Món ăn phòng chống động thai
10:07' 24/06/2003 (GMT+7)

Vì một lý do nào đó, người phụ nữ đang mang thai thấy ra một chút máu âm đạo, có thể kèm theo mỏi lưng, đau bụng dưới; y học cổ truyền gọi là chứng thai lậu, thai động bất an. Ngoài việc tuân thủ triệt để các biện pháp của y học hiện đại, có thể phối hợp thêm một số món ăn - bài thuốc để bảo vệ bào thai.

 

Thể tỳ thận hư nhược

- Triệu chứng: Âm đạo ra huyết sắc nhợt, lưng đau nhiều, tai ù, đầu choáng, mắt hoa, tiểu tiện nhiêu lần, tiểu đêm nhiều, miệng nhạt, chất lưỡi nhợt. Dùng một số bài thuốc sau:

Bài 1: Hạt sen 60g, sơn thù nhục 45g, gạo nếp 100-150g. Ba thứ rửa sạch, ninh kỹ thành cháo, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: kiện tỳ bổ thận, an thai chỉ huyết.
Bài 2: Hoài sơn tươi (củ mài) 50-100g, gạo nếp 100g. Hai thứ nấu thành cháo, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: kiện tỳ ích khí, bổ thận an thai.
Bài 3: Khiếm thực 30g, hạt sen 30g, gạo nếp 100g. Ba thứ nấu thành cháo, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: kiện tỳ, bổ thận, an thai.
Bài 4: Cật lợn 2 quả, đỗ trọng 12g. Hai thứ nấu chín, ăn cật lợn và uống nước cốt. Công dụng: bổ thận an thai.

Thể khí huyết hư nhược

- Triệu chứng:
Âm đạo ra huyết lượng ít sắc nhợt, sắc mặt nhợt nhạt, mệt mỏi, bụng đầy chướng, lưng đau, hay hồi hộp và hoa mắt chóng mặt, ngủ kém hay mê mộng, chán ăn, đại tiện lỏng loãng, chất lưỡi nhợt. Dùng một trong những bài thuốc dưới đây:

- Bài 1: Hoàng kỳ 30g, sắc kỹ lấy nước nấu với 50g gạo tẻ thành cháo, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: bổ khí, dưỡng huyết, an thai.
- Bài 2: A giao 30g đập nhỏ, sao vàng, tán thành bột; gạo nếp 50g nấu thành cháo rồi hòa bột a giao, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: dưỡng huyết an thai.
- Bài 3: Gà mái nhỏ 1 con, cá mực khô 1 con, gạo nếp 100-150g. Gà làm sạch, bỏ phủ tạng, đem hầm với cá mực lấy nước nấu với gạo nếp thành cháo. Chế thêm gia vị chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: ích khí bổ huyết, chỉ huyết an thai.
- Bài 4: Cá chép con nặng chừng 500g, trữ ma căn (rễ cây gai) 20-30g, gạo nếp 50g. Cá chép làm sạch, chặt khúc nấu với rễ gai lấy nước rồi ninh cùng gạo nếp thành cháo, thêm gia vị, chia ăn hai lần trong ngày. Công dụng: ích khí, dưỡng huyết, an thai.

Thể âm hư nội nhiệt

- Triệu chứng: Âm đạo xuất huyết sắc đỏ tươi , lưng bụng đau chướng, tâm trạng bồn chồn không yên, lòng bàn tay và bàn chân nóng, môi khô họng khát, có cảm giác sốt nhẹ về chiều, đại tiện táo, tiểu tiện đỏ, chất lưỡi đỏ. Dùng một trong số bài thuốc sau:

- Bài 1: Sinh địa 30g, trữ ma căn 30g (nếu tươi dùng 60-90g), gạo nếp 100-150g. Sắc sinh địa và trữ ma căn lấy nước cốt rồi ninh với gạo nếp thành cháo, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: tư âm thanh nhiệt, dưỡng huyết an thai.
- Bài 2: Mộc nhĩ đen 60g, vừng đen 15g. Cho mộc nhĩ vào chảo sao cho đến khi ngửi thấy mùi khét thì thôi; sao thơm vừng đen. Hai thứ tán thành bột, đựng trong lọ kín để dùng dần, mỗi lần lấy 5-6g uống với nước sôi. Công dụng: lương huyết, chỉ huyết, nhuận tràng, an thai.
- Bài 3: A giao 15g, tang bạch bì 15g, gạo nếp 100g, đường đỏ 10g. Sắc tang bạch bì lấy nước nấu với gạo nếp thành cháo, cho a giao đã nướng vào đun sôi một lát là được, hòa đường đỏ, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: bổ huyết tư âm, nhuận táo lương phế, an thai.
- Bài 4: Đậu đen 30g, tục đoạn 30g, gạo nếp 60g. Tục đoạn gói vào túi vải đem ninh với đậu đen và gạo nếp thành cháo, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: bổ can thận, điều khí huyết, an thai.

Bài thuốc dùng chung cho các thể bệnh

- Bài 1: Cuống dưa gang 10 cái, bột gạo 300g. Đặt cuống dưa gang lên viên ngói nung cháy thành than, nghiền bột; bột gạo sao thơm. Hai thứ trộn đều với nhau, uống mỗi ngày 30g với nước ấm. Công dụng: dưỡng huyết, hóa ứ, an thai.
- Bài 2: Hạt sen 50g, dạ dày lợn 1 cái. Hai thứ hầm chín làm canh ăn. Công dụng: bổ khí huyết, an thai.
- Bài 3: Núm bí ngô già 30g, sấy khô, tán vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Công dụng: an thai.
- Bài 4: Trữ ma căn tươi 50g, hồng táo 10 quả, gạo nếp 100g. Sắc trữ ma căn lấy nước nấu với gạo và hồng táo thành cháo, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: bổ thận, dưỡng huyết, an thai.

Cũng như y học hiện đại, y học cổ truyền khuyên phụ nữ đang mang thai nên ăn các thức ăn giàu chất dinh dưỡng nhưng dễ tiêu, không nên ăn các đồ cay.

(Theo Sức khoẻ & Đời sống)

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Rò bàng quang và rò trực tràng - âm đạo (24/06/2003)
Bệnh lo âu (23/06/2003)
Sốt đỉnh núi (23/06/2003)
Nhận biết và xử lý nhiễm khuẩn rốn trẻ sơ sinh (20/06/2003)
Đau khớp háng, bị bệnh gì? (20/06/2003)
Stress làm giảm khả năng cương cứng của đàn ông (19/06/2003)
Chữa bệnh quai bị bằng y học cổ truyền (19/06/2003)
Xử trí khi bị dị ứng thực phẩm (19/06/2003)
Chữa hội chứng thắt lưng chậu (18/06/2003)
Các xét nghiệm bệnh cao huyết áp (18/06/2003)
Viêm xoang trán (18/06/2003)
Bệnh thuỷ đậu và cách xử trí (18/06/2003)
Làm thế nào để cai nghiện thuốc lá? (17/06/2003)
Cẩn thận khi cho ong đốt chữa bệnh (16/06/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang