Tránh ngộ độc khi chăm sóc răng miệng bằng Fluor
08:27' 09/10/2003 (GMT+7)

Không phải lúc nào chất phòng chống sâu răng và làm khoẻ răng này cũng tốt. Khi nuốt quá liều Fluor, người ta thấy buồn nôn, vã mồ hôi, đau thắt bụng, tiêu chảy và buộc phải được cấp cứu ngay. Để loại hoá chất này không gây hại cho sức khoẻ, cần học cách sử dụng đúng.

 

Trong thiên nhiên, Fluor luôn ở trạng thái kết hợp với một chất khác như calci, phosphate hoặc ở trạng thái hòa tan trong nước với tỷ lệ nhỏ. Ở dạng thực phẩm, Fluor có trong cá biển, trà, rau, mễ cốc (đậu, ngô...), trong xương răng của con người và động vật. Fluor có vai trò rất quan trọng trong việc phòng chống sâu răng, làm răng cứng chắc hơn. Tuy nhiên nếu sử dụng không đúng có thể sẽ dẫn đến tình trạng ngộ độc Fluor.

Fluor và men răng

Men răng là tổ chức cứng nhất của cơ thể. Thành phần chủ yếu của men răng là apatit, chiếm đến 96%. Fluor là nguyên tố không mùi vị, có khả năng ngấm vào men răng, biến các apatit thành fluoroatit, làm cho men răng cứng chắc hơn và ít bị hòa tan trong acid nên phòng được sâu răng.

Trẻ từ khi mới sinh cho đến 7-8 tuổi, nếu cơ thể hấp thu tốt Fluor qua nước uống, sữa, muối, viên Fluor... thì Fluor sẽ ngấm vào men răng. Sau 7-8 tuổi nếu dùng kem đánh răng hoặc nước súc miệng có pha Fluor thì các ion Fluor có thể ngấm thêm vào men răng cho đến 12-15 tuổi.

Như vậy Fluor chỉ có khả năng ngấm vào men răng tốt nhất trong khoảng từ 7-15 tuổi.

Các dạng fluor


Fluor ngấm vào men răng bằng hai đường: khi dùng toàn thân và dùng tại chỗ.

Fluor dùng toàn thân: Là loại Fluor hấp thu vào cơ thể bằng đường tiêu hóa như Fluor trong nước uống, muối ăn, Fluor viên, Fluor giọt... Không được áp dụng cùng lúc 2 biện pháp dùng Fluor toàn thân trở lên, mà chỉ dùng một biện pháp (hoặc uống nước Fluor hóa, hoặc ăn muối có Fluor, hoặc uống viên hay giọt có Fluor...).

Fluor hóa nước uống là một biện pháp ít tốn kém nhưng hữu hiệu và an toàn nhất để giảm sâu răng trong những nhóm dân cư lớn. Từ 10 năm nay, nước máy của TP.HCM đã có hàm lượng Fluor đúng tiêu chuẩn.

Fluor dùng tại chỗ:
Gồm Fluor thoa trực tiếp vào men răng, kem đánh răng có Fluor, nước súc miệng có Fluor pha loãng 0,2% (mỗi tuần súc một lần), nước Fluor 0,05% (có thể súc hàng ngày). Nên thận trọng khi dùng Fluor tại chỗ đối với trẻ dưới 6 tuổi vì chưa kiểm soát được phản xạ nuốt, dễ gây ngộ độc.

Chú ý: Tốt nhất chỉ dùng 1 biện pháp toàn thân và 1 biện pháp tại chỗ.

Xử trí khi nuốt phải Fluor

Triệu chứng quá liều Fluor:
- Cảm thấy có vị mặn hoặc có mùi xà phòng.
- Nước miếng tiết ra nhiều.
- Buồn nôn, đau thắt vùng bụng.
- Nôn, tiêu chảy.
- Ra mồ hôi nhiều và khát nước.

Xử trí:
- Cho uống thật nhiều sữa.
- Lấy ngón tay ấn vào đáy lưỡi gây phản xạ nôn, cho nôn càng nhiều càng tốt. Nôn đến khi ra nước trong mới thôi.
- Cho bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu ngay.

Kết quả dùng Fluor với sâu răng

Fluor toàn thân: Dùng Fluor hóa nước uống giảm sâu răng 60-65%; Fluor viên (hoặc giọt) 20-40%.
Fluor tại chỗ: Bôi trên răng giảm sâu 30-40%, súc miệng 25-40%, dùng kem đánh răng giảm 15-25%.

BS. Bùi Thị Xuân Phương, Sức khoẻ & Đời sống

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Một số thói quen làm tăng ung thư thực quản và dạ dày (08/10/2003)
Thuốc nguy hại cho trẻ nhỏ (08/10/2003)
Điều trị bệnh gút (07/10/2003)
Một số bệnh lây truyền từ mẹ sang con (07/10/2003)
Suy thận mạn và thời điểm cần lọc máu (07/10/2003)
Có nên sinh mổ? (06/10/2003)
Các loại rối loạn giấc ngủ (06/10/2003)
Giải đáp thắc mắc về bệnh béo phì (04/10/2003)
Tự theo dõi và bảo vệ mình khi có thai (04/10/2003)
Chữa bệnh 'máu trắng' trẻ em (04/10/2003)
Hạn chế triệu chứng của bệnh suy tĩnh mạch (03/10/2003)
Trị lang ben (02/10/2003)
Nguời bệnh nhồi máu cơ tim nên ăn uống gì? (02/10/2003)
Để cá làm lợi cho sức khoẻ (02/10/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang