Cách bảo vệ thân nhiệt cho trẻ sơ sinh
09:11' 12/08/2003 (GMT+7)

Khi thấy lạnh, người lớn di chuyển đến vùng ấm hơn, mặc thêm quần áo, lại có phản ứng run để co cơ và sinh nhiệt. Những biểu hiện này không có ở trẻ sơ sinh, cha mẹ vì vậy không chú trọng giữ ấm cho các cháu, vô tình để xảy ra hậu quả đáng tiếc mà nghiêm trọng nhất là tử vong.

Một trẻ sinh non được chăm sóc bằng phương pháp Kangaroo.

Trẻ sơ sinh dễ bị hạ thân nhiệt sau sinh do thay đổi nhiệt độ đột ngột từ môi trường trong tử cung bà mẹ (37oC) ra môi trường ngoài (25-28oC), do tiếp xúc với mặt phẳng lạnh (như bàn cân, giường nằm), do phòng có gió lùa, do sự bốc hơi của nước ối, nước tiểu...

Khi bị lạnh, trẻ sơ sinh sinh nhiệt bằng cách đốt cháy lớp mỡ nâu trong cơ thể. Lớp mỡ nâu này chỉ có ở trẻ sơ sinh, tích tụ nhiều ở quanh cổ, giữa 2 xương bả vai, sau xương ức, quanh mạch máu lớn ở đáy tim và quanh thận; rất nhạy với các kích thích do lạnh.

Trẻ nào dễ bị hạ thân nhiệt?

Lớp mỡ trong cơ thể trẻ sơ sinh được tích tụ trong 3 tháng cuối (đặc biệt sau tuần 34), trẻ non tháng 20-25 tuần có 1% mỡ so với 15% ở trẻ đủ tháng. Trẻ sinh càng non hoặc suy dinh dưỡng bào thai thì tỷ lệ mỡ trong cơ thể càng ít, lớp mỡ nâu cũng ít hoặc không có nên dễ bị hạ thân nhiệt sau sinh.

Ngoài ra, những trẻ sinh ngạt, trẻ bị đói, bị bệnh,... cũng dễ bị hạ thân nhiệt do thiếu oxy và năng lượng để đốt cháy lớp mỡ nâu.

Tại sao cần bảo vệ thân nhiệt cho trẻ sơ sinh?

Nếu bị lạnh kéo dài, trẻ sẽ bị nhiều rối loạn chuyển hóa trong cơ thể mà rất khó điều chỉnh, hậu quả là dễ tử vong.

Nhận biết trẻ bị hạ thân nhiệt

Ðo nhiệt độ ở nách thấp, dưới 36,5oC (không cần cộng thêm 0,5oC) hoặc sờ chân trẻ thấy lạnh.

Phòng chống

- Tránh mất nhiệt: Nhiệt độ phòng tối thiểu là 25oC và không có gió lùa. Giường sơ sinh phải vừa vặn, nệm giường ấm áp, khô ráo. Trẻ cần được mặc áo, quấn tã, đội nón, mang găng, mang vớ và đắp chăn vừa vặn, khô ráo. Thay tã ngay khi ướt. Không tắm trẻ ít nhất 6 giờ sau sinh, chỉ tắm khi thân nhiệt đã ổn định. Khi tắm cho trẻ, cần tắm bằng nước ấm, tắm từng phần và nhanh chóng. Nhất là phải cho bú đầy đủ để trẻ không bị đói.

- Cung cấp nguồn nhiệt: Tốt nhất là tiếp xúc da qua da (Phương pháp bà mẹ Kangaroo) cho trẻ sinh non, nhẹ cân. Ðây là một phương pháp đơn giản, hiệu quả, an toàn, có thể thực hiện tại nhà. Ngoài ra, đối với những trẻ bệnh bị hạ thân nhiệt nặng dưới 36oC, cần sử dụng lồng ấp, giường sưởi ấm hoặc đèn sưởi (dùng trong bệnh viện).

Tránh

-  Tắm cho trẻ ngay sau sinh, nhất là tắm bằng bia cho sạch chất gây (là lớp chất trắng bám trên da trẻ vừa sinh) vì chất gây là lớp chất béo cách nhiệt giữ cho trẻ không bị lạnh và bảo vệ da tránh tổn thương.
- Ủ ấm trẻ bằng chai nước nóng, hòn đá nóng (dễ gây phỏng).
- Cho trẻ nằm hơ trên than để chống lạnh theo tập quán (vì dễ gây ngạt thở do hít khí CO - Carbon monoxide - là một chất khí độc trong khói than, và có thể gây sưng tấy vùng lưng rất nguy hiểm.
- Quấn trẻ quá chặt hoặc quá nhiều lớp chăn vì có thể gây ngạt thở.

Phương pháp Bà mẹ Kangaroo

Dựa trên nguyên tắc tiếp xúc da trẻ với da bà mẹ để duy trì thân nhiệt trẻ từ hơi ấm liên tục của mẹ. Ðược áp dụng cho trẻ sinh non hoặc nhẹ cân không còn vấn đề bệnh lý nặng.

Ưu điểm:

- Phương pháp Bà mẹ Kangaroo giúp ổn định thân nhiệt trẻ một cách hiệu quả do sử dụng nguồn nhiệt ổn định, an toàn từ cơ thể người lớn, kích thích trẻ thở đều từ cử động hô hấp của lồng ngực bà mẹ.
- Giúp trẻ bú mẹ dễ dàng thuận tiện.
- Tăng tình cảm mẹ - con, giúp trẻ phát triển thần kinh tốt hơn sau này.

Thực hiện:

- Bà mẹ ngồi dựa lưng vào thành ghế hoặc tư thế nửa nằm nửa ngồi. Trẻ để trần, chỉ mặc tã và đội mũ. Giữ trẻ nằm sấp trên ngực mẹ, cho da trẻ tiếp xúc với da mẹ. Giữ thẳng đầu cổ và thân của trẻ để tránh tắc nghẽn đường thở. Bà mẹ che cho trẻ bằng chính áo của mình và thêm một khăn choàng hay chăn. Nếu bà mẹ đi lại trong phòng, nên đeo thêm một đai thắt lưng để giữ trẻ đúng tư thế.

- Cho trẻ tiếp xúc da qua da với mẹ liên tục cả ngày và đêm. Những người thân có thể làm biện pháp này thay cho người mẹ.

- Nếu không có người thay thế, trẻ có thể được ủ ấm bằng chăn và đặt ở nơi ấm áp khi mẹ có việc bận rộn.

ThS-BS. Phạm Thị Thanh Tâm, Sức khoẻ & Đời sống

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Bí quyết luyện trí nhớ tốt (12/08/2003)
Thoái hoá liên mỏm khớp ở phụ nữ loãng xương (12/08/2003)
''Chuyện ấy'' có làm bạn thiếu nước? (12/08/2003)
Xử trí xoắn thừng tinh (11/08/2003)
Công dụng của cao khỉ (11/08/2003)
Bị tiểu đường có phải vì thừa cân? (08/08/2003)
Vì sao đàn ông đau khi chăn gối? (08/08/2003)
Khi nào không được tiêm chủng cho trẻ? (08/08/2003)
Bệnh nấm da đầu (07/08/2003)
Tự chữa đại tiện ra máu (07/08/2003)
Mang thai, có thể đi công tác xa? (07/08/2003)
Phòng ngừa sốc phản vệ gây tử vong (07/08/2003)
Tại sao phụ nữ hay bị viêm bàng quang? (07/08/2003)
Dị dạng đường tiết niệu gây nhiễm trùng tiểu - bệnh bẩm sinh dễ bị bỏ quên (06/08/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang