Bệnh thuỷ đậu và cách xử trí
08:48' 18/06/2003 (GMT+7)
Những nốt ban hồng đường kính vài mm biến thành phỏng nước rất ngứa, lan khắp cơ thể. Bệnh thường xuất hiện ở trẻ em chưa chủng ngừa, gây sốt, mệt mỏi, khó chịu, kém ăn nhiều ngày. Người lớn bệnh nặng có thể tử vong nếu không được chăm sóc đúng.
Phỏng nước bị gãi vỡ có thể tạo thành những vết loét lớn trên da

Bệnh thủy đậu (trái rạ) do virus Varicelle Zoster gây nên, có thể bị quanh năm nhưng thường gặp nhiều khi thời tiết thay đổi. Bệnh xảy ra phần lớn ở trẻ em (90%), lây lan cao qua đường hô lấp (80-90%) và chỉ lây cho người lần đầu mắc bệnh vì có tính miễn dịch rất cao, ít khi bị bệnh lần 2. Bệnh thường lành tính ở trẻ em, nhưng khá nặng khi gặp ở người lớn với tỷ lệ tử vong 2-25/100.000.

Thời kỳ ủ bệnh thủy đậu chừng 10-21 ngày, sau đó là 1-2 ngày sốt nhẹ, mệt mỏi, nhức đầu, khó chịu, kém ăn... Dấu hiệu để nhận biết bệnh là các nốt ban hồng đường kính vài mm, sau đó xuất hiện các phỏng nước trên toàn thân của trẻ. Đặc biệt, các nốt phỏng có thể có ở niêm mạc miệng, thực quản đường hô hấp trên và kết mạc, rất ngứa rối sẽ xẹp dần và khô sau chừng 4 ngày do nước bị cơ thể hấp thu lại.

Các nốt thủy đậu mọc làm nhiều đợt nên ta có thể thấy đồng thời trên cơ thể nhiều giai đoạn khác nhau của ban phỏng nước, tập trung ở thân mình nhiều hơn ở chi và mặt (đây là điểm khác biệt so với bệnh đậu mùa). Bệnh rất dễ lây do tiếp xúc trực tiếp hay lan truyền qua đường hộ hấp bởi nước bọt và các chất tiết đường hô hấp do người bệnh ho, hắt hơi... trong thời gian 2 - 5 ngày trước khi phát ban và kéo dài đến khi nốt đậu đóng vẩy.

Do vậy, người bị mắc bệnh cần được cách ly tiếp xúc với người ngoài trong vòng 7-10 ngày và trẻ em dưới 12 tuổi nên được chủng ngừa.

Vì vaccine không có hiệu quả suốt đời và chỉ có hiệu quả phòng bệnh 70-88% nên ngoài việc tiêm chủng ngay sau khi sinh, trẻ em còn cần được tiêm nhắc lại sau 14 tháng. Phụ nữ có thai bị nhiễm bệnh trong thời kỳ đầu mang thai có thể gây ra các dị tật bẩm sinh ở trẻ. Trẻ nhỏ mắc bệnh nhẹ hơn trẻ lớn, với thể thông thường không có biến chứng thì bệnh sẽ tự khỏi trong vòng 10 ngày.

Biến chứng


Các biến chứng hay gặp nhất là bội nhiễm da do nốt phỏng bị vỡ hoặc do trẻ gãi hay dịch nước hóa mủ. Viêm phổi gặp ở 20-30% người bệnh. Biến chứng nặng nhất là viêm não do thủy đậu, gặp ở 0,1-0,2% và thường rất nặng ở người lớn. Các biến chứng như: giảm tiểu cầu, viêm tủy cắt ngang, liệt thần kinh mặt, rối loạn tiểu não, hội chứng Reye, viêm cơ tim, viêm thận, viêm gan, viêm đa rễ thần kinh... ít gặp hơn.

Để chẩn đoán chính xác bệnh thủy đậu, cần phết tổn thương lên kính và soi tìm tế bào đa nhân khổng lồ, phân lập virus từ tổn thương hay sử dụng các phản ứng huyết thanh như ELISA, miễn dịch huỳnh quang, phản ứng kết hợp bổ thể...

Xử trí

- Cách ly ngay người bệnh cho đến khi các nốt thủy đậu đã đóng vảy.
- Giữ vệ sinh thân thể bằng tắm rửa hàng ngày với loại xà phòng sát trùng.
- Ăn uống tăng cường chất bổ để tạo sức đề kháng cho cơ thể.
- Cắt ngắn móng tay, tránh gãi.
- Bôi hoặc uống các thuốc chống ngứa.
- Khi người bệnh sốt cao, cần hạ sốt nhưng không được dùng Aspirin.
- Có thể dùng các thuốc chống virus: Acyclovir, Vidarabin, Lamivudin...

Chữa thuỷ đậu theo Y học cổ truyền

Trường hợp nhẹ: Không cần cho uống thuốc, chỉ kiêng lạnh, kiêng gió, giữ vệ sinh da dẻ thật tốt. Có thể dùng bài thuốc nam: lá dâu 12g, cam thảo đất 10g, kim ngân hoa 12g, kinh giới 6g cho vào ấm sắc lấy nước uống nhiều lần.

Trường hợp nặng (sốt cao, khát nước, mặt đỏ miệng lưỡi tróc, mụn thuỷ đậu dày và to, quầng đỏ, mụn nước đục, tiểu tiện ít và khó: dùng chủ yếu phép thanh nhiệt giải độc. Kim ngân hoa 12g, lá tre 16g, bạc hà 8g, hoa kinh giới 8g, rau diếp cá 16g, cam thảo đất 12g, quả dành dành 8g sắc lấy nước uống. Nếu có ho, thêm 10g lá chanh, 12g lá táo. nếu ăn không tiêu thêm sơn trang, thần khúc 10g.

Điều quan trọng nhất là phải chủ động tiêm vaccine phòng ngừa khi trẻ được 12 tháng và có thể tiêm nhắc lại lúc 12 tuổi. Vaccine có hiệu quả phòng bệnh 95% và ngừa bệnh nặng 100%. Nếu bệnh nhân bị lại, thường nhẹ, không quá nguy hiểm.

TS. Bùi Mạnh Hà, Thanh Niên

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Làm thế nào để cai nghiện thuốc lá? (17/06/2003)
Cẩn thận khi cho ong đốt chữa bệnh (16/06/2003)
Co cứng cơ và cơn Tetanie (16/06/2003)
Ăn uống chữa di tinh (13/06/2003)
Tiểu đường khi mang thai (13/06/2003)
Thận trọng dùng thuốc khi học thi (13/06/2003)
Tại sao nhiều phụ nữ không còn ham muốn? (12/06/2003)
Chữa cận thị bằng phương pháp Lasik (12/06/2003)
Khắc phục thoát vị nghẹt (12/06/2003)
Xử lý mụn rộp (12/06/2003)
Chăm sóc người suy thận mạn (12/06/2003)
Có nên dùng thực phẩm biến đổi gene? (11/06/2003)
Tìm hiểu bệnh viêm gan siêu vi B (10/06/2003)
Chứng... khát nước (10/06/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang