Thuận tiện và đẹp hơn với kính áp tròng
10:49' 27/10/2003 (GMT+7)

Trước con số 75 triệu người trên hành tinh, trong đó 31 triệu ở Mỹ đeo kính áp tròng, khó có thể nghĩ sử dụng loại kính này là việc vất vả. Ngoài việc đem lại sự thuận tiện và thị lực gần như thật, người đeo còn có thể lựa chọn nhiều loại kính tuỳ nhu cầu và sở thích riêng. Dưới đây là những thông tin bổ ích về kính áp tròng giúp bạn có sự lựa chọn tối ưu.

Kính áp tròng không gây trở ngại cho sinh hoạt và thẩm mỹ.

Cấu tạo và đặc tính của kính áp tròng

Kính áp tròng có hình lòng chảo với kích thước to hơn lòng đen của mắt một chút đảm bảo bao trọn lấy mống mắt. Độ lõm của kính áp tròng được thiết kế đúng bằng độ lồi của cầu mắt, do đó khi đưa kính vào mắt, kính sẽ tự động được hút vào đúng vị trí và nằm nguyên tại đó. Đưa mắt lên, xuống, sang trái, sang phải, kính cũng di chuyển theo mắt giúp cho người đeo cảm giác như đang nhìn bằng mắt thật của mình.

Kính áp tròng được cấu tạo bằng các loại chất liệu (Plastic) đặc biệt, mềm để không gây hại cho mắt. Những loại chất dẻo này có đặc tính ngậm nước nên khi đeo cũng như khi không sử dụng, phải đảm bảo kính không bị khô.

Kính bị khô lúc đang đeo sẽ gây khó chịu cho mắt, khi đó người đeo cần nhỏ một loại thuốc nhỏ mắt chuyên dụng để làm ướt kính. Trung bình, một người đeo kính nhỏ loại thuốc này 5-6 lần một ngày. Còn khi tháo kính ra, không sử dụng phải được làm sạch và ngâm vào một loại dung dịch đặc biệt để bảo quản. Việc rửa và ngâm kính cần được tiến hành thường xuyên, hàng ngày để đảm bảo vệ sinh cho kính và mắt.

Lợi ích của kính áp tròng

-
Đối với những người có mắt bị mắc các tật khúc xạ, kính áp tròng giúp nhìn mọi vật thật nhất (giống như khi nhìn bằng mắt tốt tự nhiên) mà không có tác dụng phụ khi đeo. Do đó, nên đeo kính áp tròng để làm các việc đòi hỏi thị lực tốt như chơi thể thao, lái xe...

- Kính áp tròng đem lại sự thuận tiện và tự tin hơn cho những ai cảm thấy đeo kính gọng không hợp, không đẹp, hoặc những người sinh hoạt trong môi trường không nên đeo kính gọng.

-
Nhiều người e ngại việc mổ chữa các tật khúc xạ theo phương pháp laser có thể gây nguy hiểm và tốn kém, thì kính áp tròng là một lựa chọn an toàn và hiệu quả.

-
Ngoài ra, các loại kính áp tròng màu giúp bạn có thể thay đổi màu mắt một cách tự nhiên và hợp thời trang.

Các loại kính áp tròng và ưu điểm

Kính áp tròng được chia làm nhiều loại nhưng có thể chia làm hai loại chính: Loại kính áp tròng mềm (soft) và kính áp tròng RGP (Rigid Gas Permeable) làm bằng chất liệu dày và cứng hơn. Riêng kính áp tròng mềm cũng có nhiều loại tuỳ theo thời gian và hình thức sử dụng.

Loại kính mềm đeo ban ngày:

Loại này được làm bằng chất dẻo mềm, cho phép oxy lọt qua kính để tới mắt. Ưu điểm:
- Mắt khi mới đeo nhanh thích ứng với kính.

- Dễ chịu hơn và không dễ bị dịch chuyển trong mắt so với kính RGP.
- Có loại kính có màu nhẹ (để dễ phát hiện và tìm kính khi bị rơi) và loại hai tròng.
- Phù hợp với lối sống năng động.
- Mặc dù cần rửa và bảo quản cẩn thận nhưng các sản phẩm chăm sóc kính hiện nay lại rất sẵn, thuận tiện và hiệu quả.

Loại kính mềm đeo ban ngày, chỉ dùng một lần:

Loại này được thiết kế để sử dụng một lần duy nhất trong một ngày, đến tối bỏ đi và thay đôi kính mới. Ưu điểm:
- Đặc biệt không cần bảo quản, chăm sóc kính.
- Luôn đảm bảo kính trong và sạch khi thay mới.
- Phù hợp với cuộc sống năng động.

Loại kính mềm đeo qua đêm:

Có thể đeo kính này qua đêm. Kính được làm từ chất liệu mềm, dẻo, giúp oxy lọt qua kính để tới mắt. Ưu điểm:
thể dùng trong 7 ngày mà không cần tháo ra.

Loại kính mềm đeo qua đêm, chỉ sử dụng một lần:

Dùng loại kính này để đeo liên tục từ 1 đến 6 ngày (qua đêm) mà không cần tháo ra, sau đó thì vứt bỏ. Ưu điểm: Không cần chăm sóc và rửa kính, nếu có thì cũng rất ít. Hơn nữa, có loại kính màu và 2 tròng.

Loại kính mềm (đeo ban ngày hoặc qua đêm), thay định kỳ:

Cũng là kính mềm nhưng không bỏ đi sau một lần sử dụng mà thay kính định kỳ 2 tuần, 1 tháng, hoặc 3 tháng. Ưu điểm: Đảm bảo kính trong và sạch khi thay mới. Phù hợp với mắt của nhiều người.

Kính áp tròng cứng RGP:

Làm bằng chất liệu cứng hơn nhưng vẫn đảm bảo độ dẻo, cho phép oxy lọt qua kính tới mắt. Ưu điểm: Thị lực tốt hơn (nhìn sắc nét hơn) khi đeo các loại kính mềm.

- Dễ đeo và dễ bảo quản.
- Thời gian sử dụng dài (1-2 năm).
- Có loại kính màu và 2 tròng.
- Có loại đeo ban ngày và đeo qua đêm
.

Trẻ em có đeo được kính áp tròng?

Nhiều cha mẹ nghĩ rằng con mình còn nhỏ không thích hợp với việc đeo kính áp tròng vì sợ kính áp tròng làm hỏng mắt các cháu. Thực tế lại không phải như vậy. Trẻ bao nhiêu tuổi trở lên có thể đeo kính áp tròng không phụ thuộc vào cấu tạo của mắt mà tuỳ thuộc vào khả năng nhận thức của trẻ cũng như của cha mẹ để có những biện pháp vệ sinh chăm sóc kính và mắt thích hợp. Có những đứa trẻ mới lên 8 đã đeo được kính áp tròng vì các cháu đủ lớn để biết cách đeo cũng như bảo quản kính.

Ngược lại, trẻ 14, 16, thậm chí 20 tuổi cũng không nên đeo kính áp tròng nếu chúng chưa hiểu biết đầy đủ về việc đeo kính. Do đó, khi quyết định có cho trẻ đeo kính áp tròng hay không, phụ huynh nên đưa con đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn chính xác cho từng trường hợp cụ thể.

L
ưu ý khi sử dụng

-
Khi sử dụng kính áp tròng, bạn nên đi khám các bác sĩ chuyên khoa mắt đều đặn 1 năm 1 lần hoặc nhiều hơn nếu bác sĩ yêu cầu.

- Chỉ sử dụng các loại kính áp tròng do các hãng tin cậy sản xuất, được sự phê duyệt của các cơ quan quản lý y tế địa phương.

- Không đổi kính áp tròng với người khác.

- Không đeo kính lâu hơn thời gian quy định trong ngày và không đeo kính khi đi ngủ trừ khi có hướng dẫn cụ thể.

- Thay kính theo đúng hướng dẫn, không được dùng kính quá thời hạn sử dụng.

- Nếu thấy mắt đỏ hoặc đau, lập tức tháo kính và có thể đi khám bác sĩ chứ không nên cố chịu đựng cho qua cơn đau.

- Với không khí ô nhiễm và bụi bặm như ở Việt Nam, đeo kính áp tròng đi đường nên đeo thêm một chiếc kính trắng hoặc kính râm có gọng ra ngoài để tránh bụi bẩn vào kính, gây ngứa và đau mắt.

Trang điểm khi đeo kính áp tròng

-
Chỉ bắt đầu trang điểm sau khi đã đeo kính áp tròng.
- Tháo bỏ kính trước khi tẩy trang, tránh các loại tẩy trang có chứa nhiều kem và dầu.
- Nếu muốn dùng các sản phẩm xịt như nước xịt tóc, nước hoa hoặc khử mùi dạng xịt... thì nên xịt trước khi đeo kính áp tròng.
- Luôn rửa sạch tay bằng xà bông có độ xút nhẹ trước khi chạm tay vào kính.
- Nên sử dụng các loại mỹ phẩm có đề bên ngoài là ''không gây dị ứng - hypoallergenic'', ''dùng cho người đeo kính áp tròng'' hoặc ''dùng cho mắt nhạy cảm''.
- Tránh sử dụng các loại mỹ phẩm không có nhãn hiệu, tên tuổi.
- Thay vì những loại mỹ phẩm chứa dầu và kem, nên dùng các loại mỹ phẩm có thể tan trong nước.
- Kẻ mắt bằng chì mềm để tránh chì bị gãy vụn rơi vào mắt.
- C
họn các loại mascara không ngấm nước. (water-resistant).
-
Không nên dùng chung hoặc đổi mỹ phẩm và các loại chổi với người khác.
- Nếu có thể, thay mới mỹ phẩm và chổi 3 tháng một.
- Không nên trang điểm khi mắt đang bị đỏ, đau hoặc nhiễm trùng.

(Quỳnh Anh - Theo Contactlenscouncil.org)

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Nước quả bưởi làm tăng độc tính của nhiều thuốc (27/10/2003)
Mật ong - dưỡng chất, vị thuốc kỳ diệu (25/10/2003)
Cẩn thận với các chất độc trong thức ăn (24/10/2003)
Giãn, viêm tĩnh mạch có nguy hiểm? (24/10/2003)
Vợ chồng lệch vẫn có thể hạnh phúc (23/10/2003)
Yếu sinh lý do thiếu testosteron? (23/10/2003)
Chữa sai khớp khuỷu (23/10/2003)
Có nên dùng thuốc đau dạ dày lúc mang thai? (23/10/2003)
Vận động thể lực quá mức có thể bị đột tử (22/10/2003)
Thuốc corticoid dạng xịt mẹ dùng có nguy hiểm cho thai nhi? (21/10/2003)
Khó thở và cách xử trí (21/10/2003)
Bệnh tinh hồng nhiệt (20/10/2003)
Khắc phục hội chứng kích thích ruột (20/10/2003)
Cảnh giác với Hội chứng ngôi nhà bệnh (20/10/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang