Nên hay không đẻ có gây tê màng cứng?
07:39' 04/11/2003 (GMT+7)

Đau đẻ, nỗi kinh hoàng của nhiều phụ nữ. Gây tê màng cứng là một biện pháp y học giúp chị em vượt cạn ít đau đớn. Nếu ở Việt Nam, thủ thuật này mới chỉ được áp dụng ở một số ít bệnh viện, thì ở Pháp gây tê màng cứng đã trở nên rất phổ biến. Nhưng cũng như các thủ thuật y tế khác, gây tê màng cứng ngoài các ưu điểm còn có không ít hạn chế cần tính đến.

Gây tê màng cứng giúp sản phụ bớt đau đớn và mất sức lúc ''lâm bồn''.

Gây tê màng cứng nhằm ngăn chặn việc truyền cảm giác đau từ gốc thần kinh, giúp giảm hoặc xoá hoàn toàn các cơn đau do co bóp dạ con khi sinh. Trong nhiều trường hợp, gây tê màng cứng giúp cho quá trình trở dạ dễ dàng hơn. Khi được giảm đau, người phụ nữ thấy yên tâm và bớt mệt khi sinh con, kiểm soát tốt hơn quá trình sinh nở và hồi sức nhanh hơn sau khi sinh.

Ngược lại với phương pháp gây mê, gây tê màng cứng giúp sản phụ hoàn toàn tỉnh táo, các co bóp tử cung giảm và sau mỗi co bóp, tử cung được thả lỏng nhanh hơn.

Bác sĩ gây mê hồi sức là người thực hiện thủ thuật này. Một ống thông sẽ được đưa vào cơ thể ở vùng gần thắt lưng. Trước tiên bác sĩ xác định vị trí sẽ cắm ống thông, nằm ở khoảng giữa các đốt sống. Sản phụ để cho bác sĩ thăm khám lưng.

Sau khi đã sát trùng và gây tê cục bộ trên da, bác sĩ sẽ đưa kim vào giữa hai đốt sống. Sản phụ phải ngồi bất động trong lúc này. Khi đã đạt tới vùng cần gây tê, một cây kim sẽ được nối với ống thông. Sản phụ có thể cảm thấy như điện giật nhưng cảm giác đó không kéo dài. Bác sĩ phải kiểm soát nhịp tim và huyết áp của sản phụ và cứ 10 đến 15 phút một lần truyền thuốc tê vào ống thông.

Khi nào cần gây tê màng cứng

Nếu người phụ nữ không chịu nổi cơn đau khi sinh nở, các bác sĩ sẽ khuyên dùng phương pháp gây tê màng cứng. Nhưng trước khi sinh, sản phụ phải tới gặp bác sĩ gây mê để kiểm tra xem sức khoẻ có cho phép họ chịu được thủ thuật này không.

Gây tê màng cứng được chỉ định đặc biệt cho các ca đẻ khó, nhất là khi bào thai có ngôi bất thường. Trong những trường hợp này, đau đớn kéo dài khi trở dạ dễ gây ra tình trạng mất oxy cho thai nhi.

Trường hợp sản phụ bị huyết áp cao, bị tim, hoặc bị động kinh, gây tê màng cứng cho phép tránh tăng huyết áp, hoặc lên cơn động kinh, cơn đau tim khi sinh.

Thậm chí trong trường hợp đẻ khó cần mổ, lúc này gây tê màng cứng có thể trở thành phương tiện gây tê cho ca mổ. Gây tê từ ven có nguy cơ làm giảm nhịp tim và nhịp thở, gây tê màng cứng thì không.

Nhưng đề nghị gây tê lúc nào là nên? Sản phụ có thể quyết định ngay khi bắt đầu trở dạ, hoặc khi cảm thấy không chịu nổi đau nữa. Nên nhớ là sản phụ chỉ cảm thấy giảm đau 15 phút sau khi cắm ống thông.

Sự có mặt của cả một êkíp nữ hộ sinh, bác sĩ gây mê, bác sĩ sản là rất cần thiết.

Chống chỉ định và tác dụng phụ

Cũng như các thủ thuật y tế khác, gây tê màng cứng có các tác dụng phụ, các chống chỉ định và các biến chứng. Tuy nhiên, nếu bác sĩ gây mê là một người có kinh nghiệm thì những vấn đề này không đáng lo ngại.

Trước hết, không phải tất cả 100% trường hợp gây tê màng cứng đều có hiệu quả. Cùng một liều thuốc tê có thể có tác dụng khác nhau đối với các cơ thể khác nhau.

Ở một số hiếm người, có một màng mỏng ngăn ở vùng cột sống, vì thế nên mũi tiêm chỉ có tác dụng ở một bên cột sống. Lúc đó cần tiêm hai mũi để thuốc tác dụng đều sang cả hai bên.

Nếu sản phụ bị nhiễm trùng da nơi cần gây tê, bị bệnh than, bị áp xe hay bị sốt trên 38oC, sẽ không thể thực hiện được gây tê màng cứng.

Nếu sản phụ có bệnh về thần kinh, cần được khám nghiệm kỹ lưỡng để xem có chống chỉ định không trước khi quyết định gây tê màng cứng.

Những biến dạng ở cột sống, thoát vị đĩa đệm không phải lúc nào cũng là chống chỉ định, xong cần phải báo cho bác sĩ biết để thật thận trọng khi đưa kim vào cơ thể.

Gây tê màng cứng có thể khiến sản phụ cảm thấy một số phiền phức như đau đầu sau khi sinh. Nếu lượng thuốc tê đưa vào cơ thể quá lớn, sản phụ sẽ bị mất cảm giác, và không cảm thấy phải rặn lúc thai nhi chuẩn bị lọt lòng. Chính vì thế mà các bà mẹ nên học các bài tập rặn đẻ trước ngày sinh nở. Nếu không, nguy cơ phải dùng tới phốc-xép, hoặc văng-tu (hút chân không) để lấy em bé ra sẽ cao hơn so với các trường hợp đẻ mà không gây tê màng cứng.

Một số sản phụ dùng gây tê màng cứng còn bị đau lưng, nhưng những trường hợp này khá hiếm.

(Quỳnh Anh - Theo Doctissimo.fr)

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Tập tắm nước lạnh thế nào cho tốt? (04/11/2003)
Sau sinh, bao giờ ''gặp chồng'' trở lại? (03/11/2003)
Có "chuyện ấy" trước giờ thi đấu, nên hay không? (03/11/2003)
Sơ cứu ngộ độc cá nóc tại nhà (03/11/2003)
Tác dụng phụ do ngưng dùng thuốc (03/11/2003)
Khám phá vùng nhạy cảm trên cơ thể phái đẹp (01/11/2003)
Chữa gù vẹo cột sống (01/11/2003)
Phòng tránh bệnh hay gặp mùa mưa lạnh (01/11/2003)
Không uống nước tiểu để chữa bệnh tim (31/10/2003)
Khắc phục chứng đau khi chăn gối ở phụ nữ (31/10/2003)
Mỗi lứa tuổi nên tránh thai một kiểu (30/10/2003)
Trị viêm tuyến vú bằng Đông y (30/10/2003)
Bệnh Crohn (30/10/2003)
Viêm lộ tuyến cổ tử cung có ảnh hưởng đến sinh đẻ? (30/10/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang