Phát hiện sớm ung thư gan
10:47' 10/11/2003 (GMT+7)

Khi khối u còn nhỏ dưới 5cm, ung thư gan thường không có triệu chứng đặc biệt. Khi u lớn hơn hoặc lan ra các bộ phận khác, bệnh nhân sẽ đau bụng, ăn uống kém, mệt mỏi, sút cân, vàng da, vàng mắt, phù thũng. Khi bệnh phát triển, còn bị một số thay đổi về chuyển hóa toàn thân.

Khối u ở gan một bệnh nhân ung thư.

Ung thư gan thường gặp hơn cả là ung thư tế bào gan; các loại ung thư khác như ung thư ống mật và ung thư mạch máu ít gặp hơn.

Ung thư tế bào gan phát triển từ những tế bào gan ác tính, thường ít gặp hơn ung thư di căn. Nhưng ung thư tế bào gan lại là loại ung thư nội tạng hay gặp nhất là và một trong những nguyên nhân gây tử vong cao ở một số nước khu vực châu Phi và Ðông Nam Á.

Ung thư tế bào gan thường phát sinh trên những bệnh nhân bị xơ gan do virus B và C. Qua nghiên cứu thấy rằng ở những người mang virus B thường không có triệu chứng gì mà nhiễm sắc thể ADN của virus sát nhập vào tế bào gan và dễ dàng biến thành ác tính bất kỳ lúc nào, không nhất thiết bệnh nhân phải viêm gan hay xơ gan. Tuy nhiên, nếu bị xơ gan thì dễ bị ung thư hơn.

Cơ chế biến thành ung thư chưa được biết rõ ràng. Những yếu tố gây ung thư trong môi trường sống cũng có một vai trò nhất định như: ăn phải thức ăn nhiễm nấm độc cũng gây ung thư gan.

Gần đây, người ta thấy viêm gan do virus C (HCV) cũng là một yếu tố gây ung thư gan.
Hai loại virus B và C đều là những yếu tố gây viêm gan rồi gây ung thư gan. Nhưng không có nghĩa là ai bị nhiễm 2 loại virus này đều bị ung thư gan mà có nguy cơ mắc bệnh cao.

Triệu chứng

Cũng như đa số các bệnh ung thư khác, ung thư gan khi còn nhỏ dưới 5cm, thường không có triệu chứng đặc hiệu gì. Khi u phát triển lớn ra hay lan ra các bộ phận khác, làm tắc nghẽn ống mật thì bệnh nhân có thể bị đau bụng, ăn uống kém, mệt mỏi, sút cân, vàng da, vàng mắt, phù thũng.

Đặc điểm của triệu chứng học: ở giai đoạn sớm, có khả năng chữa được thì triệu chứng lại chưa rõ ràng, khó chẩn đoán, nhưng khi triệu chứng rõ ràng hơn thì bệnh đã phát triển mạnh, điều trị lại khó khăn kết quả kém, vì thường u đã to hơn 5cm.

Khi bệnh phát triển, thường có một số thay đổi về chuyển hóa toàn thân trong cơ thể như: hạ glucoza huyết, tăng hồng cầu thứ phát (erythrocytosis), tăng calci huyết, tăng lipit huyết (hyperlipidemia).

Thử nghiệm phát hiện sớm ung thư gan

Do khó chẩn đoán ở giai đoạn sớm nên ở các nước phát triển người ta đã sử dụng một số thử nghiệm và chụp hình hiện đại khác để phát hiện sớm bệnh ung thư gan. Có hai phương pháp thông dụng nhất hiện nay là siêu âm và xét nghiệm máu tìm chất alpha fetoprotein (AFP) ở bệnh nhân bị ung thư. Chất AFP mất đi ngay sau khi trẻ sinh ra, nếu hiện diện ở máu người lớn có nghĩa là có biến đổi về tế bào gan và có tỷ lệ ung thư gan cao.

Tuy vậy, chất AFP trong máu không đặc trưng cho ung thư gan vì có thể cũng tăng ở những người bị viêm gan. Hơn nữa, AFP cũng không nhạy lắm vì có khoảng 20% bệnh nhân bị ung thư gan mà máu vẫn bình thường (nhất là ở những bệnh nhân có u ung thư nhỏ hơn 3cm). Trong những vùng mà HBV lưu hành mãn tính thì phần lớn ung thư gan đều kết hợp với AFP cao rõ rệt.
 
Trong 2 hội nghị gần đây về ung thư gan ở Mỹ, các nhà khoa học đã khuyến cáo về việc phát hiện sớm ung thư gan như sau:

- Bệnh nhân bị xơ gan hay bệnh gan dễ bị ung thư cần làm siêu âm gan và thử máu do AFP hai lần mỗi năm.
- Bệnh nhân có virus viêm gan B trên 35 tuổi hay gia đình có người bị ung thư gan cần thử máu đo AFP và chất men chuyển hóa amin (transaminases AST ALT) mỗi năm 1 lần.
- Chưa có khuyến cáo phát hiện ung thư gan cho bệnh nhân bị virus C mà chưa bị xơ gan.

Các phương pháp điều trị ung thư gan mới

Hiện nay, trên thế giới đã có nhiều phương pháp mới tích cực mạnh dạn trong điều trị ung thư gan như:

Cắt gan toàn bộ kết hợp với ghép gan:

Phẫu thuật này về mặt kỹ thuật có thể tiến hành được (theo tài liệu Mỹ, ghép gan có thể làm được nếu u ung thư nhỏ dưới 5cm và không có trên 3 bướu ung thư trong gan).

Cắt bỏ ung thư gan:

- Nếu bị ung thư mà chưa bị xơ gan nặng thì có thể phẫu thuật cắt bỏ vùng ung thư gan. Nhất là nếu ung thư nhỏ hơn 5cm. Tuy nhiên, sau khi phẫu thuật, 50% ung thư gan có thể mọc trở lại trong vòng 5 năm (thường là vì ung thư có thể đã lan hay đã mọc chỗ khác trước rồi mà lúc mổ không thấy được).

- Phương pháp chích cồn (alcohol) nguyên chất vào ung thư gan cũng hiệu nghiệm: - Trên 90% tế bào ung thư gan chết đi sau khi bị chích cồn. Qua nghiên cứu cho thấy phương pháp chích cồn và mổ cắt ung thư có kết quả tương tự như nhau, nhưng chích cồn không hiệu quả lắm đối với ung thư to hơn 3cm.

- Phương pháp làm nghẽn mạch máu nuôi ung thư bằng cách đặt chất cao su bọt (foam) hoặc vòng xoắn trộn chung với thuốc hóa chất trị ung thư vào mạch máu nuôi gan: Làm như vậy, giúp mạch máu bị nghẽn nên tế bào ung thư bị chết đi vì không tiếp nhận được chất bổ dưỡng cũng như oxy qua đường mạch máu.

Theo tài liệu Cancerologie 2003 của Pháp, có công trình của Tây Ban Nha nghiên cứu trên 112 bệnh nhân điều trị bằng phương pháp này cho thấy: kết quả tăng tuổi thọ được thêm 2 năm. Tỷ lệ này là 63%. Trong khi đó, lô điều trị triệu chứng chỉ được 27%.

GS. Lê Sĩ Liêm, Sức khoẻ & Đời sống

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Trị chứng nhiều mồ hôi nách (09/11/2003)
Trục trặc sức khoẻ của nam giới tuổi trên 40 (08/11/2003)
Thư giãn bằng bấm huyệt (08/11/2003)
Đẻ cắt tầng sinh môn, lợi bất cập hại (07/11/2003)
Tại sao chỉ có một thận mà vẫn sống bình thường? (07/11/2003)
Cà chua có nhiều chất chống ung thư (07/11/2003)
Phòng chống tiểu đường bằng món ăn từ đậu (07/11/2003)
Nhiễm mỡ gan do rượu (06/11/2003)
Trị chứng nghiến răng khi ngủ (05/11/2003)
Chăm sóc răng sữa cho trẻ (05/11/2003)
10 câu hỏi liên quan đến vô sinh nam (05/11/2003)
Làm gì nếu muộn có thai do kinh thưa? (04/11/2003)
Chữa bệnh bằng cháy cơm (04/11/2003)
Cách dùng nhân sâm ích trí kiện não (04/11/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang