡng người bệnh ung thư (01/10/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang