Có thể thay đổi cặp ghép gan đầu tiên ở VN
18:59' 05/01/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - ''Hai cặp đầu tiên được chọn ghép gan vẫn chưa được quyết định. Kết quả phải phụ thuộc vào xét nghiệm của GS. Masatoshi Makuchii, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật gan mật và Trung tâm ghép gan của ĐH Tokyo - Nhật Bản gửi về'', TS. Lê Trung Hải, Chủ nhiệm khoa phẫu thuật bụng, một thành viên Hội đồng ghép gan, cho VietNamNet biết như vậy.

Một ca phẫu thuật tim hở cho trẻ em ở Viện Nhi trung ương

Theo dự kiến hồi tháng 11/2003, sẽ có 2 cặp được chọn tiến hành ca ghép gan đầu tiên tại Việt Nam là Phan Hữu Minh (40 tuổi) bị xơ gan và người cho gan là vợ anh. Bệnh nhân thứ 2 là Lương Thị Tốt (44 tuổi) ở Hà Nam, bị u gan và người cho gan là người chồng. Sau khi làm những xét nghiệm cần thiết, đã có sự thay đổi về ca ghép gan đầu tiên.

2 trường hợp được chọn ghép gan có thể thay đổi

Hai trường hợp được chọn ghép là cháu Nguyễn Thị Diệp, 10 tuổi, ở Hải Hậu, Nam Định, bị teo đường mật bẩm sinh, đã được phẫu thuật nối ruột từ lúc 3 tháng tuổi, gan xơ, đang bị chảy máu đường tiêu hóa. Người cho gan là ông nội hoặc bố cháu. Bệnh bệnh nhân thứ hai là ông Lê Đông Anh, 50 tuổi ở Hà Nội, bị ung thư gan đã thực hiện nút mạch 2 lần để ngắt đường máu tới nuôi khối u. Người cho gan là con trai.

Cũng theo dự kiến ban đầu, hai ca ghép gan sẽ được tiến hành 2 ngày sát nhau là 31/1 và 1/2 nhưng thời gian mổ đã có sự thay đổi. Ca đầu tiên vẫn tiến hành phẫu thuật vào ngày 31/1 nhưng trường hợp thứ hai phải đến 11/2. Lý do thay đổi ngày là do GS. Masatoshi Makuchii phải về Nhật sau ca mổ đầu tiên. Hơn nữa, khoảng cách giữa hai ca đại phẫu này hoàn toàn phù hợp vì các GS, bác sĩ có thời gian nghỉ ngơi và rút kinh nghiệm.

Ngoài những bệnh nhân được chọn mổ chính lần này, còn có 2 trường hợp dự bị là cháu Vũ Thành Long, 13 tuổi, ở Quảng Ninh, bị cường lách, viêm gan B, suy gan và đã điều trị gần 10 năm liên tục ở Bệnh viện Nhi Trung ương nhưng không khỏi bệnh. Người cho gan là bố hoặc bác ruột. Trường hợp thứ 2 là Phan Hữu Minh (người được chọn ghép gan chính theo dự kiến ban đầu). Người cho gan là em họ.

GS. Lê Thế Trung, Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo ghép gan Học viện quân y, cho biết, những trường hợp được chọn đều phù hợp và đáp ứng được các điều kiện đặt ra. Có thể ít nhất có 1 trẻ em được phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu sau khi làm tất cả các xét nghiệm, những cháu bé được chọn không phù hợp cũng bị loại bỏ. Bệnh nhân ghép gan phải có bệnh lý gan giai đoạn cuối như xơ gan, suy gan, teo đường mật... không thể dùng các biện pháp khác can thiệp ngoài phẫu thuật để cứu sống. Người cho gan phải có gan tốt. Nếu người lớn cho trẻ em thì tốt hơn, bởi người cho gan không được quá 70% gan của mình.

Hiện bệnh nhân nhỏ tuổi được lưu ý hơn do tỷ lệ thành công cao hơn người lớn. Hơn nữa, nếu người cho gan là người lớn chỉ cần một phần gan. Cơ hội sống khỏe mạnh là rất lớn. Quá trình phẫu thuật cũng thuận lợi hơn.

Công tác chuẩn bị đã sẵn sàng

Để tiến hành những ca ghép gan đầu tiên, Hội đồng tiến hành ca ghép gan đã có nhiều lần họp lựa chọn bệnh nhân, chuẩn bị trang thiết bị cũng như làm các xét nghiệm cần thiết. Kinh phí cho mỗi ca ghép gan là 1 tỷ đồng và bệnh nhân sẽ được miễn phí. Thời gian tiến hành một ca khoảng hơn 10 tiếng đồng hồ. Khi triển khai ghép cặp gan đầu tiên tại Học viện Quân y sẽ có sự hỗ trợ thêm về trang thiết bị, thuốc của các giáo sư Nhật Bản và labo thực nghiệm miễn dịch của ĐH ULB Vương quốc Bỉ.

Hai ca đầu tiên do GS Nhật Bản, Masatoshi Makuchii và 4 chuyên gia khác của Nhật cùng các GS, bác sĩ của Việt Nam thực hiện. Ca ghép gan này dự kiến tiến hành ở khoa Phẫu thuật tạo hình, Học viện Quân y (Hà Nội), với 4 buồng mổ.

Chỉ còn 3 tuần nữa, ca ghép gan đầu tiên sẽ diễn ra. Đến nay, các khâu chuẩn bị đã được Học viện quân y hoàn thành. Bệnh nhân đang được điều trị tại Học viện quân y 103 và làm các xét nghiệm cần thiết (khoảng trên 50 xét nghiệm), 60/90 loại thuốc cần cho ca ghép gan đã được Học viện quân y trang bị. Từ nay đến hôm tiến hành phẫu thuật, số thuốc còn lại sẽ được bổ sung đầy đủ. Đặc biệt, ca phẫu thuật cần khá nhiều máu, do đó 150 học viên của Học viện quân y sẽ tình nguyện hiến 30 lít máu.

Mặc dù đã thành công ở những ca ghép thận của người và những ca ghép gan thực nghiệm trên lợn (hơn 80 con lợn) nhưng trước khi tiến hành ca đại phẫu, Hội đồng ghép gan phải trải qua 2 ca diễn tập vào ngày 12 và 28/1.  Ca diễn tập nhằm thử vận hành các thiết bị máy móc, sắp xếp vị trí đứng của mỗi người, xử lý tình huống khẩn cấp trong ca mổ, khớp đội hình...

Để ca phẫu thuật tiến ra thành công, Hội đồng ghép gan đã chia các kíp mổ rất cụ thể. Ngoài những kíp chính là mổ, cắt gan và ghép gan, còn có các kíp chỉ huy, điều hành mổ, vi phẫu thuật, hồi sức. Các GS, bác sĩ tham gia ca ghép gan đều là những người có kinh nghiệm và từng tham gia các ca ghép thận thành công của Việt Nam.

Theo GS.Lê Thế Trung: ''Sau khi bàn giao công nghệ tốt chúng ta mới có thể tiến hành ghép gan đại trà. Như kỹ thuật ghép thận, phải đến ca thứ 9 chúng ta mới có thể tự ghép được. Thành công của kỹ thuật này sẽ là sự đáp ứng lòng mong mỏi của nhiều bệnh nhân mắc bệnh gan, mật''.

  • Lệ Hà

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Hơn 30.000 người nghèo tìm thấy... ánh sáng (05/01/2004)
“P/S bảo vệ nụ cười Việt Nam” đến Điện Biên (05/01/2004)
Xét nghiệm công thức máu nói lên điều gì? (04/01/2004)
Thêm một sản phẩm sữa mới dành cho trẻ em (02/01/2004)
7 triệu chứng không nên bỏ qua (02/01/2004)
Kỹ thuật mới phẫu thuật u tuyến yên (02/01/2004)
Sản phẩm dinh dưỡng mới cho trẻ (02/01/2004)
''Hoãn niêm yết giá thuốc là hợp lý'' (01/01/2004)
Chưa thực hiện niêm yết giá thuốc từ 1/1/2004 (30/12/2003)
Nhận biết sớm các biểu hiện của cơn đau tim (30/12/2003)
Chỉ còn 0,17% dân số mắc bệnh sốt rét (29/12/2003)
Năm 2003 cả nước xảy ra 133 vụ ngộ độc (29/12/2003)
Hy vọng mới cho bệnh nhân ung thư vú (29/12/2003)
Lời khuyên cho người mới được chẩn đoán nhiễm HIV (29/12/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang