Đau mỏm cụt sau cắt bỏ chi
06:46' 29/09/2003 (GMT+7)

Hỏi: Tôi 37 tuổi, 5 tháng trước bị tai nạn giao thông phải cưa đến giữa ống chân trái. Sau đó vết mổ liền hết, nhưng ở mỏm cụt vẫn thường xuyên bị đau. Thầy thuốc nói là đau sẽ hết sau vài năm. Xin cho biết nguyên nhân và cách khắc phục.

Trả lời: Trong tất cả các biến chứng của phẫu thuật cắt cụt chi, đau mỏm cụt gây ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ và sinh hoạt của người bệnh. Hiện tượng này được chia làm 2 giai đoạn:

- Mỏm cụt đau sau mổ do tổn thương phẫu thuật, do phù nề. Chứng đau này sẽ hết sau 10-15 ngày khi vết mổ đã được cắt chỉ và liền sẹo.
- Mỏm cụt đau muộn: đau kéo dài quá 3 tháng kể từ ngày mổ cắt cụt chi. Các nguyên nhân thường gặp bao gồm: chi giả không phù hợp với mỏm cụt, da phù nề nhiễm khuẩn phản ứng với chi giả; trồi xương, viêm xương, viêm hoạt mạc dưới da; giảm tuần hoàn cục bộ tại mỏm cụt; u thần kinh. Đối với các trường hợp do nguyên nhân đã nêu, thầy thuốc sẽ hướng dẫn cho bệnh nhân cách dự phòng hoặc phẫu thuật lại.

Có hai tình trạng đau mỏm cụt không rõ nguyên nhân và vấn đề điều trị phức tạp hơn:

- Đau cháy:
cảm giác đau dữ dội như xé, như châm chích ở mỏm cụt làm người bệnh không ngủ được, mất tinh thần. Da ở mỏm cụt căng bóng, cơn đau có thể làm mỏm cụt co giật liên hồi, nguời bệnh chỉ muốn cắt bỏ khúc cụt ngay. Nhưng nếu có cắt lại, cơn đau vẫn hoành hành dữ dội như cũ. Đau tăng lên khi người bệnh bị xúc động hoặc sờ nắn vào mỏm cụt và sẽ làm giảm đi rõ rệt khi thực hiện phong bế thần kinh giao cảm, vì cơn đau luôn có kèm theo rối loạn vận mạch và dinh dưỡng. Cách điều trị là tác động lên hệ thần kinh giao cảm bằng thuốc hay phẫu thuật. Ví dụ: phong bế thuốc tê vào gốc chi, vào mỏm cụt hoặc vào mạch máu chính của chi.

- Chi ma đau: là cảm giác vẫn còn cẳng bàn chân sau khi đã cắt bỏ. cảm giác chi ma chỉ có khi người bệnh tự ý thức về thân thể của mình, tuổi càng trẻ càng mau mất cảm giác chi ma. Cảm giác đau ở chi ma xuất hiện có thể ngay sau mổ hoặc muộn hơn một chút, người bệnh đau như co rút, đau tăng khi sờ nắn hoặc thay đổi tư thế của mỏm cụt; đau thường xuyên xuất hiện khi mệt, lo buồn, xúc động; ho, đại tiểu tiện cũng đau.

Nhìn chung, chi ma đau có 2 loại:
- Loại ngoại biên do đau tại mỏm cụt, cảm giác đau sẽ mất nếu gây tế tuỷ sống, hướng chữa trị là xem lại mỏm cụt và giải quyết các rối loạn tại mỏm cụt.
- Loại trung ương không giảm đau khi gây tê tuỷ sống, hướng xử trí trong trường hợp này là phẫu thuật vào vùng cảm giác gây đau ở tuỷ sống và não.

ThS. Phạm Quang Trung, Khoa học & Đời sống

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Khi nào uống vitamin? (26/09/2003)
Chống hạ can xi huyết ở trẻ nhỏ (26/09/2003)
Trẻ em đục nhân mắt, chỉ còn cách phẫu thuật (26/09/2003)
Xử lý lỗ rò túi lệ (25/09/2003)
Một số thuốc giảm đau làm tăng nguy cơ sẩy thai (24/09/2003)
Chữa viêm họng bằng thuốc nam (24/09/2003)
Chữa á sừng lòng bàn tay, chân (24/09/2003)
Hạn chế chứng đau gáy - vai - cánh tay (24/09/2003)
Đột quỵ có di truyền không? (23/09/2003)
Chăm sóc trẻ ngay sau đẻ (23/09/2003)
Ăn chay trường có tốt cho sức khoẻ? (23/09/2003)
Phát hiện sớm bệnh suy thoái cơ (23/09/2003)
Ðể trẻ ngủ ngon hơn (22/09/2003)
Lạm dụng các loại thuốc chống ngạt mũi, hậu quả gì? (22/09/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang