(VietNamNet) - Đối với các bệnh nhân đau tim, thời gian thực sự là vàng. Càng phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời, hiệu quả sẽ càng cao và nguy cơ tử vong càng giảm.
|
Huyết khối và mảng xơ vữa gây tắc nghẽn hoàn toàn động mạch vành, dẫn tới cơn đau tim. |
Mỗi năm, trên toàn thế giới có hàng triệu người bị cơn đau tim. Căn bệnh chết người này là kẻ thù không đội trời chung của các thầy thuốc. Ngay tại những quốc gia có hệ thống y tế hiện đại, 40% bệnh nhân đau tim bị tử vong, khoảng ½ trong số đó chết ngay trong vòng 1 giờ sau khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên.
Mặc dù đã có nhiều biện pháp điều trị giúp ngăn cản sự tiến triển của cơn đau tim, các thầy thuốc vẫn luôn phải chạy đua với thời gian. Ví dụ, các thuốc làm tan khối máu đông trong động mạch sẽ chỉ mang lại hiệu quả tối đa nếu được sử dụng trong vòng 1 giờ kể từ khi xuất hiện dấu hiệu đầu tiên của cơn đau tim. Vì vậy, biết cách nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo của cơn đau tim có thể giúp làm thay đổi tiên lượng, thậm chí cứu sống bệnh nhân trong gang tấc.
Cơn đau tim là gì?
Cơn đau tim (còn gọi là nhồi máu cơ tim) xuất hiện khi một nhánh của động mạch vành nuôi dưỡng cơ tim đột ngột bị bít tắc bởi một khối máu đông, gây thiếu máu cục bộ. Do bị mất nguồn cung cấp máu, một phần cơ tim sẽ bị chết. Hoại tử cơ tim gây đau ngực và dẫn tới tình trạng bất ổn điện của cơ tim, với biểu hiện rung thất (tâm thất co bóp hỗn loạn, đẩy máu đi không hiệu quả, gây thiếu máu não).
Cơ chế hình thành cơn đau tim
Ở một số bệnh nhân, tại thành trong của động mạch vành có thể xuất hiện các mảng lắng đọng cholesterol (mảng xơ vữa động mạch). Sự tích tụ cholesterol khiến thành động mạch dầy lên, còn lòng của nó thì hẹp lại. Cuối cùng, lòng động mạch sẽ bị hẹp hẳn lại, khiến nó không thể đáp ứng nhu cầu gia tăng về ôxy của cơ tim khi bạn luyện tập hoặc bị kích động về tinh thần. Lúc này, sẽ xuất hiện tình trạng thiếu máu cục bộ khi gắng sức và bệnh nhân có thể cảm thấy đau ngực. Dần dần, khi tình trạng hẹp của động mạch lên tới đỉnh điểm, cơn đau ngực có thể xuất hiện cả khi nghỉ ngơi. Đó có thể là dấu hiệu cảnh báo của cơn đau tim trong tương lai gần.
Vì một lý do nào đó, bề mặt các mảng xơ vữa động mạch có thể bong ra, tạo điều kiện hình thành khối máu đông ngay trên bề mặt mảng xơ vữa này, khiến dòng máu chảy trong động mạch vành bị tắc hoàn toàn, dẫn tới cơn đau tim.
Quá trình hình thành các mảng xơ vữa động mạch thường gia tăng ở những người hút thuốc, cao huyết áp, cholesterol máu tăng, bị bệnh tiểu đường...
Các biểu hiện của cơn đau tim
Cơn đau tim thường thể hiện một cách rất tinh tế, với biểu hiện đau hoặc khó chịu ở ngực. Triệu chứng đau ngực thường rất mơ hồ, mờ nhạt và được người bệnh mô tả như cảm giác nằng nặng, tưng tức hoặc co thắt ở ngực. Trong một số trường hợp, cảm giác đau hoặc khó chịu ở ngực có thể lan tới tận cổ, lưng, hàm, tay và vai.
Các cơn đau tim xuất hiện nhiều nhất vào khoảng 4h tới 10h sáng, thời điểm mà tuyến thượng thận giải phóng vào máu một lượng lớn adrenaline. Khoảng ¼ các cơn đau tim diễn ra một cách thầm lặng, không có biểu hiện đau ngực. Ở bệnh nhân tiểu đường, tỷ lệ cơn đau tim thầm lặng có thể còn cao hơn nhiều.
Ngoài triệu chứng đau ngực, người bệnh có thể cảm thấy:
- Đột nhiên bị tê hoặc yếu ở mặt, cánh tay hoặc chân, nhất là nếu chúng xuất hiện ở cùng một bên
- Đột nhiên bị lẫn, không nói được hoặc không hiểu điều người khác nói
- Đột nhiên nhìn mờ ở một hoặc cả 2 mắt
- Đột nhiên không bước đi được, chóng mặt, mất thăng bằng hoặc mất khả năng phối hợp động tác
- Đột nhiên bị đau đầu dữ dội, không rõ lý do
- Bị ợ nóng, buồn nôn hoặc nôn, khó thở, vã mồi hôi, mệt lả, thậm chí là ngất (những triệu chứng này có thể tồn tại dai dẳng hoặc lúc có lúc không)
Một điều đáng lưu ý nữa là khác với ở nam giới, các cơn đau tim ở phụ nữ thường không đi kèm biểu hiện đau ngực điển hình. Các dấu hiệu hay gặp là ợ nóng, buồn nôn, khó thở, vã mồ hôi, mệt lả.
Đáng tiếc là sau khi xuất hiện những triệu chứng kể trên, rất nhiều nạn nhân đợi hàng giờ rồi mới tìm tới bác sĩ. Lúc này, trái tim họ đã bị tổn thương vô cùng nặng nề. Để tránh kết cục nói trên, tốt nhất là hãy ngay lập tức gọi xe cấp cứu nếu bạn nghi mình hoặc người thân có biểu hiện của cơn nhồi máu cơ tim.
Cơn đau tim được chẩn đoán thế nào?
Chẩn đoán ban đầu được thực hiện dựa trên bệnh cảnh lâm sàng và những thay đổi điện tâm đồ. Dựa vào điện tâm đồ, bác sĩ có thể xác định khu vực cơ tim bị thiếu máu và hoại tử. Tuy nhiên, chẩn đoán xác định nhồi máu cơ tim chỉ có thể được đưa ra nhiều giờ sau, nếu thấy hàm lượng của một số enzyme trong máu (creatine kinase và troponin) tăng cao. Chính các tế bào bị hoại tử của cơ tim đã giải phóng những enzyme này vào máu tuần hoàn. Chẩn đoán sớm và được điều trị ngay lập tức là yếu tố quan trọng nhất, quyết định tiên lượng bệnh.
Và điều trị ra sao?
Mục tiêu tức thì của điều trị là nhanh chóng làm thông động mạch bị tắc và phục hồi dòng máu nuôi dưỡng cơ tim (tưới máu trở lại cho tim). Một khi động mạch đã thông, cơn đau tim bị chặn đứng, người bệnh sẽ không thấy đau ngực nữa. Tưới máu trở lại sớm sẽ làm giảm hậu quả của cơn đau tim và bảo toàn chức năng co bóp của tim. Trái lại, sự chậm trễ trong tưới máu trở lại có thể dẫn tới hoại tử không hồi phục tế bào cơ tim và giảm khả năng đẩy bóp của các cơ còn lại. Người bệnh được lợi nhiều nhất nếu việc tưới máu trở lại được thiết lập trong vòng 4-6 giờ đầu của cơn đau tim.
Các phương pháp điều trị bao gồm: phẫu thuật nong động mạch vành, dùng thuốc làm tan cục máu đông, thuốc chống kết dính tiểu cầu (aspirin), thuốc giãn mạch (nitroglycerin)… Điều trị càng sớm thì hiệu quả càng cao. Ví dụ, các thuốc làm tan cục máu đông sẽ không còn tác dụng nếu dùng sau 6 giờ kể từ khi cơn đau tim khởi phát, vì tất cả các tổn thương cơ tim đều đã xuất hiện rồi.
Những điều cần ghi nhớ về cơn đau tim
- Cơn đau tim xuất hiện khi huyết khối làm nghẽn hoàn toàn động mạch vành - mạch máu nuôi cơ tim.
- Cơn đau tim có thể làm chết một phần cơ tim.
- Cơn đau tim thường gây đau ngực, suy tim và bất ổn điện tim. Về phần mình, mất ổn điện tim lại dẫn tới rối loạn nhịp tim nặng, đe dọa tính mạng người bệnh.
- Điều trị cơn đau tim bao gồm:
+ Ngay lập tức dùng thuốc làm tan khối máu đông và phòng ngừa hình thành huyết khối mới.
+ Phẫu thuật nong động mạch vành để lưu thông động mạch bị tắc.
+ Dùng thuốc giãn mạch.
- Việc sớm tái lưu thông động mạch vành bị tắc giúp làm giảm lượng cơ tim bị hoại tử, giảm độ nặng của cơn nhồi máu cơ tim và cải thiện tiên lượng bệnh.
- Các yếu tố nguy cơ gây cơn đau tim gồm: hút thuốc, thừa cân, ít vận động, huyết áp cao, cholesterol máu cao, tiểu đường.
|
|