10 câu hỏi về bệnh viêm tắc phế quản phổi mãn tính
11:11' 07/12/2003 (GMT+7)

Bệnh viêm tắc phế quản phổi mãn tính thường ít được biết đến, kể cả người có bệnh. Thời gian ủ bệnh dài và không mấy gây thương tổn khiến bệnh chỉ được phát hiện khi đã ở mức trầm trọng. 

Thở dốc, khó thở, ho: dấu hiệu của viêm tắc phế quản phổi mãn.

Viêm tắc phế quản phổi mãn tính là gì?

Viêm tắc phế quản phổi mãn tính là sự suy giảm lưu lượng hô hấp của phổi. Nguồn gốc của sự suy giảm này là do phổi bị thương tổn và vách các ống phế quản dày lên, dẫn đến việc phế quản ngày càng bị thu hẹp lại. Chuỗi phản ứng này là hậu quả của quá trình tấn công lâu dài của các chất độc hại; chủ yếu là khói thuốc lá (80-90%).

Nhiều người mắc bệnh?

Trái ngược với những gì người ta tưởng, viêm tắc phế quản phổi mãn không phải là căn bệnh hiếm gặp. Khoảng 5-10% người trưởng thành mắc căn bệnh này. Ở Pháp, con số bệnh nhân dao động 2-4 triệu người, trong đó khoảng 30.000 người đã bước vào giai đoạn thiểu năng hô hấp mãn tính, phải điều trị ở nhà bằng liệu pháp oxy hoặc được trợ giúp bằng máy thông khí phổi. Mỗi năm, có khoảng 15.000 người chết vì căn bệnh này.

Theo dự đoán của Tổ chức Y tế Thế giới, tới năm 2020, viêm tắc phế quản phổi mãn sẽ là căn bệnh gây tử vong nhiều thứ ba trên thế giới.

Phụ nữ dễ nhiễm bệnh hơn?

Nam giới và phụ nữ không hề bình đẳng trước các căn bệnh về hô hấp. Do những khác biệt về giải phẫu và hormone mà phụ nữ dễ bị phát bệnh sớm hơn và ở những dạng trầm trọng hơn. Vì thế, nếu trước kia người ta thường gắn bệnh viêm tắc phế quản phổi mãn tính với nam giới, thì giờ đây những con số về nhiễm độc thuốc lá ở nữ giới đã làm thay đổi quan niệm đó. Nếu các đây 10 năm, chỉ có 20% số người mắc bệnh này là phụ nữ thì hiện nay, tỷ lệ này lên đến 40-45% ở Anh và Mỹ.

Xu hướng gia tăng này cũng đang xuất hiện ở Pháp.

Biểu hiện của bệnh?

Những triệu chứng đầu tiên của viêm tắc phế quản phổi mãn tính có vẻ như vô hại: thở dốc khi gắng sức, ho nặng, có đờm vào buổi sáng (giống như viêm phế quản mãn). Những người hút thuốc lá thường coi thường các triệu chứng này. Bệnh càng tiến triển thì người bệnh càng hay khó thở dù chỉ hơi gắng sức.

Nguyên nhân gây bệnh?

Nhiễm độc thuốc lá: 80-90% các ca bệnh là do thuốc lá. Hút thuốc là nguyên nhân trực tiếp gây bệnh viêm tắc phế quản phổi mãn tính, làm bệnh tiến triển nặng hơn và dẫn đến tử vong.

Môi trường độc hại, ô nhiễm: Nguy cơ mắc bệnh rất cao ở những người phải làm việc trong môi trường độc hại (có khí độc, xi măng, dung môi, bụi silic…). Ô nhiễm do khói ôtô và ô nhiễm tại nơi ở tuy khó kiểm soát hơn nhưng cũng là tác nhân gây ra viêm tắc phế quản phổi.

Nhiễm trùng: Nhiễm trùng phế quản - phổi ở trẻ em cũng có thể là nguyên nhân phát bệnh về sau.

Di truyền: Không phải tất cả những người hút thuốc lá đều phải chịu những hậu quả trầm trọng của căn bệnh này. Người ta thống kê, có tới 70% số người nghiện thuốc lá được miễn dịch. Các nhà nghiên cứu cho rằng chính các yếu tố di truyền là nguyên nhân của sự bất bình đẳng này.

Cách nào phát hiện bệnh sớm?

Để phát hiện sớm chứng nghẽn phế quản, cách duy nhất cho đến lúc này là đo lưu lượng hô hấp bằng phế dung kế. Nhưng những người mắc bệnh giai đoạn đầu lại thường đến khám ở bác sĩ đa khoa trong khi thiết bị đo này lại chỉ có ở các bác sĩ chuyên khoa phổi. Tuy nhiên, các thiết bị đo sử dụng trong việc chẩn đoán bệnh hen suyễn ở các phòng khám đa khoa cũng có thể giúp những người hút thuốc phát hiện những bất thường về hô hấp.

Trong trường hợp hô hấp bất thường, người bệnh phải đến khám tại thầy thuốc khoa phổi để xác định tình trạng bệnh của mình. Lý tưởng nhất là người bệnh, đặc biệt là những người hút thuốc lá trên 40 tuổi được cảnh báo trước khi các triệu chứng xuất hiện.

Chẩn đoán viêm tắc phế quản phổi mãn tính thể nào?

Việc chẩn đoán bệnh trước hết dựa vào những thông tin từ phía bệnh nhân (hút thuốc, ho thường xuyên vào buổi sáng, khó thở…). Bác sĩ sẽ khẳng định tình trạng bệnh sau khi xem xét chức năng hô hấp của phổi bằng phế dung kế và nếu cần, sẽ đo nồng độ khí (oxy và cacbonic) trong máu. Các kết quả thu được cho phép xác định bệnh đang ở giai đoạn nào và tiên lượng bệnh.

Chụp X-quang và chụp cắt lớp có thể đánh giá được mức độ nghiêm trọng và tiến triển của bệnh.

Hậu quả của viêm  tắc phế quản phổi mãn tính?

Biến chứng thường gặp là khí thũng, tức là sự suy thoái của các cơ đàn hồi của phổi. Ở giai đoạn cuối, viêm tắc phế quản phổi sẽ dẫn đến thiểu năng hô hấp kéo theo giảm lượng oxy trong máu, ảnh hưởng đến chức năng tim. Đến giai đoạn này thì tới 60% người bệnh phải dùng đến máy thở oxy 15 giờ mỗi ngày.

Tình trạng hô hấp sẽ ngày càng kém đi. Những cơn kịch phát của bệnh có thể dẫn tới tử vong.

Điều trị thế nào?

Điều trước tiên và quan trọng nhất phải làm là ngừng ngay việc hút thuốc lá.

Các loại thuốc sau có thể giúp giảm các triệu chứng của bệnh:

- Thuốc giãn phế quản: giúp mở rộng phế quản, chống khó thở.
- Thuốc cocticoid: chống nhiễm trùng phế quản, dùng dưới dạng xông (hít) giống như thuốc giãn phế quản.
- Chất làm lỏng phế quản cũng có thể có ích đối với người bệnh. 

Phòng và điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp sẽ làm bệnh bớt trầm trọng hơn và tiến triển chậm hơn.

Việc phục hồi chức năng hô hấp của phổi giúp người bệnh đỡ bị đứt hơi và giúp các cơ vận động tốt hơn. Một phác đồ điều trị kết hợp là rất cần thiết. Đôi khi liệu pháp vận động hô hấp cũng giúp người bệnh dễ khạc đờm ra và giúp thông khí phổi.

Khi nào cần phẫu thuật?

Trong một số trường hợp đặc biệt, bệnh nhân được chỉ định mổ. Phẫu thuật khí thũng dành cho các bệnh nhân viêm tắc phế quản phổi mãn ở dạng đặc biệt. Những người này có những bọng lớn ở phần trên của phổi. Tuy nhiên, phẫu thuật này cũng chỉ giúp cải thiện tình trạng bệnh trong thời gian ngắn.

Việc ghép phổi có thể được chỉ định cho những bệnh nhân trẻ nhưng đã ở những giai đoạn cuối của bệnh. Mỗi năm ở Pháp người ta thống kê được khoảng 30 ca ghép kiểu này.

(Kim Thanh - Theo Doctissimo.com)

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Thực phẩm phục vụ SEA Games 22 đã an toàn (07/12/2003)
4 trẻ VN đầu tiên được sang Hàn Quốc mổ tim hở (06/12/2003)
Quần áo chống SARS sẽ có mặt ở Việt Nam (06/12/2003)
Có thêm 28 bộ xét nghiệm nhanh thực phẩm (06/12/2003)
8 bước để khởi động chuyện ấy (05/12/2003)
Chiều cao trung bình của người Việt Nam tăng 2,3 cm (05/12/2003)
Cam quýt – bài thuốc hữu hiệu ngừa ung thư (05/12/2003)
Vì sao trẻ được ăn uống tốt vẫn còi xương? (05/12/2003)
Ngành y tế dốc sức cho một SEA Games không SARS (05/12/2003)
Xây dựng nhà máy sản xuất vaccine tại Việt Nam (04/12/2003)
Ruồi bay trong mắt, có phải do dùng nhiều vi tính? (04/12/2003)
Người bị tiểu đường nên ăn uống thế nào? (04/12/2003)
Bài thuốc của lương y Đặng Quốc Bản có chữa được ung thư? (04/12/2003)
Nam giới suy yếu sinh lý có thể làm cha? (03/12/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang