Để sinh con không quá nhẹ cân
08:14' 22/11/2003 (GMT+7)

Với cân nặng khi ra đời dưới 2.500g, những trẻ này dễ bị chậm phát triển thể chất và tinh thần, thiểu năng trí tuệ, học hành khó khăn. 60% nguyên nhân đẻ con thấp cân là từ phía bà mẹ.

 

Tình trạng dinh dưỡng trước khi có thai

Cân nặng:

Những bà mẹ thiếu dinh dưỡng, có cân nặng thấp trước khi mang thai dễ đẻ con thấp cân. Các nghiên cứu cho thấy ở nhóm bà mẹ dưới 40kg, tỷ lệ đẻ trẻ thấp cân là 28,6%, trong khi ở nhóm bà mẹ trên 40kg tỷ lệ này là 16,6%.

Chiều cao:

Chiều cao của mẹ thấp cũng có ảnh hưởng đến tỷ lệ đẻ trẻ thấp cân và cân nặng sơ sinh. Các nghiên cứu ở Việt Nam và trên thế giới đều cho thấy tỷ lệ trẻ đẻ thấp cân thường tăng cao ở nhóm bà mẹ có chiều cao dưới 1m45. Chiều cao thấp liên quan đến khung chậu hẹp, đẻ khó, nguy cơ tai biến sản khoa cao.

Chỉ số khối cơ thể (BMI- tính bằng Trọng lượng cơ thể (kg)/Bình phươngchiều cao cơ thể (m)):

Những bà mẹ thiếu năng lượng trường diễn (BMI<18,5), cơ thể gầy yếu thì khi có thai thường không cung cấp đủ dinh dưỡng cho thai nhi.

Ăn uống và bệnh tật khi mang thai

Dinh dưỡng:


Chế độ ăn của mẹ trong thời gian mang thai có liên quan rõ rệt đến cân nặng sơ sinh. Ở thời kỳ bào thai, dinh dưỡng của thai nhi hoàn toàn phụ thuộc vào dinh dưỡng của mẹ. Nếu mẹ ăn uống kém, nguy cơ đẻ con thấp cân sẽ cao. Do vậy nhu cầu dinh dưỡng của mẹ khi có thai đòi hỏi cao hơn mức bình thường nhằm đảm bảo duy trì hoạt động sinh lý, tăng khối lượng máu, dịch mô, nước ối, tử cung, vú, rau thai, dự trữ mỡ để đáp ứng nhu cầu phát triển của bào thai và tạo sữa sau đẻ.

Tăng cân:

Tình trạng dinh dưỡng của mẹ trong quá trình mang thai được thể hiện rõ qua mức tăng cân. Mức tăng cân thường phụ thuộc vào chế độ ăn uống, nghỉ ngơi trước đẻ và tình trạng dinh dưỡng của mẹ trước khi có thai. Mức tăng cân trung bình khoảng 10-12kg. Thai phụ tăng cân ít thường do thiếu hụt dinh dưỡng, ảnh hưởng xấu đến phát triển của bào thai.

Bệnh tật:

Nếu bà mẹ bị nhiễm độc thai nghén, sản giật, tăng huyết áp..., việc phát triển bình thường của rau thai sẽ bị cản trở. Khi mẹ bị nhiễm virus rubella cytomegavirut..., rau thai sẽ bị tổn thương, dẫn đến giảm khả năng nuôi dưỡng bào thai. Mẹ nhiễm ký sinh trùng sốt rét có thể bị tăng cơn co tử cung gây đẻ non hoặc tổn thương bánh rau, cản trở máu nuôi thai gây chậm phát triển trong tử cung.

Các bệnh thận, tim mạch, thiếu máu của mẹ cũng ảnh hưởng đến tuần hoàn máu, giảm cung cấp oxy và các chất dinh dưỡng cho thai, gây nhồi máu rau thai.

Lao động:

Những bà mẹ không được nghỉ ngơi trước đẻ, dinh dưỡng thiếu, lao động nặng dễ sẩy thai, đẻ non hoặc ảnh hưởng đến tăng cân của trẻ trong bào thai.

Những nguyên nhân khác

Tuổi sinh đẻ: Tuổi mẹ dưới 20 và trên 35 có nguy cơ cao đẻ con thấp cân. Ðối với các bà mẹ quá trẻ, cơ thể đang lớn, chưa phát triển hoàn chỉnh, khung chậu hẹp, thai nghén là gánh nặng, dễ gây các biến chứng sản khoa, thiếu máu, nhiễm trùng.

Còn các bà mẹ lớn tuổi, các chức năng trong cơ thể bắt đầu giảm sút, các mạch máu lưu thông kém không đủ nuôi dưỡng bào thai gây chậm phát triển trong tử cung.

Khoảng cách sinh đẻ: Những bà mẹ đẻ dày trong vòng 2 năm sẽ không có đủ dinh dưỡng dự trữ để cung cấp cho thai nhi vì đã phải tiêu hao năng lượng cho lần đẻ trước và nuôi con. Mẹ đẻ nhiều, khoảng cách sinh đẻ ngắn cũng bị ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, dễ sinh con thấp cân.

Tập quán có hại của bà mẹ:

- Hút thuốc lá: Các chất nicotin, carbon monoxide làm giảm vận chuyển chất dinh dưỡng từ máu mẹ sang con, làm giảm hấp thu thức ăn của mẹ ảnh hưởng đến phát triển bào thai.

- Uống rượu: Rượu và các sản phẩm chuyển hóa làm giảm khả năng hấp thu thức ăn. GS. Peacock và cộng sự (1995) nhận thấy rượu có ảnh hưởng đến chức năng gan của mẹ, giảm khả năng vận chuyển axit amin từ mẹ qua rau thai, đồng thời ảnh hưởng đến chức năng nội tiết và hấp thu của bào thai.

Ðể làm giảm nguy cơ đẻ con thấp cân, chị em phụ nữ cần lưu ý chăm sóc dinh dưỡng và sức khỏe cho bản thân để đạt cân nặng và chiều cao hợp lý. Ðối với các bà mẹ có thai, cần bồi dưỡng ăn uống, khám thai đều đặn, nghỉ ngơi trước đẻ, tránh lao động nặng, sinh đẻ kế hoạch; đồng thời phát hiện và điều trị kịp thời bệnh tật trong thời kỳ thai nghén.

PGS. Ðào Ngọc Diễn, Sức khoẻ & Đời sống

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Phụ nữ phẫu thuật thẩm mỹ vú dễ tử vong (21/11/2003)
Khi nào khẳng định mắc bệnh đái tháo đường? (21/11/2003)
Đủ cơ số máu dự trữ phục vụ SEA Games 22 (21/11/2003)
Chuyện bí ẩn từ một xã... sinh đôi (20/11/2003)
6 tỷ đồng cho chương trình dinh dưỡng mầm non (19/11/2003)
Dùng thuốc sai, trẻ bị tai biến gì? (19/11/2003)
Phòng trị chảy máu cam bằng thuốc Đông y (19/11/2003)
30% mẫu nước uống trường học không bảo đảm vệ sinh (18/11/2003)
Phụ nữ dùng estrogen thế nào cho an toàn? (18/11/2003)
Di tinh và di niệu (18/11/2003)
Tự xoa bóp phòng chống phì đại tiền liệt tuyến lành tính (18/11/2003)
Sẵn sàng thực phẩm cho SEA Games 22 (17/11/2003)
Hội chứng buồn chân và cách chữa trị (17/11/2003)
Để có đêm tân hôn tuyệt diệu (17/11/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang