Ai hay bị chấn thương cơ và xương?
08:52' 26/06/2003 (GMT+7)

Khi bị chấn thương, người ta hay nghĩ đến 2 nguyên nhân: trật gân hoặc gãy xương. Thực ra các chấn thương đều liên quan đến cơ và xương, xảy ra khi các cơ quan này suy yếu do cử động quá mạnh hoặc cơ thể bị nhiều rối loạn. Vận động viên thể thao và người cao tuổi là các đối tượng dễ bị chấn thương nhất.

 

Gãy xương

Khi xương bị gãy, kiểu gãy xương phụ thuộc vào lực tác động đến xương mạnh hay yếu và hướng tác động của lực. Chấn thương có thể chỉ gây rạn xương nhưng cũng có thể làm xương gãy hoàn toàn. Gãy xương mà da vẫn liền gọi là gãy xương kín, nếu các đầu xương gãy xuyên qua da là gãy xương hở.

Những nơi dễ bị gãy là cổ xương đùi, xương quay (một trong hai xương dài ở cẳng tay, ngay sát trên cổ tay), xương đòn, xương sườn, mắt cá, xương thuyền (nằm ở dưới ngón tay cái).

Gãy cột sống

Phần lớn những chấn thương cột sống là hậu quả của một áp lực rất lớn đè lên nó, hoặc do cột sống bị xoắn hay bị oằn quá mức. Nếu gãy xương không ổn định (bị trượt) thì tuỷ sống hoặc các dây thần kinh có thể bị tổn thương vĩnh viễn làm mất cảm giác và những chức năng cơ thể, thậm chí liệt. Loãng xương cũng làm cho cột sống yếu đi, dễ gãy.

Gãy ổn định các đốt sống: Chẳng hạn gãy mỏm ở ngang đốt sống. Nói chung đây là một chấn thương nhẹ vì không làm trượt đốt sống. Loại gãy này thường là hậu quả của một va đập trực tiếp vào các đốt sống thắt lưng. Rất ít khi có tổn thương dây thần kinh.

Gãy không ổn định và sai khớp: Khi cúi xuống hoặc xoay người quá mạnh, các dây chằng cột sống có thể bị rách làm cho đốt sống dễ bị trượt và trồi một phần ra khỏi cột sống. Lúc này, cột sống sẽ ở tình trạng mất ổn định và dễ có tổn thương tuỷ.

Tổn thương dây chằng

Dây chằng là những bó mô-xơ rất khoẻ, ràng buộc các xương với nhau. Nếu các xương của một khớp xê dịch quá nhiều, khi ta cử động mạnh, đột ngột thì một số sợi dây chằng có thể giãn ra và rách, làm sưng nề, đau hoặc co cơ, nặng hơn thì gây sai khớp. Khớp mắt cá hay bị loại chấn thương này nhất.

Rách sụn

Sụn được cấu tạo từ các mô liên kết rất khoẻ, dễ uốn và hơi đàn hồi. Chẳng hạn, trong khớp gối có hai sụn chêm (lớp sụn xơ nằm giữa hai bề mặt khớp) làm nhiệm vụ giảm xóc, bảo vệ cho xương đùi và xương chày (xương cẳng chân) khỏi bị tổn thương khi chịu áp lực quá mạnh.

Rách sụn chêm là do đầu gối bị xoắn quá mức, đây là loại chấn thương hay gặp nhất ở vận động viên bóng đá.

Chấn thương cơ

Các tổn thương cơ thường là hậu quả của vận động quá sức hoặc do co kéo hay xoắn cơ quá mạnh, hay gặp ở vận động viên thể thao. Chẳng hạn khi vận động vai quá mức có thể làm rách cơ đen-ta hoặc cơ ngực ở điểm tiếp xúc với xương cánh tay. Nếu tổn thương sưng, đau và bầm máu là có chảy máu bên trong cơ.

Các vi chấn thương kéo dài

Vi chấn thương kéo dài là những bệnh gây nên bởi việc lặp đi lặp lại nhiều lần một số động tác. Bệnh biểu hiện bằng đau, cảm giác kim châm ở vùng tổn thương, đôi khi các cử động bị yếu và hạn chế. Chẳng hạn, những người đánh máy chữ, sử dụng máy vi tính, khi cử động các ngón tay thấy đau vì các gân gấp và duỗi cổ tay và bàn tay bị kích thích thường xuyên.

Một ví dụ khác là hội chứng ống cổ tay: dây thần kinh giữa ở mặt trước cổ tay bị chèn ép mạn tính làm đau các ngón tay, trừ ngón út.

Viêm gân- bao hoạt dịch và viêm gân

Đây là bệnh của bao xơ bọc quanh gân hoặc bệnh của gân. Viêm gân- bao hoạt dịch là hậu quả của việc lặp đi lặp lại nhiều lần một số cử động hoặc do bao hoạt dịch giãn ra. Viêm gân cũng do các các động tác lặp lại, chà xát mạnh gân với xương liền kề. Chẳng hạn khi chạy bộ hoặc khiêu vũ lâu, ta thấy đau và sưng bàn chân là vì bao gân đã bị viêm. Những người chơi quần vợt rất dễ bị viêm các gân ở vai.

Đứt gân

Cử động đột ngột và mạnh có thể làm tổn thương gân, thậm chí giật đứt gân rời khỏi xương. Nếu một đầu ngón tay bị va đập mạnh thì ngón tay có thể bị gập về phía trước làm đứt gân duỗi bám ở đốt cuối ngón tay.

Viêm các mô mềm


Viêm các mô mềm quanh xương và khớp là một phản ứng với những chất hoá học trong cơ thể khi các chất này xuất hiện sau một tổn thương mô. Các chất hoá học này sẽ kích thích những tận cùng thần kinh có chức năng dẫn truyền đau, làm giãn mạch, làm ứ dịch máu và các bạch cầu sẽ dồn về vùng tổn thương. Những dấu hiệu viêm như sưng, nóng, đỏ, đau xuất hiện.

Điều trị viêm bằng các thuốc chống viêm, thuốc sẽ ngăn cản việc sản xuất các chất hoá học gây viêm làm giảm nhẹ các triệu chứng bệnh.

GS.Phạm Gia Cường, Khoa học & Đời sống

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Phẫu thuật vá màng nhĩ (25/06/2003)
Cháo mùa hè cho người cao tuổi (25/06/2003)
Bệnh sán lá gan nhỏ (25/06/2003)
Nói không rõ tiếng, chữa được không? (25/06/2003)
Chữa bệnh bằng tắm thuốc (25/06/2003)
Món ăn phòng chống động thai (24/06/2003)
Rò bàng quang và rò trực tràng - âm đạo (24/06/2003)
Bệnh lo âu (23/06/2003)
Sốt đỉnh núi (23/06/2003)
Nhận biết và xử lý nhiễm khuẩn rốn trẻ sơ sinh (20/06/2003)
Đau khớp háng, bị bệnh gì? (20/06/2003)
Stress làm giảm khả năng cương cứng của đàn ông (19/06/2003)
Chữa bệnh quai bị bằng y học cổ truyền (19/06/2003)
Xử trí khi bị dị ứng thực phẩm (19/06/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang