Ngứa khi mang thai
09:20' 07/07/2003 (GMT+7)
Trước khi có bầu, bạn ít khi bị ngứa. Từ ngày mang thai triệu chứng này xuất hiện, ngày càng trầm trọng (đặc biệt những tháng cuối thai kỳ) khiến bạn bứt rứt ban ngày, mất ngủ ban đêm. Hãy tìm hiểu cách xử lý để những cơn ngứa không ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ hai mẹ con.

Ngứa khi mang thai xuất phát từ nhiều nguyên nhân:
 
- Do những biến đổi sinh lý khi mang thai trong những tháng cuối thai kỳ: Sự căng giãn da trong những tháng cuối thai kỳ có thể gây rạn da và ngứa ở 20% sản phụ. Tình trạng này thường được gọi là mảng và sẩn mề đay gây ngứa khi mang thai (Pruritic Urticarial Papules and Plaques of pregnancy- PUPP). 
 
Các vị trí thường bị ngứa là vùng bụng (do bào thai phát triển), 2 bầu vú (do mô tuyến vú tăng sinh), cánh tay, mông, đùi (do tích tụ mỡ khi mang thai), cẳng, bàn chân (do sự đè ép của thai lên tĩnh mạch chủ dưới gây ứ trệ tuần hoàn chi dưới, sinh phù chân). 
 
- Do tăng chuyển hóa cơ bản và tăng sinh mạch máu ngoài da khi mang thai: Làm các sản phụ tăng tiết mồ hôi và da trở nên nhạy cảm hơn với những kích thích bên ngoài, chẳng hạn như thời tiết nóng bức, sự cọ sát của quần áo thô ráp, bệnh ngoài da sẵn có... Ngoài ra, đổ mồ hôi nhiều cũng làm xuất hiện rôm sảy, đặc biệt ở những vùng kẽ, nếp gấp da như dưới vú, háng, cổ, gáy, ngực, lưng...
 
- Do thay đổi độ pH vùng âm hộ - âm đạo: Khu vực này trở nên quá kiềm (baz) khi mang thai.
 
- Do tăng nồng độ Estrogen và tăng sinh mạch máu ngoài da: Khoảng 2/3 sản phụ bị ngứa kèm với đỏ lòng bàn tay và lòng bàn chân. Tình trạng này sẽ tự biến mất sau khi sinh.
 
- Viêm nang lông trong thai kỳ (không do vi trùng): Xuất hiện trong tháng thứ 4 đến tháng thứ 9 và gây ngứa ở những vùng có lông như đầu, mặt, nách, bộ phận sinh dục.
 
- Do các bệnh lý mắc phải khi mang thai:
     . Nhiễm nấm Candida vùng sinh dục hay các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác: Ngứa   kèm với cảm giác bỏng rát quanh âm hộ - âm đạo, tiết dịch âm đạo bất thường...
     . Nhiễm trùng da trong thai kỳ như chốc lở dạng Herpes, sẩn ngứa...
     . Nhiễm giun kim hay do bị trĩ khi mang thai: Gây ngứa vùng hậu môn.
     . Dị ứng với thức ăn hay mỹ phẩm.
     . Da khô nhiều.
     . Tắc mật trong gan ở sản phụ: Ðây có thể là triệu chứng của một bệnh gan hiếm gặp (ở 1-2/10.000 sản phụ). Bệnh xảy ra trong 3 tháng cuối thai kỳ và ngứa sẽ ngày càng trầm trọng hơn. Những triệu chứng khác đi kèm như buồn nôn, nôn ói, chán ăn, cảm giác mệt mỏi toàn thân. Bệnh có thể gây sinh non nhưng các dấu hiệu và triệu chứng sẽ khỏi sau khi sinh. Tiến hành các xét nghiệm chức năng gan và Bilirubin/máu sẽ dễ dàng phát hiện bệnh.
 
Biện pháp giảm ngứa đơn giản
 
Dù ngứa do nguyên nhân nào, bạn cũng đừng bao giờ gãi! Hơn nữa, bạn đang chuẩn bị cho ra đời một trẻ sơ sinh nên cần hết sức chú ý chăm sóc da của mình. Ðể làm giảm những triệu chứng khó chịu trên da, các sản phụ có thể thực hiện một số biện pháp sau:
 
- Mặc quần áo bằng vải cotton và rộng rãi (kể cả đồ lót).
- Tránh ra ngoài lúc trời nắng hay ở những nơi nóng bức.
- Biện pháp nhiệt độ: Tắm với nước mát (không quá lạnh) hoặc nước ấm sẽ giúp giảm ngứa (tùy vào sự nhạy cảm nhiệt độ của mỗi người).
- Loại trừ các nguyên nhân gây kích thích do những thay đổi về xà phòng hay dung dịch tẩy rửa. Tránh dùng các loại xà phòng hay dung dịch tẩy rửa mạnh (có nồng độ xút cao), nhiều bọt và quá thơm. Một số trường hợp có thể chỉ được tắm bằng nước chứ không dùng xà phòng. Chọn các loại dầu gội đầu, xà phòng hay dung dịch tẩy rửa có nguồn gốc gần với tự nhiên nhất để bảo vệ sức khỏe của bạn. Ví dụ: Nhỏ vài giọt tinh dầu trà trong nước tắm cũng giúp giảm ngứa và giảm rôm sảy. Tránh dùng các sản phẩm chăm sóc da có chứa dầu khoáng.
- Chế độ ăn nên có thêm dầu ô-liu (chưa tinh luyện) và các thực phẩm giàu vitamin A (dầu gan cá, gan, rau quả, trứng...), vitamin D (cá biển, ánh nắng mặt trời, dầu gan cá, các sản phẩm từ sữa...), acid Linoleic (dầu hạt lanh, dầu cây anh thảo, cá mòi...).
- Ðiều quan trọng nhất là phải uống nhiều nước, từ 1,5-2 lít/ ngày.
- Giảm ngứa do thay đổi pH âm đạo khi mang thai bằng cách: Giữ khô và sạch vùng sinh dục, ngâm rửa vùng sinh dục bằng các thuốc vệ sinh phụ nữ thông thường.
- Dùng các loại cream làm ẩm da và mềm da toàn thân hay tại chỗ để làm mềm, dịu đi làn da khô và bong tróc, chẳng hạn như dầu thầu dầu (không có Hexane), dầu ô-liu, aloe vera gel... Thoa thuốc dạng cream hay Lotion chứa oxid kẽm lên những vùng da bị ảnh hưởng sẽ giúp làm dịu da và giảm ngứa.
- Nếu ngứa và phát ban vẫn không giảm sau khi áp dụng những biện pháp đơn giản trên, bạn phải đi khám bác sĩ để được điều trị đặc hiệu nguyên nhân gây ngứa.
 
Khi nào cần đến bác sĩ?
 
Ðôi khi ngứa là triệu chứng báo động của một bệnh nặng tiềm ẩn, cần đến khám bác sĩ trong những trường hợp sau:
- Ngứa toàn thân kèm với vàng da: Gặp trong Chứng tắc mật trong gan ở sản phụ.
- Phát ban kèm với sốt: Nhiều bệnh nhiễm trùng thường bắt đầu bằng tình trạng phát ban như: Thủy đậu, sốt phát ban do nhiễm siêu vi đường hô hấp, nhiễm Herpes...
- Ngứa hay phát ban (không kèm sốt) và có tổn thương da: Luôn luôn cho thấy có bệnh ngoài da đi kèm như: Chàm, vẩy nến, ghẻ, dị ứng thuốc (đang dùng)...
- Ngứa không kèm với sang thương da: Có thể gặp trong các bệnh toàn thân như bệnh rối loạn chuyển hóa (tiểu đường), bệnh nội tiết (Bệnh tuyến giáp), bệnh ung thư (U lympho bào), dị ứng thuốc, bệnh thận, bệnh huyết học (thiếu máu, u lympho bào)...
- Ngứa kèm với cảm giác bỏng rát quanh âm hộ - âm đạo do nhiễm nấm Candida, bệnh lây truyền qua đường tình dục.
 
Có nên dùng thuốc khi ngứa nhiều?
 
Trong những trường hợp ngứa nhiều, bệnh nhân cần đi khám bác sĩ và tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc. Bác sĩ có thể chỉ định dùng:
 
- Thuốc thoa ngoài da: Thường không nên dùng các loại cream Corticoid để giảm ngứa vì có thể sẽ gây tổn thương thêm ở da và làm ngứa thêm. Dùng Lidocaine Gel giúp giảm ngứa tốt ở âm đạo và an toàn khi mang thai. Một số loại cream hay viên thuốc đặt âm đạo sẽ giúp giảm ngứa nhanh chóng trong những trường hợp nhiễm nấm sinh dục.
- Thuốc uống: Không nên dùng khi mang thai và khi cho con bú các loại thuốc uống kháng histamine (như Cetirizine...), kháng viêm không Steroid (như Indomethacin, Aspirin...). Tuy nhiên, Chlorpheniramine khá an toàn và có thể giúp bệnh nhân ngủ được ban đêm.
 
BS.Huỳnh Bá Long, Sức khoẻ & Đời sống
Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Sử dụng thuốc berberin đúng cách (06/07/2003)
Nốt ruồi nào phát triển thành ung thư? (06/07/2003)
Thế nào là tình dục bình thường? (06/07/2003)
Tầm xuân - loài hoa chữa bách bệnh (05/07/2003)
Tự sử dụng thuốc nhức đầu (05/07/2003)
Món ăn - bài thuốc cho người suy nhược thần kinh (04/07/2003)
 Bệnh nhược cơ có thể gây tử vong đột ngột? (03/07/2003)
Phụ nữ bị bệnh nên tránh thai thế nào? (03/07/2003)
Tia nước mạnh có thể làm rách màng trinh (03/07/2003)
Hô hấp nhân tạo cho trẻ em (03/07/2003)
Ăn gạo lứt muối mè có chữa được bệnh? (03/07/2003)
Tinh dịch màu hồng có nguy hiểm? (01/07/2003)
Tiếng ồn trong tai và hiện tượng lão thính (01/07/2003)
Khô miệng mạn tính ở người cao tuổi (01/07/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang