Dùng thuốc an toàn cho phụ nữ mang thai
15:32' 02/09/2003 (GMT+7)
Dù đã có nhiều cảnh báo về tai biến của thuốc với người có thai (kể cả nguy cơ sinh quái thai), tỷ lệ thai phụ dùng thuốc vẫn cao: cứ 2 người có thai lại có đến 1 người dùng thuốc. Do thuốc gây nhiều tác dụng phụ cho bản thân thai phụ, bào thai, trẻ sơ sinh sau khi đẻ và trẻ bú mẹ, bà mẹ tương lai nào cũng cần học cách dùng thuốc an toàn.
Thai phụ cần tránh dùng một số thuốc vì sự an toàn của thai nhi.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng các thai phụ dùng thuốc thiếu an toàn: các bà mẹ tự uống thuốc không có đơn của thầy thuốc: thường là các thuốc cảm, thuốc ho, thuốc nhuận tràng, giảm đau, an thần. Hoặc uống thuốc mà không biết mình có thai. Hoặc biết có thai nhưng vẫn phải uống thuốc liên tục kéo dài để chữa một căn bệnh mãn tính nào đó như bệnh động kinh, bệnh tiểu đường.

Chính vì không chủ động được, vì thiếu thông tin nên đã dùng thuốc trong giai đoạn có thai không thích hợp, càng dễ gây tai biến, có khi tai biến lại nặng nề hơn.

Dược động học mẹ - con

Ở phụ nữ có thai có một số biến đổi về dược động học của thuốc qua các giai đoạn: hấp thu, chuyển hóa, thanh lọc. Thuốc qua nhau thai có những biến đổi hóa học do nhau thai theo cơ chế bị động và chủ động.

Ở thai nhi, những đặc điểm về dược động học thường là:

- Sự phân phối có hạn vì tùy thuộc vào tuần hoàn của thai nhi.
- Ðược tạo ra nhiều chất chuyển hóa hoạt động nhiều hơn ở cả người lớn.
- Từ tháng thứ 3: thuốc được bài tiết theo nước tiểu nhưng cũng ứ đọng lại trong cơ thể thai nhi.

Các tai biến với thai nhi


Thuốc ngấm vào thai nhi gây tai biến cho thai nhi. Các tai biến cũng khác nhau, tùy từng giai đoạn phát triển của thai nhi. Nhưng qua nghiên cứu người ta thấy ở giai đoạn nào, thai nhi cũng chịu những tác hại của thuốc. Nhưng ở giai đoạn sớm từ ngày thứ 8 đến tuần lễ thứ 8-10 sau khi thụ thai, bào thai đang phát triển, nếu phải chịu tác động của chất độc, sẽ dễ bị dị dạng ở các chi, có khi khiếm khuyết chi và trường hợp đặc biệt có khả năng thành quái thai.

Thuốc có khả năng gây quái thai


Qua nghiên cứu gần đây, người ta đã xác định được một số thuốc sau đây có khả năng gây quái thai cho thai nhi:

- Thuốc chống ung thư, có đặc điểm độc với tế bào (cytotoxique)
- Thuốc chữa bệnh da liễu như (thalidomide, roaccutane = isotrétinoine, soriatane = acitrétine).

Những loại thuốc này không những chống chỉ định với phụ nữ có thai mà còn cấm dùng với những phụ nữ trẻ đang ở tuổi sinh đẻ. Tai biến đối với thai nhi đều có thể xảy ra kể cả liều nhỏ và thời gian sử dụng ngắn ngày.

Tác dụng đối với thai nghén của những thuốc thường dùng

Bất cứ đơn thuốc nào kê cho phụ nữ có thai đều phải thận trọng vì không có ai lường trước được tác dụng bất thường của thuốc đối với thai nhi và phụ nữ có thai.

Ðể hạn chế những tác dụng có hại cho thai và cho mẹ, nên cẩn thận khi sử dụng một số thuốc sau đây:

- Trong số steroid nội tiết thì không nên dùng các nội tiết nam (androgènes) và nội tiết tổng hợp (progestatifs de synthèse) vì có tác hại tới thai nhi giới tính nữ.
- Trong nhóm kháng sinh không nên dùng:
    . Các cycline: độc cho gan
    . Chloramphenicol: tác hại đến hệ tạo máu
    . Streptomycin, kanamycin: ảnh hưởng dây thần kinh số VIII (thính giác)
    . Tetracyclin vừa có hại cho men răng, vừa làm cho trẻ sơ sinh chậm lớn.
    . Thuốc điều trị lao thì không nên dùng rifampicin
- Không nên dùng các sulfamid nhất là sulfamid chậm
- Không nên dùng thuốc lợi niệu mạnh với liều cao vì làm hạ kali máu của mẹ, có hại cho thai nhi, dễ đẻ non.
- Các thuốc corticoid gây hạ đường huyết cho trẻ sơ sinh.
- Không nên dùng các thuốc chống đông vì dễ gây chảy máu sau nhau thai.

Mẹ cho con bú dùng thuốc thế nào?

Người mẹ đang cho con bú (hoặc người cho trẻ bú) dùng thuốc có thể làm thay đổi cơ cấu của sữa và gây hại cho trẻ.

- Thuốc vào sữa: Tất cả những chất thuốc và hiểu rộng ra cả các chất do người mẹ đưa vào cơ thể như rượu, nicotin... đều có thể vào sữa mẹ cả khi đi qua các màng sinh học.

- Thuốc và trẻ em: Tác dụng của thuốc đối với trẻ em tùy thuộc vào các yếu tố sau đây:
    . Bản chất của thuốc và các thành phần chuyển hóa.
    . Nồng độ của thuốc trong sữa.
    . Nồng độ trong máu được cháu bé hấp thụ.
    . Sự nhạy cảm của cháu bé.

Trong phần lớn các trường hợp, nồng độ trong máu không cao nhưng có khi chỉ các vệt thuốc (traces médicamentenses) cũng có thể gây hậu quả xấu. Ví dụ, người mẹ sử dụng thuốc an thần, gây ngủ có thể ảnh hưởng đến thần kinh con, dùng thuốc nhuận tràng có thể khiến con bị tiêu chảy...

Vì vậy, khi còn cho bé bú, khi dùng thuốc, người mẹ phải hết sức cẩn thận.

Lưu ý thầy thuốc khi kê đơn

- Luôn luôn chú ý sử dụng thứ thuốc không gây hại đã biết theo kinh nghiệm nhiều năm đối với người mẹ.
- Với loại thuốc chưa nắm chắc độc tính, chỉ định thì phải tra cứu sách sử dụng thuốc, từ điển dược, không được tùy tiện.
- Liều lượng phải hợp lý, tránh dùng liều cao và dài ngày.
- Cần khuyên người mẹ không nên hút thuốc lá, uống rượu, cà phê.
- Nếu thấy có gì bất thường ở cháu bé thì tạm thời ngừng ngay việc cho bé bú mẹ, nếu nghi ngờ có độc hại cần rút bỏ sữa mẹ.

GS. Lê Sĩ Liêm, Sức khoẻ & Đời sống

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Để trẻ nhỏ thoát nguy cơ béo phì (02/09/2003)
10 bí quyết giúp con bắt đầu năm học mới không stress (02/09/2003)
Điều trị bệnh nhược cơ (01/09/2003)
U sụn (01/09/2003)
Băn khoăn thường gặp khi dùng thuốc tránh thai (01/09/2003)
Để người phụ nữ hấp dẫn hơn bạn tình (31/08/2003)
Ăn nhiều mỡ động vật có thể bị ung thư vú (30/08/2003)
Trẻ em có thể điếc vì tiếng ồn trường học (29/08/2003)
Chống suy giảm tình dục bằng nhân sâm (29/08/2003)
Muốn răng tốt, phải chăm sóc từ khi mọc răng (28/08/2003)
Phụ nữ bị lãnh cảm do đâu? (28/08/2003)
Sao mỗi người nói một khác về tuổi thai? (28/08/2003)
Đình chỉ kinh nguyệt có hại hay không? (27/08/2003)
Cấp cứu ngộ độc hoá chất diệt côn trùng (27/08/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang