Đẻ cắt tầng sinh môn, lợi bất cập hại
17:01' 07/11/2003 (GMT+7)
Đến tận đầu những năm 1990, thủ thuật này vẫn được áp dụng cho hầu hết sản phụ lúc lâm bồn. Ngày nay, các bác sĩ thực hiện thủ thuật này một cách thận trọng và có chọn lọc hơn. Các nghiên cứu y học mới nhất tại Mỹ và Pháp đều cho thấy, với đa số trường hợp, cắt tầng sinh môn là một thủ thuật không cần thiết và gây đau đớn lâu dài cho sản phụ.
Thủ thuật cắt tầng sinh môn gây mất máu và đau đớn lâu dài cho sản phụ.

Cắt tầng sinh môn là một thủ thuật thai sản được thực hành từ cách đây 250 năm. Để thực hiện thủ thuật này, người đỡ đẻ cho sản phụ sẽ rạch một đường ở vùng đáy chậu, khoảng giữa âm đạo và hậu môn để mở rộng lỗ ra cho đứa bé. Người ta cũng cho rằng, việc chủ động rạch sẽ tránh được các vết rách lớn nơi âm hộ, giúp cho sản phụ khỏi gắng sức kéo dài và tránh sa dạ con sau này.

Vào những năm 70-80, việc cắt tầng sinh môn được tiến hành với 90-95% sản phụ sinh lần đầu tại Mỹ. Ở Pháp, tỷ lệ này là 80%.

Cắt tầng sinh môn, nên hay không?

Theo những kết luận của công trình nghiên cứu lớn đầu tiên về cắt tầng sinh môn tại Anh, được công bố trên tờ British Medical Journal năm 1984, việc lạm dụng thủ thuật này không mang lại lợi ích nào cho cả em bé lẫn sản phụ. Những thông tin khoa học này khiến Tổ chức Y tế Thế giới phải đưa ra lời cảnh báo vào đầu những năm 90. Theo đó số ca phải cắt tầng sinh môn không được vượt quá 20% các cuộc sinh đẻ. Ngày nay, các nghiên cứu về những tác động lâu dài của việc cắt tầng sinh môn còn chứng minh rằng, thủ thuật này không những không giúp thai phụ khỏi rách âm hộ mà cũng chẳng giúp họ tránh được sa tử cung hay tiểu tiện không tự chủ sau này.

Vì vậy, việc cắt tầng sinh môn nói chung chỉ nên áp dụng trong các trường hợp sau:

-
Đầu bé quá to so với lỗ âm đạo.
- Thai ở vị trí ngôi mông.
- Sản phụ được giúp sinh bằng kẹp forceps hay giác hút.
- Đáy chậu của mẹ thấp.
- Sản phụ không thể điều khiển sức rặn của mình.

Những tác hại có thật của việc cắt tầng sinh môn

Cho tới năm 2000, thủ thuật cắt tầng sinh môn chỉ được áp dụng cho 20% ca đẻ ở Mỹ và 35% ở Pháp. Sau khi nghiên cứu trên 2000 sản phụ ở Mỹ, các nhà khoa học đã kết luận về tác hại của việc thực hiện thiếu cân nhắc và chọn lọc thủ thuật này như sau:

-
Cắt tầng sinh môn gây mất máu tương đương, thậm chí nhiều hơn so với một ca mổ chỉ định.
- Vết cắt tầng sinh môn đau lâu và khó lành hơn so với vết rách tự nhiên.
- Sự toàn vẹn của cơ đáy chậu bị ảnh hưởng do các cơ không được xếp lại đúng chỗ.
- Gây rò âm đạo - hậu môn, dẫn đến đại tiểu tiện không tự chủ.
- Sản phụ đã qua cắt tầng sinh môn sẽ bị đau đớn, khó khăn khi giao hợp cho tới ít nhất 3 tháng sau sinh.
- Đau đớn kéo dài còn ảnh hưởng đến tâm lý người mẹ và việc cho con bú sau này.

Tránh cắt tầng sinh môn thế nào?

- Trước hết, bạn phải nói rõ với bác sĩ hoặc nữ hộ sinh nguyện vọng của bạn rằng bạn muốn tránh cắt tầng sinh môn nếu có thể.

-
Sinh con ở tư thế thẳng đứng, tránh nằm ngửa. Các tư thế như ngồi xổm, quỳ, hay nửa nằm nửa ngồi (có người đỡ) sẽ giúp cho đứa trẻ xổ ra dễ dàng hơn.

- Học cách thả lỏng cơ đáy chậu, cách phình lớp mô âm đạo và đáy chậu, cách hít thở khi có các cơn gò tử cung. Những bài tập này rất đơn giản và bạn có thể tự tập tại nhà nhưng tốt nhất bạn nên đăng ký theo học một lớp tiền sản một vài tháng trước khi sinh.

(Kim Thanh - Theo Doctissimo.com)

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Tại sao chỉ có một thận mà vẫn sống bình thường? (07/11/2003)
Cà chua có nhiều chất chống ung thư (07/11/2003)
Phòng chống tiểu đường bằng món ăn từ đậu (07/11/2003)
Nhiễm mỡ gan do rượu (06/11/2003)
Trị chứng nghiến răng khi ngủ (05/11/2003)
Chăm sóc răng sữa cho trẻ (05/11/2003)
10 câu hỏi liên quan đến vô sinh nam (05/11/2003)
Làm gì nếu muộn có thai do kinh thưa? (04/11/2003)
Chữa bệnh bằng cháy cơm (04/11/2003)
Cách dùng nhân sâm ích trí kiện não (04/11/2003)
Nên hay không đẻ có gây tê màng cứng? (04/11/2003)
Tập tắm nước lạnh thế nào cho tốt? (04/11/2003)
Sau sinh, bao giờ ''gặp chồng'' trở lại? (03/11/2003)
Có "chuyện ấy" trước giờ thi đấu, nên hay không? (03/11/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang