Phòng ngừa sốc phản vệ gây tử vong
15:34' 06/08/2003 (GMT+7)

Ngay sau khi được tiêm truyền, bệnh nhân nổi mày đay, phù, tắc đường dẫn khí trên, rối loạn tiêu hóa và tử vong rất nhanh. Nhân viên y tế rất có thể giúp người bệnh thoát những cái chết bất đắc kỳ tử này, tránh bị kiện cáo chỉ bằng những động tác cẩn trọng và khá đơn giản trước thủ thuật tiêm.

Tiêm tĩnh mạch- thủ thuật dễ gây sốc phản vệ nhất


Khi bị sốc phản vệ (SPV) bệnh nhân thường có một số triệu chứng sớm: ngứa bàn chân, bàn tay, tê môi và lưỡi, cảm giác nóng ran, vướng ở họng, thắt ngực, có cảm giác sắp chết (khó thở...). Có bệnh nhân ngất hoặc chết ngay không kịp có dấu hiệu của SPV. Huyết áp có thể hơi hạ hoặc đột ngột hạ xuống 0.

Thời gian xuất hiện SPV có thể xảy ra ngay lập tức sau khi dùng thuốc hoặc có thể xảy ra lâu hơn (có thể sau tới 48 giờ). SPV càng xuất hiện sớm càng nặng, có thể gây tử vong ngay.

Nguyên nhân

Các biểu hiện lâm sàng của SPV là do sự phóng thích hàng loạt một số lượng lớn các chất trung gian hóa học như histamin, kinin, leukotrien... Cơ chế kinh điển do phản ứng giữa kháng nguyên và kháng thể. Xử trí SPV bao gồm các loại thuốc chủ yếu là adrenaline, corticosteroid, kháng histamine và bảo đảm khai thông đường dẫn khí.

Các hóa chất trung gian histamin, kinin, leukotrien... gây giãn mạch, tǎng thấm tính thành mạch biểu hiện bằng các triệu chứng lâm sàng phù nề có thể gây tắc đường hô hấp nếu khu trú ở vùng họng và thanh môn. Mẩn ngứa là phù lớp biểu bì nông, phù mạch là phù lớp biểu bì sâu. Phù niêm mạc tiêu hóa gây ra đau bụng, nôn và tiêu chảy. Giãn mạch và thoát vị dịch ra khoảng kẽ làm hạ huyết áp. Co thắt phế quản do co thắt cơ trơn dưới tác dụng của leukotrien.
Tuy nhiên SPV có khi thông qua cơ chế kháng nguyên, kháng thể, mà một số thuốc như opi, các chất iode cản quang curare, dịch truyền, vitamin cũng gây ra biểu hiện SPV.

Tắc đường dẫn khí vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở SPV. Phù thanh quản cũng như sốc, có thể xuất hiện đơn độc gây tử vong, nhưng thường kèm theo phù nề họng. Khi thấy bệnh nhân nói khàn và có cảm giác vướng họng thì lập tức phải dùng adrenaline ngay.

Cơn hen phế quản có thể xuất hiện với ran rít, thường là nhẹ nhưng nếu bệnh nhân có tiền sử hen phế quản thì dễ có cơn hen ác tính.

Thuốc nào nguy hiểm?

Bất kỳ thuốc đưa vào cơ thể theo đường nào cũng gây SPV, nhưng đường tĩnh mạch là nguy hiểm nhất. Điều này cắt nghĩa vì sao vitamin C tiêm tĩnh mạch lại nguy hiểm, còn tiêm bắp hoặc uống lại không gây SPV.

Theo thứ tự có thể xếp mức độ nguy hiểm như sau: tĩnh mạch, động mạch, bắp, dưới da, trong da, uống, màng tiếp hợp, âm đạo, trực tràng và da. Tuy nhiên sự xuất hiện trước, sau, mức độ nặng nhẹ, không nhất thiết theo trình tự trên.

SPV do kháng sinh là một tai nạn điều trị đáng sợ cho cả bệnh nhân và thầy thuốc, trong số đó đáng sợ nhất là nhóm B - talactamin (ví dụ như các thuốc amfoicilin, céfalexin...).

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ SPV do penicillin vào khoảng 4 đến 15/100.000 nhưng chỉ có 1-2 trường hợp chết ngay tại chỗ không kịp cứu chữa. Nếu can thiệp kịp thời trong vòng 30 phút đầu thì SPV có thể khỏi hoàn toàn. Sốc phản vệ do penicillin có thể xảy ra sau nhiều lần tiêm penicillin hoặc tiêm lần thứ 2 sau mũi trước 1-2 tuần. Nhưng có thể xảy ra ngay từ mũi tiêm đầu tiên, ngay từ khi bắt đầu làm test bì. Thậm chí khi vào môi trường không khí có penicillin cũng có người bị SPV. Chính vì vậy hầu hết các nước trên thế giới không còn làm test trừ Việt Nam và Brunei.

Phòng ngừa


Nhằm hạn chế những rủi ro đáng tiếc xảy ra do SPV, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo các trung tâm cấp cứu và những phòng khám có phòng cấp cứu đặc biệt quan tâm vấn đề tiêm truyền với các quy định sau:

- Chuẩn bị sẵn các phương tiện phục vụ cấp cứu khi xảy ra SPV. Đối chiếu để bổ sung ngay những phương tiện và cơ số thuốc dùng trong SPV. Thao tác thường xuyên theo phác đồ cấp cứu SPV mặc dù không có bệnh nhân SPV.

- Với nhân viên y tế, phải thực hiện đúng thông tư số 08/1999-TT-BYT, ngày 4/5/1999 về vấn đề thử phản ứng khi tiêm truyền. Đặc biệt, tìm hiểu tiền sử cơ địa dị ứng của bệnh nhân. Khi đã phải dùng đến đường tiêm truyền, theo dõi chặt chẽ tình trạng bệnh nhân trong những giây đầu, phút đầu.

BS.Hà Hào Hiệp, Sức khoẻ & Đời sống

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Cẩn thận với thuốc tăng khả năng tình dục (06/08/2003)
Những triệu chứng ''êm ả'' đáng sợ của bệnh tâm thần (05/08/2003)
Cách xử trí bong gân (05/08/2003)
Lúc nào nên dùng thuốc hạ sốt? (05/08/2003)
Phát hiện bệnh tật trẻ em qua tiếng khóc (05/08/2003)
10 bí quyết giữ gìn khả năng thụ thai (04/08/2003)
Trị bệnh Aphtes (04/08/2003)
Trẻ sơ sinh bị nhiễm khuẩn có nguy hiểm? (04/08/2003)
Phòng chống chứng chướng bụng (02/08/2003)
Dị ứng tinh thần (02/08/2003)
Hạn chế phiền toái thường gặp khi mang thai (01/08/2003)
Tác động xấu của thuốc lá tới các cơ quan trong cơ thể (31/07/2003)
Béo phì do rối loạn nội tiết (31/07/2003)
Thuốc chữa bệnh viêm đại tràng mạn (31/07/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang